|VỤ ÁN CÓ THẬT| NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG TƯ - ICIỆT - (7)
Repost từ 1 thread cùng tên trên diễn đàn VOZ từ năm 2014. Vụ án này vô cùng hấp dẫn và chắc chắn sẽ cuốn hút những độc giả đam mê thể loại trinh thám vào thế giới tội phạm tại Saigon vào năm 2014.
Chương 3. BÊN KIA BỜ THIỆN ÁC (P2)
- Mất tích?
- Vâng. Trong hai năm, chị bảo rằng đã đi tìm con khắp Saigon, không có bóng dáng tin tức nào từ đứa con gái ngây dại của mình. Tuyệt vọng, chị mất niềm tin từ những cánh tay công quyền, những hứa hẹn mờ nhạt, khi Saigon mỗi vài năm luôn có vài trăm người mất tích. Có những người chết trong tai nạn xe cộ, có người biệt xứ, và những cái chết vô danh dưới sông Saigon. Ai mà biết được. Chị đã trở về quê với tâm hồn nặng trĩu.
- Anh có nhận ra ở người mẹ này có gì lạ không?
- Vâng, đó là cái tôi chờ nghe anh.
- Khi tiếp xúc với anh bà ta có vào trong thay đồ không?
- Có.
- Anh có chú ý ngón chân bà ta không? Móng chân, có sạch không? Và cả ở mắt cá chân.
- Rất sạch.
- Đền thờ giữa sân hẳn rất sơ sài.
- Rất cũ và bẩn.
- Người đàn bà này đã ngoại tình, không có tôn giáo, nhất là những tôn giáo nhiều gò bó khắc kỷ. Và chắc rằng dù ở tuổi bốn mươi, người đàn bà này vẫn còn son sắc. Bà ta đam mê sắc dục hơn anh tưởng, dù là người mẹ thế nào, thì sự kém chung thủy vẫn là đức tính hàng đầu của bà ta.
Phi bật cười thành tiếng
- Anh có thể lý giải điều đó không?
- Anh quá đẹp trai là một bất lợi. Lại thêm phép lịch sự nhã nhặn hiếm có ở người Việt Nam, đặc tính vốn có ở giới quý tộc phương Tây nhiều hơn, làm mọi người đàn bà đứng trước anh dễ rung động. Phép sửa soạn khi gặp anh làm tôi nghi ngờ về lòng chung thủy, một người chích ngò mà bàn chân, ngón chân hãy còn quá sạch sẽ không chút gợn phèn thì rõ ràng bà ta vẫn còn dư tiền và thời gian để chăm sóc thân thể. Để làm gì? Khi giống cái làm đẹp, chỉ để dành cho giống đực. Hai mươi mốt năm kể từ 1993, chắc hẳn bà ta đã vụng trộm không ít lần, khác lạ mà tôi tò mò là bà ta không mang thai sao? Hoặc giả biết cách phòng chống, hoặc giả thiết khác kinh dị hơn là phá thai. Mà thôi, bà ta không hề có đức tin, vì đức tin thường đi kèm đạo đức. Và điều này được chứng minh khi bà ta thờ ơ cả việc thờ cúng trời đất, một thứ tín ngưỡng rất miền Nam. Ở tỉnh thường nhiều thời gian, nếu khéo léo, thì ở tuổi bốn mươi sẽ vẫn còn son sắc nếu biết giữ gìn, thậm chí, tôi còn nghi ngờ nghề nghiệp chích hành của bà ta.
- Vậy anh kết luận gì?
- Bà ta xạo, bà ta biết rõ con gái mình đã gặp Lamech. Có thể lão ta đã cho bà ta một số tiền xem như bán con, bà ta vẫn còn thông minh để vòi thêm, nên lên Saigon tìm con. Lamech không vừa, nên đã chuyển cô gái vài Waterfront nơi mà chắc chắn bà ta không thể tìm đến. Nhờ có tiền, nên bà ta đã dành nó cho việc săn sóc cơ thể, bà ta nói dối như cuội nếu ta khôn khéo nhìn vào số tiền mà Lamech có thể cho bà ấy và im lặng sống vờ nghèo khổ để tránh lòng tham láng giềng cũng như đôi lúc có thể nhũn nhặn chấp nhận lòng hảo tâm của ai đó. Vì thông minh, nên bà ta hiểu tiền núi núi lở, việc chi tiêu khôn ngoan, không khoa trương là con đường sống dư dật đến cuối đời. Nếu như anh không đến và mang cho bà ta một niềm tin tìm lại con gái để hái ra tiền.
- Tuyệt. – Phi cười lớn – Anh đọc hết tất cả tâm sự của tôi khi tiếp xúc với bà ta.
- Bà ta nói chuyện rất ngọt, ngọt đến mức anh cũng gọi bằng chị. Một danh từ thật trìu mến.
- Coi kìa, anh lại dè bỉu tôi, anh biết tôi không nhiều kinh nghiệm giao tiếp với phụ nữ như anh.
- Ái chà chà. Danh hiệu cao quý quá chừng, phụ nữ.
- Anh làm tôi đau bụng mất. Thôi, để tôi kể tiếp.
Dẫu cười đùa, nhưng nét mệt mỏi vẫn lẩn khuất quanh đôi mắt. Phi có đôi mắt đẹp hiếm có ở người Việt, đôi mắt sâu, mi dài, đen lay láy. Đôi mắt thể hiện người có nghị lực và sức dẻo dai của một dân tộc vùng Trung Á hơn là Đông Á. Sau trận cười giòn giã, Phi ngã bật vào thành ghế, đôi mắt nhắm nghiền lại để lấy chút sức lực.
- Rốt cuộc anh đã làm gì vào đêm ở Vũng Liêm?
- Tôi đã khai trước với anh là ba đêm không ngủ. Hiển nhiên phải có chút ít giá trị trong những đêm đó chứ.
- Anh đã phát hiện ra điều gì?
- Thật tình là không, mọi việc hầu như diễn ra bình thường. Một cuộc tiếp xúc bình thường, tôi cũng không chút thắc mắc nào. Tôi dự định tìm chút gì ăn và lái xe về Saigon. Nhưng đột ngột, tôi cảm giác có gì đó không tự nhiên, anh biết cảm giác đó chứ?
- Tôi biết.
- Anh nghiên cứu về triết học, nhất là Kant, anh sẽ lý giải thế nào về cảm giác không tự nhiên, một cái gì đó ngờ ngợ?
- Cảm giác học siêu nghiệm.
- Tuyệt vời, anh hiểu ngay ý tôi.
- Theo Kant, trong đầu óc chúng ta, tâm trí chúng ta đã được nhào nặn thành một cỗ máy xử lý những thông tin do trực giác mang lại. Mỗi một giây, hàng ngàn dữ liệu do giác quan như trận mưa tưới vào não bộ, hàng ngàn xung điện đua nhau liên tục chạy vào tâm thức. Hiển nhiên, không phải dữ liệu nào cũng được lựa chọn, cũng như người mẹ bên nôi đứa con sẽ không nghe thấy bất kỳ tiếng động nào xung quanh, như đôi tình nhân cuốn nhau trên giường thì chẳng quan tâm gì đến mưa gió bên ngoài, hay khi ta ngủ thì tiếng tích tắc đồng hồ sẽ trở nên vô nghĩa.
- Chính xác, khi con người ta cảm thấy nguy hiểm, trực giác của họ sẽ lựa chọn dữ kiện từ giác quan và đưa vào tâm thức.
- Cũng như người mẹ thấy đứa con động đậy, bà ta sẽ bắt đầu nghe lại những âm thanh xung quanh, như người thợ lặn vội vàng hớp hơi thở trên mặt biển. Khi dữ kiện từ giác quan đưa vào, tâm thức nhận ra nó, nhưng chưa kịp giải mã nó, thì người ta sẽ có cảm giác ngờ ngợ. Giống như khi đứa trẻ đi học về, nó cảm nhận căn nhà đang có gì đó thay đổi, trực giác sẽ mách bảo cho nó biết bố mẹ nó đang hằn học với nhau. Hay khi chúng ta vào căn phòng của mình có sự sáo trộn, dù là nhỏ nhặt, chúng ta chưa kịp nhận ra xáo trộn đó là gì, nhưng chúng ta biết nó không như ban đầu. Đó là cảm giác học siêu nghiệm. Do tâm thức đã khuôn đúc sẵn, và lựa chọn dữ kiện từ giác quan.
- Đúng. Không phải dữ kiện nào cũng được chọn lựa, nếu chúng không phù hợp với tâm thức. Và căn nhà của người mẹ đã mang cho tôi một cảm giác gì đó không giống với những căn nhà người miền Nam.
- Tôi đoán rằng ngôi nhà không có bàn thờ, không có ảnh cô con gái. Căn nhà trống trải, ảm đạm và thiếu sinh khí.
- Tương đối chính xác, làm cách nào anh biết được?
- Câu chuyện anh gợi cho tôi một ký ức hãi hùng. Một căn nhà tội ác.
- Quả thật, điều tôi sực nhớ, là ngôi nhà hoàn toàn không có bàn thờ tổ tiên. Mọi căn nhà ở miền Nam, bàn thờ tổ tiên luôn hướng ra cửa chính và là nơi sáng sủa nhất, thoáng đãng nhất. Căn nhà này không hề có. Thêm nữa, suốt mười tám năm, không lẽ cô con gái không hề chụp một tấm hình nào? Người thân của gia đình này đâu? Họ hàng của họ đâu? Và tôi quyết định quay lại căn nhà đó, tôi muốn biết hoạt động về đêm của căn nhà đó. Anh Kiệt, anh sao vậy? Anh có vẻ xúc động.
- Anh cứ kể tiếp. Tôi bắt đầu mường tượng một số thứ. Nhất là một ký ức về vùng quê đầy rẫy tội ác.
- Đúng như anh đoán, chị ấy...
- Chị à?
- Hahaha, rồi, người mẹ. Vâng, người mẹ qua lại với một gã đàn ông. Họ khéo léo, gặp nhau khi mọi ánh sáng đã tắt. Lúc chín giờ tối. Người đàn ông đi cub 50, chạy xe vào sân, ông ta đưa thẳng xe vào nhà. Dưới ánh đèn nê-ông, không quá khó nhận ra họ gian díu với nhau dù mọi cánh cửa đóng kín. Tôi không quan tâm điều này, vì dẫu sao vẫn là quyền tự do của họ. Nhưng tôi ngạc nhiên về độ bặm trợn, dơ dáy của người đàn ông. Một người đàn bà nhan sắc vẫn còn, lí do gì lại vụng trộm với một người đàn ông như vậy? Họ ở với nhau suốt đêm. Tôi không rời mắt khỏi căn nhà đó, cho đến năm giờ sáng, người đàn ông ra về. Anh Kiệt, anh có vấn đề gì à?
- Anh hẳn có mang bút tích cô con gái lẫn người mẹ về chứ?
- Sáng hôm sau, tôi đến trường học của cô gái ở thành phố Vĩnh Long, thật may, tôi đã lấy được bút tích cô gái qua những bài kiểm tra, tôi biết anh sẽ cần dùng nó. Có thể anh không ngạc nhiên cho lắm, cô gái học trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chung trường với Trần Mạnh Khoa. Còn đây là bút tích người mẹ, khi tôi nhờ bà ta viết địa chỉ mà cô gái trọ học ở Vĩnh Long.
- Phi ơi, có đến hai tội ác trên cùng một thân thể. Tôi hi vọng mình đoán sai. Anh nhìn bút tích cô gái, gọn gàng, sạch sẽ, chữ không đẹp, nhưng mềm mại ngay ngắn như bao chữ của những cô gái non dại. Nhưng ở bà mẹ thì khác, anh nhìn đây, xấu, đúng không, chữ xấu không nói lên điều gì, nhưng sự vụng về nói lên tất cả. Chữ viết bà ta vụng về, thô kệch như vừa tập viết. Anh chưa hiểu gì sao?
- Tôi chưa hiểu lắm.
- Người mẹ không chỉ ít học mà còn lười biếng, chắc chắn chưa học lên đến cấp ba. Chữ viết vụng về cho thấy người đàn bà này ít sử dụng chữ viết, chỉ có những kẻ lười biếng mới vụng về với con chữ, và chỉ có sự ít học mới ít sử dụng đến cây viết. Một kẻ ít học, lười biếng mà lại thông minh, chắc chắn thế giới quan sẽ không ngây thơ nhưng chắc chắn sẽ kém sâu sắc. Những loại người này thường mồm mép, chứng tỏ và ra vẻ để khỏa lấp sự dốt nát của mình, chúng sống bằng kinh nghiệm và sự dạy đời. Trái hẳn với người con, một chữ viết thế này, dù cô bé không phải là người thông minh nhưng điểm số hẳn phải trên trung bình vì vận tốc con chữ cô viết rất nhanh, anh thấy không, ở chỗ này chữ nghiêng đi, và phải qua đến ba trang giấy mới thấy chữ cô nghiêng đi. Nghĩa rằng cô bé viết khá nhiều, làm chủ ngòi bút, lời văn của cô cô đọng, súc tích, đủ ý, một người thế này thì không chỉ môn Văn, môn Toán cũng phải ở mức khá. Một người sử dụng ngôn ngữ khá chính xác thì khả năng tư duy phải tốt.
- Người mẹ và đứa con quá khác biệt.
- Chính xác là mâu thuẫn. Anh biết không, chúng ta sống thế nào sẽ tạo nên cộng đồng thế đó. Trong gia đình cũng thế. Nhưng một khi có sự khác biệt đến phản nhau trong tính cách thành viên gia đình thì chỉ có một cách để lí giải. Gia đình đó có sự mâu thuẫn dai dẳng. Ở đây, người con gái thông minh và hiểu biết đối lập với người mẹ ngu dốt và nói càn. Chắc chắn gia đình này không thể hạnh phúc. Vì mâu thuẫn ở cách nhìn nhận một vấn đề sẽ khác biệt rất lớn.
- Tuyệt.
- Anh có thấy lạ khi suốt hai năm cô gái ở Waterfront mà không hề liên lạc với mẹ của mình không? Cô gái chưa hề bị nhốt ở đây, cô gái được tự do đi lại. Tại sao cô không liên lạc với mẹ mình? Cô gái căm thù mẹ mình. Chỉ có như vậy. Điều gì khiến cô gái căm thù mẹ mình đến mức không nhìn mặt bà mà một lòng đến với tôn giáo lẫn người cha nhiều năm không gặp? Anh có thử kết hợp với dữ kiện người mẹ lăn loàng trắc nết kia sẽ cư xử với tình nhân của mình như thế nào trong căn nhà có cô con gái?
- Chết tiệt! Khốn nạn! Tôi hiểu sự lo sợ của anh rồi.
- Tôi ngờ ra một điều kinh khủng cho cô bé suốt nhiều năm. Đầu tiên, khi lớn khôn thì thấy cảnh mẹ mình làm tình với những tay đàn ông lạ. Lớn hơn chút, không chừng cô đã bị tình nhân của mẹ mình cưỡng hiếp. Khốn nạn hơn, bà mẹ biết mà làm lơ, và xem chừng bà mẹ cũng là kẻ đồng lõa trong vụ cưỡng hiếp con gái. Anh biết tôi chú ý gì ở những gia đình miền Tây mà không có hình ảnh người thân không? Họ thù ghét nhau. Và không có bàn thờ tổ tiên cho tôi thấy một điều, những kẻ sống không có đức tin và chẳng sợ sệt. Tổ tiên, người thân đã khuất là thứ đáng nguyền rủa của chúng. Trong trường hợp này, đúng với bà mẹ. Nếu anh khéo léo điều tra về cuộc đời của mụ, chắc chắn mụ là con chiên ghẻ trong gia đình, mụ căm thù gia đình và xã hội.
- Tôi... tôi... thật sai lầm.
- Không, trực giác người lương thiện của anh không nhiều đối với những trường hợp này. Anh, hãy cho một bác sĩ giải phẩu thi thể cô gái, chú ý phần tử cung. Tôi ngờ rằng cô gái đã từng mang thai và phá thai không ít lần. Anh có chú ý căn nhà đó phía sau là lạch nước hay vùng đất cứng, hay vùng đất sình?
- Một mảnh vườn nhỏ phía sau.
- Anh có ra sau vườn chưa?
- Chưa.
- Thật không hay, nếu ra sau vườn, chắc hẳn với óc quan sát của anh, anh sẽ phát hiện một số thứ.
- Thứ gì?
- Xác trẻ sơ sinh chẳng hạn. Anh đừng xúc động, nếu anh là một cô gái tuổi vị thành niên, ở dưới tỉnh, nơi nặng lời đàm tiếu. Thì anh có đến trạm xá để phá thai không? Để mọi con mắt và sự nhiều chuyện trong vài ngày sẽ lan khắp tỉnh? Anh không phá thai ở trạm xá thì phá thai ở đâu? Nơi nào kín đáo hơn nhà anh? Và anh sẽ xử lý cái thai nhi đó bằng cách nào? Vứt nó đi, đi đâu? Anh sẽ kiên nhẫn đến một nơi nào đó vắng vẻ để vứt bừa và sẽ bị ai đó phát hiện hay tốt nhất là đào sâu mảnh vườn nhà mình để chôn nó. Trời không biết, quỷ không hay.
- Đốn mạt, thật khốn nạn.
- Phi, anh cần nghỉ ngơi. Tôi sẽ về, tối mai, thứ hai, chúng ta sẽ bàn về điều này. Riêng về người cha, tôi nghĩ anh đã lầm. Chúng ta sắp kết thúc vụ án này rồi, tôi chỉ chờ một manh mối sau cùng.
- Đó là gì?
- Chưa biết. Nhưng ở bên kia tâm lý con người, thiện ác còn lẫn lộn. Tôi cần xem lại dữ kiện mà chúng ta có. Chúng ta cần vẽ lại vụ án này với nhiều chi tiết hơn. Nghỉ ngơi đi Phi, tôi chẳng muốn nhìn thấy đôi mắt anh kiệt quệ.
- Chưa khi nào anh dễ thương như lúc này.
- Tôi xem đó là lời khen.
***
Đúng hẹn, bảy giờ tối ngày thứ hai tôi có mặt tại nhà Phi. Phi thảy cho tôi tập hồ sơ như dự đoán.
- Anh nói đúng, thật kinh tởm, âm đạo cô gái bị xây sát rất nhiều, một số vết tích đã cũ cho thấy cô bị cưỡng hiếp lâu ngày. Cô gái sẽ không thể có con vì tử cung tổn thương quá nặng do nhiều lần phá thai. Bây giờ chúng ta có thể khắc họa lại màn kịch mà đến thần Kishna cũng khó chấp nhận.
- Đôi lúc chúng ta cần chấp nhận tấn trò đời này như một màn hí kịch mà đạo diễn lẫn diễn viên phải cười trong nước mắt. Chẳng phải thần Kishna cũng tán đồng điều đó sao? Chí Tôn Ca là một bài ca đẹp nhưng thể hiện sự bất lực của chính thần Kishna trước ý chí của Thượng Đế khi tạo dựng nên màn kịch cuộc đời.
- Nhưng! Nhưng Vô Danh à! Ngài buộc chúng ta phải tận tụy cho vở kịch đó, ngài buộc ta phải cống hiến sức mình cho vở kịch cuộc đời.
- Nhưng đó là một mâu thuẫn không thể hiểu nổi khi người ta buộc phải cống hiến cho một điều gì đó mà họ biết chắc rằng không thể thay đổi nó.
- Vậy nên, màn kịch này cần được anh dựng lại để chúng ta hiểu xem Thượng Đế muốn gì qua màn kịch này.
- Đầu tiên, anh nhận xét sai lầm về người cha. Anh nhìn xem, chúng ta mở lại đoạn clip mà anh quay được. Anh thấy gì không? Trên bàn có bức ảnh cô gái, dù nhỏ và mờ nhạt tôi vẫn nhận ra được dáng vẻ thanh tú của cô gái với mái tóc dài. Đây là một người cha yêu con. Thêm nữa, tôi chú ý đến thái độ của ông ấy trước khi mất kiểm soát, ông ta thường nhìn về phía bên trái, bên trái là bức tường treo một khung tranh mà mức độ thẩm mỹ ở thường thường bậc trung. Xem nào, từ góc máy quay, tôi nhận ra anh đã nhìn thấy và tập trung về phía bức tường. Anh đang nhìn bức tranh?
- Không có lẽ là phản xạ của tôi khi ông ta nhìn về phía đó.
- Phản xạ anh rất tốt. Tốt đến mức khiến ông ta nghĩ anh phát hiện ra điều gì mà ông ta muốn che dấu. Điều gì nhỉ? Hẳn, nó nằm sau bức tranh. Vội vàng, ông ta tống cổ anh đi ngay.
- Lời giải thích tuyệt vời.
- Và giờ ta dựng lại vở kịch từ hai mươi năm trước và thêm dần dần nhân vật vào.
- Đồng ý.
- Câu chuyện bắt đầu hai mươi năm trước, 1994, một cô gái trắc nết, thông minh và dốt nát, hẳn cô không bao giờ được lòng người nhà và cô đã sống buông thả ở vùng quê Vĩnh Long.
- Và rồi cô gặp một người Mỹ đi du lịch - Phi tiếp lời - với những gợi ý về cuộc sống sung túc bên kia bờ Thái Bình Dương.
- Máu, dòng máu nhiệt đới trong huyết quản cô gái này. Ôi, Phi ơi. Người con gái miền Tây khi yêu thì cuồng nhiệt không kém gì người đàn bà vùng Địa Trung Hải. Cô ta trao gởi tất cả và mang trong mình giọt máu lạc loài. Sống trong môi trường miền quê mà thói châm biếm đả kích đôi khi ăn quá sâu vào tiềm thức dân tộc này. Cô ta chắc đã bị ruồng rẫy khỏi gia đình, cô không muốn phá thai vì tin rằng người đàn ông sẽ trở về đón mình. Bằng một cách nào đó, cô có tiền và sống riêng với gia đình. Có thể người mẹ yêu quý đã cho tiền cô và chu cấp cho cô, hoặc tệ hơn cô đã thụt két gia đình. Đứa con gái được sinh ra, ban đầu cô yêu quý nó, nhưng rồi người đàn ông dần bặt tăm, cô đâm ra thù hận người chồng, người cha chưa hôn phối đó. Theo quán tính, cô sẽ căm ghét đứa con của mình, kẻ đã khiến cô trở thành người không nhà.
- Có thể cô ta đã có tình nhân và sống bằng tiền của tình nhân với chức danh hờ, cô tuổi trẻ khá đẹp nếu ta dựa vào nhan sắc của cô hiện giờ.
- Cô gái lớn lên với người mẹ dốt nát mà thông minh. Mọi sự trả thù người cha sẽ dồn lên cô gái, cô bị những tình nhân của mẹ mình cưỡng hiếp, rồi phá thai, rồi cưỡng hiếp. Những năm sống tại thành phố Vĩnh Long, nơi xa cách vùng quê Vũng Liêm hẳn là thời gian hạnh phúc nhất của cô. Đến khi cô đậu đại học và đột ngột một người Mỹ nói mình là cha của cô. Như một đứa con bao năm tìm kiếm tình thương gia đình đã được bù đắp, cô chạy khỏi người mẹ ma quỷ của mình. Cha cô biết những khốn khó cuộc đời cô, mang cô đến tôn giáo, Catholic đã quyến rũ cô ngay từ ban đầu với hình ảnh Chúa Jésu khổ nạn trên thập tự giá, như một cách xoa dịu nỗi đau của mình. Khi con người ta ở tận cùng nỗi đau thì niềm tin tôn giáo sẽ nhân lên bội, cô trở thành con chiên yêu quý của Chúa với tất cả lòng tin tuyệt đối. Cô sống đời thanh đạm và đi nhà thờ vào mỗi tuần thứ sáu, chủ nhật. Cho đến khi cô bị giết.
- Vậy Trần Mạnh Khoa sẽ nằm đâu trong màn kịch dài này? Hắn ở cuối hay ở giữa?
- Ở giữa. Cô gái học ở Vĩnh Long. Hắn cũng ở Vĩnh Long, với thành phố chỉ khoảng 150 ngàn người thì việc những cô cậu nữ sinh biết nhau chẳng có gì lạ. Cô và hắn có hai điểm chung: một, cùng xa quê đến Vĩnh Long học; hai, cùng mang một nỗi niềm thầm kín nào đó. Một người con gái với tuổi thơ bất hạnh, thông minh, hiền lành sẽ yêu đắm đuối gã mặt trắng, thư sinh, thông minh hiếm có như Trần Mạnh Khoa. Cuộc tình đó diễn ra như thế nào chúng ta khó lòng mà biết được. Hai năm cô ở trên Saigon này có gặp hắn không? Tình yêu của cô có bị lung lạc hay không? Điều gì khiến Trần Mạnh Khoa trở mặt và giết người mình yêu? Ai đã tiếp tay nuôi dưỡng cái đầu đầy tội ác đó? Vai trò của người đàn bà trong vụ án có liên quan gì đến người cha? Người cha chắc chắn biết đến mối hiểm họa cho đứa con, khi ông ta không hề ngạc nhiên khi biết con mình chết. Nhưng ông ta lại yêu con mình, có gì đó mâu thuẫn. Có thể ông ta đã kìm nén cảm xúc tốt, và không chừng ông ta biết rõ thủ phạm là ai.
- Tôi hiểu chúng ta bế tắc ở đâu rồi.
- Vậy anh điều tra về người cha, nhất là cuộc đời của Trần Mạnh Khoa. Nếu có được bút tích của hắn càng tốt. Hẳn bài làm đại học của hắn vẫn còn đâu đó trong trường đại học Y. Tôi cần biết về con người này. Xem ra, có đến hai âm mưu trong cùng một vụ. Nó sẽ sớm sáng tỏ thôi.
- Tôi sẽ cho người tìm ra thông tin của chúng, nhất là Trần Mạnh Khoa.
- Không, hắn chỉ là con tốt trên bàn cờ. Cái tôi muốn biết là kẻ tạo dựng nên bàn cờ mà ít kẻ hở thế này, kẻ nào đã dự đoán được chính xác những bước mà chúng ta sẽ đến. Một đầu óc tinh ranh nhất vượt ra khỏi sự tưởng tượng của tôi lẫn anh.
- Chúng ta sẽ biết, anh chờ tôi vài ngày.
- Tối thứ năm tới anh có rãnh không?
- Để làm gì vậy anh?
- Ôi, tôi đang thiếu vắng tình cảm và cần được hẹn hò ấy mà.
- Hahaha... anh muốn gì?
- Anh đã từng nghe đến cái tên Gasandji chưa?
- Ngọc trai đen của Congo?
- Anh vẫn là một người thông thái trong mọi lĩnh vực. Gasandji sẽ biểu diễn tại Idecaf vào đêm 17.04 này. Việt Nam không phải ai cũng nghe được chất pha trộn của dòng nhạc Jazz và Soul, nhất là những giọng ca gợi cả vùng savan bát ngát Đông Phi với những âm hưởng núi rừng. Và tôi tin vào sự chọn lựa của Viện âm nhạc Charles Cros.
- Đôi lúc anh thật cô đơn, tôi sẽ đón anh vào tối thứ năm.
- Chúng ta là hai kẻ cô đơn của mảnh đất Saigon này, ok, vé để tôi lo. Anh không cần bận tâm.
(còn tiếp)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất