Hôm rồi, tôi trò chuyện với anh bạn về chủ đề sự trưởng thành nội tại. Anh bảo tôi rằng trải nghiệm sẽ khiến con người ta trưởng thành. Nhưng tôi bảo anh rằng, trải nghiệm là một phần, và đôi khi nó khiến con người ta đánh đồng với việc càng trải nghiệm, càng trưởng thành, nhưng thực tế lại chỉ mang tính số lượng. Tôi đã gặp biết bao nhiêu người đi hàng chục quốc gia khác nhau, gặp gỡ hàng trăm hàng ngàn con người khác nhau, nhưng về sức mạnh nội tại, về sự hấp dẫn bên trong, về sự trưởng thành, họ lại không có. Tất cả chỉ mang tính bề mặt. Và năng lượng bề mặt thì ta cũng dễ nhận ra mà thôi. Và thế, tôi bảo anh rằng, có lẽ chính chiêm niệm sau mỗi trải nghiệm khiến con người ta trưởng thành thật sự. Hay, tôi gọi đó là trầm tư mặc tưởng. 
Trầm tư mặc tưởng là một trạng thái thể hiện việc quay về bên trong và đi sâu nội tại tìm ra căn nguyên cặn kẽ vấn đề. Hoặc đôi khi chỉ đơn thuần là tĩnh lặng ngồi đó, đi dạo trong công viên, và ngắm nhìn vạn vật. Một sự quan sát bên trong mình và đi đến việc hiểu những gì đã diễn ra. Trầm tư mặc tưởng là một quá trình quan sát, cảm nhận và đi sâu. Quá trình đó không bao giờ định kiến và phán xét. Quá trình đó là có suy nghĩ nhưng suy nghĩ đó là nhằm mục đích đi sâu bản chất, chứ không phải để tạo nên một phản lực khiến vấn đề trở nên rối rắm hay phức tạp. 
Tôi cho trầm tư mặc tưởng giống như một sự phản tỉnh, tức nhìn vào những lỗi lầm để tu sửa, một sự đánh thức chính mình mà ai ai cũng cần. Một tĩnh lặng giữa chốn xô bồ. Một dừng chân ý thức thay vì bước đi tiếp trong vô thức. Đó có thể là một trạm nghỉ, nhưng thực chất trạm nghỉ này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thêm chiều sâu cho nội tại. Nếu không có trạm nghỉ này, thì chiều sâu đó không được bộc lộ, không xuất hiện, nói đúng hơn là nó bị bỏ qua vì tính nhanh vội của lữ khách. Vì lữ khách thường bị lôi cuốn bởi hành trình bề ngoài và lảng tránh hành trình bề trong. Bề ngoài hấp dẫn hơn, sáng láng hơn, bề trong thường tối tăm và ít mang tính giải trí. Nhưng thực chất, càng đi vào bên trong, con người mới cảm nhận được tính giải trí này ở bậc cao, rất mạnh mẽ. Hành thiền là một ví dụ thể hiện rõ tính giải trí bậc cao ấy. Trầm tư mặc tưởng cũng vậy, một sự dừng chân đầy thảnh thơi và tao nhã nơi tâm thức.