không-thoải-mái
“Bởi vì em không có gì để bám víu ngoài một sự không-thoải-mái yếu ớt và mơ hồ. Không chỉ những lý do mà mọi cảm thức tự trọng, chính...
“Bởi vì em không có gì để bám víu ngoài một sự không-thoải-mái yếu ớt và mơ hồ. Không chỉ những lý do mà mọi cảm thức tự trọng, chính trực đều là sáo ngữ.”
Hôm qua tôi nói với Big Tree: “Có lẽ em là người dễ bị mua chuộc.” Đôi khi, em quyết định không làm gì chỉ vì một cảm giác không thoải mái. Em có thể đưa ra lý do, nhưng chúng không bao giờ đủ mạnh bằng cảm giác của em, thế cho nên có hay không cũng vậy.
Đọc review một cuốn sách dạng self-help với những chỉ trích gay gắt, thực ra là khá đúng ý tôi, tôi nhớ lại rằng khoảng một năm trước, khi tinh thần cộng đồng đang sôi sục, tôi cũng ngấu nghiến đọc từng status của tác giả này và thậm chí còn định soạn một email cho chị hỏi về việc xuất bản. Nhưng soạn gần xong thì tôi dừng lại, cảm giác lấn cấn. Liệu mình có muốn viết thể loại sách này không, và nhất là có thực sự tin vào kiểu lập luận này không, hay chỉ ao ước sự nổi tiếng? Cảm giác ấy rất giống tôi của ba năm trước, khi bài báo đầu tiên về tôi được đăng trên Vietnamnet, tôi cũng vui nhưng vẫn thấy không hoàn toàn thoải mái. Và tôi lần lượt từ chối lời mời phỏng vấn của một số báo khác, bỏ ngang hào quang vừa chớm.
Không phải tôi thần thánh gì. Khi đó và cả bây giờ, tôi vẫn mong chờ sự ghi nhận. Nhưng qua nhiều lần, tôi nhận ra cái mình thực sự cần là một sự ghi nhận đúng. Một năm và ba năm nhìn lại, tôi đã có thêm lý do để tin rằng những bỏ ngang ấy là quyết định chính xác. Nhưng vào thời điểm đó, chỉ có một cảm giác không thoải mái mơ hồ. Thậm chí cả bây giờ, tôi cũng không thể như người viết review nọ, hùng hồn lên án cuốn sách self-help. Tôi biết mình đã ít nhiều đồng cảm với tác giả đó, và vẫn có những người đồng cảm. Bạn thân từ cấp ba tặng tôi một cuốn sách dạng theo-đuổi-đam-mê tương tự, nói rằng sách gợi nhắc bạn ấy về tôi. Tôi chưa mở giấy bóng kính, cứ lưu giữ trong giá sách như kỉ vật, nhưng nói đùa rằng nếu sách đã giống tôi thì tôi cần gì đọc nữa, lần sau hãy tặng cho tôi quyển sách giống bạn.
Vì sao tôi bị hấp dẫn đặc biệt bởi những năm 1930s và 1980s? Bởi đó là thời kì giao thoa và chuyển dịch. Người ta nhìn bản thân mình, nhìn đời sống quanh mình hào hứng mà nghi hoặc bởi quá nhiều ảnh hưởng, cũng giống như thế hệ chúng tôi hiện tại. Giữa những người được tiếp xúc với cái mới mà mắt còn ngoảnh về quê hương, tôi nghe thấy hai giọng nói: một giọng nói hùng hồn lên án những cổ hủ, đắc thắng đòi cải cách, sôi sục vì sự thiếu văn minh của “dân bản xứ”. Giọng nói thứ hai đầy rụt rè và có khi tội nghiệp – giọng nói của một đứa con bơ vơ biết rằng mình không thể nhận cha mẹ người. Hai giọng nói ấy cùng ở trong tôi. Liệu những năm 2030s sẽ là một vòng lặp của 1930s, sẽ tiếp nối tinh thần mà 1930s chưa hoàn tất vì những bão táp chính trị? Những thân phận cũ ở trong vòng lặp mới này sẽ ra sao?
Còn hiện tại, không khí “cải cách” và “truyền cảm hứng” đang lan tràn trên FB đã tạo nên một hỗn hợp đậm đặc như nước bể bơi ngày miễn phí. Giữa những ộp oạp ấy, ai còn nghe ra đủ hai giọng nói, ai còn chờ một con mắt xanh? Tôi thì vẫn tin rằng, dù cố tỏ ra tới đâu, con người ta cuối cùng vẫn là – mọi chuyển động chỉ cốt trở thành/ trở về cái không thể không vậy.
Big Tree vẫn không hiểu vì sao tôi nói mình dễ bị mua chuộc: “Nếu em đã dừng lại thì làm sao gọi là bị mua chuộc nữa?” “Bởi vì em không có gì để bám víu ngoài một sự không-thoải-mái yếu ớt và mơ hồ. Không chỉ những lý do mà mọi cảm thức tự trọng, chính trực đều là sáo ngữ.” Nhưng trên đường về, tôi thấy có lẽ phải là như thế mới đúng. Tư thế của con người là lưu đày, nhục nhã, tha hóa, chứ nào phải ngạo nghễ vươn cao rồi truyền đạo cho một đám lúc nhúc bám theo.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất