/nói trước bước không qua/
Tết là dịp để mọi người cùng ngồi xuống và kể nhau nghe hàng tá câu chuyện về đủ loại chủ đề khác nhau. Cũng phải thôi, đôi khi cả...
Tết là dịp để mọi người cùng ngồi xuống và kể nhau nghe hàng tá câu chuyện về đủ loại chủ đề khác nhau. Cũng phải thôi, đôi khi cả năm thì con người ta mới có dịp được gặp mặt và ôn lại những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời họ thời gian vừa qua. Nhưng có vẻ như càng ngày những cuộc hội thoại ngày càng hướng về những dự định cá nhân quá nhiều, khi mọi người khoe khoang những điều mà họ muốn làm, con cái họ đang dự định.
Bản chất điều này không sai và nó cũng có tác dụng một phần giúp cho mọi người thêm chuyện để nói. Tuy nhiên, mỗi lần chứng kiến những cảnh như vậy, mình lại nhớ đến câu “nói trước bước không qua” và bản thân nhiều năm về trước. Nói một cách dễ hiểu, khi còn non nớt, mình từng khoe khoang với tất cả bạn bè về dự định mà mình đang hướng đến, để rồi câu chuyện cứ thế lan dần đi khắp nơi và kết thúc với sự xấu hổ về bản thân cùng cái cười nhạo của người đời. Nó để lại cho mình một sự ám ảnh lâu dài và bài học quý giá - nói ít, làm nhiều.
Thượng tọa Thích Chân Quang trong bài pháp âm tâm lý đạo đức từng giải thích rằng khoe ra điều hay của mình cũng có thể được coi là biểu hiện của tâm kiêu mạn; chính vì thế nên kín đáo cũng được coi là đạo đức và khiêm tốn luôn là thứ phẩm chất đáng quý. Tức một người giỏi giang, siêng năng nếu muốn làm việc lớn mà đem khoe khoang với người đời ắt sẽ gặp điều xui xẻo, khó thành công. Chính vì vậy nên ngay trong cuộc sống, có những kế hoạch làm việc đôi chúng ta không nên nói quá sớm. Những người hay nói trước điều mình định làm thường hay gặp trở ngại, càng sống lâu mới càng thấy điều này đúng.
Khoe ra điều hay của mình cũng có thể được coi là biểu hiện của tâm kiêu mạn.
Thực chất điều này không có nghĩa là chúng ta không nên kể với bất cứ ai điều mình muốn làm. Nhưng nếu muốn thì cũng chỉ nên dừng lại ở những người có bổn phận, cùng chung quyết tâm hoặc luôn ủng hộ mình bất cứ hoàn cảnh nào. Làng xóm, bạn bè xã giao, đa số đều chẳng mấy ai thật sự để ý khi bạn đang muốn làm gì mà chỉ thật sự quan tâm đến thành quả. Vậy nên các cụ mới có câu “lúa chín là lúa cúi đầu”, bởi những người làm việc trong thầm lặng và để kết quả hét vang làm sự tự hào mới đáng trân quý và noi theo.
Hơn nữa, đôi khi một vài khoảnh khắc ba hoa về cái vĩ mô mà mình đang muốn làm, con người sẽ dần có tâm lý mình đã chinh phục được điều đó, đã nhận được cái danh dự và sự ngưỡng mộ giả tạo nhất thời của người đối diện mà quên đi rằng bản thân chưa làm được bất cứ điều gì. Chính vì thế, khi mọi chuyện đi theo chiều hướng tiêu cực, cuộc đời sẽ dành tặng cho họ một cái tát thật đau điếng cùng sự cười nhạo, khinh bỉ từ những người mà mình từng vỗ ngực khoe khoang, khoác lác.
Vậy nên, nhân dịp đầu năm mới, mình mong mọi người hãy nói ít đi và làm nhiều hơn. Thanh niên thì hãy khoan nói về đại học và tương lai mình sẽ làm gì, người lớn thì đừng bàn về công việc, dự định cũng như những mơ ước đầy ảo tưởng. Đôi khi đầu năm mới, ngồi đánh với nhau trận cờ tướng hay nói về thời chăn trâu, ra đồng mò cua để thấy sao thời gian trôi nhanh thế cũng là vui lắm rồi; cớ sao lại phải nghĩ về những điều viển vông xa xôi?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất