học tiếng anh
Xu hướng cho con tiếp cận với ngoại ngữ ở lứa tuổi mầm non và thiếu nhi (4-12 tuổi), cụ thể là Anh ngữ ngày càng gia tăng ở các khu...
Xu hướng cho con tiếp cận với ngoại ngữ ở lứa tuổi mầm non và thiếu
nhi (4-12 tuổi), cụ thể là Anh ngữ ngày càng gia tăng ở các khu vực
thành thị. Tuy nhiên, việc xác định đúng lộ trình học tập ngoại ngữ của
con em mình một cách phù hợp và hiệu quả vẫn là một băn khoăn lớn của
không ít bậc cha mẹ. Bài viết này chia sẻ những thông tin mà các bố mẹ
cần biết khi chọn tài liệu và khóa học tiếng Anh cho con.
Cho con học tiếng Anh sớm có lợi gì?
Suốt nhiều thập kỷ, nhiều người cho rằng trẻ em học ngoại ngữ nhanh
hơn người lớn. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực chứng trong 20 năm gần đây
cho thấy, nhìn chung trẻ em và người lớn có năng lực và tốc độ tiếp thụ
ngoại ngữ tương đương nhau. Khía cạnh duy nhất mà trẻ em vượt trội so
với người lớn là khả năng phát âm. Trẻ học ngoại ngữ sớm (từ 0 đến 7
tuổi) có khả năng phát âm chính xác và có phản xạ nói tốt hơn người lớn
do có những lý do mang tính sinh học. Giai đoạn phát triển ngôn ngữ này
của trẻ em được gọi là “giai đoạn quan trọng- Critical period”. Ở lứa
tuổi trưởng thành, sẽ có ít người có thể học một ngôn ngữ mới với khả
năng nói được như người bản ngữ.
Vì vậy, nếu bạn muốn con mình phát âm tiếng Anh giống như người bản
ngữ, thì có thể cho con học ngoại ngữ trước 7 tuổi. Nếu trẻ được dạy bởi
người bản ngữ hoặc giáo viên tiếng Anh phi bản ngữ có phát âm rõ và
chính xác, hoặc được tiếp xúc với môi trường giao tiếp với người bản
ngữ, khả năng phát âm chính xác các từ đã học sẽ rất cao. Mức độ và tần
xuất tiếp xúc với ngữ liệu phù hợp về nội dung và nhận thức của trẻ càng
nhiều, trẻ càng có khả năng phát âm và nhại tiếng tốt.
Trẻ học tiếng Anh sớm, đúng phương pháp và liên tục,
cũng có xu hướng tự tin hơn trong giao tiếp bằng ngoại ngữ. Các cháu
không cảm thấy sợ, hay lạ khi gặp những người nói ngôn ngữ đó. Các cháu
cũng hình thành được động cơ học tập mang tính hòa nhập, tức là yêu
ngoại ngữ mà mình học một cách tự nhiên và do đó thích học nó một cách
tự nhiên chứ không bị gò ép. Và do thời gian tiếp xúc ngôn ngữ của cháu
dài hơn so với những người học tiếng muộn, các cháu cũng có nhiều thời
gian để nội hóa những gì đã học hơn.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, nếu được học ngôn ngữ thứ hai
trong một môi trường dung nạp và khuyến khích, hỗ trợ tích cực, trẻ sẽ
có thể tiếp thụ tốt được cả hai ngôn ngữ .
Nếu môi trường sống và học tập hàng ngày xung quanh trẻ là môi trường
song ngữ thì khi học ngôn ngữ thứ hai, trẻ sẽ hình thành thói quen có
thể nghĩ được bằng cả hai ngôn ngữ thay vì chỉ nghĩ bằng một ngôn ngữ mà
thôi. Việc trẻ có thể “quên” tiếng mẹ đẻ khi học thêm một ngôn ngữ thứ
hai hầu như chỉ xảy ra khi trẻ thuộc nhóm dân nhập cư (đến sinh sống tại
một nước nói tiếng Anh) hoặc bắt buộc phải học ngôn ngữ thứ hai để
phục vụ cho việc học tập tại một trường quốc tế sử dụng tiếng Anh là
ngôn ngữ chính.
Một số nghiên cứu gần đây cũng khẳng định, trẻ được học và giao tiếp đồng thời hai ngôn ngữ liên tục và thường xuyên
từ nhỏ (bilingual children) thường có khả năng phát triển nhận thức
(cognitive development) tốt hơn trẻ đơn ngữ. Ngôn ngữ thứ hai cho phép
trẻ tiếp nhận các khái niệm từ một góc độ khác và do đó, nhìn nhận thế
giới và dung nạp các kiến thức hiệu quả hơn.
Giúp con học giỏi tiếng Anh
Nhiều bậc cha mẹ thường băn khoăn khi chọn sách học ngoại ngữ cho con.
Các sách tiếng Anh cho trẻ em ở Việt Nam có hai loại. Loại thứ nhất
là các sách được xây dựng và biên tập tại Việt Nam, cho học sinh Việt
Nam. Các sách này nhìn chung phù hợp với đặc điểm văn hóa và người học
Việt , nhưng lại thường không đồng bộ (thiếu sách giáo viên, chất lượng
biên soạn không tốt, thiếu các công cụ dạy học và kiểm tra đánh giá đi
kèm). Các bố mẹ có thể chọn loại thứ hai, do các nhà xuất bản nước ngoài
làm, được biên soạn trên cơ sở các giá trị chung nhất và các tình
huống/chức năng giao tiếp phổ cập nhất cho mọi trẻ em ở mọi quốc gia.
Những giáo trình do các nhà xuất bản từ Cộng đồng Chung Châu Âu như
Oxford University Press, Cambridge University Press và Longman tuân thủ
Khung Tham chiếu Chung Châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) và do đó tôn trọng văn
hóa gốc của người học, tôn trọng sự đa dạng về văn hóa và giúp người
học phát triển ngôn ngữ mà không bị mất đi bản ngã văn hóa của mình. Các
giáo trình này cũng tương thích với hệ thống bài thi tiếng Anh chuẩn
hóa quốc tế dành cho thiếu nhi và thiếu niên của Cambridge ESOL Exams
vốn được công nhận rộng rãi và cũng đang được dùng làm khung chuẩn đánh
giá năng lực tiếng Anh trong hệ thông giáo dục quốc dân của Việt Nam.
Vấn đề thứ hai là chữ viết. Cách viết chữ tiếng Việt và cách viết chữ
tiếng Anh có sự khác biệt lớn. Các tài liệu dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu
giáo và thiếu nhi cho phép học sinh “vẽ” chữ cái và tô từ theo nguyên
tắc viết chữ khá lỏng. Trong khi đó, nguyên tắc viết chữ tiếng Việt lại
khá chặt chẽ. Nếu trẻ bắt đầu học tiếng Anh đúng vào giai đoạn học viết
chữ ở cả hai ngôn ngữ, các cháu có thể gặp khó khăn trong cách viết chữ
tiếng Việt, và dễ nhầm lẫn cách phát âm và đánh vần các từ giữa hai
ngôn ngữ. Những bố mẹ có con học tiếng Anh ở giai đoạn này đặc biệt chú ý
hướng dẫn con viết chữ cho đúng cách, giúp con phân biệt cách phát âm
các chữ cái trong tiếng Anh và tiếng Việt. Các bố mẹ cũng có thể chờ cho
con học hết học kỳ một của lớp 1, khi con đã đọc và viết tốt các chữ
cái cơ bản của tiếng Việt, rồi mới cho con học viết tiếng Anh.
Khi chọn khóa học tiếng Anh cho con, bố mẹ cần tìm hiểu xem chương
trình dạy và tài liệu được thiết kế có đảm bảo hai yếu tố là “phù hợp”
và “hệ thống” không. Mục đích là để trẻ tiếp thu được những gì được học
một cách dễ dàng tự nhiên và phi áp lực, nhưng đồng thời cũng có hệ
thống nhất quán. Khi trẻ học tiếng Anh từ nhỏ, các cháu dễ mắc các lỗi
mà các cô giáo cháu mắc phải, đặc biệt là lỗi phát âm. Vì vậy, việc lựa
chọn giáo viên có phát âm tốt và có phương pháp sư phạm tốt là hết sức
quan trọng. Phương pháp dạy của giáo viên phải đa dạng và vui với các
nhiều hoạt động khác nhau giúp các con luôn thấy thích và không bị nhàm.
Các giáo viên cũng cần sử dụng rất nhiều phương tiện giao tiếp và giáo
cụ (tranh ảnh, bài hát, hình vẽ, rối, ngữ cảnh, điệu bộ…) để giúp các
cháu tiếp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên trong ngữ cảnh.
Nhiều bố mẹ thường phàn nàn với tôi là con họ đã học tiếng Anh 5-6
tháng rồi mà chưa nói được câu nào. Mức độ thể hiện mà hình thức đơn
giản nhất là “nói” một ngoại ngữ, lại tùy thuộc vào độ ngắn dài của giai
đoạn “tiếp thụ trong im lặng-the silent period” của từng trẻ. Ở giai
đoạn đầu, trẻ tiếp thu và nội hóa các kiến thức trong im lặng, giống như
em bé học nói tiếng mẹ đẻ trong năm đầu tiên của đời mình. Ở giai đoạn
này, trẻ dừng lại ở mức độ nhận biết và hiểu, hoặc chỉ nói được các từ
đơn lẻ, chứ chưa nói được cả câu có nghĩa. Bố mẹ đừng tỏ ra sốt ruột mà nên cho các cháu thời gian, khen ngợi giúp con tự tin bước sang giai đoạn tiếp theo của chu trình học tiếng.
Học ngoại ngữ giống như học đàn, học múa hay học võ ở chỗ nó đòi hỏi
người học phải luyện tập và thực hành liên tục để có được kỹ năng. Trẻ
em dễ học và dễ quên, do đó các tài liệu dạy tiếng Anh cho trẻ đều đi
theo đường xoáy ốc: ôn lại và nâng cao. Nếu muốn con mình học tiếng Anh
hiệu quả, hãy đảm bảo tính thường xuyên và liên tục, không chỉ của quá
trình học mà cả của động cơ học tập. Và để làm thế, chỉ có một cách, là
làm cho việc học ngoại ngữ thành một niềm vui với các con mình và giúp
các con có môi trường để sử dụng những gì đã học.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất