ngcaominhngoc có thật là Nguyễn Cao Minh Ngọc
tên thật của mình không phải là Nguyễn Cao Minh Ngọc
Từ khi quyết định đặt tên Facebook là Nguyễn Cao Minh Ngọc vào năm 2015, cái tên đã theo mình từ đó và được các bạn biết đến mình là Nguyễn Cao Minh Ngọc. Thực tế, tên khai sinh của mình không phải vậy... là Nguyễn Thị Minh Ngọc.
23 năm trước, chị gái nói với bố đặt cho mình là Nguyễn Thị Minh Ngọc. Mình thấy may mắn khi đó chị gái đã kịp thời gợi ý cho bố mẹ, nếu không bây giờ các bạn sẽ biết mình với cái tên H, L, M gì đó. Chị có nói với mình đây là tên của một đàn chị khóa trên của chị, chị ấy học rất giỏi và chị mình rất ngưỡng mộ. Chị gái mong mình sau này cũng sẽ như vậy. Nhưng 12 năm đi học của mình trôi qua êm đềm, vô tư, vô lo, không thành tích, cũng không kỳ tích. Gia đình mình không bắt ép mình phải làm này, làm nọ, mình hoàn toàn không bị áp lực phải sống trong bóng của chị gái cũng như bóng nguồn cảm hứng của cái tên kia. Thực lòng, mình tôn trọng và biết ơn bố mẹ và chị gái đã cho mình một cái tên mang ý nghĩa tốt đẹp, nhưng nếu hồi oe oe ấy biết phát biểu, mình sẽ nói với bố mẹ:
Tại sao trong tên con không có họ mẹ? Con không thích chữ Thị ấy! Bố mẹ đặt cho con là Nguyễn Cao Minh Ngọc đi !!
Khi còn nhỏ, mình đã có thành kiến với Thị, mình không hiểu tại sao các cụ ngày xưa cứ là con trai thì tên phải có Văn, là con gái thì phải có chữ Thị. Mọi người xung quanh mình luôn cố giải thích với mình chữ Thị ở đây là cô tiên bước ra từ quả thị, ý muốn nói con gái có chữ Thị trong tên sẽ xinh đẹp, dịu dàng, nết na. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng không thuyết phục được mình. Bởi mình không tin vào cổ tích và tính cách của mình không thuộc nhóm "dịu dàng" và "nết na".
Có nhiều cách hiểu về tên lót Văn, Thị trong tên của người Việt. Nhưng sau khi sàng lọc, mình nhận thấy, cách hiểu sau đây là thuyết phục mình nhất. Trong bài viết Những khác biệt về cách đặt tên con của người Việt và người Hoa, tác giả Barry Huỳnh Chí Viễn đã giải thích rất rõ ràng, mình trích dẫn lại như sau:
"Sau khi vua Gia Long lên ngôi thống nhất đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh liên miên với nhà Tây Sơn. Là một người xuất thân quyền quý Nho học, Nguyễn Ánh muốn khuyến khích việc dùng văn để trị quốc trong thời bình nên khuyến dụ dân chúng dùng chữ “Văn” (文) để đặt tên lót cho con trai với hàm ý đứa trẻ lớn lên sẽ theo học chữ nghĩa. Từ thời Minh Mạng trở đi, việc đặt tên con lót chữ “Văn” ngày càng phổ biến.Còn chữ “Thị” ni(氏) vừa có nghĩa là “họ” ví dụ như “thị tộc” vừa dùng làm đại từ để chỉ người phụ nữ. Ngày xưa khi người phụ nữ đi lấy chồng thường sẽ không được nhắc tới tên mà chỉ nhắc tới họ kèm theo chữ “Thị” ví dụ “Vợ của ông X là Trương Thị, vợ của quan Y là Lý Thị” với hàm ý “người đàn bà nhà họ Trương” hay “người đàn bà nhà họ Lý”. Dần dà, cách gọi này trở nên phổ biến khi kèm theo cả tên tục của người phụ nữ ví dụ Trương Thị Yến, Lý Thị Dung, Đặng Thị Huệ…Từ thời Pháp thuộc trở đi, do người Pháp không hiểu và nhớ được tên người Việt nên để dễ quản lý, việc lót chữ “Văn” và “Thị” gần như trở thành một luật bất thành văn của người bình dân ít ăn học. Người Pháp nhìn vào tên thấy có lót “Văn” thì biết đó là con trai còn “Thị” thì ắt hẳn là con gái."
Mẹ từng nói, ngày xưa khi đặt tên cho hai chị em, mẹ muốn cả hai đứa là Nguyễn Cao nhưng bố khăng khăng quyết là Nguyễn Thị, đến tận bây giờ điều này vẫn khiến mẹ mình buồn và tiếc nuối. Mình thấy Nguyễn Cao Minh Ngọc nghe hay nên đặt làm tên trên mạng xã hội của mình. Vì thế các bạn có thể tìm mình trên các kênh mạng xã hội (Facebook, Google, Instagram, Tiktok) với tên viết tắt ngcaominhngoc.
Vậy tại sao mình vẫn chưa đổi lại tên thật? Các bạn cũng biết việc làm lại các thủ tục giấy tờ rất phức tạp. Chuyển tên từ giấy khai sinh, CCCD, hộ khẩu, các loại bằng cấp ... không phải ngày một ngày hai, có thể sẽ mất 1 năm, 2 năm thậm chí nhiều năm. Vì vậy mình quyết định giữ nguyên tên trên giấy tờ thủ tục hành chính, và cũng mong rằng các bạn nhớ đến mình là một người bạn thân thiện, vui vẻ tên Nguyễn Cao Minh Ngọc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất