hãy dừng ngay kiểu: điện ảnh là phải thế này, điện ảnh là phải thế kia!
thật sự thì hiện tại nghệ thuật, bản thân nó, đã được mở rộng ra nhiều lắm rồi, chứ không riêng gì điện ảnh. nếu phải nói riêng, thì...
thật sự thì hiện tại nghệ thuật, bản thân nó, đã được mở rộng ra nhiều lắm rồi, chứ không riêng gì điện ảnh. nếu phải nói riêng, thì bây giờ chúng ta có phim siêu anh hùng, hay táo bạo hơn là phim theo format màn hình dọc, phim màn hình máy tính (computer screen films), và sắp tới chúng ta có thể sẽ được xem phim thực tế ảo (virtual reality films) nữa.
nếu vài năm trước rạp chiếu là đích đến của việc tận hưởng điện ảnh thì kể từ đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh nọ kia, chúng ta đã và đang phải chứng kiến sự lên ngôi của các dịch vụ chiếu phim trực tuyến và virtual cinemas (rạp chiếu phim ảo). thay vì xem phim bằng một cái màn hình dài 20 mét cao 9 mét với âm thanh dolby 7.1 thì người ta dần cảm thấy việc xem phim bằng một cái laptop hay thậm chí một cái màn hình điện thoại 6 inch với cặp airpod trên tai thuận tiện hơn rất nhiều. bạn có thể từ chối xem chúng (và tất nhiên, phim "dở" và phim "hay" là có), nhưng điều đó cũng không khiến chất "điện ảnh" trong chúng tăng lên hay giảm đi là bao nhiêu.
từ khi nào mà "điện ảnh" trở thành một tiêu chuẩn cụ thể? cụ thể đến mức người ta mô phỏng một số góc máy, cách chỉnh màu mà họ nghĩ là "chuẩn điện ảnh", tất nhiên là theo tiêu chuẩn về định nghĩa điện ảnh do chính họ đề ra. dạo một vòng các mv ca nhạc bây giờ, hoặc trên một số trang báo, bạn sẽ dễ dàng thấy người ta tung hô chúng bằng các câu như "đầy tính điện ảnh" hay "chất điện ảnh trong...",... đại loại, đại loại vậy. nhưng mà suy cho cùng, cái "chuẩn điện ảnh" đó là gì? là cái mà người ta hay thấy trên phim, hay là định nghĩa riêng của họ về điện ảnh, rằng điện ảnh phải như thế kia, thế này, thế nọ lọ chai? tôi không biết.
có thể đó là một số những người tự nhận mình là cine/kinophiles, tâng bốc dòng phim arthouse châu âu rồi bài trừ dòng phim siêu anh hùng; hay fanboys, fangirls của dòng phim giải trí bài trừ slow cinemas hoặc phim thể nghiệm với quan điểm cho rằng phim ảnh là để giải trí, và chỉ để giải trí mà thôi.
nếu đã đặt ra giới hạn cho nó, thì tức là không muốn phá bỏ hay vượt lên nó. tới đó là hết, có lẽ, ý bạn là vậy. những định nghĩa này, ngoài những chuẩn nền ra, đang dần kiềm hãm lại sự phát triển của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, cũng như cách chúng ta tận hưởng nó.
có gì sai khi nói cái dương vật khổng lồ của satan trong This Is the End (2013) lẫn cảnh đặc tả đôi mắt trong 2001: A Space Odyssey (1968) đều là điện ảnh? chúng đều tác động lên thị giác, và giao tiếp với khán giả qua camera đấy thôi?
thay vì cứ lên án mồm những thứ mình không thích, rồi rêu rao: "đây không phải điện ảnh!" thì chẳng phải việc ngồi xuống và xem nốt bộ phim, sau đó chỉ ra những điểm mình không thích là tốt hơn sao? chúng ta có thể tự do tận hưởng mọi bộ phim, cũng như những khía cạnh nghệ thuật của chúng mà không hề cảm thấy bị gò bó. hãy học cách chấp nhận, chúng ở đó, và bạn chẳng có quyền gì để nói bộ phim bạn thích "điện ảnh" hơn bộ phim bạn ghét cả. còn nếu là một nhà làm phim, hãy xem thật nhiều, mở lòng mình ra, đón nhận cả những cái tốt và không tốt, để biết được điện ảnh bây giờ đang ở vị trí nào, ít nhất là trước đã, rồi hãy phá vỡ chúng đi. lọc ra những cái bạn không thích, phát triển những thứ bạn thích, và không ngừng nghỉ tìm tòi những cái mới, những sáng tạo mới. sau cùng, hãy tự đặt cho mình câu hỏi "điện ảnh là như thế nào?", vì điện ảnh, cũng như bất kỳ những hình thức nghệ thuật nào khác, là để phát triển, song song với nền văn minh nhân loại, dĩ nhiên.
"không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". đừng cứ che mắt và lao đầu vào một cái định nghĩa cụ thể nào đó và bài trừ những thứ không nằm trong cái định nghĩa ấy, hãy chấp nhận rằng chúng có ở đấy, và nếu bạn đủ giỏi, đặt câu hỏi về chúng, tái kiến trúc lại chúng, làm cho thứ nghệ thuật mà bạn yêu đột phá, hoặc công nhận những đột phá. suy cho cùng thì, chỉ cần có camera, điện ảnh là gì cũng được. mỗi người đều nên có cho mình định nghĩa riêng về điện ảnh, nhưng thay vì đi khắp nơi rồi hô hào "đây mới là điện ảnh!", hãy học cách để nói rằng: "ồ, đó cũng là điện ảnh!".
namngbth.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất