Tôi vốn dĩ là một người nghĩ nhiều. Chủ yếu là những vấn đề hết sức ẩm ương và vớ vẩn. Đặc biệt hơn, và buồn thay, tôi suy nghĩ nhiều nhưng bánh xe của tư duy chỉ chạy theo 2 đường ray, khiến suy nghĩ khá dập khuôn và giảm khả năng sáng tạo của bản thân. Tôi vẫn luôn song song làm 2 việc: cố gắng thoát ra khỏi cái bóng của tư duy lối mòn đó; và tách lập suy nghĩ rằng việc làm của mình, thật “mình”, thật “bản thân”, và nghĩ rằng  nó nên thế. 
Việc viết và nghĩ có mối quan hệ khá khăng khít. Bạn nghĩ nhiều, chưa chắc bạn đã viết nhiều. Việc nghĩ mang tính bản thể, độc lập và riêng tư, còn việc viết liên quan đến sự giải phóng suy nghĩ và cái tôi của bản thân. Nghe khá rập khuôn, nhưng chính xác nó là thế. Kể cả khi bạn chỉ mạo muội viết xuống những suy nghĩ của mình và không có ý định chia sẻ điều ấy với ai, riêng việc viết đã mang bản chất chia sẻ. Bởi khi suy nghĩ thành hình, bạn đã chuyển hóa chúng, từ vô hình, vô định thành áng kí hiệu chung của loài người, mà khi nhìn vào đó, người ta sẽ đồng bộ được suy nghĩ của bạn, tuy chắc chắn không ai hoàn toàn hiểu - cũng đồng nghĩa với việc bạn dũng cảm phơi bày bản thân trước bạn - trước nhất, và duy nhất nếu bạn muốn. Có những người có nhu cầu bộc lộ cái Tôi, cái suy tư thầm kín nhất của họ; có người không. Tôi đoán tôi ít nhiều thuộc loại thứ nhất. 
Việc viết còn mang tính chất lưu giữ. Đây là lãnh địa mà việc viết và nhiếp ảnh chia sẻ với nhau, tôi đoán vậy. Habara và mối quan hệ tình dục vụng trộm với "nàng Scheherazade " theo cách gã gọi, chỉ được lưu giữ bằng những danh từ hết sức chung chung mà người ngoài nhìn vào khó có thể liên kết thành một sự thật. "Scheherazade, cá mút đá, kiếp trước". "Đạo chính tình yêu, bút chì và băng vệ sinh". Bản thân ta mang tính tuyến tính - chúng ta di chuyển trên một quỹ đạo nhất định đến cái chết nguyên thủy; và bản thân ta của phút trước khác bản thân ta phút này, hoặc 2 phút sau trở đi. Sự mất mát ấy cần những sự bảo tồn nhất định, hoặc không ta có thể đánh mất bản thân vào ngày mai. Chúng ta nhét ký ức vào những con chữ, và vấn đề được giải quyết. 
Từ nhỏ, tôi vốn là một đứa hoạt náo, tay nhanh hơn não. Tôi lanh chanh, quá trớn và luôn cố ra vẻ để gây ấn tượng với người khác. Do một số lý do mà tôi thậm chí không thể nhớ được, tôi trở nên khép kín hơn trong lúc học cấp 2, và cấp 3 thì là khép hẳn. Tôi cố tạo ra một cấm cung của bản thân, và chơi đùa cùng với những suy nghĩ vẩn vơ của mình. Tôi bắt đầu đặt ra những câu hỏi mang tầm vĩ mô: khi chết đi, tôi sẽ trở thành gì; tôi thực sự là ai khi hoà lẫn trong ngôi trường kia;... Thật buồn cười là tôi tìm đến triết để trả lời những câu hỏi đó. Giống như việc dân nghiệp dư, còn mới lạ với bộ môn khoa học luôn đặt những câu hỏi như "Liệu có sự sống ngoài Trái Đất, hay Có thể du hành xuyên không-thời gian không" với những nhà khoa học, mặc dù có những câu hỏi thực sự thiết thực hơn, và những câu trả lời cũng gần gũi hơn thay vì một sự mơ hồ bao xa. 
Việc nghĩ đến với tôi một cách tự nhiên và choáng ngợp đến nỗi đã có hôm tôi đứng lặng người vì cảm giác xa lạ với những vật tưởng như thân quen nhất. Rồi tôi bắt đầu bật rễ những định kiến, và trở nên lạc lõng đến đáng sợ. Tôi ngày càng suy nghĩ nhiều, và có cái gì đó thôi thúc tôi phải viết những điều ấy ra. Đó là câu chuyện của những quyển nhật kí đầy dấu chấm hỏi và bất mãn. 
Tôi ghét những thứ tôi viết ra, vì nó thô kệch đến đáng sợ. Tôi đáng lẽ ra không nên cầm bút. Tôi dành hơn vài tháng để trách móc bản thân về sự yếu kém của mình. Và tôi vẫn quyết định mình sẽ đặt bút, dẫn truyền suy nghĩ vào những dòng mực, dù cho nguệch ngoạc đến đâu. 
Vì mọi chuyện sẽ dần tốt hơn với tập luyện, và rằng đừng nên sợ thiếu chất liệu để viết. Sợi tơ giăng đầy cuộc sống, chỉ cần đủ tinh tế để thêu dệt. Tôi cứ luôn sợ những thứ chưa xảy ra. Và tôi quyết định quẳng nỗi sợ ấy vào túi rác mà mẹ đem để đầu ngõ từ hai hôm trước rồi. 
Tôi đã viết về việc viết/nghĩ đến lần thứ 3 rồi, ý tôi là, một cách hoàn chỉnh. Tôi đoán tôi sẽ viết tiếp, về việc viết của bản thân, về bản thân, về chất liệu của cuộc sống. Chúc may mắn.