Chương 1. THẬT NHANH (P2)
Phi đưa tôi đến một quán nước gần đó và nhanh chóng chuyển xe đi. Buổi trưa nắng, lót dạ bằng ổ bánh mì, nhanh chóng lấy giấy viết vẽ lại sơ đồ căn nhà ở tầng trệt. Phòng người giúp việc nằm cạnh bếp, nằm khuất so với cửa ra vào. Căn nhà chỉ có một lầu, theo lời kể trên lầu có ba phòng, tôi chưa lên để kiểm tra, tôi chờ một thứ khác quan trọng hơn. Trên giấy, tôi vạch ra những câu hỏi mang tính chất nghi điểm, tạo hướng suy luận, một thói quen căn bản.
1. Tại sao người giúp việc không chú ý đến việc số điện và số nước tăng đột ngột? Nhất là thói quen thừa mứa suy nghĩ của một người Việt Nam?
2. Harry là kẻ như thế nào trong câu chuyện này?
3. Tại sao Gate lại đến Việt Nam? Công việc của ông ta là gì?
4. Kẻ nào có thể khống chế một người ngay chính ngôi nhà mà họ đang ở?
5. Sự trùng hợp về thời điểm mất tích với thời điểm Phi bắt đầu đến gặp Gate, có thật là trùng hợp?
Thiếu quá nhiều dữ kiện để suy luận, biết vậy, nhưng đành lý giải nó theo một hướng tuyến tính có thể xảy ra.
1. Câu trả lời lý tưởng nhất lúc này là người lo việc trả tiền điện nước không phải người giúp việc, do đó, hoàn toàn không quan tâm và không biết về số điện số nước trong nhà. Ai là người làm việc đó? Gate? Không. Một người chủ chỉ chi tiền để trả, nhưng phải có người thông báo về số điện số nước, hẳn, phải gây nghi ngờ cho chị giúp việc. Vậy, Harry mới là kẻ quản gia thực sự trong căn nhà, hắn quan tâm mọi sinh hoạt từ nước đến điện, để người giúp việc không quan tâm và theo dõi số điện nước mà nghi ngờ. Câu hỏi thứ nhất dẫn về Harry.
2. Không biết.
3. Không biết.
4. Kẻ chịu sự khống chế, nhưng vẫn tự do sinh hoạt trong nhà, sự khống chế phải nằm ở con tin. Con tin ở đây là người hay bí mật? Nếu người, thì đó phải là người rất quan trọng với Gate, nên Gate chấp nhận cho sự khống chế, phải là người thân. Nếu bí mật, thì đó phải là bí mật rất lớn, nhưng không liên quan đến một cá nhân Gate, vì bí mật nào đi chăng nữa cũng không thể khiến người ta bị giam lỏng trong nhà, có thể là bí mật của một tập thể, an nguy đến một tập thể.
5. Giả sử có sự liên hệ giữa hai vấn đề, thì đây là vấn đề liên quan đến Trung Quốc, kẻ không bao giờ muốn Việt Nam có quan hệ tốt với Mỹ, đặc biệt là vũ khí sát thương có thể được mua. Đó là hiểm họa cho Trung Quốc nếu có đối đầu với Việt Nam.
Từ năm câu trả lời, mang tính rời rạc, điều cần làm là loại bỏ những gì không phù hợp với dữ kiện, những thứ còn sót lại chính là sự thật. Vậy điều cần thiết lúc này là dữ kiện.
Ngay lúc đó, tôi nhận được tin nhắn của Phi, "Chạy mất."
Tôi biết tay Harry đã trốn thoát, nhanh thật, tôi tự nghĩ. Vậy hắn có một kênh thông tin khác và sự mất tích của Gate rõ ràng có liên quan đến việc của Phi chứ không phải trùng hợp.
Không mất nhiều thời gian, Phi trở lại quán cafe và đón tôi.
- Hắn đã đi trước khi tôi đến chừng hai tiếng, vì ở căn nhà thuê với số đồ đạc ít ỏi, hắn chuồn rất nhanh, không một dấu vết gì. Giờ chúng ta sẽ làm gì?
- Phi, tôi lưu ý anh, vấn đề chúng ta đang giải quyết thật sự nghiêm trọng, đến mức nào thì tôi chưa quả quyết được. Nếu dính dáng đến Trung Quốc và Mỹ, thật sự, tôi e rằng nó nằm ngoài khả năng giải quyết của tôi và anh. Chưa biết, cứ thử tìm thêm thông tin. Giờ, trở lại căn nhà của Gate, anh dừng xe ở phía ngã tư, và nhanh chóng mời người giúp việc ra công an phường khai báo gì đó cũng được, giam lỏng bà ấy chừng hai tiếng, để tôi và anh làm việc thoải mái.
- Nhưng tại sao anh không đến cùng với tôi?
- Con đường đi đến căn nhà, tôi cần chú ý vài điểm nho nhỏ, cứ vậy mà làm.
***
Nhanh chóng, Phi dừng xe ở phía ngã tư đường nội thị, một khu phố mới đang được hình thành như Nam Saigon Q7. Dân cư thưa thớt và một lượng bảo vệ ít ỏi nhưng lười biếng.
Từ con đường đi vào không một điều gì đặc biệt, trừ: Nó quá vắng và hai bên con đường bãi lau sậy cao quá nửa đầu người.
Khi tôi đến thì chị giúp việc đã được đưa đi khỏi, Phi chờ tôi ở trong nhà.
- Nhanh! Nào Phi, không còn kịp thời gian, anh phụ tôi kéo tất cả rèm cửa lại, xong chưa? Tốt. Giờ, anh nhìn phòng khách xem, treo khá nhiều ảnh của chủ nhân, với bạn bè, với gia đình, với chó yêu. Anh đếm xem có bao nhiêu bức ảnh lớn nhỏ ở đây?
- Khoảng trên dưới 50.
- Tốt, tôi thoáng nhìn có đến gần phân nửa chụp chung với một cậu bé, tôi đoán là con trai, nhưng hình chụp khá cũ, mà không hề có hình ảnh cậu bé khi lớn.
- Người đó đã chết.
- Còn một giả thuyết khác, đứa bé đó đã rời bỏ người cha, để lại sự nhớ thương khôn nguôi. Mà thôi, điều đó không quan trọng, quan trọng là quá nhiều hình ảnh ở phòng khách, anh chú ý, nó thật kỳ cục, không hề có một bức tranh nghệ thuật nào.
- Tại sao kỳ cục? Tôi nghĩ điều đó bình thường chứ.
- Anh chưa lập gia đình, và chắc anh cũng ít khi chú ý tâm lý của người Mỹ về gia đình. Lên lầu nào.
Một hành lang dài, bên phải là hai phòng hướng ra mặt trước căn nhà, bên trái là một phòng nhỏ hướng về mặt sau. Căn phòng nhỏ xem ra là phòng làm việc, gọn gàng và sạch sẽ. Hai căn phòng trước là phòng ngủ, cũng gọn gàng, không một dấu vết gì cho thấy có quá nhiều người sử dụng. Bước vào phòng chính, căn phòng ngủ lớn nhất nằm ở phía đầu hành lang.
- Phi, thật nhanh, anh kéo rèm cửa lại. Tương tự ở cánh cửa sổ nhỏ bên kia. Quá tốt, giờ chúng ta xem chủ nhân là con người thế nào. Đây, anh là người có mắt thẩm mỹ tốt, anh nhận xét thế nào về phòng ngủ này?
- Tương đối ấm cúng với những gam màu trầm phù hợp với màu sàn gỗ, bày trí cũng ổn định. Tôi không nhận xét gì được nhiều, nếu nói đẹp thì chưa đến mức, nó khá bình thường.
- Anh nhận xét gì về bức tranh trên tường của chủ nhân, không khó anh nhận ra chữ Gate dưới bức tranh, một bức tranh phong cảnh ở vùng cao nguyên vào mùa Đông. Anh từng đến Mỹ, có nhận ra nơi này không?
- Bức tranh phong cảnh tầm thường, người vẽ có học hội họa nhưng không phải là quá tài năng, nhiều điểm còn vụng về. Tôi không đoán được, dãy núi phía sau bức tranh cũng lạ.
- Chậc chậc, anh đi quá xa những gì cần thấy, thế nên, anh chẳng thấy gì cả.
- Tôi thì đoán đây là Denver, dãy núi phía sau là rặng Rocky, nhưng thôi, điều đó không quan trọng, quan trọng ở chỗ năng lực hội họa của chủ nhân có giới hạn, đó là điểm cần lưu ý. Anh chưa thấy gì sao?
- Tôi vẫn chưa hiểu ý anh, anh càng lúc càng làm khó tôi. - Phi cười.
- Không, tôi không có ý có, tôi chỉ chỉ ra những sai lầm căn bản nhất mà mỗi chúng ta thường mắc phải. Anh có nhớ khi vào nhà, tôi lưu ý anh là khu vực phòng khách, đại sảnh, không hề có tranh mà chỉ có ảnh không?
- Có, tôi dường như bắt đầu hiểu ý của anh rồi.
- Đây là người đàn ông khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự ti. Có lòng chung thủy và giàu nỗi cô đơn. Nhưng có một tổn thất lớn về phương diện tình cảm, xem chừng nó gắn với sự nghiệp. Tôi không chắc rằng, điều đó liên quan đến việc ông ta đến Việt Nam, nhưng sẽ là một chỉ dấu về tâm hồn.
- Khiêm tốn đến mức tự ti?
- Nếu anh vẽ tranh thì anh sẽ muốn treo bức tranh của mình ở đâu? Chắc chắn là nơi nhiều người nhìn thấy nhất, như phòng khách chẳng hạn, nếu không tự ti thì làm sao có được điều đó?
- Lòng chung thủy?
- Không một kẻ lăng nhăng nào thích để hình gia đình nhiều như vậy xung quanh hắn, hắn sẽ bị ám ảnh về đạo đức. Thêm nữa, có một số bức ảnh chụp chung với người phụ nữ, sau đó chỉ còn chụp chung với đứa con, tôi đoán là vợ ông ta qua đời và không còn một người phụ nữ nào khác chụp chung. Không có lòng chung thủy, liệu, anh có chấp nhận sống cô đơn với đứa con không?
- Hay! Còn sự cô đơn?
- Nuôi chó và dành tình thương cho nó là một trong những khuynh hướng đó, thế nhưng, ở đây ông ta lại không có một con nào. Lạ không? Ông ta từ bỏ tất cả những thói quen có ở Mỹ, và một người phô bày ra sự riêng tư tràn ra phòng khách, mà phòng ngủ lại trống trải với những bức tranh của mình. Chỉ có kẻ cô đơn mới như vậy. Vì phòng ngủ, là nơi con người ta dễ đối diện với bản thân nhất. Nếu không có hình ảnh gia đình, nhất là những người đã đi qua đời họ, thì đó phải là người chống chọi với nỗi cô đơn.
- Anh làm tôi ngưỡng mộ.
- Anh không cần dùng những từ mang tính dè bỉu đó cho tôi, tôi chỉ thấy những gì cần thấy, mỗi người một việc, nhà văn thì phải vậy.
(còn tiếp)