Tình trạng thiếu hụt thuốc y tế tại Đức
Kháng sinh, siro hạ sốt - và giờ đến cả nước muối sinh lý: Trong nhiều năm qua, một số loại thuốc ở Đức và Liên minh Châu Âu đã gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Việc tìm ra giải pháp là rất khó khăn.
Nước muối sinh lý
Loại dung dịch này chỉ có giá vài cent nhưng hiện đang trở nên khan hiếm ở các bệnh viện và hiệu thuốc tại Đức, trong khi nó rất cần thiết cho các ca phẫu thuật, rửa vết thương và truyền dịch. Theo ông Thomas Preis, Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Nordrhein, tình hình trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây. Ông cảnh báo trên tờ "Rheinische Post" xuất bản ở Düsseldorf rằng: "Vấn đề này đã tồn tại ở các bệnh viện trong nhiều tháng, bây giờ nó còn ảnh hưởng đến việc cung cấp thuốc cho các bệnh nhân ngoại trú."
Bộ Y tế bang Nordrhein-Westfalen xác nhận tình trạng thiếu hụt. Theo đó, các bệnh viện ở NRW và Đức chỉ nhận được khoảng 80% nhu cầu trong vài tháng qua, và gần đây chỉ còn khoảng 50%. Theo Viện Thuốc và Sản phẩm Y tế Liên bang (BfArM), tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài tháng nữa.
Một vấn đề chưa bao giờ cũ
Trong những năm gần đây, Đức đã nhiều lần đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc như kháng sinh và thuốc dành cho trẻ em. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng: Theo một cuộc khảo sát vào mùa xuân năm 2024 với các thành viên của Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa và Thanh thiếu niên, khoảng một phần ba số người tham gia cho rằng chất lượng điều trị bị đe dọa bởi tình trạng này.
Ngoài ra, cuộc khảo sát còn cho thấy điều này khiến cho quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn, do các bác sĩ phải kiểm tra trước xem loại thuốc nào có sẵn. Tổng cộng, Hiệp hội Dược sĩ Đức đã thống kê có khoảng 500 loại thuốc kê đơn khác nhau không được cung cấp đủ.
Cái giá của nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc và Ấn Độ
Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt rất phức tạp, cũng giống như quy trình sản xuất thuốc ngày nay. Trước đây, Đức với các công ty dược lớn như Bayer, BASF, Boehringer Ingelheim hay BioNTech từng được coi là "hiệu thuốc của thế giới", nhưng giờ đây các bước sản xuất đã phân tán và tản ra khắp toàn cầu - tạo ra chuỗi cung ứng dài và dễ bị gián đoạn.
Phần lớn các hoạt chất hiện nay được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Ở đó, không chỉ mức lương thấp hơn, mà các quy định về môi trường cũng ít nghiêm ngặt hơn so với ở châu Âu. Để có thể cung cấp các hoạt chất với giá rẻ hơn nữa, việc sản xuất hàng loạt và độc quyền được áp dụng. Điều này có nghĩa là: ngày càng ít nhà cung cấp hơn, nhưng lại sản xuất với số lượng lớn hơn. "Ví dụ, trước đây chúng ta có mười nhà cung cấp siro hạ sốt paracetamol, giờ đây chỉ còn một nhà cung cấp chính", giáo sư David Francas, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học Worms, giải thích với DW.
"Chúng ta giờ đây phụ thuộc vào số ít nhà sản xuất. Và khi một trong số họ gặp sự cố, toàn bộ chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng", giáo sư Ulrike Holzgrabe, chuyên gia về hóa dược và y học tại Đại học Würzburg, giải thích với DW. "Khi có những sự cố nhỏ xảy ra trong quá trình vận chuyển, như việc cảng Thượng Hải đóng cửa trong đại dịch COVID-19 hay sự cố tàu bị mắc kẹt ở kênh đào Suez - thì hàng hóa không thể đến được với chúng ta."
Tìm kiếm giải pháp là không hề đơn giản
Bên cạnh các khó khăn của việc phân chia quy trình sản xuất, lượng tồn kho thấp và việc bảo đảm sản xuất đúng thời điểm cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề. Những sai sót ở các khâu này sẽ không thể bù đắp kịp thời cho cả dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, theo các chuyên gia việc bổ sung hàng tồn kho lại rất tốn kém. Kho lưu trữ rất tốn tiền - và cũng không chắc các thứ thuốc trong kho có thể bán được không. Sự biến động trong nhu cầu là rất lớn: Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu tại Infectopharm đã giảm mạnh, vì việc đeo khẩu trang cũng dẫn đến sự giảm mạnh các loại bệnh truyền nhiễm khác. Công ty đã phải tiêu hủy những loại siro kháng sinh cho trẻ em đắt tiền vì không thể bán được. Hai năm sau, nhu cầu lại tăng cao trở lại.
Vấn đề về giá trở nên đặc biệt gay gắt khi nói đến thuốc generic. Thuốc generic được gọi là bản sao của thuốc biệt dược và chiếm khoảng 70 đến 80% nhu cầu mua. Holzgrabe cho biết: “Lợi nhuận cho những sản phẩm như vậy là cực kỳ thấp”. Các hợp đồng chiết khấu và các thỏa thuận khác đã được đưa vào hệ thống y tế Đức nhiều năm trước, khiến các nhà sản xuất phải sản xuất càng rẻ càng tốt.
Đây không phải là lý do duy nhất khiến việc di dời sản xuất trở lại EU gặp khó khăn. Việc sản xuất hóa chất tinh khiết cho hoạt chất cũng trở nên phức tạp. Holzgrabe cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống luật về môi trường mà gần như không còn khả năng cho phép điều đó”. Trong mọi trường hợp, đây sẽ không phải là giải pháp cho mùa đông sắp tới. Chuyên gia chuỗi cung ứng Francas cho biết: “Phải mất ít nhất 5 năm để tái định cư các cơ sở sản xuất”.
Tác giả: Stephanie Höppner, 8/10/
Nguồn:
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất