Nhạc Giáng Sinh trong ký ức của tôi, và có thể của những người thế hệ tôi, không phải là Mariah Carey, mà là Boney M và Asia 6.
Khoảnh khắc huyền thoại của Như Quỳnh
Khoảnh khắc huyền thoại của Như Quỳnh
Asia 6 kết lại với ca khúc Đêm thánh vô cùng. Bài hát này tôi đã được các sơ dạy hát từ hồi tiểu học. Tôi không theo đạo Kitô, nhưng gia đình tôi sống trong một xóm của rất nhiều con chiên ngoan đạo, nên những khi bọn trẻ cùng lứa rời cuộc chơi vì phải đi lễ hoặc đi học giáo lý, tôi lại xin đi theo cùng. Tôi ngồi ở trong nhà thờ, thậm chí theo hàng người lần lượt lên bục để được cha đặt bánh thánh vào mồm, điều duy nhất tôi nhớ là bánh thánh có vị nhàn nhạt.
Đêm thánh vô cùng lại là một Christmas carol được viết bằng tiếng Đức năm 1818, cũng tức là năm ra đời của Karl Marx và Emily Brontë. Tên tiếng Đức là Stille Nacht, heilige Nacht, được dịch sang tiếng Anh là Silent Night, và cái nhan đề tiếng Việt mà chúng ta vẫn hay dùng lại là do nhạc sĩ Hùng Lân đặt. Ông cũng là người đã viết một bài hát quan trọng về mặt lịch sử, Việt Nam minh châu trời đông. Bản được hát bởi dàn hợp ca trong Asia 6 chính là bản dịch của Hùng Lân, mà mỗi khi nghe lại tôi vẫn thích những câu như:
Đất với trời se chữ đồng
hay là
Ai đang sống trong lạc thú nhớ rằng Chúa đang đền bù
Hùng Lân thuộc vào thế hệ nhạc sĩ của cái thời mà - dùng từ như Nguyễn Vỹ đã dùng - là Việt Nam còn cái “phong độ khương kiện”. Những nhân vật sản sinh ra từ cái bối cảnh franco-annamite ngày xưa đó họ có một sức lôi cuốn lớn với những đầu óc ham hiểu biết.
Sau Hùng Lân, cũng có một số người chuyển ngữ bài Đêm thánh vô cùng nữa, trong đó phải kể đến Nguyễn Văn Đông, tác giả của Chiều mưa biên giới. Mặc dù là người ngoại đạo, Nguyễn Văn Đông viết rất nhiều bài hát Giáng Sinh. Trong số đó, bài tôi hay nghe thấy người ta mở nhất là bài Mùa sao sáng, với giọng hát Giao Linh, có những câu như:
Từng mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi Giặc tràn về quê hương tôi; giặc diệt niềm tin kitô Lớp lớp đàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao
Những câu trên rất dễ làm người ta nhớ đến các câu chuyện về Bùi Chu - Phát Diệm và sự kiện mà người Mỹ gọi là Operation Passage to Freedom, mà Trần Dần, từ góc nhìn của mình đã ghi lại qua những câu trong bài Nhất định thắng:
Tôi đã sống rã rời cân não Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam Những cơn mưa rơi mãi tối sầm Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng Tôi đã trở nên người ôm giận Tôi đem thân làm ụ cản đường đi Đứng lại! Đi đâu? Làm gì? Họ kêu những thiếu tiền thiếu gạo Thiếu Cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Trong hồi ký Bên giòng lịch sử, linh mục Cao Văn Luận có kể chuyện ngài chủ tịch nhờ ông viết một lá thư gửi Lê Hữu Từ trong những ngày tháng căng thẳng ấy. Ngày nay, mỗi dịp Giáng Sinh về đi qua những xóm đạo sáng đèn trang trí để chụp ảnh ở Đồng Nai, ở Sài Gòn, người ta có biết rằng cũng trong một đêm đầy sao cách đây gần 70 năm, những giáo dân đầu tiên từ miền Bắc đã đặt các bước chân bỡ ngỡ về đây để sống quây quần lại, dặn dò con cháu giữ lấy một cái truyền thống gì, để nó còn đến bây giờ?
Niềm tin của những người tìm đường, như của Moses tách biển Đỏ, đã có nhiều câu chuyện được viết, bao gồm cả những nhà truyền đạo đi về các vùng thuộc địa. Các tranh cãi về chữ quốc ngữ và những nhà truyền đạo người Pháp ngày xưa vẫn tiếp diễn đến giờ cho thấy người ta thật dễ dàng căm ghét một cái gì đó ngay cả khi họ không hiểu về nó. Muốn thấy được cái sự phức tạp trong mối quan hệ của những nhà truyền đạo với người dân thuộc địa và nhà cầm quyền thực dân, có thể xem phim The Mission (1986). Một bộ phim mà cái kết của nó vẫn làm tôi thấy rùng mình.
Tự dưng tôi nhớ một truyện ngắn có phần tương tự do Duyên Anh viết. Tên truyện là Đêm thánh vô cùng, đăng trong một tập truyện cùng tên do Bạn Ngọc xuất bản năm 1973. Truyện kể về một vị linh mục vượt qua nỗi sợ để trở lại nhà thờ xóm đạo đã bị pháo kích đánh tan để dựng lại thánh giá. Ban đầu cha thuyết phục các con chiên theo mình.
– Không thể trở về được, thưa cha. – Tại sao ? – Đường sá xa xôi, nguy hiểm đầy rẫy. Chúng nó sẽ giết cha. Thưa cha, dễ gì nhà thờ còn nguyên vẹn. – Chúa còn nguyên vẹn, đất còn nguyên vẹn. Ai dám theo cha. Chẳng ai dám theo cha. Đám con chiên lưu lạc nín thinh. Cha sở ngó mấy gã chiên ghẻ. Mấy gã này nổi tiếng phá phách, bướng bỉnh cãi lời cha và lười biếng tới nhà thờ. Đã thế, mấy gã còn láo lếu, dám chọc ghẹo gái trước cổng giáo đường và bắt trộm gà, bắt trộm chim bồ câu của cha sở nấu cháo nhậu nhẹt, đàn địch. Cha sở thường nói mấy gã sẽ xuống địa ngục, nếu cứ tiếp tục phạm điều giới răn. Mấy gã cười hềnh hệch, đòi xuống địa ngục để khỏi gặp cha sở trên thiên đàng. Bây giờ, cha sở hỏi mấy gã. – Các con dám theo cha trở về không ? – Chúng con sợ chết. – Ai mà không có lần chết. – Những người ngoan đạo chết mới được lên thiên đàng. Chúng con chết về địa ngục khổ lắm. Chúng con nhất định không về. Thưa cha… – Gì ? – Cha muốn làm sáng danh Chúa trên đất hoang tàn. Này các con, nơi đất chết là nơi Chúa muốn có mặt ta. Hãy làm đất chết sống dậy. Đó là ý nghĩa của phục sinh. Các con đừng câu nệ nghi lễ. Nghi lễ ở trái tim ta. Lửa trái tim chân thành sáng hơn một trời sao rực rỡ. Chúa đã ra đời trên vùng đất chết, vùng đất của oan khiên, thống khổ. Và rồi, các con ạ, mỗi bước chân Chúa đặt lên đất chết đều nở hoa hạnh phúc, yêu thương. – Chúa không ở đây. – Các con lầm. Chúa ở niềm tin của ta. – Chúa không ở với lũ chiên ghẻ. Chúng con không về đâu. Cha sở lắc đầu. Ngài thở dài. “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Thấm thoát đã là 20 tháng 12. Cha sở đăm chiêu. Rồi cha sở tìm quên những nỗi buồn bằng cách đẽo một cây thánh giá gỗ. Ngài quyết định trở về vùng đất chết. Cha sở vác cây thánh giá băng đồng, vượt đường. Ngài khởi hành vào nửa đêm 23. Đoạn đường ngài đi, chắc chắn nhiều khó gấp bội đoạn đường của các vì vua tới Bê Lem từ phương Đông. Ngài đi chân đất, không mang theo lương thực. Gió lạnh cuối năm cắt da thịt ngài. Tóc ngài tung bay. Ngài hụt chân, ngã chúi xuống ruộng nước. Y phục ngài ướt đẫm bùn. Bùn khô dần và quánh trên áo ngài, dính chặt mình mẩy ngài. Như máu của Chúa sau những lần chịu tội cho nhân loại. Không gian bao la ngập chìm trong đen tối. Bóng ngài cơ hồ như con cá nhỏ bơi giữa cái biển đen tối, cái biển mênh mông thù hận, oan khiên. Không một thiên thần nào che chở ngài. Ánh sáng soi lối đi của ngài chỉ là ngọn lửa tim mà ngài đã nghĩ. Nhưng trời vỡ sáng. Mặt trời rọi những tia nắng hanh xoáy bỏng khuôn mặt ngài. Dưới một gốc cây, cha sở ôm thánh giá cầu nguyện đêm tới. Và đêm tới, cha sở lại vác thánh giá lên đường. Ngài bước mau, ngài chạy. Ngài không nhìn lên trời nên không hay có một ngôi sao theo ngài từng bước. Đằng trước súng nổ. Đàng sau súng nồ. Bên trái súng nổ. Bên phải súng nổ. Cha sở chẳng nghe rõ. Thân ngài thôi nặng trĩu vì trí ngài lâng lâng. Ngài đã biến thành một thiên thần. Đúng nửa đêm 24, cha sở về tới ngôi nhà thờ. Ngài đứng trên đổ nát. Ngài đứng trên đất chết. Giáo đường chỉ còn là đống gạch vụn sặc mùi thuốc đạn. Tháp chuông gục đổ. Thánh thể chìm dưới lớp gạch nát. Cha sở ứa nước mắt. Ngài không còn thì giờ làm gì khác hơn là dựng vội cây thánh giá lên đất chết. Và ngài quỳ xuống cầu nguyện: – Lạy Chúa, Chúa chịu khổ cho chúng con hạnh phúc. Chúng con theo Chúa, chịu khổ cho đời sau hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ nở hoa tươi đẹp, ngát hương từ đau khổ. Kẻ nào biết đau khổ kẻ ấy sẽ được hưởng hạnh phúc, được hưởng ân sủng của Chúa. – A men… Cha sở ngạc nhiên. Ngài căng mắt hướng về phía phát ra âm thanh kỳ diệu giữa cô đơn, sơ hãi. Mấy gã chiên nhận mình là chiên ghẻ đang kính cẩn làm dấu. Cha sở ngước nhìn trời. Một vì sao lung linh thả ánh sáng, rơi lọt vào đôi mắt ngài. Và nhớ ánh sáng huyền ảo đó, cha sở thấy quê hương Việt Nam chết chóc quá lâu của cha đang cựa quậy phục sinh trong đêm thánh vô cùng.
Truyện viết năm 1973, đó là những năm cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.
Có thể nói cái truyền thống băng nhạc Giáng Sinh ở hải ngoại có lai lịch từ những hoạt động văn hoá theo festive season ở miền Nam từ những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hoà. Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng chẳng hạn, mỗi tháng 12 đều có một số chủ đề Giáng Sinh. Nhưng theo hiểu biết của tôi, không rõ có một loại hoạt động kiểu vậy ở phía bên kia hay không.
Khái niệm mùa đông ở Việt Nam đơn thuần chỉ là sự suy giảm về nhiệt độ và độ ẩm chứ không phải điều kiện có tuyết. Ở cái phố biển tôi đang sống, một cơn gió lạnh thôi cũng là hiếm. Nhưng Christmas carol, và những cây thông nhựa, cùng các bài trí không gian, làm người ta biết rằng một năm nữa sắp đến hồi kết thúc.
Có một tối nọ tôi nghĩ việc đánh răng rửa mặt cũng giống như những dấu phẩy dấu chấm, chúng là cần thiết để mình không bị rơi vào vùng siêu thực. Rất may mà chúng ta có Giáng Sinh và những lễ hội, để biết đời mình không trôi nổi như một bài viết không dấu câu.