hương - đáng tiếc vì vẫn có thể tốt hơn
Đáng khen cho Văn Mai Hương khi đã tìm ra được một hướng đi rõ ràng và vững chắc cho sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, những thứ diễn...
Đáng khen cho Văn Mai Hương khi đã tìm ra được một hướng đi rõ ràng và vững chắc cho sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, những thứ diễn ra trong "hương" chưa thể nói là đã tốt.
Sự nghiệp của Văn Mai Hương có thể phân chia thành 2 nửa rất rõ ràng và tách biệt. Trước thời điểm năm 2018, Văn Mai Hương thử sức ở nhiều dòng nhạc nhưng luôn có một màu sắc trẻ trung, vui tươi, rạng rỡ, đôi khi quá rạng rỡ dẫn đến thiếu tiết chế trong cách hát, phô trương quá đà cũng như bỏ qua nhiều về yếu tố hòa âm phối khí (bệnh chung của nhạc Việt giai đoạn ấy). Sau biến cố tình cảm cùng bức tâm thư dậy sóng dân mạng, âm nhạc của Văn Mai Hương cũng biến đổi 180 độ, trầm hơn, sâu lắng hơn, tiết chế hơn và cũng dày đặc những âm thanh phối khí hơn trước.
Văn Mai Hương đã nâng cấp âm nhạc của cô để trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn của bản thân, một “mùa quả chín” mà cô đã đi tìm bấy lâu, nhưng với những người yêu mến âm nhạc như mình, dường như là vẫn chưa đủ. Lý do là bởi, Hương đã đặt ra một cái chuẩn quá cao ngay từ bài trở lại đầu tiên, Ngày thứ 4 của tháng 3, và tất cả các bài sau đó đều không thể chạm được đến cái đỉnh đó nữa. Dù Hương vẫn thực hiện những bài hát cực kì vượt trội so với era cũ, nhưng người hâm mộ vẫn muốn có một thứ gì đó hơn thế.
Sau một loạt single, rồi đến album “hương”, đáng tiếc là Văn Mai Hương chưa thể thỏa mãn được những điều này. Album “hương” có quá trình phát hành và quảng bá rất giống “dreAMEE” của AMEE, đó là phát hành một loạt những single ấn tượng, sau đó đưa hết chúng vào trong album kèm theo một vài bài khác. Nhưng nếu “dreAMEE” có một át chủ bài là Mama Boy đủ sức cân kèo với loạt single ấn tượng trước đó, thì trong “hương”, không có bài nào làm được như vậy. Tất cả những bài hay nhất, tốt nhất đã được Hương tung ra hết trước đó, khiến cho trải nghiệm nghe album “hương” của những người đã theo dõi cô từ 2018 đến nay rất đáng thất vọng.
Tuy nhiên, nếu gạt bỏ hết những kỳ vọng có phần hơi vô lý, gạt bỏ những ấn tượng về các single trước đây để nghe với một tâm lý đơn thuần nhất, “hương” vẫn có được một sự đồng nhất và một mạch thống nhất của một album. Tuy không có khoảnh khắc nào xuất thần như ngày thứ 4 của tháng 3, nhưng toàn bộ các bài hát ở đây đều trung thành với màu sắc jazz pop, pha thêm chút soul trên nền tảng của ballad mà Hương cùng Hứa Kim Tuyền đã thực hiện nhuần nhuyễn trong suốt thời gian qua. Mang một tông màu trầm buồn, ngay cả ở happy ver cho “Cầu hôn”, “hương” thoát hoàn toàn đứng độc lập với những album trước, phần nào khẳng định được sự trưởng thành của Văn Mai Hương. Ta không còn thấy sự thiếu kiểm soát trong dynamic nữa, mà cô biết lúc nào cần bung lúc nào cần ém để đẩy cao trào một cách hiệu quả nhất (Đốt, tình lãng phí) hay giữ cho bài hát một sự êm đềm cần thiết (đã lâu lắm rồi, trên cây cầu bên sông).
Giọng hát của Văn Mai Hương cũng là một cứu cánh cho những bài hát không nổi bật lắm như kiểu “Mai đây em thương một chàng trai”. Một bài hát thuần chất ballad hơn, ít điểm nhấn hơn, nhưng Hương vẫn thành công trong việc kéo bài hát lên mức trên trung bình bằng cách đẩy cao trào rất chắc khỏe, trình bày da diết, biết cách dùng belting xen kẽ head voice để bài hát luôn có những khoảnh khắc đặc biệt mà người nghe nhớ đến.
Vâng, album có chất lượng khá ổn, mặc dù các bài chưa thực sự đồng đều nhưng không gian âm nhạc lại thống nhất, vừa vặn rất đáng khen cho đến khi ta nghe đến bài “hương” cuối cùng. Đang jazz pop, ballad, Văn Mai Hương và Hứa Kim Tuyền đột ngột nhảy sang dance pop mà không một lời báo trước. Họ giải thích rằng bài hát này để mở ra era tiếp theo cho Văn Mai Hương, ok thôi nhưng thứ nhất, họ có thể cho vào bonus track để không ảnh hưởng đến mạch chung của album - một lựa chọn tốt hơn là đưa nó thành bài kết album - và thứ hai, bài hát này không hề hay. Màu sắc dance pop không mới, không quá hấp dẫn, cũng không đủ lực để thực sự bứt phá và tạo sự hứng thú cho người nghe về era mới. Và quan trọng nhất, negav là một sự lựa chọn rất khó hiểu. Verse của negav không thực sự hài hòa với cả bài hát, negav rap rất thều thào, thiếu lửa đối với một bản nhạc dance, lyrics không hay, tên tuổi cũng không có để tạo sự chú ý cho album. Sự xuất hiện quá thừa thãi, có hay không có cũng chẳng sao này đã đẩy thẳng chất lượng cả “hương” bài hát lẫn “hương” album xuống mấy bậc. Khó hiểu hơn nữa, bài hát để mở ra một era mới lại cũng là tên của era này? Tại sao?
“hương” là một bước tiến rất xa của Văn Mai Hương sau giai đoạn cũ mà đã hơi lỗi thời so với thời điểm hiện tại cũng như phong cách của cô. "hương" đằm thắm hơn, dịu dàng hơn, tinh tế hơn và giúp Hương trở thành vocalist có discography ấn tượng hàng đầu hiện nay. Nhưng nghe “hương”, người yêu mến cô rất bí bách vì biết cô và Hứa Kim Tuyền hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế này nữa. Sau 2 năm thai nghén, album hoàn toàn không thể coi là thỏa mãn dù nó vẫn ở nửa trên so với thị trường.
Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất