Chương 4. GIÁO HỘI (P3)
Lần lượt, mười hai con người bước đến chiếc bàn dài hình móng ngựa, nơi chứa sẵn mười hai chiếc ghế của thập nhị phán quan. Tôi và Phi bước vào giữa, xung quanh là gần 500 con người trong gian sảnh lớn. Tôi phải trả lời chất vấn của 500 con người này và thuyết phục được lòng tin thập nhị phán quan. Một người đưa tôi và Phi mảnh khăn trắng, tôi vấn lên đầu như một truyền thống ăn mặc có từ thời Trương Vĩnh Ký. Phi nhìn, "Anh có đôi mắt của Trương Vĩnh Ký." Nói rồi, anh nhìn lên bức tường lớn trong sảnh chính, bức tượng Trương Vĩnh Ký màu đen được khắc bằng đồng, to gấp ba lần so với bức tượng Trương Vĩnh Ký ngày trước ở bưu điện thành phố. Hình ảnh người đàn ông An Nam có đôi mắt to hồn hậu, lúc nào cũng như thể ưu tư điều gì đó. Tay trái cầm quyển sách cắp vào trong ngực, tay phải thả thong dong, một chân tiến về phía trước như đang bước đi và đôi mắt nhìn lên phía mái vòm sảnh chính đầy sao. Bức tượng này được lấy nguyên mẫu từ bức tượng Trương Vĩnh Ký ở bưu điện thành phố cũng như ở trường trung học trứ danh miền Nam Pétrus Trương Vĩnh Ký, trước khi người ta kéo sập tượng ông, đổi cả tên trường thành Lê Hồng Phong. Mà chắc ít người biết rằng, nhiều thế hệ hiệu trưởng trường Pétrus Trương Vĩnh Ký là thành viên hội Tam Điểm. Chính nó đã để lại những di chỉ quan trọng nhất về tri thức, khiến cho sau này, dù bị đổi tên thành một nhà cách mạng Lê Hồng Phong, thì trường đại học Harvard khi nhận học sinh Việt Nam vào học chỉ nhận đúng học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký năm xưa. Cả Hà Nội nỗ lực về giáo dục với những cái tên trứ danh như trường Bưởi năm xưa cũng bất lực hoàn toàn trước danh tiếng từ trường Pétrus Ký, không một học sinh cấp ba ở miền Bắc nào được nhận vào học tại Havard, nếu người đó chưa từng là học sinh trường Pétrus Ký Saigon.
Đó là một nguyên tắc được tuân thủ và ký kết dưới thời hai hiệu trưởng Pétrus Ký và Đại học Harvard những năm 1960, cả hai con người đều là thành viên hội Tam Điểm, họ thỏa thuận với nhau dựa trên tình huynh đệ: Bất kỳ học sinh trường Pétrus Ký, nếu chứng minh được danh dự và trình độ tri thức, hoặc có giấy giới thiệu từ hiệu trưởng là thành viên của hội, thì người đó phải được nhận vào học tại Harvard.
Nhanh chóng quên đi ký ức về hội cũng như Trương Vĩnh Ký. Tôi bước lên phía trước, nhìn từng khuôn mặt quen thuộc trong thập nhị phán quan, không ít người từng là người bạn của tôi, đặc biệt là chú Sáu Liêm với đôi mắt tinh ranh sau cặp kính lão.
- Kính thưa các đẳng huynh, những người đang có mặt ở đây bởi nhận được lời hiệu triệu từ tôi. Chúng tôi đang cần đến tình huynh đệ cũng như lòng hào hiệp có từ truyền thống của giáo hội để đối phó với những sức mạnh mà chúng tôi phải đương đầu. Tôi hiểu có những đẳng huynh ở đây biết đến sự tồn tại của tổ chức giáo sư Lâm. Hắn ta đã bắt đầu phát động cuộc chiến nhằm vào quốc gia, mà người bảo vệ cho quy luật cân bằng giữ xã hội thứ cấp và xã hội hiện thực là Phi. Anh và tôi hiện đang đối mặt với những điều mà chúng tôi không hiểu cũng như không thể giải quyết. Rất mong đẳng huynh hãy đứng bên chúng tôi, cùng một chiến tuyến, xin đáp lại lời kêu gọi từ tôi. Vô Danh.
Một người đàn ông trung niên từ đám đông hỏi lớn:
- Xin hỏi anh Vô Danh, anh hẳn biết nguyên tắc căn bản của hội là không can thiệp vào vấn đề chính trị quốc gia, sự thành và bại, sức sống của quốc gia không nằm trong quản hạt của chúng ta. Hơn nữa, nguyên tắc về im lặng của hội sẽ bị phá vỡ nếu những người xung quanh biết đến sự tồn tại của hội. Vậy anh đã yêu cầu việc mà hội sẽ không còn giữ nguyên tắc về im lặng.
- Thưa anh, - tôi đáp, đây là vấn đề không liên quan đến chính quyền Việt Nam. Mà nó liên quan đến vận mệnh những con người đang nắm giữ tri thức trong người. Giáo sư Lâm đã biến những con người ưu tú nhất xã hội thành hiện thân của cái ác và chống lại xã hội.
- Vậy anh có bằng chứng nào cho điều anh vừa nói? - Một người khác chất vấn.
- Tôi có tư liệu từ một người tên Trần Mạnh Khoa, những nghiên cứu của anh ta cho thấy khả năng đó có thể dùng để chống lại con người.
- Đó chỉ là phán đoán của anh, Vô Danh.
- Tôi không phán đoán nếu không có dữ kiện. Đã có ít nhất bốn sinh mạng chết dưới tay Trần Mạnh Khoa.
- Nhưng đó là sự thù hằn cá nhân của hắn, không thể kết luận đó là hành vi chống lại loài người.
- Những người chết dưới tay Mạnh Khoa là em gái hắn, mẹ ruột hắn và cha mẹ dưỡng nuôi hắn. Hắn giết đi những tình thương căn bản và mẫu mực nhất của chúng ta. Hắn phạm vào quy luật tự nhiên là tình mẫu tử và tình anh em mà chúng ta bảo vệ. Không chỉ thế, hắn còn có khả năng lan truyền sự giết chóc đó ra toàn xã hội. Hành vi đó là chống lại lương tri loài người, và chúng ta phải chống lại hành vi đó.
- Anh nói đúng, tôi đồng ý với quan điểm của anh.
Một phán quan lên tiếng:
- Trong các đẳng huynh, mời các anh chị tiếp tục đưa ra câu hỏi để chúng tôi có đủ dữ kiện đưa ra phán quyết.
Một giọng nữ từ đám đông lên tiếng hỏi.
- Chúng tôi có theo dõi và cập nhật vụ án mà các anh đã từng giải quyết, nhưng anh Vô Danh cho tôi biết. Mục đích của việc phá án của anh là gì?
- Làm sáng tỏ vụ án.
- Nếu không có anh thì anh nghĩ rằng có ai khác sẽ thay anh làm sáng tỏ nó không?
- Tôi nghĩ là có.
- Vậy anh thừa nhận rằng việc mà anh đang làm mang hoàn toàn mục đích cá nhân, thỏa mãn trí thông minh của anh. Anh muốn thử sức khả năng phán đoán của mình, như loài cắt săn mồi cần tập luyện ánh mắt mỗi ngày trên ngọn cây cao. Anh phá án là vì chính anh chứ không phải vì tinh thần chung của hội.
Phi bước lên trả lời thay tôi.
- Tôi phản đối ý kiến của đẳng huynh. Tất cả vụ án mà Vô Danh giải quyết đều vì đáp lại sự yêu cầu của tôi. Anh đã làm nó vì tình bạn không hơn không kém, anh hoàn toàn có thể từ chối nó và đã từng từ chối nếu anh biết rằng hành vi của anh gây lợi ích cho bất kỳ cá nhân nào trong chính phủ Việt Nam. Anh từ chối không tham dự vào những vụ án mang tính chất chính trị và phe nhóm. Nên tôi nghĩ cáo buộc của đẳng huynh là tấn công vào cá nhân.
Người phụ nữ vẫn tiếp tục câu hỏi.
- Tôi đồng ý hành vi của Vô Danh là đáp lại lời kêu gọi của anh, nhưng tôi cần hỏi chính Vô Danh, có phải anh phá án vì mục đích cá nhân của mình hay không?
Trước sự im lặng của tôi, một vị phán quan nhắc nhở.
- Đề nghị Vô Danh trả lời câu hỏi của đẳng huynh.
- Thưa đẳng huynh, tôi thừa nhận là mỗi vụ án đều mang tính chất cá nhân. Tôi hăng say khi đầu óc của mình được hoạt động, giống như một nhà văn say sưa cùng con chữ. Tôi là một người nghệ sĩ mà tôi chắc rằng rất nhiều đẳng huynh ở đây cũng là một người nghệ sĩ. Chúng tôi đều phải làm theo tiếng gọi từ bên trong của mình và không thể chối từ. Như một nhà văn, tôi phải chịu sự ám ảnh của ngôn ngữ từng ngày từng giờ, sống và chết bởi ngôn ngữ. Khi phá án cũng vậy, tôi hăng say với chính mình. Xin được hỏi đẳng huynh kia một điều riêng tư mà nằm ngoài vấn đề thảo luận.
Phán quan nhắc nhở.
- Không ra ngoài vấn đề tranh luận, xin nhắc nhở anh Vô Danh.
- Thưa không, tôi muốn chỉ ra rằng, tất cả chúng ta đều không thể tránh khỏi sự duy ý chí trong hành động của mình.
- Tôi là một chuyên gia kinh tế, - nữ đẳng huynh trả lời.
- Vâng, tôi chắc rằng đẳng huynh rất thiết tha và yêu mến công việc của mình. Công việc của đẳng huynh đầu tiên là phục vụ cho chính cảm xúc của đẳng huynh, một thứ cảm xúc mà kẻ ngoại đạo không thể nào hiểu được. Sau đó, những lợi ích mà công việc đẳng huynh mang lại được san sẻ cho những người xung quanh. Mọi người đều được hưởng lợi từ lợi ích đó.
- Tôi đồng ý lập luận của anh. - nữ đẳng huynh đáp.
- Vậy điều này cho thấy, mọi sự chọn lựa dù dưới bất kỳ lý do gì, đều mang tính duy ý chí của cá nhân và phục vụ cho chính cá nhân đó. Nhưng giá trị mà nó mang lại là ích lợi cho toàn bộ tập thể. Người ta chỉ có thể chống lại những mưu đồ cá nhân chỉ biết phục vụ lợi ích cho chính hắn mà chẳng đoái hoài đến người xung quanh, nhưng việc mà tôi đang làm, một mặt, vì chính tôi, mặt khác, còn vì sự thôi thúc đạo đức trong con người mình, một thứ mệnh lệnh mà tôi biết rằng nếu tôi từ chối thì tôi chẳng còn là con người nữa. Không phải chính vì sự thôi thúc đạo đức đó, mà tất cả đẳng huynh không ngại nửa đêm mà lặn lội đến gian đại sảnh này hay sao?
- Tôi đồng ý với quan điểm đó. Và không còn câu hỏi nào nữa.
- Xin mời ý kiến của một đẳng huynh khác. - Phán quan cất tiếng.
- Anh Vô Danh cho biết, nếu được sự đồng ý từ hội, anh sẽ sử dụng lực lượng của hội như thế nào để đảm bảo rằng những con người ở đây không vi phạm vào nguyên tắc căn bản của hội?
- Nguyên tắc về bình đẳng, bác ái và tình huynh đệ là tiêu chí căn bản trong mọi hành động của tôi. Tôi không bao giờ lạm dụng bất kỳ sự giúp đỡ của đẳng huynh.
- Tôi tin là anh sẽ không như vậy, nhưng anh cần chứng minh điều đó cho mọi người ở đây. Để chắc chắn rằng sức lao động của họ không bị phí phạm.
- Tôi không thể chứng minh một điều mà tôi chưa thực hiện nó.
- Vậy thì làm sao chúng tôi có thể phó thác niềm tin của mình vào cho anh, mà không chắc chắn rằng anh sẽ lạm dụng nó một cách bừa bãi?
- Các đẳng huynh hoàn toàn có thể từ chối những mệnh lệnh trái với nguyên tắc đạo đức mà mỗi đẳng huynh có riêng cho mình.
- Giữa mệnh lệnh của anh và mệnh lệnh đạo đức của chúng tôi, thì anh bảo rằng chúng tôi được quyền nghe theo bản thân của mình. Như vậy khác gì anh bảo chúng tôi trở thành một tập thể vô kỷ luật, trong sự điều hành chúng tôi cần một lãnh đạo chứ không cần đến một người bạn đưa ra ý kiến. Và tôi tin chắc rằng anh hiểu, khi anh đã ra lệnh thì chúng tôi buộc phải thừa hành. Vì khi đó, anh là lãnh đạo của chúng tôi.
- Thưa đúng vậy.
- Vậy nếu mệnh lệnh từ lãnh đạo, mà chúng tôi từ chối nó, khác gì anh đẩy chúng tôi đến một sự lựa chọn: hoặc, bất tuân mệnh lệnh từ lãnh đạo; hoặc, vi phạm vào niềm tin đạo đức của mình. Lý do gì khiến chúng tôi phải chịu một sự dằn vặt vô lý đó?
- Tôi không cho rằng có xung đột trong mệnh lệnh của tôi và luật đạo đức của mỗi chúng ta.
- Sao anh có thể khẳng định một điều chưa xảy ra?
- Vì luật đạo đức trong các đẳng huynh có, thì tôi cũng có, chúng ta đều chịu sự chi phối của nó. Tôi không thể ra một mệnh lệnh nếu nó trái với lương tri của mình. Và hơn hết, tôi sẽ đánh mất đi niềm tin mà những đẳng huynh đã dành cho tôi.
- Tôi đồng ý và không có ý kiến gì. Xin mời những đẳng huynh khác.
Một người đàn ông vóc người nhỏ thó bước ra, giọng nói ông ta như rít lên.
- Tôi còn nhớ một người em của anh trong vụ án mà anh đặt tên là Những ngày cuối tháng tư, cô bé tên Vân đã trúng đạn. Anh hoàn toàn biết nỗi nguy hiểm mà Vân sẽ phải gánh chịu không?
- Tôi... có biết.
- Anh có biết Vân là một thành viên trẻ nhất của hội?
- Tôi biết.
- Anh đã sử dụng thành viên của hội và đẩy cô bé vào con đường nguy hiểm, đối mặt giữa sự sống và cái chết?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất