Nếu nói cha mẹ nào cũng thương con thì sai rồi, đấy không phải là một điều tuyệt đối, càng không nên dùng để đem ra kể cả và bao biện cho những thứ họ đang áp lên con mình và gọi đó là biểu hiện của tình thương.
Có những đứa trẻ được cho ra đời không khác nào một hòn đá bị ném từ không trung và rơi đánh tọp cái xuống mặt đất.
Có những người làm cha mẹ theo cách không khác gì một loài gặm nhấm trong suốt những tháng năm lớn khôn của con.
Và thứ bị họ gặm là sự vô tư, niềm vui, sự tự tin, những điều tốt đẹp có sẵn trong một đứa trẻ; để khi ngày một có tuổi, đứa con ấy thay vì trưởng thành như kỳ vọng của tạo hóa khi dẫn lối nó đến thế giới này, lại dần trở thành một vùng nước trũng, hứng trọn mọi nỗi niềm trên đời vào mình, càng lớn càng thu mình lại và tê liệt luôn khả năng sẻ chia và giãi bày.
Người ta gọi đó là thảm họa. Khi việc lớn lên hóa thành một bi kịch. Và ta có những đứa trẻ mắc kẹt trong thân xác khổng lồ.
-------
Nếu ai có khả năng tự kiểm thì sẽ nhận ra mức độ thảm họa mà mình đã gây ra và còn cơ hội thay đổi để cứu vớt cuộc đời của sinh linh mình từng được giao trọng trách mang tới thế giới này. Ta cần siêu tình yêu để làm được điều đó.
Còn không, vẫn đầy rẫy những đứa trẻ lớn lên trong cô độc và mặc cảm, còng lưng bởi áp lực về điểm số và thành tích, và còn âm ỉ những linh hồn run rẩy trong bao góc tối mà người ta thản nhiên, theo quán tính, luôn lấy lí do vì cơm áo gạo tiền mà bỏ bê thay vì thừa nhận sự kém cỏi của mình. Vì là gia đình, nên cha mẹ hãy mở lòng chia sẻ những khó khăn mà bản thân đang trải qua, để con trẻ biết, rồi hiểu, rồi thương cho những vất vả ấy, để không có sự hy sinh nào là vô ích, để chúng sẽ không phải lớn lên với mặc cảm là gánh nặng của bất kỳ ai trên đời. Để thấy sự hiện diện của mình là xứng đáng và có động lực vươn lên.
Vậy mới nói, khi đã dấn thân vào công cuộc xây dựng gia đình riêng, hãy tự biết lượng sức và cũng cần biết đầy đủ hai chữ trách nhiệm. Bằng không, đừng đẻ, làm ơn. Bởi tưởng xây được cái tổ ấm, ai dè lại thành ra căn nhà lạnh.
---------
Chúng ta cần giáo dục để tiên phong thay đổi từ gốc rễ vấn đề này. Nhiệm vụ cốt yếu của giáo dục, dường như cứ bị người trong cuộc quên bẵng đi, chẳng phải là dạy con nên người hay sao. Người lớn cần hạ bỏ cái tôi to đùng mà cúi xuống học hỏi từ con trẻ. Chúng ta hãy học lẫn nhau, càng muốn làm người lớn thì càng cần học nhiều và nghiêm túc.
Sau nhiều năm nữa, điều còn đọng lại trong ký ức của ta không phải là những bài giảng môn toán hay môn tiếng anh mà là những bài học làm người, và cách dạy hiệu quả nhất chính là làm gương. Thầy cô, cha mẹ và người lớn nói chung, đừng có bắt con trẻ làm những điều mà bản thân chưa làm được. Vì mỗi cuộc đời là độc nhất chứ ko phải là phần kéo dài cuộc đời của một người khác. Sau mấy chục năm làm cha mẹ tới lúc nhắm mắt xuôi tay, tự nghĩ xem thứ bạn sẽ để lại cho con mình là gì?
"Sự cao quý ở trong lao động chứ không ở trong đồng lương, ở trong giá trị chứ không ở trong cấp bậc."
"Xin thầy đừng cố biến em từ một cá nhân thành một thứ đại trà cho ăn khớp với xã hội này."
"Nếu cha mẹ thật sự yêu con cái, họ sẽ giúp đứa trẻ trở nên can đảm, can đảm để đứa trẻ thậm chí chống lại chính họ nữa."
---------
Chết cũng là một con đường, chỉ có điều chưa ai quay về tỉnh táo để kể lại trải nghiệm đó. Ai biết được sẽ có một ngày tự sát trở thành trào lưu của bọn học trò với mục đích đơn thuần không chỉ là tự giải thoát bản thân khỏi những gánh nặng mà để khiến cho những người ở lại phải hối hận, phải dằn vặt vì cách cư xử của họ. Buồn cái, chết rồi, sao sống lại mà chứng kiến tiếp cuộc đời.
Tôi không tin thời gian có khả năng chữa lành tất cả. Mọi thứ sẽ tan ra và vung vãi khắp nơi, mà không bao giờ biến mất hoàn toàn.