Chương 5. NGƯỜI THỨ SÁU (P3)
Thứ ba, ngày 2 tháng 12 năm 2014, Phi bắt đầu trễ hẹn, số điện thoại của anh không con liên lạc được. Căn nhà ở Waterfront trở nên vắng lặng, người giúp việc gốc Ấn già nua vốn quen thuộc với sự vắng mặt của Phi nên không nghĩ ngợi nhiều. Nhưng tôi biết những cơn sóng ngầm đang trồi sụt quanh chúng tôi. Phi chưa bao giờ trễ hẹn. Hôm nay là lần đầu tiên.
Thứ tư, ngày 3 tháng 12 năm 2014. Khi nhiều người Việt Nam quan tâm trận túc cầu với Mã Lai thì tôi vạch từng tờ báo ra để lưu ý những biến động bất thường. Những biến động đó, có thể chỉ là tin vắn nhỏ nhoi mang nhiều ý nghĩa hơn là những tin chính đăng tải trên các báo. Sựng người, tôi phát hiện ra một vụ cháy tại Q. Bình Thạnh trên đường Bùi Đình Túy. Điểm lưu ý duy nhất của tôi với vụ cháy này là người ta không chỉ rõ nguyên nhân vụ cháy. Nhiều ngày sau đó chẳng tờ báo nào thông tin về nó, kể cả kết quả vụ cháy đó là gì. Tôi hiểu đây là tin tức cần lưu tâm.
Thứ sáu, ngày 5 tháng 12 năm 2014. Cả nước rãnh rỗi quan tâm vụ Công Phượng và tuổi tác trước ngày kết thúc, khi sở tư pháp đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày này.
Thứ bảy, ngày 6 tháng 12 năm 2014. Cơn bão Hagupit bắt đầu tiến vào miền Đông Philippines. Người Saigon thì quan tâm đến đứa trẻ bị bỏ rơi trên xe taxi. Cả nước nháo nhào trước dịch vụ vận chuyển mới mang tên Uber, cánh doanh nghiệp taxi lên tiếng phản đối. Chẳng có gì cho ngày hôm đó.
Chúa Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 2014. Ngày mà cả nước bước vào hoang tưởng, tôi nhìn sơ lối đá thì biết chắc tuyển Việt Nam sẽ thất bại trước Mã Lai. Mà thật ra tôi chưa từng quan tâm đến bộ môn túc cầu này. Khi tôi ngó đến nó nghĩa rằng đang rất chán. Đêm đó, cả Saigon hụt một trận xuống đường. Và cũng là lúc tôi biết rằng mình không thể ngồi yên. Phi có thể đang gặp nguy hiểm.
Tôi nhanh chóng lao xe đến nhà của của Vô Khuyết ở Q2. Không quá nhiều hi vọng là anh ta còn ở đó, và thật, anh đã dọn đi. Căn nhà trở nên xơ xác sau một tuần. Tôi đứng im lặng trước căn nhà đó, chợt nhận ra một điều kì lạ, nó cũ một cách quá nhanh. Như thể, căn nhà này đã bỏ hoang hai năm nay chứ không phải một tuần. Một kiệt tác của Vô Khuyết, anh có thể xóa dấu vết nơi mình từng ở một cách khôn ngoan vượt xa trí tưởng tượng của tôi.
Nhưng thật lạ, mọi thứ đều trở nên cũ kĩ, ngay cả hàng rào sắt cùng cánh cửa cũng hoang gỉ đi, vì anh đã cho cạo một phần lớp sơn và đổ xút lên bề mặt đó, tăng nhanh quá trình ăn mòn trên sắt, để lại nhiều lớn gỉ. Toàn bộ căn nhà đều già nua, trừ một thứ. Hộp thư trước nhà. Nó mới một cách lạ lùng.
Người thông minh như Vô Khuyết không thể để lại một dấu tích sơ sót như vậy, như thể một bức tranh chưa hoàn thiện một chỗ. Trong trường hợp này, tôi biết hộp thư đó dành riêng cho tôi.
Không quá khó để mở nắp hộp thư. Đúng như tôi dự đoán, có hai bì thư trong đó.
Bì thư thứ nhất, hàng chữ mạnh mẽ và dứt khoát của Phi khiến tôi cảm thấy ấm lòng.
Gửi anh Kiệt.
Tôi biết anh sẽ đến đây vì sự lo lắng mà anh dành cho tôi. Anh cứ yên tâm, tôi vẫn an toàn. Nhưng tôi cần tránh mặt anh lúc này vì an toàn của anh.
Phi.
Bì thư thứ hai của Vô Khuyết, nét chữ mềm mại nhưng nhanh lẹ, cho thấy nó được viết trong lúc anh đang nhiều bối rối.
Gửi Vô Danh
Tôi với Phi cứ đánh cược với nhau vào thời điểm anh sẽ xuất hiện ở đây, nhất là tháng mười hai với anh luôn có nhiều kỷ niệm, Phi nói vậy với tôi, nhưng tôi lại nghĩ tháng mười hai rất ít kỷ niệm. Phi cược rằng anh sẽ đến vào ngày thứ hai hoặc thứ ba của tuần giữa tháng 12. Nhưng tôi lại nghĩ rằng anh nhiều tình cảm cho Phi hơn, điều đó sẽ hối thúc anh đến nhà tôi sớm hơn, có thể là thứ bảy hoặc chúa nhật tuần này. Mất năm lần tranh cãi để cho kết luận đó. Chỉ vậy thôi, đó là chuyện của hai chúng tôi.
V.Kh.
Tôi phì cười, Vô Khuyết mà tôi tiếp xúc không thể hài hước như vậy được. Dù tôi biết rằng óc hài hước là đặc trưng của những người thông minh. Càng thông minh người ta càng hài hước, vì chúng luôn nhận ra điểm mâu thuẫn hay lố bịch của kẻ khác sớm hơn sự tự nhận thức của những tên kệch cỡm. Nhưng vào thời điểm bức thư này được thảo, xem ra không có chỗ cho óc hài hước xuất hiện.
Hơn nữa, cách viết bức thư này có phần nào mang dấu vết của tôi. Cách ngắt câu cũng như lối nói tơn tơn của mình, tôi biết bức thư của Vô Khuyết là một mật mã dành riêng cho tôi.
Nhưng không ai có thể giải mã nếu không có chìa khóa. Mật mã này là gì?
Trừ khi, đây không phải là mật mã, mà nó là chìa khóa.
Những thời điểm trong thư của Vô Khuyết gói gọn vào bốn ngày: thứ bảy, chúa nhật, thứ hai và thứ ba. Tương ứng là các ngày 6-7-8-9 tháng 12. Đều là những con số vô nghĩa. Việc nhấn mạnh năm lần tranh cãi kia có ý nghĩa gì? Trừ việc, nó là số 5.
Vậy có tổng cộng năm con số: 5-6-7-8-9, nhưng năm con số liên tục này hoàn toàn vô nghĩa. Muốn nói rằng nó có ý nghĩa nào cũng được. Vậy nó cần thêm những con số khác, việc nhấn mạnh tháng 12 ở đầu thư là có ý nghĩa. Nghĩa rằng, không phải năm, mà đến sáu con số.
5-6-7-8-9-12
Sáu con số vô cùng tối nghĩa, nó không có một trật tự hay tính logic nào cần thiết. Nhưng rõ ràng nó lại có tính liên tục ở năm con số đầu, việc đó không thể là ngẫu nhiên, nó phải có ý nghĩa. Ý nghĩa đó nằm ở đâu?
Nằm ở ký ức, xem ra Vô Khuyết khá hiểu về cuộc đời tôi, tháng 12 luôn có nhiều ký ức với tôi. Nhưng quá nhiều chính là bài toán khó, vì có quá nhiều dữ kiện để đưa vào, mỗi dữ kiện là mỗi một biến số, cho nên, lựa chọn chính xác biến số thì bài toán sẽ được giải.
Tháng mười hai, tháng mười hai. Đầu óc tôi cứ lập đi lập lại tháng 12 trong đầu, chẳng thể nào nghĩ được nó có ý nghĩa gì, vì có quá nhiều ký ức. Cũng đúng, tháng 12 là tháng lễ lạt, nào là noel, tết tây, ai mà không có nhiều kỷ niệm trong tháng này. Vò đầu bức tai, tôi không tài nào hiểu nổi nó có ý nghĩa gì.
Lên xe, tôi chạy về nhà, mà đầu óc cứ tràn ngập những con số. Trời ạ, tôi đã ngu đi lúc nào không hay rồi sao?
Về nhà, bấm thang máy lên chung cư, đầu tôi vẫn quay cuồng trước những con số. Tôi vẫn không tài nào hiểu được một chuỗi gồm sáu con số đó có ý nghĩa gì. Thang máy tôi bị lờn nút, nên việc bấm lên tầng cần thiết phải ấn những hai ba lần.
Hai lần?
Chúa ơi, tôi thật là một tên đần! Bài toán đã được giải. Ngay từ ban đầu Vô Khuyết đã nhấn mạnh tháng 12 đến hai lần đầu thư, và lần thứ ba nằm ẩn trong các ngày tháng: 12x3 = 36. Cuối thư "đó là chuyện hai chúng tôi", nghĩa rằng, không liên quan đến tôi, và từ tôi phải loại trừ hai người họ ra. 36-2 = 34.
Chết tiệt! Con số 34 vô cùng quen thuộc của tôi, lý ra tôi phải nhận ra nó sớm hơn!
Eureka! Tôi đã tìm ra!
Việc còn lại là chờ đợi mật thư, chìa khóa đã có.
(còn tiếp)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất