Chương 4. GIÁO HỘI 2.
Ánh sáng trở lại trên đôi mắt, dãy hành lang quen thuộc với những bức tranh chân dung người tiền nhiệm. Những khuôn mặt quen thuộc và không quen thuộc với xã hội bên ngoài. Thế giới của chúng tôi là một thế giới thứ cấp, một thứ Underworld. Bước qua dãy hành lang, hai khuôn mặt già nua ngồi trước cửa, họ già hơn ngày trước, đôi mắt lấp lánh sau gọng kính, đồng thời lên tiếng.
- Chào cậu, Vô Danh. Hai cậu có thể bắt đầu thay y phục ở đây. Toàn bộ anh em phân bang miền Nam đã vì hai cậu mà tập trung vào tối nay.
Chỉ khi mặc áo, người ta mới biết địa vị lẫn nhau. Phi khoác chiếc trường bào màu trắng ngạc nhiên nhìn tôi, "Anh cũng màu trắng?" Tôi cười, "Tôi môi trắng, ban đầu tôi tưởng anh phải màu đen hoặc xám." Phi lắc đầu, "Ôi không, tôi không dám nghĩ tôi sẽ đứng trên anh một cấp. Nhưng thật ngạc nhiên là tôi với anh đẳng cấp. Vậy tôi có thể gọi tên anh một cách thoải mái." Tôi phì cười vì Phi rất ít khi pha trò. Phân bang miền Bắc lấy biểu tượng là con cò trên vai trái, còn tôi thuộc phân bang miền Nam lấy biểu tượng là bông lúa trên vai phải.
Hai người đàn ông già nua ban nãy bưng hai chiếc khay một cách kính cẩn đưa cho chúng tôi, chúng tôi phải dùng hai tay cúi đầu nhận nó. Mỗi khay chứa chiếc mề đay bằng vàng, được truyền từ đời này sang đời khác, mỗi khi được nâng cấp thì chiếc mề đay được thay thế. Mỗi một người chỉ sở hữu một chiếc mề đay cho đến cuối đời. Khi đeo chiếc mề đay vàng, với hoa văn bông lúa cuốn tròn vào nhau, xoắn lại quanh con số: 1.0. Phi tròn mắt nhìn tôi, "Anh thuộc thế hệ 1.0? Chúa ơi, tôi không thể tin. Cả năm người của nhóm anh?" Tôi cười, "Còn Phi? À, anh thuộc thế hệ 1.5, tôi đoán chắc anh gia nhập hội vào năm 1998 hoặc 1999?" Phi nhún vai, "Chính xác là 1997."
Đôi môi Phi rung lên ở khóe miệng, đôi mắt anh rạng rỡ, khuôn mặt anh tràn trề sức sống. Anh đứng trước tôi với một nghi thức quan trọng nhất khi khoác bộ trường bào lên người. Anh đưa tay phải đặt lên ngực trái của mình, rồi đặt sang ngực trái của tôi, dõng dạc lời nói của nghi lễ.
- Chúng ta ở đây, những đẳng huynh cùng với lời nói xưa. Tôi hiệu triệu những tâm hồn cởi mở nhất, với niềm tin say mê và đấu tranh không khoan nhượng để giữ gìn tính nguyên thủy của tri thức.
Tôi lấy tay phải đặt lên ngực trái, tay tôi chạm vào tay anh, như một ngọn lửa bùng lên khi tôi chuyển tay sang ngực trái của anh. Tiếng nói của tôi trở nên trầm hùng bởi lời thệ có từ cả trăm năm nay.
- Nhân danh tình đồng loại, tôi sẽ che chở cho tất cả những người trong hoạn nạn. Nhân danh lòng bác ái, tôi sẽ đấu tranh không khoan nhượng trước những gì tôi tin là cái ác. Nhân danh tình huynh đệ cao cả, tôi sẽ không khước từ mọi hiểm nguy để bảo vệ anh em. Nhân danh trí thức muôn đời, tôi sẽ tận hiến hiểu biết của mình cho anh em. Nhân danh Trương Vĩnh Ký, cả đời tôi sẽ tận tụy trước tâm hồn một người An Nam, tôi sẽ chết khi những giá trị căn bản này không còn tồn tại, tôi sẽ hi sinh như những chiến binh khi anh em của tôi phải xông pha ngoài trận mạc, và tôi sẽ không từ chối bất kỳ lời yêu cầu được giúp đỡ từ anh em, tôi sẽ xấu hổ khi không đòi hỏi được giúp đỡ anh em khi hoạn nạn, tôi sẽ mãi mãi không là người của hội nếu tôi đưa ra yêu cầu được giúp đỡ trong hoàn cảnh mà tôi có thể tự giải quyết lấy. Cuối cùng, nhân danh tự do, chúng tôi sẽ bảo vệ tri thức cổ xưa và truyền đạt lại cho đời sau, dù có kẻ nào ngăn cản tri thức tự do, chúng tôi sẽ liều mình bảo vệ tri thức tự do đến hơi thở cuối cùng!
Lời tuyên thệ đó, được viết bởi đầu óc thông tuệ nhất, sáng suốt nhất và bác ái nhất lịch sử thời cận đại. Đại học giả Pétrus Trương Vĩnh Ký. Thành viên hội Tam Điểm đầu tiên của Việt Nam. Và là người sáng lập ra phân nhánh tam điểm tại miền Nam, và cũng là người tách hội Tam Điểm tại Việt Nam ra khỏi Pháp, mở đầu kỷ nguyên tri thức độc lập cho người An Nam cách đây hai trăm năm. Rất nhiều nhà trí thức lớn của xã hội thời trước đều là thành viên hội tam điểm Việt Nam như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Tý, Nguyễn Xuân Bái, Bích Khê, Hàn Mặc Tử v.v.
Với nền tảng tri thức và bảo vệ tự do, những con người hội tam điểm Việt Nam đã thực hiện hai bước đi quan trọng dưới thời Trương Vĩnh Ký: một, độc lập khỏi hội Tam Điểm thế giới; và hai, canh tân đất nước bằng con đường tri thức. Chính hội đã chủ trương sử dụng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và Nôm, Trương Vĩnh Ký cả đời bôn ba từ Bắc xuống Nam chịu nhiều tủi nhục, dâng sớ hàng chục lần để thuyết phục vua tôi Tự Đức để sử dụng chữ quốc ngữ như chữ viết chính thống. Chính Trương Vĩnh Ký biết được cách duy nhất để thoát khỏi sự lệ thuộc văn hóa vào Tàu là con đường đầu tiên nhất, độc lập khỏi ngôn ngữ. Muốn học chữ Nôm thì phải học chữ Hán, muốn học chữ Hán thì đầu óc thông minh cũng mất hai năm, mà học chữ Hán là học văn hóa của người Trung Quốc. Sau đó mới mất vài năm để học chữ Nôm, nghĩa rằng tạo ra văn hóa Việt Nam phải đi vòng sang văn hóa người Tàu. Trương Vĩnh Ký là học giả xuất sắc nhất mọi thời đại Việt Nam, người thông tuệ 27 ngôn ngữ, bao gồm cả những ngôn ngữ cổ xưa nhất như tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp. Thành viên những hội ưu tú nhất thời bấy giờ như: Hội Nhân Văn và Khoa học vùng Tây Nam nước Pháp, Hội nhân chủng học, Hội Giáo dục Á châu. Nhận những huy chương danh giá nhất mà về sau không còn thấy bất kỳ người Việt Nam nào đạt được, như: huy chương Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha, Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của Pháp, Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Pháp, huy chương Dũng sĩ cứu thế của Tòa thánh La Mã v.v. Và là một trong 18 trí thức lớn nhất địa cầu lúc bấy giờ.
Chính truyền thống tri thức uyên bác đó, mà tất cả hội viên hội tam điểm Việt Nam như chúng tôi đều phải được đào tạo theo nguyên tắc thông tuệ đó. Bất kỳ thành viên nào cũng phải biết từ bảy ngôn ngữ trở lên, số bảy đó dựa trên chòm sao Bắc Đẩu, vốn mang biểu tượng về tri thức truyền bá ra khắp thế giới trên đường biển. Đi biển, để định vị vị trí cho tàu chạy, người ta dựa vào ngôi Bắc Đẩu và chòm sao Bắc Đẩu. Mà thật ra, những thành viên hội Tam Điểm đầu tiên là những nhóm thợ thuyền.
Chúng tôi đều là những nhánh tri thức có từ thời Hi Lạp cổ đại, và được dạy rằng, người đầu tiên sáng lập hội Tam Điểm chính là triết gia Plato. Nghĩa rằng, hội Tam Điểm đã có lịch sử hơn 2400 năm.
Một loạt ký ức đổ về, nửa vui mừng nửa hào hứng. Tôi và Phi sánh đôi sải bước vào gian sảnh chính. Tất cả những đẳng huynh đã tụ họp dưới sảnh, trên trần sảnh được vẽ cách điệu bầu trời đầy sao. Bên kia, chân dung triết gia vĩ đại thời Phục Hưng, người đã tạo nền tảng đạo đức cho tất cả chúng tôi. Kant. Với câu nói nổi tiếng về đạo đức, "Dưới bầu trời đầy sao, là luật đạo đức bên trong tôi." Nên gian sảnh chính của hội Tam Điểm miền Nam luôn lấy bầu trời đầy sao làm nền tảng cho trang trí.
Hai người chúng tôi bước vào, mọi xầm xì bàn tán im bặt. Vị thống lãnh đeo kín mặt như truyền thống bao đời nay, không một ai được biết mặt thật của thống lãnh. Trừ khi thuộc về cấp số ba trở lên. Hội tam điểm Việt Nam phân thành 33 cấp tùy theo kiến thức, hiểu biết và sự cống hiến cho tri thức chung của hội. Mỗi một người sau khi được thăng cấp, sẽ được tiếp xúc với những tri thức khác do thành viên hội tạo nên. Người thuộc cấp dưới sẽ hoàn toàn không biết gì về cấp phía trên. Tôi mặc áo trường bào màu trắng như của Phi. Nên chúng tôi thuộc về cấp số 5 trên tổng số 33 cấp.
Giọng già nua của thống lãnh trưởng lão vang lên:
- Ta kêu gọi anh em, những người mang tâm hồn Trương Vĩnh Ký. Chúng ta có mặt ở đây để đáp lại lời kêu gọi của một người anh em chúng ta. Và chúng ta phải thẩm tra lại lời hiệu triệu đó, nó có xứng đáng để những tâm hồn nhiệt huyết nhất được sử dụng hay không. Chúng ta không ngại đổ máu cho những giá trị căn bản nhất phải được bảo tồn, nhưng chúng ta không cho phép bất kỳ kẻ nào được lợi dụng xương máu anh em.
Năm vị trưởng lão dưới trướng thống lãnh bước lên phía trước, mỗi người đọc một lời thệ như một nguyên tắc bắt buộc thành luật thẩm tra lời hiệu triệu.
Người thứ nhất vang vang giọng, "Điều thứ nhất, dù dưới bất kỳ lý do gì, không được phép can thiệp vào chính trị, dù điều đó có liên quan đến vận mệnh quốc gia."
Người thứ hai giọng trầm hùng, "Điều thứ hai, không hi sinh của cải và sinh mạng anh em cho những mục đích và mưu lợi cá nhân, cũng như những lòng vị kỷ thấp hèn."
Người thứ ba sang sảng, "Điều thứ ba, mọi lời hiệu triệu phải được thẩm vấn và tra hỏi của mọi thành viên có mặt."
Người thứ tư, một giọng nữ đã có tuổi, "Điều thứ tư, lời hiệu triệu chỉ được thông qua trước sự đồng ý của thập nhị phán quan. Nếu mười hai vị phán quan không thống nhất ý kiến về lời hiệu triệu, thì lời hiệu triệu sẽ được lựa chọn bởi sự bỏ phiếu của toàn thành viên trong hội vào đêm đó."
Người thứ năm, một giọng tương đối trẻ, "Điều sau cùng, nếu bỏ phiếu dừng ở ngưỡng 50%-55% số phiếu, hoặc chưa đạt đến 70% phiếu tán đồng, thì sẽ tổ chức mật nghị trưởng lão trong ba ngày để đưa ra kết luận."
Thống lãnh trưởng lão vang giọng, dù xem ra ông đã khá lớn tuổi.
- Các đẳng huynh đã hiểu điều đó. Vậy xin bắt đầu, mời đẳng huynh Vô Danh, thuộc thế hệ chữ Vô, phân nhánh miền Nam, tộc ti Trương Vĩnh Ký. Anh hãy nêu ra vấn đề của mình và thuyết phục lấy những đẳng huynh khác.
(còn tiếp)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất