Những dòng này được viết hồi tháng 9 / 2017, ngày mình còn học ở trường đại học cũ. Ngày tháng trôi và có nhiều thứ thay đổi, và bản thân mình cũng thay đổi đến mức không thể nhận ra. Vậy nên khi mò lại Facebook đọc lại những dòng cũ từng ghi này mà thấy xúc động quá. Sẽ chẳng có những dòng chữ nào đẹp hơn những dòng nhật ký về những năm tháng đã đi qua.
 
Không hiểu sao, mình luôn để mọi thứ vuột ra khỏi tầm tay rồi đến lúc nó đi được một quãng thời gian rồi, mới bất giác nhìn lại và thấy đau đớn. Mình nhận ra cảm giác tệ nhất không nằm ở mùi vị của buổi chia tay, mà nằm ở khi chúng ta không nhận ra rằng ngày ấy, chúng ta đã chia tay mãi mãi.
Hôm nay khi vừa rửa mặt vừa ngước mặt lên khung cửa sổ bám đầy dây leo, mình nhớ về những không gian trước đây khi mình còn đứng đánh răng rửa mặt những ngày xưa. Nghe có vẻ lố bịch, nhưng những khung cảnh ấy lần lượt hiện ra trong đầu mình: ngày ở nhà nội, những lần ngủ lang ở nhà bà Bình, ngày ở nhà trong thành phố, và rồi trở lại hôm nay, nơi mình đứng đánh răng rửa mặt trong kí túc xá này, nơi mình ngắm khoảng trời nhỏ qua đám dây leo trên khung cửa sổ. Và rồi chợt bật khóc khi nhớ về khoảnh khắc ngày còn nhỏ xíu, mình nhìn cô chà răng với bột than với con mắt tròn xoe ngơ ngác. Cô bảo thế nó mới sạch, mình không biết gì hết. Rồi nhớ về mình khi là một đứa tò mò theo chân cô ra sau ghế nước giặt đồ, để xem cho tận tường thế nào gọi là “Comfort một lần xả”. Nhớ về mình lúc ấy ngưỡng mộ và cố gắng ghi nhớ từng động tác cô hất mạnh rổ rau cho văng hết nước đi nhưng vẫn không bị rớt rau ra ngoài. Nhớ về lần hai cô cháu chơi ngu cuộn giấy lại hút thuốc rồi sặc sụa khói cả nhà. Nhớ về chiếc võng giữa những bó củi khô, đung đưa, đung đưa, hai cô cháu thay phiên hát nhạc phim Nhật ký Vàng Anh. Nhớ mình lật cuốn sổ chép nhạc của cô, không ngừng trầm trồ những dòng nắn nót, chữ kiểu, lúc viết ngang, viết dọc, lúc lại viết theo bậc thang, lúc thì chen cái tên bài hát to đùng giữa trang rồi viết lời trong những khoảng trống còn lại. Cô còn chép thơ, nhiều nhất là thơ Xuân Quỳnh. Ngày mình có cuốn sổ riêng, mình như được vàng, đem qua cho cô viết tự bạch vào những trang đầu tiên, rồi bản thân lại tự tưởng tượng ra mấy thứ mình ko có để điền vào, ví dụ như ko có điện thoại nhưng vẫn tưởng tượng ra tên cái điện thoại nào đó để điền vào, mình ko có nhóm nhạc yêu thích nhưng vẫn chế đại ra cái tên nào đó để cái tự bạch hoàn chỉnh. Rồi mình mượn sổ của cô để chép lại thơ, lại nhạc vào sổ, rồi mua cả hình dán về dán cho đẹp, cho nổi. Mình nhớ cô đạp xe chở mình lên tận ngã tư gần trường tiểu học, vào tiệm net chỉ để chơi hứng trứng gà nửa tiếng rồi đạp về. Nhớ những ngày qua ngủ lang nhà cô, 4 giờ sáng dậy ngắm mặt trời lên, trời màu hồng hồng đẹp lắm. Thật lạ, mãi đến sau này sao mình vẫn cứ nhớ mãi, nhớ như in khoảnh khắc bầu trời hồng hồng ngắm từ sân nhà bà ngày đó. Thực sự, thực sự có những kí ức luôn cô đọng lại trong một góc tâm hồn. Nó nguyên vẹn đến không thể nào tin được.
Vẫn nhớ lần tắm mưa đầu tiên là với cô dưới hiên nhà bà, trong khoảnh sân có lối đi và hoa móng tay mọc dại. Mình vẫn có thể cảm giác được nước mưa xối xả trên đầu, không mấy dễ chịu nhưng rất vui, cứ như một cái vòi sen bị hỏng, ta không thể vặn nó tắt đi được, nó liên tục xối xối xối khiến ta cứ phải vuốt mặt hoài không thôi. Và vẫn nhớ những buổi tối qua nhà cô xem ti vi, cô nhờ soạn Văn cho, phát hiện ra chữ mình rất giống chữ cô, phen này thầy cô trên trường không biết rồi. Rồi mình lại còn nghiền cái việc soạn Văn đó lắm luôn. Mình cứ qua nhà rồi bảo cô để mình soạn cho. Mình nhớ mãi bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, nhớ lúc đó mình bảo “lớn lên để xem bài này ra sao mà chép dài thế”, rồi lớn lên lại quên mất lời tự dặn năm nào (cuối cùng bài này cũng ko được dạy, hoặc hình như k còn trong chương trình). Nhớ cô qua nhà mình, vì nhà mình có nhiều cửa kính nên chơi trò “Tam sao thất bản”, lúc ấy là một gameshow rất hot trên truyền hình; cô còn dạy mình mấy bài hát của Ưng Hoàng Phúc và HAT để chơi trò ấy nữa. Rồi mình nhớ sinh nhật 18 tuổi của cô, bà mua cho cô một cái bánh sinh nhật thật đẹp, và cô có cái điện thoại đầu tiên trong đời, là điện thoại Samsung E5 nắp gập. Lần đầu mình thấy cái điện thoại xịn và đẹp như thế. Hồi đó nhà bà nghèo lắm mà mua được cái điện thoại cho cô chắc cũng chắt bóp nhiều, nhưng lúc đó mình chả để ý nữa, mình chỉ để ý đến cái vấn đề điện thoại nắp gập là điện thoại rất xịn thôi, mấy người có đt mình từng thấy toàn xài loại không có nắp. Rồi mình nhớ những món quà cô được bạn bè tặng, đẹp ơi là đẹp, nào là heo đất mini, nào là dây cột, quá trời luôn. Mình nhớ mãi, nhớ mãi khi cùng cô ngồi trong quán net tra điểm thi đại học, và vỡ òa khi biết cô đậu. Ngày đó, điểm chuẩn ra trước, điểm của mình ra sau, biết điểm của mình là biết đậu hay rớt, vui kinh khủng, kinh khủng lắm. Mình còn nhớ mình đã mân mê, đọc đi đọc lại giấy báo trúng tuyển đại học của cô cả chục lần. Nghĩ lại thì có lẽ, chính mình cũng đã đỗ đại học cùng cô rồi. Vì sau này khi chính mình đậu đại học, mình thậm chí đã chưa từng vui bằng lúc ấy.
Và dĩ nhiên, mình sẽ không bao giờ quên chiếc chuông gió màu tím đẹp mê tơi cô treo trên đầu bàn học, nơi có lỗ thông gió, gió ùa vào, nắng lấp lánh. Khi cô đi học rồi, thỉnh thoảng mình vẫn chạy qua nhà bà ngắm chiếc chuông gió và nghĩ cô vẫn ngồi học ở nhà.
Cô không chỉ là cô họ, mà còn là cô giáo, là người đầu tiên dạy cho mình tiếng Anh, lúc mình còn là đứa trẻ ở quê không biết sách tiếng Anh là gì. Dẫu là đôi ba chữ, đó là lần đầu tiên mình biết chữ tiếng Anh.
Tất cả mọi chuyện như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Ngày đó làm sao con biết tương lai sẽ như thế nào. Cô đã phải trải qua nhiều điều vất vả rồi, từ ngày nào là cô bé nốt ruồi dán hoa móng tay với con, là cô bé ăn hoài không lớn, ghét ăn rau cần, giờ là người có gia đình, làm lụng lam lũ và chịu bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời.
Liệu có khi nào nhớ lại nó làm cô mỉm cười và đỡ nhọc nhằn hơn không, rằng chúng ta đã có tuổi thơ thật tuyệt vời, những kí ức đẹp mộng mơ, trong sáng, vui tươi, tràn ngập hạnh phúc. Chỉ tiếc là ta không bao giờ có thể trở lại là ta của ngày ấy nữa được thôi.
Cô và Meo, đã chưa bao giờ nói lời chia tay với những ngày tháng này. Meo chưa bao giờ kịp chia tay với cô T hồn nhiên, vui vẻ, vô lo. Những biến cố cuộc đời xảy ra rất nhanh và cuốn cô T đi vào những cung đường vất vả, mãi xa ngày nào ta yên vui vô tư lự.
Đấy cô thấy không? Buồn nhất không phải là lúc nói lời tạm biệt. Buồn nhất là lúc chúng ta chợt nhận ra rằng cô chưa bao giờ kịp nói “tạm biệt Meo, cô bây giờ phải khác rồi đây, biến cố cuộc đời đưa cô đi trên con đường gập ghềnh, giờ là bước ngoặt, chúng ta sẽ không còn là bạn vui vẻ như xưa được nữa đâu”. Con cũng đã nhận ra chia tay từ lúc nào đâu. Con đã không vẫy tay.
Có dây cót nào vặn được đưa ta trở lại buổi bình minh màu hồng, hay cơn mưa xối xả ngày đó?

tháng 9 / 2017