Bạn có biết rằng, loài người đã xuất hiện khoảng 6 triệu năm trước, và trong 99.99% khoảng thời gian gian tồn tại đó, cuộc sống của loài người hoàn toàn khác xa so với những gì chúng ta đang trải qua. Trong lịch sử loài người, chưa bao giờ chúng ta được sống trong một xã hội văn minh, hiện đại và phức tạp như bây giờ. Các thể chế xã hội lần lượt xuất hiện, bùng nổ sau đó bị vùi lấp. Chúng ta mất hàng thế kỉ để đấu tranh giành lấy sự tự do: tự do trong kinh tế, tự do văn hóa, tự do chính trị, tự do trong cá nhân mỗi người. Kết quả là, có vẻ như sự đủ đầy về vật chất và thoải mái về tinh thần đang dần khiến cho nhiều người mất đi ý thức về sự tồn tại và nguồn gốc của chính bản thân.
Hình đẹp thì chèn vô thui, không có ý nghĩa gì đặc biệt :p
Sứ mệnh của mỗi chúng ta là gì? Bạn đã bao giờ nghĩ mình có thể làm gì đó cho nền văn mình nhân loại chưa? Trước khi bạn trả lời, bạn nên biết tới có một quy luật gọi là quy luật sức mạnh (power law), còn được biết đến một cách rộng rãi hơn dưới tên gọi quy luật 80-20, được nghiên cứu và đề xuất bởi nhà kinh tế học Pareto nằm 1906, nói rằng tồn tại rất nhiều sự kiện, khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra, dù cho trong nhiều trường hợp sự phân chia thậm chí còn khắc nghiệt hơn thế. Có thể bạn không tin, nhưng quy luật sức mạnh gần như được áp dụng vào mọi thứ: 20% dân số của Italy sở hữu tới 80% lượng đất của quốc gia này, một vài trận động đất lớn nhất có sức tàn phá gấp nhiều lần tất cả các trận động đất khác từ trước tới nay, một vài thành phố có lượng dân số lớn hơn tổng số của toàn bộ những thành phố nhỏ, 20% người giàu ở các nước phát triển sở hữu tới 66% tổng GDP của toàn thế giới. Tương tự như vậy, trải qua hàng triệu năm tiến hóa và phát triển, những đóng góp lớn lao nhất cho nhân loại chúng ta đều chỉ xuất phát từ một nhóm nhỏ người. Và nếu thực sự tất cả chúng ta đang sống dưới sự tác động của quy luật sức mạnh, điều này sẽ tiếp tục diễn ra. Điều đó đồng nghĩa với việc, dù bạn có cố gắng đến đâu đi nữa, nhiều khả năng những đóng góp của bạn cho loài người sẽ chỉ như một hạt cát trong sa mạc rộng lớn, một giọt nước lạc giữa muôn trùng biển khơi.
Bên cạnh đó, mình nghĩ cũng nên nhắc tới hai khái niệm: bình đẳng và công bằng. Nhiều người trong chúng ta có thể nhầm lẫn giữa hai khái niệm này trong khi chúng có ý nghĩa hoàn toàn khác. Bình đẳng (equality) là một kết quả, là khi mọi người trong chúng ta được đối xử một cách giống nhau, trong khi đó, công bằng (equity) lại là một quá trình, trong đó toàn bộ mọi người đều được hỗ trợ để cùng đạt được một kết quả nào đó. Mình thấy trong thực tế, bình đẳng thì dễ dàng đạt được hơn công bằng rất nhiều. Một chính phủ của một quốc gia có thể dễ dàng phổ cập cùng một chương trình giáo dục ra toàn bộ quốc gia đó, nhưng lại gặp khó khăn trong việc đảm bảo mọi đứa trẻ ở các vùng miện với điều kiện sống khác nhau đều được lĩnh hội sự giáo dục đó trong điều kiện tương đương. Một bộ luật quốc tế có thể dễ dàng được ban hành và áp dụng trên toàn thế giới, nhưng lại không thể đảm bảo rằng các quốc gia với những điều kiện tự nhiên và chủng tộc vốn đã chia rẽ sau hàng ngàn hàng vạn năm sẽ phát triển cùng nhau với cùng một tốc độ. Nếu như mọi tài nguyên vốn đã chẳng được phân bố đều nhau trên trái đất suốt hàng tỉ năm, thật khó để loài người chúng ta có thể sửa chữa việc đó chỉ sau vài triệu năm tiến hóa. Mọi thứ trên đời khi vận hành đều sinh ra trật tự. Tất cả chúng ta khi sinh ra đã nằm trong vòng xoáy của sự bất công bằng. Đơn cử, mình nghĩ, nếu so sánh bản thân với một anh chàng dân tộc Mường không có điều kiện ăn học tử tế từ nhỏ, hay với một cậu trai đến từ các nước Trung Đông nơi khi sinh ra đã phải nếm trải những hậu quả nặng nề của xung đột chiến tranh, mình cũng chẳng thành công hơn họ là mấy. Đúng là công việc hiện tại và tương lai của mình (bằng quy chuẩn nào đấy) sẽ đóng góp nhiều giá trị cho xã hội hơn bọn họ, nhưng xét về tương đối, có thể sự thật là mình đã, đang và sẽ không tạo ra thêm nhiều giá trị nội tại đến mức đáng để tuyên dương. Hai mươi ba năm trước, mình chui ra từ bụng mẹ và ngồi thẳng vào cái vị trí xã hội mình được thừa hưởng. Mình được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, khi mình lớn dần lên mình có nghĩa vụ phải trở thành người có ích cho cộng đồng.
Cứ cho là bạn tin vào những điều mình đang nói đi, sau khi tự đánh giá những thừa hưởng không mấy công bằng của bản thân trong cuộc sống, bạn có còn tin rằng bạn sẽ vượt xa những người cũng được thừa hưởng những điều tương tự hay thậm chí là hơn bạn rất nhiều? Sau khi suy nghĩ về quy luật sức mạnh và thấy tới 80% khả năng là bạn sẽ chỉ tạo ra một lượng giá trị hạn hữu có thể định trước nào đó cho thế giới, như một hàm toán học với sai số nhỏ đến mức chẳng đáng để bận tâm, liệu bạn vẫn gắn sứ mệnh của bản thân với việc đem đến cho nhân loại một phát kiến vĩ đại chứ? Nếu câu trả lời là có, mình nghĩ bạn sẽ cần đến cực kì nhiều may mắn đó nha.
Còn về phần mình, mình đã từng tưởng tượng về cái ngày mà mình ở đâu đó trong đời, khi mình có một công việc tốt, kiếm được một số tiền kha khá hàng năm đủ để chăm sóc gia đình nhỏ bé, và quan trọng hơn, mình tìm thấy được niềm vui và ý nghĩa trong công việc mình đang có. Mình cười. Mình nghĩ mình sẽ hạnh phúc. Mình sẽ hạnh phúc bất chấp tên của mình có được in trong một cuốn sách nào đó để truyền lại cho thế hệ sau này hay không. Mình không ăn chơi lêu lổng, phá hoại hay làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bất cứ ai, mĩnh nghĩ đấy là điều tốt, tốt hơn rất nhiều cá nhân. Và mình sẽ tiếp tục làm vậy dẫu biết trên đời này có nhiều đứa trẻ đến trễ và bị trừng phạt hơn là những đứa trẻ được khen thưởng vì đến đúng giờ. Từ bé chúng ta đã thường được dạy phải tuân theo những quy tắc, khi làm đúng thì được khen, nhưng dần dà về sau thì những lời khen ấy ít đi khi nó đã trở thành nghĩa vụ. Cũng nhờ thế mà xã hội vẫn dần tiến lên ngay cả khi phần lớn chúng ta đều không thực sự quan tâm đến tương lai của nó. Lí do là bởi những người này đã và đang hoàn thành tốt sứ mệnh nhỏ hơn của họ: sống tốt với chính bản thân mình.
Đợi đã, nếu việc cống hiến cho nhân loại, cho loài người, cho giống loài của chúng ta khó như vậy, tại sao lại cần quan tâm đến việc đó làm chi, tại sao ta không tiếp tục làm việc của ta hằng ngày, cùng nhau góp sức đẩy tiếp guồng quay của thế giới và tiếp tục để cho những người “được chọn” đảm nhiệm vai trò dẫn dắt nó? Chẳng phải chủ nghĩa tư bản hiện đại và ngành công nghiệp giải trí trong suốt hai thế kỉ vừa rồi đã tạo cho chúng ta môi trường sống và làm việc lí tưởng để không phải đắn đo đến những câu hỏi hóc búa như vậy hay sao? Phần lớn chúng ta được đào tạo để trở thành một mắt xích trong một cỗ máy khổng lồ: kinh tế và chính trị. Bao nhiêu người trong chúng ta sau 8 tiếng làm việc mệt mỏi, sẽ dành thời gian tìm hiểu về những khái niệm vĩ mô xung quanh cỗ máy ấy thay vì lướt mạng xã hội để có những tràng cười thoải mái từ PewDiePie? Bạn có chắc bạn quan tâm đến tình hình chính trị Trung Đông hơn là việc nên chọn filter hay kịch bản nào cho video TikTok tiếp theo để trở nên nổi tiếng? Đã đến lúc phải thừa nhận là một bộ phận rất lớn trong chúng ta, đặc biệt là người trẻ, đã quên đi mất, thậm chí còn không nhận ra trách nhiệm của bản thân đối với giống loài. Thực ra, điều này không hề xấu hay đáng lên án hay gì cả, miễn là chúng ta hoàn thành tốt bổn phận của mình, việc dành khoảng thời gian còn lại trong đời làm gì là quyền của mỗi cá nhân. Chúng ta đang nói đến những mưu cầu cao nhất của loài người.
Tuy nhiên, thế kỉ chúng ta đang sống cũng đang đứng trước rất nhiều nguy cơ mà mình nghĩ không ai là không có trách nhiệm trong việc ngăn chặn những nguy cơ đó.
Biến đổi khí hậu, đã và đang mang lại cho khắp nơi trên thế giới những hậu quả tàn khốc, nhưng theo một khảo sát năm 2008, số người trong chúng ta thực sự quan tâm về vấn đề này là không cao. Thậm chí, chỉ có hơn 64% dân số Mỹ và 35% dân số Trung Quốc, hai quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, cảm thấy lo lắng về những vấn đề này. Khảo sát cũng chỉ ra phần lớn những người quan tâm đến từ những nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hoặc những người trưởng thành có công ăn việc làm ổn định tại các nước phát triển cao. Mình nghĩ rằng sau hơn 10 năm, những con số này cũng đã tăng lên đáng kể, nhưng có vẻ như số lượng rác thải nhựa thải ra biển mỗi năm thì không có xu hướng giảm đi tí nào (hoặc ít nhất do mình chưa tìm thấy bất cứ thông tin nào trên Internet nói về việc đó). Lịch sử được ghi lại của loài người chúng ta chỉ chiếm khoảng 0.004% tổng thời gian tồn tại của Trái Đất, nhưng chúng ta lại đang tàn phá nó và để lại những hậu quả chưa một giống loài nào có thể gây ra. Nếu như hơn 60 triệu năm trước, loài khủng long bị thiên thạch khổng lồ kết thúc 150 triệu năm thống trị của mình, rất có thể chỉ sau vài trăm ngàn năm, loài người chúng ta sẽ chẳng cần đến mẩu thiên thạch nào để làm chuyện đó.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, thể chế xã hội, kinh tế chính trị và sự phát triển của khoa học công nghệ nhiều khả năng cũng sẽ đặt cho chúng ta một câu hỏi lớn về giống loài. Bạn có thể cảm thấy yên ổn với sự phân chia xã hội hiện nay, vì nó không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, nhưng rất có khả năng trong tương lai gần, công nghệ tiên tiến sẽ biến toàn cầu hóa thành con dao hai lưỡi cắt vào ý nghĩa tồn tại của chúng ta. Những nền độc tài số lớn nhanh như thổi kiểm soát và dẫn dắt chúng ta đến từng kẽ tóc, và quan trọng hơn hết là nó biết cách làm chúng ta cảm thấy thoải mái và an toàn. Những quyết định của chúng ta ngày nay đa phần đều bị ảnh hưởng bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo, và sự ảnh hưởng này sẽ còn lớn dần theo thời gian. Công nghệ sinh học phát triển cũng sẽ kéo theo việc một nhóm cá nhân sẽ trở nên siêu việt hơn tất cả những người khác, sự phân chia xã hội từ chiều ngang chuyển sang chiều dọc, kéo con người về hai cực cửa nền văn minh. Khi một lượng lớn lao động con người bị máy móc thay thế và bơ vơ không biết phải làm gì, khi những niềm tin về năng lượng tái tạo sụp đổ và lượng tài nguyên chúng ta có cạn kiệt theo thời gian, khi nhân loại phải quyết định ai được phép đi đến tương lai và ai là người phải ở lại, liệu chúng ta có còn coi nhau như cùng một loài nữa? Chúng ta phải điều chỉnh mọi thứ ta đang có như thế nào để sẵn sàng đối mặt với những viễn cảnh như thế này đây?
Mình cũng không biết câu trả lời (đương nhiên rồi), những gì mình nói đều động chạm vào những vấn đề vĩ mô của thế giới và không thể giải quyết hay bị tác động dễ dàng, nhưng mình tin rằng mỗi người trong chúng ta nên bắt đầu gắn ý nghĩa của từ “chúng ta” vào sứ mệnh của bản thân, bước đầu tiên là tìm hiểu thật nhiều về tất cả những gì liên quan đến ý nghĩa đó: lịch sử, chính trị, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và làn sóng công nghệ xanh. Sẽ tốt hơn khi chúng ta, với tư cách là người tiêu dùng, không để sự thiết hiểu biết và định kiến của mình ảnh hưởng đến những tổ chức, doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển mình vì tương lai Trái Đất [*]. Sẽ tuyệt hơn nếu mỗi cử tri có thể dựa vào hiểu biết về những vấn đề loài người đang gặp phải, những kiến thức loài người đang có, những hoạt động của bộ máy xã hội rối ren để đưa ra quyết định bầu cử thay vì tin vào cảm giác của họ và bị thao túng bởi một nhóm cá nhân. Nếu chúng ta phải chọn ra những người dẫn dắt nhân loại đến tương lai, ít ra chúng ta nên làm điều đó một cách đúng đắn. Trái Đất có tới 7.8 tỉ sinh mạng với những sứ mệnh khác nhau, nhưng chỉ có một sứ mệnh chung cho toàn bộ loài người. Những cuộc chiến tranh đẫm máu trong quá khứ và đại dịch Covid-19 đang diễn ra hẳn đã phần nào khiến mỗi người trong chúng ta cảm nhận được ý nghĩa tồn tại của loài giống. Chúng ta loay hoay tạo ra ý nghĩa cho sự tồn tại của mình giữa vụ trụ rộng lớn, về ý nghĩa sinh diệt của vật chất và ý thức, liệu chúng ta có chấp nhận dừng lại khi chưa tìm kiếm được điều đó hay không?