Ở Venezuela, có câu "Họ có thể cắt đi một bông hoa, nhưng không bao giờ ngăn được mùa xuân đến".Tại đất nước mình, có những kẻ muốn hợp thức hoá ô nhiễm nhưng chắc chắn không thể chặn được hậu quả từ bệnh tật do ô nhiễm tích tụ bùng phát. Năm 2000 có 68.000 ca ung thư, năm 2018 có 300.000 ca ung thư. Ung thư đã "lãi ròng" hơn 340%. Tốc độ này sẽ ra kết quả bao nhiêu ca ung thư năm 2030, không biết đã có ai báo cáo Thủ tướng chưa?
Nhìn số liệu người chết mỗi ngày năm 2018, tại nơi chiến tranh khốc liệt nhất là Syria (144) và nhìn số liệu người chết vì ung thư tại Việt Nam sau mỗi 24 giờ (315).
Có người cho rằng những người bảo vệ môi trường là ngu. Cảm thấy đau đớn khi họ nói vậy, nhưng về mặt nào đó là đúng. Hít hóa chất bay hơi hay đi vào giữa bãi rác y tế, lặn xuống nơi nước thải để chứng kiến san hô chết,.v.v.. để tìm chứng cứ luôn để lại một hậu quả nào đó. Phổi, tim, gan, da, dạ dày,... hay một bộ phận nào đó tích tụ trực tiếp sẽ có phản ứng. Một trận ho rũ người và những tia máu phun ra là ví dụ...
Hậu quả của việc cảm nhận trực tiếp với gián tiếp chỉ khác nhau về thời gian tích tụ. Và tôi chỉ có thể nói rằng nếu tính đến những nơi tôi đi qua và tiếp nhận thông tin về ô nhiễm, thì quốc gia này bắt đầu quá ngưỡng chịu đựng rồi. Quán tính ô nhiễm dĩ nhiên không dừng lại chờ ai. Và cảnh báo cuộc đếm xác nghĩa đen từ 2030 mà tôi dự đoán từ chính trải nghiệm của mình tại các làng ung thư, nếu ai nói là không có cơ sở, thì cứ đến và sống thử vài năm sẽ rõ.