Có lẽ ta đã bắt gặp nhau trên đường, hoặc trong những câu chuyện của người khác. Thế giới này rộng lớn vậy cũng chỉ là hai phía của mặt phẳng chiếc điện thoại thông minh. Người ta cứ xôn xao chuyện hàng ngày, lôi những mẩu tin từ ngóc ngách tận đâu đó phía nửa kia thế giới ra nhậu cùng vài chầu bia, hoặc cà phê. Những người trẻ độ ngoài 20 tuổi ngồi vỗ đùi, chép miệng khinh mạn, xem thường thái độ vô tâm và thói học đòi vô đạo đức của nhiều thanh niên “choai choai”, chưa biết đường lớn.
Trong một buổi café kia, tôi ngồi cùng người anh em quen biết gốc gác đất cảng nhưng cắm rễ đô thành cũng mười mấy năm trời. Anh lớn hơn tôi, hiểu đời và thấu suốt lắm, không gièm pha đố kỵ hay bận tâm đến những thứ không đáng bận tâm. Với anh, sống cho trọn đời mình đã trước khi quay sang làm phiền đời người khác, hay phán xét như đã thấu hết cả đời mình, dù trong tay thì chưa có gì và tương lai còn mù mịt. Đương nhiên anh nói không với tính thể hiện lẫn thói hiếu thắng cao ngạo của tuổi mới lớn, anh đã từng và giờ anh tránh xa nó, như anh nói, là những bậc đàn anh khác đã dạy cho anh biết rằng học cách cúi đầu bước đi còn quý hơn nhiều lúc nào cũng ngẩng cao đầu. Thay vì mộng mơ trên tầng trời ảo vọng, vững vàng từng bước chân trên mặt đất là hơn, từng hòn sỏi ô gạch lát, từng vạch kẻ đường sẽ dạy ta cách nuôi dưỡng sự lãng mạn đời sống nhất, chân thật nhất.
Tôi chẳng trẻ trung nhưng cũng chưa khắc khoải như cha anh quá nửa đời sương muối trắng tóc, cả bạn cũng thế, chúng ta đã đi qua mấy chuyến xe, nghe được bao nhiêu chuyện đời bất hạnh,… lấy đâu ra tư cách để chê bai lối sống của một ai đó. Cũng như vậy, gu âm nhạc của bạn, hay phong cách ăn mặc, đó là quyền tự do cá nhân, không ai được phép mang những tư tưởng đầy thiên kiến chủ quan ra định giá bạn là tầm thường hay kém cỏi. Tôi không thích Vinahouse, không hợp với kiểu phối đồ quần áo bó và giày lười Gucci,…thì tôi cũng không mất thời gian tranh cãi hay cố ép buộc người theo phong cách ấy phải giống như tôi, mỗi người có lựa chọn riêng, miễn là tôn trọng pháp luật, không dính dáng đến các tệ nạn xã hội.
Vài năm trở lại đây, những thú chơi hoài cổ nở rộ, hình thành phong cách mà họ tạm gọi là “Vintage”. Ra phố chốc chốc lại thấy “vintage…” như một khẩu hiệu, một cái hashtag nóng hổi có sức hút kỳ lạ. Không biết có phải từ đây, mà nhiều người tìm hiểu và chọn biến tâm trí thành một căn nhà kho, chất dần dần vào đó những bài nhạc xưa, những câu văn suy tư của thời nội chiến, những thú chơi chậm rãi đòi hỏi kiên nhẫn như chụp ảnh film, đi xe classics, du lịch bụi một mình, nghe nhạc blue, rock&rolls của thời thập niên 60 thế kỷ 20. Phải thật lòng rằng tôi là một tín đồ của gu chơi này, nó là thứ thuốc giải đời sống nhạt nhẽo. Nhưng tôi không đề cao nó hơn bạn đam mê chơi điện tử hay kể cả ngủ nướng, cũng chỉ là sở thích mà thôi. Đúng, tôi có cảm tình với những người giống mình, nhưng không vì thế mà xem thường người khác gu, tôi tôn trọng bạn vì mỗi người mỗi cá tính. Thứ tôi xem thường, là lũ người nông nổi đua đòi, giả vờ trầm tư bên điếu thuốc trên những tấm ảnh sống ảo dùng một lần, suy nghĩ rỗng tuếch nhưng suốt ngày vênh mặt lên tự cho mình là thượng đẳng, sống chất. Cái chất, chưa từng là cách thể hiện bề ngoài đâu, bạn ạ!
Có phải tôi nghĩ nhiều quá, giữa thời đại người người nhởn nhơ vui thế này, cứ canh cánh lo đi đâu. Do thời đại lão hóa tôi hay ngược lại, là tôi đang lão hóa nó bằng tấn ý thức của thằng đàn ông “một góc trời mơ với cỏ hoa, đêm về cặm cụi viết ra hồn mình”?
trời sắp tối rồi
Ảnh:Internet.