Chương 3. TRẦN MẠNH KHOA (P3)
Ba giờ chiều, tôi có mặt tại phòng khách quen thuộc, nhưng lúc này thì không còn quen thuộc bởi sự xuất hiện một người đàn ông lạ mặt với đôi mắt quen thuộc. Ba của Minh Tuấn.
- Chào anh. Đây là chú Hưng, bố của Minh Tuấn. Tôi nghĩ anh cần nói chuyện với chú nên tôi mời chú đến đây.
- Vâng, cảm ơn anh. Chào chú Hưng, cứ gọi cháu là Kiệt. Chắc không mất nhiều thời gian của chú, chỉ xin chú trả lời ba câu hỏi một cách trung thực. Vậy là đủ.
- Không biết tôi giúp được gì cho cậu.
- Chú con nhà lính tính đường nhà quan. Cuộc chiến tranh vừa rồi hẳn chưa nhắc nhở cho chú tính chất nghiêm trọng khi con người ta đối diện với cái chết, chú nhỉ?
- Anh muốn nói gì?
- Có bao nhiêu đồng đội của chú đã ngã xuống biên giới phía Bắc năm 79? Chú không cần giật mình. Cháu chỉ nhắc nhở chú, và nói chuyện như những người Việt Nam xem nhau là người nhà. Hay chú muốn cháu gọi chú bằng cách thức mà những tên thủ trưởng gọi chú khi chúng chẳng còn tình nghĩa với nhau. Đồng chí?
- Anh biết tôi từng là bộ đội trong cuộc chiến biên giới?
- Phi. Anh biết không, tôi từng phải nghiên cứu rất nhiều nề nếp con người miền Bắc, thú thật với anh, tôi đau lòng mà nói. Và cũng nói luôn cả với chú, đó là: Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng ở miền Bắc, người ta sống vì chiếc áo đó. Những con người khi bình thường, họ là những người anh đáng mến, những người bạn nghĩa khí, một người dân tận tụy, hay một người cha bác ái. Thế nhưng, một khi chúng khoác lên người bộ áo của kẻ công quyền, nhất là chiếc áo công an, thì chúng trở thành những con người khác. Chúng ưa hạch sách, thích đòi hỏi, ra điều nhũng nhiễu. Cái thói mở miệng nhà quan, với những đại từ mang tính giai cấp, trong khẩu khí của chúng vẫn không thoát được tâm lý nhược tiểu của những kẻ yếu thế, muốn dùng địa vị được ban phát mà hạch sách người lương thiện. Chú Hưng, chú hẳn hiểu rõ cái thân phận của những người luôn chịu câm lặng trước thượng cấp, thế nhưng, chú vẫn ưa cái thói của thượng cấp lên hạ cấp.
- Tôi vẫn chưa hiểu vì sao anh biết tôi từng là bộ đội?
- Cháu còn biết chú hẳn là một đại đội trưởng. Chiếc vớ xanh cũ rích kia cho thấy chú xuất thân từ đâu, nó không mới, cho thấy đã lâu rồi chưa ai cấp mới. Cái dáng vẻ cố tỏ ra uy nghi trong một thân thể bị thời gian bào mòn, cho thấy vóc dáng người lính trận khi về mất hết uy dũng của hắn. Chắc hẳn buồn thương cho chú, khi chính quyền đã hất hủi những đứa con của cuộc chiến biên giới năm xưa. Những đồng đội bị lãng quên. À há, tôi lại đi lan man rồi Phi. Ngắn gọn, chú từng là một người lính, xuất ngũ và không được coi trọng, vóc dáng uy nghi cho thấy chú từng là người lãnh đạo người khác, với độ tuổi cận kề năm mươi. Chắc chắn, chú phải là một người bộ đội, và hẳn năm 79 chú vẫn còn trong quân ngũ nên chắc chắn có phần nào dính tới cuộc chiến biên giới. Tâm lý của những người rời khỏi công việc cầm súng và bị hất hủi vì lí do nào đó, luôn mang nỗi mặc cảm với bản thân, họ sống bằng quá khứ. Trong trường hợp đó, tiếc rẻ cả đôi tất màu xanh mà không chịu vứt đi. Lối ăn mặc nửa trịnh trọng nửa nghèo nàn, kết hợp với lối nói chuyện trịch thượng kia, không khó để biết xuất thân của chú.
- Hừm...
- Không phiền chú, cháu cần biết: một, Minh Tuấn đã đưa gì cho chú giữ hộ? Hai, việc mà Minh Tuấn nhờ chú làm gì? Và ba, tại sao chú thông đồng với kẻ thù của con trai mình? Ái chà, Phi, anh thấy không, dáng vẻ giật mình của những người bị người khác biết cái tẩy của mình khá giống nhau nhỉ?
- Làm sao anh biết được điều đó? Tôi... tôi...
- Phi. Chúng ta có đủ câu trả lời rồi, mời chú về. Nên nhớ! Chơi dao có ngày đứt tay.
- Tôi... tôi... tôi không lừa gạt con tôi. Thật.
- Mời chú về cho. Phi! Anh thu xếp cho chú về đến nơi cần thiết. À, anh có sẵn tài xế đưa chú về phải không? Rất tốt. Sau cùng, cháu cần nhắc nhở chú một điều mà hẳn chú đã quên mất. Chú có thể là một người cha tồi, một kẻ chẳng biết yêu lấy đứa con của mình, nhưng hẳn chú vẫn cảm nhận được tình thương mà Tuấn dành cho chú. Nếu sắp tới, Tuấn có bất cứ điều gì vì sự gian trá của người cha, thì chú cứ tự nhiên mặc cảm nửa đời còn lại, chú nhá. Mời chú.
Người đàn ông bước ra khỏi cửa, tài xế của Phi đưa ông ta đến nơi mà Phi thu xếp cho ông ấy ở. Phi tò mò hỏi tôi.
- Xem ra anh che dấu tôi nhiều điều. Đây là lần đầu tiên tôi làm việc chung với anh mà ngỡ rằng mình chẳng biết gì cả.
- Tôi xin lỗi, lý ra, tôi đã hi vọng ông ta không hèn hạ như vậy.
- Tôi thấy anh rất kiềm chế, điều gì khiến anh nóng giận như vậy?
- Tôi ước rằng mình đừng đọc những tư liệu mà Trần Mạnh Khoa để lại. Tôi đã học được cách thức nhận diện trên từng khuôn mặt của từng con người để đi sâu vào tâm tư của họ, chui khoét như con chuột vào góc tối của tâm hồn. Chẳng có gì hay ho khi người ta có năng lực đó.
- Và anh đã thấy gì ở người đàn ông đó?
- Một tâm hồn hèn hạ.
- Tôi có thể biết những gì anh biết lúc này không?
- Sẵn lòng. Như ban đầu tôi nói, Minh Tuấn đã không thành thật, đó chính là sai lầm của anh chàng. Vậy theo anh, điều gì khiến Minh Tuấn không thành thật về mối nguy mà người bố đang gặp phải?
- Che dấu một điều gì đó từ người bố?
- Đúng vậy, và đó là điểm đầu tiên để tôi phóng tầm nhìn xa hơn. Thông tin từ những kẻ bắt bố của Tuấn, mục đích để uy hiếp Tuấn. Mục đích của sự uy hiếp đó là gì? Đòi lại một thứ mà Tuấn đang giữ.
- Hợp lý.
- Tuấn giữ cái gì? Và tại sao phải che dấu điều gì đó từ người bố? Tôi bắt đầu nghĩ, cái mà Tuấn giữ có liên hệ với cái được che dấu từ người bố. Dễ hiểu, Tuấn đã đưa "vật" mà Tuấn giữ cho bố.
- Tôi đồng ý.
- Việc Tuấn e dè về thông tin của người bố với anh, chẳng qua là bảo mật về món đồ đó. Nhưng đồng thời Tuấn cũng cần đến anh để tìm ra người bố đang bị uy hiếp. Và sau đó, Tuấn phát hiện ra người bố đã bán đứng anh.
- Khi nào?
- Từ cú điện thoại đã được ghi âm. Đây, anh mở lại mà xem. Anh nghe gì không? Tiếng rè. Anh thì chú ý âm thanh dập máy của kim loại để tìm ra nơi mà bố Tuấn bị giam. Tôi thì chú ý tiếng rè, và độ lớn dần của giọng nói trong đó.
- Nó được ghi âm lại và chuyển vào cuộc gọi cho Tuấn?
- Đúng. Tôi đoán rằng Tuấn đã nhận ra đó là giọng của ai. Và người đó đã bí mật thông báo nơi mà bố Tuấn được trả lại, thông qua trí thông minh của anh và sự dẫn dắt của Tuấn. Hai người đã tìm được bố Tuấn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, đây là giọng nói của ai mà phải ghi âm lại? Thứ nhất, nó không phải là giọng già nua của giáo sư Lâm, cũng không phải là giọng nói của những người mà chúng ta từng tiếp xúc như Mạnh Khoa và Thời Nhiên, vậy, nó phải thuộc về một người cùng trong những mối quen biết của Tuấn và giáo sư Lâm. Thứ nhì, giọng nói này có một quyền lực nhất định với Tuấn, nên anh chàng đã im lặng hoàn toàn về giọng nói này. Từ đó, mà anh và Tuấn tìm ra người bố khá nhanh. Sự dễ dàng của cuộc truy tìm đó đã khiến tôi nghĩ ngay đến những chỉ dấu trong cú điện thoại.
- Anh làm tôi hào hứng.
- Nhìn từ ánh mắt của Tuấn nhìn người bố trong cơ thể bầm dập ở bệnh viện Triều An. Tôi biết Tuấn rất thương người cha phản bội kia. Anh sẵn sàng tha thứ hành vi đó của người cha. Nhưng ban nãy khi tôi tiếp xúc người cha, thì tôi nhận ra tình cảm đó đã không dành đúng chỗ.
- Anh nói thử.
- Anh còn nhớ câu nói đầu tiên mà người bố gặp tôi không? "Không biết tôi giúp được gì cho cậu." Thói quen dùng đại từ nhân xưng tôi, là lối nói trịch thượng vốn có trong cánh cửa của những kẻ đương quyền ra trò nói chuyện khách khí với người khác. Ngôn ngữ giao tiếp miền Bắc, tôi biết đại từ "tôi" một khi được sử dụng trong ngữ cảnh bình thường là vấn đề nghiêm trọng. Người bố khinh thị tôi. Tại sao ư? Tôi đoán rằng hoặc Tuấn hoặc một ai đó đã nói về tôi. Cái tuổi tác của những kẻ ngu dốt và võ biền, ưa dùng vũ lực hơn là trí óc, tuổi tác hơn là hiểu biết, nên người bố đó cho rằng tôi sẽ không moi được thứ gì từ ông ta. Từ thái độ đó, tôi biết ông ta đang cất giữ một bí mật.
- Tuyệt vời.
- Để kiểm tra chắc điều đó, tôi cố xoáy sâu vào tâm lý, đánh thẳng vào tâm lý của một người lính bị hất hủi và bị lãng quên. Một đòn tâm lý mà tôi học từ Trần Mạnh Khoa và giáo sư Lâm. Đánh vào điểm yếu nhất trong tâm hồn, ký ức về nỗi đau, khi nỗi đau bị chọc ngoáy lên thì người ta sẽ mất đi sự kiểm soát. Vô thức chiếm lấy ý thức. Và lý trí không đủ để kiểm soát hành vi, khi đó, những thứ bị dồn nén sẽ lộ ra ngoài. Và quả thật, sự run rẩy và lắp bắp trong lời nói cho tôi biết ông ta đã giữ một vật của Minh Tuấn, hơn nữa, ông ta đã đưa nó cho kẻ thù của Minh Tuấn. Ông ta bán đứng đứa con mình những hai lần, lần đầu tiên là lừa gạt người con khi cậu ta chỉ mười một tuổi cho giáo sư Lâm, lần hai là niềm tin yêu mà người con dành cho mình.
- Sao anh không để tôi buộc ông Hưng nói ra vật mà Minh Tuấn đưa cho ông ta giữ?
- Không cần. Minh Tuấn sẽ nói điều đó. Và giờ, anh cần nghỉ ngơi, đừng nghĩ gì cả, chúng ta cần sức khỏe cho chín giờ tối nay. Anh có súng chứ?
- Có.
- Tốt, nhớ mang theo nó.
- Anh sợ nguy hiểm à?
- Chữ cẩn thận trong tin nhắn gửi cho tôi, nằm cuối câu, gỏn lọn trong hai dấu chấm. Người gửi tin cho tôi muốn nhấn mạnh sự nguy hiểm. Tôi tuy không phải là người quá lo xa, nhưng anh đừng quên những phát súng bách phát bách trúng của Lý Thời Nhiên. Những người có thiên bẩm về quân sự như vậy không phải là thiếu, và chúng ta đối phó với những người mà chúng ta hoàn toàn không biết gì về họ. Cẩn tắc vô áy náy.
- Tôi hiểu rồi. Để tôi chợp mắt chút.
- Anh có cần sự giải trí không?
- Tôi đã lâu lắm rồi chưa nghe tiếng đàn Violon của Vô Danh.
- Anh thật khéo nói làm vui lòng người khác. Hôm nay mưa nhẹ, anh muốn nghe bản nhạc dành cho violon mà tôi vừa viết không?
- Anh là người nghệ sĩ dễ thương nhất mà tôi từng biết.
- Anh là người tri kỷ đáng yêu nhất mà tôi từng quen.
Tôi nâng đàn lên cổ, tiếng violon réo rắt trong phòng, Phi nhắm từ từ đôi mắt lại, môi anh mỉm một nụ cười.
(còn tiếp)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất