sau một thời gian khá dài chật vật sống cùng với sự book slump- một trạng thái mà mình không còn có bất kì hứng thú với việc đọc hay không thể đọc được, mình quyết định thay đổi. và với phương pháp “đọc một cuốn sách ngắn dưới 200 trang” trên youtube, mình đã tin tưởng chọn “buồn ơi chào mi”.

đây là tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn francoise sagan, được viết khi bà mười tám tuổi, đã nhanh chóng gặt hái rất nhiều thành công. ngay trong năm đầu xuất bản tại pháp, cuốn tiểu thuyết đã bán được 850.000 bản, dịch ra 15 thứ tiếng, được cả công chúng lẫn giới phê bình đánh giá cao. bên cạnh đó, “buồn ơi chào mi” còn giúp cho sagan vinh dự nhận được được giải prix des critiques do một hội đồng có tiếng trao tặng vào năm 1995. trích lời của nữ nhà văn khi nói về đứa con tinh thần này: “ tôi đã biết đến vinh quang khi 18 tuổi trong 188 trang giấy.”

cuốn tiểu thuyết kể về những ngày hè ngập nắng của cô nàng cécile mười bảy tuổi, cùng bố và nhân tình của ông nghỉ ngơi tại một căn biệt thự bên bờ biển địa trung hải. kỳ nghỉ tưởng chừng như êm dịu đó lại ẩn chứa những đợt sóng ngầm khi có sự xuất hiện của anne- một người phụ nữ thanh lịch, chỉn chu, ngược hẳn với cách sống dễ dãi, phóng túng của cha con cécile. kịch tính bắt đầu khi cha cécile ngã vào lòng anne với mong muốn cưới người phụ nữ sẽ đưa bố con ông vào khuôn khổ. và rồi một kế hoạch hình thành trong đầu cécile- cô gái đang say nồng trong mối tình tuổi trẻ.

tạm khoan bàn về những tình tiết của câu chuyện, những nghệ thuật sắp xếp con chữ của tác giả hay hình tượng nhân vật trong “buồn ơi chào mi”; thứ làm mình buồn và thất vọng nhất, chính là về phía nhà xuất bản nhã nam. bìa sau của cuốn sách- nơi nhà xuất bản tóm tắt lại nội dung của tác phẩm đã in sai h-o-à-n-t-o-à-n tên nhân vật chính, nghĩa là cô nàng cécile. thay vào đó, họ thay thế tên cô bằng elsa- thật nực cười khi đó lại là tên nàng nhân tình của bố cécile. mong rằng bên nhã nam sẽ sửa lại hiu hiu, chứ thế này làm cho người đọc mông lung lắm.

có nhiều người nói rằng, “buồn ơi chào mi” được viết đã rất lâu về trước, nên đối với những người sống ở thời bấy giờ, văn phong của francoise sagan có vẻ lạ lẫm và thú vị; nhưng nó không còn giữ được sự nổi bật ở hiện tại nữa, vì giọng văn như vậy quá phổ biến. nhưng đối với mình, cách viết của sagan đậm chất pháp: lãng mạn, êm ả, dịu dàng, đôi khi là khó hiểu và uể oải.

câu chuyện được dẫn dắt theo cách nhìn của cécile, khiến mình cảm thấy có chút gì đó phóng khoáng, điên rồ, hoang dại và thậm chí còn là ích kỷ của tuổi trẻ. với những cảnh chiều hoàng hôn bên bờ biển đẹp mê hồn, những cánh rừng thông cao và huyền bí, thật chẳng ngoa khi nói “buồn ơi chào mi” như một bộ phim pháp của những năm 80-90, một bức tranh yên bình và xinh đẹp.

nhưng những nhân vật chính của bức tranh yên bình và xinh đẹp ấy lại không được như vậy.

bố cécile- ông raymond là một người đàn ông bốn mươi tuổi đã góa vợ mười lăm năm, “trẻ trung, phong độ, đầy năng lực”, “dễ dãi, khôn khéo trong công việc, luôn luôn ham khám phá nhưng chóng chán và là người được phụ nữ ưa thích” [ eo ơi mê bố cécile quáaaaaaaa ] nhưng ông ta cứ sáu tháng lại thay người tình một lần, đại loại giống như người đàn ông trung niên quyến rũ có sức hút và thích tiêu tiền cho các em gái xinh tươi í.

và mùa hè năm ấy, cô anne- một người bạn cũ của mẹ cécile đã bước vào kì nghỉ của hai bố con họ, nhẹ nhàng nhưng lại là một “đợt sóng ngầm kinh khủng” với cécile. anne là người phụ nữ sống theo quy tắc, thanh lịch, chỉnh chu và gần như là một bức tượng sống hoàn hảo nhưng cứng nhắc. sau một đêm vui chơi tại cannes, anne và raymond quyết định sẽ đính hôn. và thế là cécile bị đưa vào một cái khuôn được tỉa tót cẩn thận và đàng hoàng mà cô nàng không thích một tẹo nào. cécile bắt đầu nảy sinh những kế hoạch để khiến anne phải rời đi, và sau đó là mầm mống dẫn đến cái chết của anne.

dù vậy, ta vẫn không thể phủ nhận rằng sau tất cả mọi chuyện, cécile vẫn có một thứ tình cảm vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng anne, tất nhiên là raymond cũng thế. nhưng có một thứ khiến mình hơi khó hiểu và hơi khó chịu, là anne đối với họ cũng chỉ như một mảnh ký ức đã qua và họ có vẻ đã hơi vô tâm và ráo hoảnh với cô ấy? khi mà cuộc sống sau khi anne qua đời vẫn tiếp diễn như thế, raymond tìm một người đàn bà mới và cécile có thêm một anh bạn trai mới ở paris?

thực ra có vẻ hơi buồn cười nhưng thực sự cái khiến mình quan tâm và bấn loạn chính là cyril- anh bạn trai hai lăm tuổi học khoa luật và khá giả của cécile cơ. một kẻ cuồng si [ và đẹp trai ] thực thụ, ôi trời. mình thích mê với cái cách cyril chiều chuộng và nâng niu cécile như một báu vật, cách cyril lo lắng và quan tâm trước cái tình cảnh gia đình khó hiểu của cécile, cách tác giả miêu tả những cảnh âu yếm của hai người họ. anh chàng yêu nàng cécile đến mức đã hỏi cưới cô, đã chấp nhận đóng kịch theo kế hoạch của cô để trêu tức anne nhưng cuối cùng lại chẳng nhận về thứ tình cảm gì, thật là uổng phí. mình đang tính hỏi xem cyril có muốn về hà nội chơi với mình không. ở đây chẳng có biển hay sóng nước gì đâu, chỉ có tình yêu của mình thôi hjhj.

suy lại cho cùng, cuốn sách này đơn giản là bị làm rối tung rối mù lên bởi một cô nàng mười bảy tuổi ích kỷ và đáng thương, bởi một ông bố khá lăng nhăng, một bà cô cứng nhắc và quy tắc, và được điểm tô bởi một anh chàng hai lăm tuổi đẹp trai học khoa luật khá giả.

mình không dám chấm điểm cuốn sách này, vì mình chưa hề đạt đến một trình độ cao siêu để có thể phê bình văn học, thế nên mình mới ghi đề mục là “tâm sự về ‘buồn ơi chào mi’” chứ không phải là “review về ‘buồn ơi chào mi’”. bản thân lời văn của mình trong bài viết này còn lộn xộn và khó hiểu kinh lên được cơ mà. nhưng cuối cùng, mình mong các cậu biết được rằng mình khá thích cuốn sách này, và nếu cậu cảm thấy thích thì có thể đọc thử nhé.
từ sao kim.