(nghe chuyện cũ).

lớp tôi có bài tập, thầy kêu tụi em đi làm lịch sử đi. lịch sử nghe truyền miệng nó mới thú.
thế là tôi khăn gói đi tìm nhân vật chịu kể chuyện lịch sử cho mình nghe. rồi tôi tìm được mẹ của một cô người quen.
mười tám tuổi, bà thoát ly, đi hẳn theo cách mạng, ở trong quân khu, bà làm công việc hậu cần, học y tá, cưới chồng, sinh con.
tôi tự hỏi sao một người có thể làm từng ấy việc, trong một thời gian đầy biến động như thế.
bà nói với tôi, một tháng chỉ có một kí rưỡi xà bông thôi, bà nhắc lại đến hai ba lần chi tiết ấy. một ký rưỡi, để tắm giặt và làm những việc cá nhân. một ký rưỡi xà bông với một người phụ nữ, tôi đồ rằng có vẻ là ít.
bà còn kể cho tôi nghe chuyện bà đi Đại hội của khu ủy, bà thấy thịt bò thịt heo treo đầy trên xà nhà, bà không biết phải làm ra sao. bởi hồi ở nhà, bà không có thời gian để học nữ công gia chánh. bà phải ra ngoài đồng làm ruộng thay các anh bà đã chết vì bệnh tật.
tôi nhận ra, bà rất chân thật.
bà sống với lí tưởng của mình. bà muốn mang lại hòa bình cho quê hương. bà muốn quê nhà không còn bóng dáng chiến tranh. bà đã làm được điều đó.
sau ngày giải phóng, bà về làm cho nhà nước. lương một tháng hai mươi đồng chẵn, đủ xoay sở và cho con đi học. bà có bốn người con, ba trai, một gái. buổi sáng bà chỉ huy các con trèo lên cây trứng cá để hái trái cây mang đi bán.
tôi khựng lại. tại vì giờ đây chẳng ai ăn trứng cá nữa, bán lại càng không. nhưng thời ấy là vậy, thời của bà là vậy.
bà rất hay cười với tôi, bà dí dỏm kể lại những kỷ niệm vui, ngày đầu tiên gặp ông xã, ngày bà ra chợ bán tương chao cho mẹ chồng, mà phải bưng gánh đi vội về không cả lấy tiền vì gặp phải người quen bên lính Quốc Gia.
à, bà gọi những người bên kia là người "Quốc Gia", còn đồng chính là "người mình". đủ khách quan, đủ bao dung, đủ chân tình.
lúc ra về, tôi nghe con cá trong hồ quẫy.
tán cây trên đầu, bóng nắng rọi xuống một màu xanh.
giờ thì tôi phải đi "rã băng" để làm bài tập cho thầy = ))