[để những dòng dưới đây vang lên trong đầu như đang lắng nghe một lời kể chuyện]
ngày hai mươi tháng mười hai, năm hai mươi,
chủ nhật thảnh thơi
đang dạo giữa phố đi bộ nguyễn huệ thì,
lạ quá
ai mới đặt ngay giữa đường
một bức tượng bạc.
lại gần,
ơ, tượng run rẩy
ơ, quần áo tượng bay bay
ơ, tượng…
người?
“là người hay là tượng
là gì chả biết
đếch quan tâm.”“hình như là tượng nhỉ
nhúc nhích kìa
nán lại, chờ một cái chớp mắt
đắc ý rời đi.”“đương nhiên nó là người
làm tượng giỏi đấy
nhưng có trò này hay phết
xem giỏi đến đâu.”
khoác lên kim loại
mà mình không đồng, da không sắt
tim không hóa đá,
lấy đau thương
che đi cảm xúc
che đi cái con người.
con người nhân hóa đồ vật:
à, một biện pháp nghệ thuật đặc sắc khi ta trìu mến thổi hồn vào vật khiến nó gần gũi hơn với ta; nó như ta vậy.
con người vật hóa con người:
ta là người, vật là vật, mà ngươi là vật
ta và ngươi có liên quan? (câu hỏi tu từ)
sài gòn ngày hai mươi tháng mười hai tự nhiên có gió lành lạnh
nhìn mảnh vải màu bạc bay phất phơ phập phồng
chỉ muốn khẽ cầm tay
hỏi
‘cậu có lạnh không?’
_______________________
tôi chỉ tự hỏi, vì sao chúng ta để sự bình thường hóa này diễn ra?
bình thường hóa chuyện:
xem công việc này là một thứ hay ho, thú vị, đáng trầm trồ
một sự hi sinh vì nghệ thuật,
tôi luyện sự kiên nhẫn.
mà khi đó:
trong ánh nhìn ngưỡng mộ, ta ngầm coi họ là cái-gì-đó ít hơn một con người, hơn là một con người có da thịt, có cảm xúc, có sự tổn thương, có những suy tư đầy phức tạp, và quan trọng là, có ít nhất một ai đó luôn yêu thương họ vì họ chính là họ.
trong ánh nhìn thương cảm, ta có đang ngầm đặt mình ở vị trí cao hơn – vị trí của một người ban phát? tôi tần ngần đứng nhìn đứa trẻ được mẹ cho tiền bỏ vào hộp, chẳng biết làm gì.
trong ánh nhìn phớt lờ thoáng qua, có phải ta đang coi thường?
__________________________
có người ước mình không thấy gì,
không phải vì thật sự không thấy gì, mà là không có gì để thấy.