1/ Chỉ đọc, học, nghiên cứu Kinh Thánh thì có thể lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng phù hợp tâm tư, tình cảm, lối sống của nữ giới không ạ? Nếu tham khảo thêm sách vở, người tâm vấn thì nên tham khảo như thế nào? Bản thân em cũng có xem mấy video youtube, sách vở do người đời soạn. Đâu là phương cách phù hợp để mở mang năng lực, tấm lòng, tâm trí để yêu thương người khác phái hơn?
2/ Em có quan điểm là yêu thương thì yêu thương “như nhau” tức là như Chúa dạy là yêu người lân cận như mình. Thế thì sao mình đủ tinh tế nhận ra ưu tiên, ranh giới trong các mức độ mối liên hệ giữa 2 người khác phái vậy ạ?
Theo em, đọc, học, nghiên cứu Kinh Thánh để làm gì? Để có câu trả lời theo kiểu “từ điển” hay “cẩm nang” cho mọi vấn đề của đời sống, trong đó có cả chỉ dẫn cụ thể cách “cưa đổ” người khác giới? Chắc không phải là vậy rồi. Kinh Thánh bày tỏ Chúa là ai, con người là ai trong mối liên hệ với Chúa và với tạo vật, và nguyên tắc sống đúng trong các mối liên hệ đó. Hơn thế nữa, Kinh Thánh không chỉ cung cấp kiến thức cho lý trí, mà Thánh Linh qua Lời Kinh Thánh soi sáng, dạy dỗ, ban năng lực sống đúng cho người yêu mến Chúa và làm theo Lời Ngài. Do đó, nếu em học Kinh Thánh nghiêm túc và vâng theo Thánh Linh trong đời sống, em sẽ có sự tin kính, khôn ngoan, tình yêu thương, sự khiêm nhường, cởi mở, học hỏi, nhờ đó em có thể “lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng phù hợp tâm tư, tình cảm, lối sống của nữ giới” không phải để chìu chuộng ý thích và chinh phục nữ giới, mà để làm một người nam trưởng thành, đủ sức “lìa” cha mẹ để dẫn dắt gia đình của riêng mình (Sáng 2:24).
Vậy nên, một người đặt nền tảng đời sống mình trên sự nhận biết Chúa qua sự gắn kết với Lời Chúa sẽ không phủ nhận vai trò của kiến thức từ cuộc sống, nhưng sẽ nhận định, đánh giá, tiếp thu chúng qua nhãn quan của Chúa để xem chúng có theo lẽ thật không. Như một nhà thần học (có lẽ là Augustine) đã nói, “Mọi lẽ thật đều là lẽ thật của Chúa,” những khám phá và tri thức chân thật của nhân loại đều do Chúa bày tỏ qua những cách khác nhau. Vấn đề là chúng ta cần sự khôn ngoan Chúa ban để nhận biết đâu là lẽ thật tuyệt đối và khách quan giữa một thế giới cho rằng lẽ thật chỉ là tương đối (“điều đúng với tôi không nhất thiết đúng với bạn”) và chủ quan (“điều tôi thích, cảm thấy đúng thì là chân lý”). Thế thì, trả lời cho câu hỏi “nên tham khảo sách vở, người cố vấn thế nào”, anh cho rằng chúng ta có thể dùng câu Kinh Thánh Phi-lip 4:8-9 làm nguyên tắc: (1) Nhận định và tiếp thu “điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi.” (2) Thực hành những điều “đã học, đã nhận, đã nghe và đã thấy” nơi người tin kính, bắt chước Chúa, sống theo lẽ thật của Chúa. Để “mở mang năng lực, tấm lòng, tâm trí để yêu thương người khác phái hơn” không có “phương cách” nào khác hơn là sống yêu thương chân thành theo những gì em đã học biết và sự bày tỏ liên tục của Chúa khi em sống trong tương giao với Ngài và thân thể của Ngài là Hội thánh. Yêu thương là sống trong mối quan hệ với con người, và mỗi người là độc đáo, không có con đường tắt hay công thức chung.
Câu hỏi 2.
Thứ nhất, quan điểm của em có phần đúng, nhưng chưa đủ. Em đọc lại Kinh Thánh sẽ thấy rằng Chúa nói: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27). Mạng lệnh quan trọng nhất cho người tin Chúa là yêu kính Chúa bằng cả đời sống, và yêu người lân cận như mình. Lòng yêu mến Chúa của em sẽ hướng dẫn và quyết định cách em yêu bản thân đúng và yêu người lân cận như yêu chính mình.
Thứ hai, Chúa không dạy chúng ta yêu thương “như nhau”, mà là yêu như Chúa đã yêu: “Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.” (Gi 15:12). Điều đó có nghĩa là môn đồ của Chúa không để tình yêu, cách ứng xử của người khác quyết định cách hay mức độ yêu thương của mình, mà học yêu nhau theo chuẩn mực yêu thương của Chúa (tình yêu agape): hy sinh, hạ mình, chủ động, trung thành, tha thứ vô điều kiện. Nhưng đó không phải là tình yêu theo kiểu chìu chuộng, dung túng tội lỗi và để mình bị lợi dụng cho điều xấu, vì Chúa yêu để giúp người được Ngài yêu được biến đổi và trưởng thành. Em thấy “lý tưởng” quá phải không? Vì đó là loại tình yêu đến từ chính Chúa; Chúa Cứu thế Giê-xu vừa là mẫu mực nhưng cũng vừa là động lực để người tin yêu Ngài có thể học tập sống yêu thương như thế, vì Ngài sống trong lòng người thuộc về Ngài qua Thánh Linh Ngài.
Thứ ba, em cần phân biệt tình yêu tha nhân với tình yêu hôn nhân. Dù nền tảng tình yêu tha nhân và tình yêu hôn nhân đều đặt trên tình yêu agape, tức là tình yêu thật, yêu vô điều kiện như vừa nói trên, nhưng em chỉ có một người bạn đời để bước vào mối liên hệ “một thịt” – sự hiệp nhất tâm linh, tâm hồn và thể xác (Sáng 2:24). Vấn đề không phải là làm sao “đủ tinh tế nhận ra ưu tiên, ranh giới trong các mức độ mối liên hệ giữa hai người khác phái”, mà là nền tảng các mối quan hệ của em đặt trên sự tin kính Chúa và tình yêu thật. Hãy cư xử với tất cả “người lân cận” bằng tình yêu tha nhân bằng tất cả sự tin kính và tôn trọng; rồi trong những "người lân cận" đó hãy bước vào mối liên hệ với một người bạn khác phái cũng bằng tình yêu đó, với nhận thức rằng đây là người bạn đời tiềm năng (nhớ: chỉ là tiềm năng thôi) của mình, cần đầu tư thời gian, năng lượng (và ngân lượng) một cách có chủ đích để tìm hiểu và xây dựng mối liên hệ; những ưu tiên hợp lý trong kế hoạch, cuộc sống của em cho việc xây dựng mối liên hệ đó sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Mối quan hệ không tự nhiên lớn được nếu em không gây dựng nó. Mặt khác, em nhận biết rằng vấn đề tình dục, một phần trong mối liên hệ “một thịt”, là yếu tố làm cho tình yêu hôn nhân khác biệt so với tình yêu dành cho phần còn lại của thế giới nên đó là “ranh giới.” Hãy tìm hiểu, gây dựng mối liên hệ với nhau và đồng thời giúp nhau giữ mình không phạm ranh giới đó. Em có thể xem câu trả lời câu hỏi #12 của Anh Chăn bầy về chuyện làm sao “thân mật mà không bị giập mật” nhé.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất