Chương 4. LƯNG CHỪNG CON DỐC (P1)
Buổi chiều năm giờ Phi gọi điện cho tôi nói rằng sáu giờ sẽ đến đón tôi. Tay cầm hai tấm vé cho đêm nhạc Gasandji, một cảm giác háo hức rất trẻ con trỗi lên. Tôi biết việc Phi đến đón tôi sớm trước hai tiếng của đêm nhạc là vì mục đích khác, anh cần thảo luận với tôi những vấn đề ngoài nhạc, lúc nào mà không như vậy. Phi là người lịch lãm nhất trong những người tôi từng biết, anh lúc nào cũng lịch sự nhã nhặn dù với phụ nữ hay đàn ông, anh luôn biết cách lắng nghe và từ chối khéo những vấn đề tế nhị. Anh tuy sống độc thân nhưng cư xử nhiều tình cảm, anh có nhiều mối quan hệ mà lại ít bạn bè, anh thông tuệ mà chẳng khi nào kiêu ngạo, quả thật, anh là người bạn tuyệt vời nhất trong những người bạn tôi quen. Bên cạnh anh, chúng tôi vừa gần gũi như hai anh em, vừa lịch sự như người xa lạ, một cảm giác mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.
Tôi lẩm nhẩm mồm bài hát quen thuộc rồi tưới mình trong làn nước mát, mùi hương tinh dầu thoang thoảng phòng tắm, tôi hầu như chẳng nghĩ gì về vụ án.
Đúng hẹn, sáu giờ Phi đã đưa xe đến dưới chung cư và mở cửa xe cho tôi.
- Hôm nay tài xế của anh nghỉ việc à?
- Tôi cho anh ấy nghỉ ngơi vì tôi cần thảo luận với anh những chủ đề không nên có người thứ ba. Anh lên xe đi, anh ăn gì chưa?
- Chưa, nghe nhạc xong tối về mình đi ăn cũng được.
- Ôi không, tôi không thể cư xử tàn nhẫn với sức khỏe của anh. Và tối nay chúng ta cũng không thể ngồi ăn khuya với nhau như mọi lần, anh đừng giận tôi, anh hiểu công việc của tôi mà.
- Hì hì, tôi có nói gì đâu. Vậy ghé nơi nào đó mua hộp sữa uống là được rồi.
- Không, nó không thể thay thế bữa ăn, chúng ta còn dư thời gian đến hai giờ, anh muốn dùng bữa tối ở đâu?
- Lúc này ăn phở thích hợp không?
- Cứ theo ý anh, tôi ít ăn phở ở Saigon.
- Vậy mời anh đến một trong những quán phở lâu đời nhất Saigon, phở Cao Vân. Nó nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi, số 24. Đoạn đó một chiều, anh cần đi đường Hai Bà Trưng đến Điện Biên Phủ rồi rẽ xuống.
Xe lăn bánh và Phi vào ngay vấn đề.
- Tôi báo tin buồn trước cho anh, toàn bộ bài vở, thông tin của Trần Mạnh Khoa mất dấu toàn toàn tại Đại học Y. Tôi cũng nhờ người tìm kiếm thông tin của hắn về tài khoản ngân hàng, nơi trọ v.v. Hi vọng sẽ có thông tin.
- Anh cần thay đổi về phương pháp, anh tính tìm hắn dưới cái tên Trần Mạnh Khoa à?
- Theo anh tôi cần làm gì?
- Một kẻ mà trong vài ngày có thể xóa mọi dấu tích cuộc đời, thì hắn hoàn toàn có thể thay tên đổi họ. Cái tên Trần Mạnh Khoa sẽ chết, hắn có thể tạo dựng một chứng minh thư mới, một cuộc đời mới, với sự giúp đỡ của một kẻ có nhiều quyền lực ngầm. Nhưng không hẳn quá khó để tìm ra hắn, cái tôi muốn là tìm ra kẻ đứng đằng sau hắn.
- Bằng cách nào? Một vài gợi ý của anh rất hữu dụng lúc này.
- Theo anh, một kẻ thông minh như hắn thì sẽ ở đâu?
- Tôi không biết.
- Ngày nào hắn vẫn còn thông minh, chúng ta vẫn còn cách tìm ra hắn. Hắn sẽ ở quanh trường học của hắn, nghĩa là đâu đó quận năm. Hoặc là, nếu hắn thông minh hơn, hắn sẽ ở quận bảy.
- Tôi chưa hiểu lắm.
- Một kẻ thông minh luôn bị chi phối bởi thói quen được lập trình trước đó. Một kẻ càng thông minh càng nhiều thói quen để giữ cho sự thông minh đó trở thành điều đặn, như một họa sĩ phải vẽ thường xuyên, nhạc sĩ phải quen thuộc với tiếng đàn, nhà văn phải chăm bẵm cho từng con chữ. Anh thấy đó, một kẻ khỏe mạnh, thể lực cường tráng thì chắc chắn thời gian chúng ở phòng gym nhiều hơn thời gian chúng ta đọc sách, và nếu tập gym thì chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán tốt thời gian, nếu sáng là 6 giờ đến 8 giờ, nếu chiều là ba giờ đến sáu giờ. Một kẻ bắp chân rắn chắc, gân xanh bọc dưới bàn chân thì đó phải là một tay chạy bộ với những thói quen khó cưỡng, hắn sẽ thích chinh phục những đoạn đường dài, và chỉ cần như vậy ta cũng biết những nơi hắn xuất hiện, những hội người chạy bộ, những shop giày thể thao, những diễn đàn trên mạng về chạy bộ, và chắc chắn những cuộc thi chạy bộ hay những tổ chức chạy bộ dân sự sẽ có mặt hắn. Vậy một kẻ như Trần Mạnh Khoa sẽ có thói quen gì? Đặc biệt khi hắn là một bác sĩ?
- Tôi bắt đầu thích thú.
- Anh biết không, khi tôi nhận ra hắn có khả năng quan sát thì tôi liên tưởng ngay đến việc vì sao hắn chọn đại học Y mà không phải trường nào khác. Hắn thích quan sát, hắn thích phỏng đoán, hắn muốn đi sâu vào suy nghĩ của từng con người đi trên đường. Còn gì tốt hơn là có được tri thức y khoa? Một trong những phép chẩn bệnh của Y khoa là quan sát, mọi dấu hiệu bệnh tật của người bệnh đều hiện lên trên khuôn mặt, tướng đi, màu mắt, màu da. Nếu có kiến thức y khoa, hắn sẽ phân loại chính xác những chứng rụng tóc ở da đầu là do vảy gầu, hay thiếu máu, hay do chàm, hay do hói. Hắn còn biết phối hợp chính xác cách thức chẩn bệnh đó để cô đọng lại thành một công thức, một công thức tuyệt vời để giải mọi phương trình về con người. Ở trường y, chắc chắn hắn có nhiều cơ hội tiếp cận những tư liệu về tâm lý học lâm sàng, điều này càng giúp hắn có thể len sâu vào suy nghĩ con người, anh nên biết, chúng ta suy nghĩ đều phải tuân thủ theo quy luật tâm lý, anh không thể chạy thoát được nó, vì nó khách quan và độc lập với anh.
- Vậy nên hắn luôn cần đến con người để quan sát.
- Đúng vậy, và phải là người bệnh để hắn có thể kiểm chứng được sự sai lệch của mình. Đầu tiên, hắn đoán bệnh từ quan sát, xa hơn, hắn tìm xem suy nghĩ của người khi mắc bệnh, hắn cô đọng nó thành công thức và tạo nên nhiều công thức. Cho đến khi thành thạo, hắn chỉ cần nhìn một người, những đặc điểm trên cơ thể họ biến thành ẩn số phù hợp với một số phương trình đã tích hợp từ trước, những biến số đó chạy đến phương trình và nhanh như chớp nó sẽ giải mã ra điều mà hắn mong muốn. Mà theo như tôi thấy, hắn vẫn chưa đủ để làm điều đó một cách hoàn hảo, cho nên, hắn vẫn còn tập dượt nhiều. Thói quen của hắn là trường đại học Y, hắn khó lòng cưỡng lại thói quen đó khi đến những bệnh viện khác. Một kẻ thông minh bao giờ cũng gặp sự khó chịu khi chuyển đổi thói quen, vì thông minh bao giờ cũng đi kèm với sự ngặt nghèo của thói quen. Anh sẽ ra sao nếu một ngày anh không đọc sách giống tôi? Tôi sẽ không thể chịu đựng được nếu thiếu sách, cũng như sẽ tức điên lên nếu xung quanh ồn ào khiến tôi không nghĩ ngợi được, và tôi không bao giờ bỏ lỡ thói quen chạy xe hóng mát vào mỗi tối để có dịp nghĩ ngợi.
- Còn việc hắn ở quận bảy?
- Có là điều tôi lo sợ nhất, nếu một kẻ đã hoàn tất việc tự học của hắn, thì hắn sẽ đi đến việc đối đầu. Anh ở quận bảy, việc chuyển đến gần nơi anh ở, hắn sẽ quan sát anh từng ngày, hắn len vào đầu anh, khơi mọi ngóc ngách để biết anh nghĩ gì. Hắn có nhiều dịp quan sát người bình dân, bác sĩ, y tá, bảo vệ, sinh viên v.v. Nhưng anh là một đối tượng ham muốn của nhiều kẻ thông minh như hắn, anh là một bài tập khó giải của một học sinh giỏi, khao khát giải được bài toán khó là nỗi khao khát thường trực của kẻ bị ám ảnh quá nhiều bởi lý trí.
- Tuyệt vời. Nhưng quận năm chúng ta sẽ khoanh vùng ở đâu?
- Không cần khoanh vùng, tôi tin chắc hắn sẽ sớm trở về thói quen đến trường, và ở nơi quen thuộc để nhìn ngắm mọi người. Anh cứ tìm thêm thông tin về những người khác, còn riêng hắn, anh cứ để cho tôi. Sáng thứ bảy anh rãnh chứ? Chúng ta sẽ đi thăm chú chuột con này, và cần thiết thì biết luôn nơi ở của nó.
- Haha, tôi rất háo hức điều này.
***
Khi xe đến dốc cầu Tân Thuận, chuyển sang quận Tư, Phi lấy trong túi áo đưa cho tôi một chiếc điện thoại.
- Anh nghĩ gì về chủ nhân chiếc điện thoại này?
- Để tôi xem, điện thoại ở bậc trung, Nokia, không nhiều chức năng thông minh. Anh muốn hỏi gì về chủ nhân của nó?
- Chủ nhân nó là một người phụ nữ, trong những ngày qua tôi theo sát người cha, nhưng ông ta ở lì trong sứ quán, rất bất tiện cho tôi. Nhưng đúng giờ, năm giờ chiều ông ta luôn đến gặp một người phụ nữ, tuổi trung niên tại quán nước ở Hàn Thuyên. Tôi không có dữ kiện gì về người phụ nữ mới này, tôi cũng không biết bà ta có liên quan đến vụ án không, và cũng không có anh ở đó để giúp đỡ. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành trộm cái điện thoại này, hành vi thật tồi nhưng cần thiết lúc này, vào ngày mai tôi sẽ trả lai cho bà ấy.
- Để xem nào, chà, một ngày có đến 53 cuộc gọi điện, có 23 cuộc gọi nhỡ. Xem nào, có 11 cuộc gọi nhỡ vào 9h30 sáng đến 11h, sau đó 11h15 bà ta gọi lại cho tất cả 11 số gọi nhỡ, có 4 số lưu vào danh bạ, 6 số không lưu, trong sáu số đó có một số gọi đến hai lần. Buổi chiều, từ ba giờ đến bốn giờ tiếp tục 12 cuộc gọi nhỡ, và 4h30 bà ta gọi lại cho 12 số này.
Chà, người đàn bà này thật tuyệt vời.
(còn tiếp)