Với mình, hầu hết các bài hát trong dự án gen Z và Trịnh đều rất “mới”, mới trong cả cách dàn dựng, phối khí, mới đến cả tinh thần truyền tải.
Trước khi bắt đầu bài review, mình muốn đưa ra một quan điểm như thế này: Khi nghe một sản phẩm âm nhạc “làm mới” thì mình muốn nó phải thực sự mới, hợp thời đại mới chứ không thể đòi hỏi cái “mới” cứ phải giống cái cũ hay phải phục vụ theo một cái “tinh thần”, cái “chất” mơ hồ nào đó mà không ai biết cụ thể hay có thể đo lường được. Nó vô nghĩa lắm vì nếu giống cái cũ thế thì nghe cái cũ luôn đi có phải nhanh gọn hơn không nào? Đối với gen Z và Trịnh cũng thế, mình sẽ nhìn nhận sản phẩm này ở việc hòa hợp giữa sáng tác, phối khí, thể hiện cùng độ tươi mới hợp thời trong mặt sản xuất. Và với mình, hầu hết các bài hát trong dự án gen Z và Trịnh đều rất “mới”, mới trong cả cách dàn dựng, phối khí, mới đến cả tinh thần truyền tải.
Người làm điều này triệt để nhất chắc chắn phải kể đến Mỹ Anh với nhạc phẩm Nhìn những mùa thu đi. Loại bỏ hết những cái day dứt buồn bã mà những người hát lại ca khúc này thường sử dụng, Mỹ Anh đưa vào cách hát airy đặc trưng của mình, đẩy tiết tấu lên khá nhanh để tận dụng triệt để sở trường R&B của mình. Điều này khá là hợp lý vì bản thân “Nhìn những mùa thu đi” không phải là một ca khúc quá não nề trong cả mặt lyrics lẫn giai điệu. Có một chút buồn, đúng, có nhiều sự tiếc nuối, cũng đúng luôn, nhưng nó không đến mức quá tuyệt vọng đau khổ. Mỹ Anh bắt trúng những cái hình ảnh tuyệt đẹp được mô tả trong bài hát, diễn giải nó theo cách riêng của cô mà vẫn hợp lý. Phần phối khí phía sau có cả sự mộc mạc của tiếng trống acoustic lẫn một vài chi tiết piano, guitar điểm xuyết rất nhẹ nhàng tạo không gian và nhịp điệu cho bài hát. Mỹ Anh hát “nhìn những mùa thu đi” khác với tất cả những người trước đó, tạo nên một địa hạt riêng cho mình và chắc chắn sẽ luôn có một nhóm khán giả trẻ cực kì thích phong cách như thế này.
Kiên là người tiếp theo khoác một chiếc áo lạ lẫm cho một nhạc phẩm kinh điển khác của Trịnh Công Sơn - Diễm Xưa. Khác với “Nhìn những mùa thu đi” buồn nhưng không quá sầu bi, “Diễm xưa” đậm đặc trong một nỗi nhớ, nỗi khát khao không thể thành hiện thực. Chính vì thế, ekip cũng khéo léo lựa chọn chất liệu Jazz Swing, thêm chút lo-fi ở đầu để diễn tả điều này một cách mới mẻ. Thực ra Diễm xưa phối Jazz thì không phải là quá lạ, đã có nhiều người làm điều đó với saxophone là âm thanh chính. Tuy nhiên, Kiên lại diễn giải lại Diễm Xưa bằng cách hát buông lơi hờ hững quen thuộc của mình, khiến cho nỗi buồn trong bài hát không day dứt như thông thường, mà có chút tưởng như thờ ơ, lãnh đạm nhưng lại không thể buông bỏ được. Một điểm rất đáng khen nữa là Kiên đã bỏ đi được hầu hết phần phát âm ngắn lưỡi anh thường mắc phải trong các bài hát khác để thể hiện tương đối trọn vẹn.
Hoàng Duyên, Obito cũng giống Kiên, ấy là lựa chọn giữ nguyên cách hát đặc trưng của bản thân. Lần đầu tiên kết hợp, lại còn ở trong một bài hát khó và nhiều áp lực như “Mưa hồng”, nhưng cả Duyên và Obito đều cho thấy một sự thoải mái, nhẹ nhõm, không quá căng cứng gồng gánh để truyền tải một thông điệp gì đó quá tầm năng lực của cả 2. Có thể nhiều người thấy cách hát của cả 2 không thực sự rõ lời, nhưng thứ nhất là nó không đến mức hoàn toàn không nghe được chữ nào, và thứ hai cách hát lướt chữ nhẹ thế này làm nổi bật phần giai điệu và phối khí lên rất nhiều. Cả hai đã lựa chọn cách hát riêng và họ vẫn đang làm tốt điều đó thì không có lý do gì nên chỉ trích họ quá mức.
Tuy nhiên, có lẽ ekip sản xuất dự án gen Z và Trịnh vẫn còn e sợ phản ứng của công chúng, không dám bung sức quá đà, nên đa số các bài hát nghe đều thiếu thiếu một chút gì đó. Ở “Nhìn những mùa thu đi”, Mỹ Anh có rất nhiều không gian để bung sức, mang đến những cú phiêu bay bổng đặc trưng của R&B như những gì cô bé vẫn làm, nhưng cô đã không thực hiện nó ở đây, khiến cho bài hát tưởng như đã thực sự bứt phá ở khúc cuối thì lại trở về sự bình lặng an toàn. Ở “Mưa hồng” cũng tương tự, cứ ngỡ Obito có thể mang đến một verse rap để khiến Mưa hồng khác biệt hẳn với tất cả những phiên bản trước, nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ hát từ đầu đến cuối.
Juky San và Hoàng Dũng có cách trình bày đơn giản, nhưng sự đơn giản ở đây hơi quá mức đến đơn điệu. Cách cả 2 trình bày các verse đều giống hệt nhau, không có sự khác biệt, đặc biệt ở “Tuổi đá buồn” khi lyrics giữa các verse có thay đổi nhưng cách Juky hát thì vẫn y nguyên. Kiên thì ở chiều hướng ngược lại, có cách hát lạ hơn và chịu khó thay đổi giữa các verse, nhưng đôi khi anh chưa kiểm soát tốt giọng hát của mình, vẫn còn chông chênh đâu đó. Tuy nhiên, mình vẫn đánh giá cao phần thể hiện của Kiên nhất trong cả 6 người vì anh là người đã thực hiện ý đồ của mình một cách tốt nhất và sâu nhất trong khả năng của mình. Những người còn lại cũng rất nỗ lực trong việc mang lại cách trình bày mới, tinh thần mới, nhưng lại không đi được đến tận cùng những gì mà bản phối đã mở ra cho họ.
Bản phối là một điểm cực kỳ đáng khen trong dự án này. Các bản phối đều chỉ xoay quanh R&B, Jazz Swing, lo-fi nhưng vẫn có sự độc đáo, lạ lẫm giữa các bài: Ở Nhìn những mùa thu đi” là tiếng synth lướt nhanh, tiếng leng keng rực sáng, ở “Tuổi đá buồn” lại là tiếng trống chậm rãi và sang trọng, “Diễm xưa” sở hữu đoạn giang tấu ấn tượng nhất trong dự án này, “mưa hồng” lại sử dụng trống điện tử phối hợp với đàn dây rất hiện đại. “Nắng thủy tinh” phối an toàn hơn cả nhưng vẫn sạch sẽ và không có gì để chê.
Nhìn chung mình vẫn đánh giá rất cao tinh thần trẻ trung đúng chất gen Z của dự án này cùng sự thống nhất hài hòa trong mặt âm thanh xuyên suốt các bài hát. Tất cả những bạn trẻ ở đây đều rất tài năng, việc ngồi cầm đàn guitar gảy gảy, sử dụng lối hát xưa cũ như bản gốc là không khó với họ. Nhưng họ vẫn chọn đặt vào cá tính riêng của bản thân, sử dụng các bản phối phức tạp và tươi mới hơn là điều vô cùng đáng khen. Tuy nhiên, sự an toàn quá mức khiến cho hầu như không một bài nào thực sự bật lên được và cả EP nghe chỉ bình lặng, với người chưa từng nghe nhạc Trịnh bao giờ có lẽ chỉ bật lên để “chill chill” thôi chứ đọng lại gì hay để nhớ đến mà replay e rằng hơi khó. Nhưng mới có thế này mà đã ăn chửi ngập mặt thì cũng không thể làm mạnh tay hơn được, nhỉ?
Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811