b. Phức Cảm (Phần 1): Sang chấn và sự chi phối "ma quỷ" từ nội tâm.
Chừng nào người ta còn chưa nhận diện/ý thức được những phức cảm của mình, thì chừng đó người ta còn có thể bị chúng chi phối.
Thỉnh thoảng, chúng ta trở nên hết sức giận dữ với những lí do không mấy rõ ràng. Biểu hiện có vẻ như loạn tâm, hoang tưởng, mơ hay phát điên, si tình hoặc nổi nóng... . Hoặc có những tưởng tượng nội tâm lạ lùng dẫn đến những hành vi không thể giải thích được, mà sau này khi ngẫm lại hoặc người khác nói thì mới nhận ra mình đã cảm nhận và cư xử lạ lùng, đôi khi quá đáng và khiến ta hối hận. Con người không phải luôn hành động có lí trí với năng lực của bản ngã. Chúng ta là những sinh vật bị thúc đẩy bởi cảm xúc và hình ảnh từ vô thức, bởi bản ngã chưa soi tỏ, chưa ý thức về nó nên gọi là vô thức.
Bản ngã là cái ta dễ hình dung nhất và chính nó lúc này đang nỗ lực quan sát lại mình. Khi bắt đầu đi vào vô thức ta sẽ gặp gỡ vô thức cá nhân đầu tiên, cụ thể là các phức cảm.
“Chữ "complex" bắt nguồn từ ngữ căn com- mang nghĩa cùng với, và ngữ căn plex mang nghĩa tết, bện kết. Vì thế, nghĩa đen của chữ này có nghĩa là xoắn kết lại với nhau. Còn nghĩa bóng là "không dễ gì phân tích." Như vậy, chữ này đồng nghĩa với chữ phức 複, vốn mang nghĩa rườm rà, phồn tạp, chồng chất. Từ đó, ta có thể dịch complex thành "phức cảm", tức một cảm xúc rắc rối, khó phân định rõ ràng. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh tâm lý học Carl Jung, ta còn có thể dịch complex thành "mặc cảm", tức một cảm xúc âm thầm, lặng lẽ (mặc 默) ngấm ngầm chi phối ta.”
- Đỗ Hoàng Tùng (Vietpsychotherapy).
Sự tìm ra và biểu hiện của phức cảm.
Trong quá trình thí nghiệm test liên tưởng từ, khi chủ thể được yêu cầu nói về những liên tưởng của họ với những tập hợp các từ kích thích nào đó, dần dần họ nói cho ông về những khoảnh khắc chứa đầy cảm xúc mạnh trong quá khứ của họ. Thông thường thì trong đó có các chấn thương. Những từ kích thích này thật ra đã đánh thức những liên tưởng đau đớn bị vùi sâu trong vô thức và những liên tưởng căng thẳng này là cái đã làm rối loạn ý thức. Những nội dung vô thức là căn nguyên của những rối loạn ý thức này được Jung gọi là “phức cảm”.
Tâm thần được tạo thành từ nhiều trung tâm và mỗi trung tâm đó đều có năng lượng và thậm chí cả ý thức và mục tiêu riêng của chúng. – Murray Stein.
Các phức cảm có khả năng xuất hiện đường đột và xâm nhập tự phát vào ý thức rồi nắm quyền kiểm soát các chức năng của bản ngã. Những cái tưởng như xuất hiện một cách hoàn toàn tự phát và tự nhiên lại có vẻ không hoàn toàn phải vậy. Thường thì những kích thích tinh tế có thể được phát hiện nếu chúng ta xem xét cẩn thận. Bản ngã bị chi phối dưới hình thức này, nó được đồng hóa vào phức cảm, làm theo mục đích của phức cảm và tạo ra kết quả là những giây phút “manh động”. Người đang manh động thường không nhận thức được những gì đang diễn ra. Đơn giản họ chỉ “rơi vào cảm xúc đó”.
Đó là bản chất của sự chi phối: bản ngã bị lừa dối bởi suy nghĩ rằng nó đang tự do thể hiện mình. Chỉ sự hồi tưởng lại mới khiến một người nhận ra rằng “có cái gì đã xâm nhập vào tôi và khiến tôi làm vậy. Tôi không biết rằng tôi đang làm cái gì”. Nếu một người cố gắng chỉ ra rằng người đó đang thể hiện như một người khác, một nhân cách khác, đáp ứng thông thường của người đó sẽ là trạng thái phòng vệ giận dữ.
Với một người may mắn có được một tâm lí bình thường, những phức cảm này biểu hiện theo nhiều cách tinh tế hơn nhiều, một số rất nhẹ đến mức không thể phát hiện ra được - như sự lỡ lời, sự quên. Trong một giờ đồng hồ một người có thể trải qua nhiều trạng thái khác nhau của ý thức, những cảm xúc, các tiểu nhân cách, và hiếm khi nhận ra sự thay đổi này. Chúng dễ được nhận biết hơn khi chúng ta rơi vào trạng thái bị chi phối thực sự. Sự chi phối có đặc điểm cực đoan hơn nhiều. Khó mà quên được và thậm chí thường có những đặc điểm của một kiểu tính cách đặc hiệu.
Ví dụ phức cảm “người cứu hộ” chẳng hạn, được phát triển chủ yếu từ những kinh nghiệm đau đớn về sự bị bỏ rơi trong thời trẻ con, và sau đó thể hiện qua hành vi thực hiện lòng tốt và giúp đỡ. Tuy vậy, những đặc điểm này không thuộc về bản ngã dưới hình thức hòa nhập mà chúng có xu hướng lúc tăng lúc giảm bởi vì chúng có gốc rễ trong một phức cảm tự trị mà bản ngã ít kiểm soát được. Đó là những người không thể kiềm chế được việc giúp đỡ người khác bất chấp nguy hiểm mà họ có thể gặp phải cho mình hay những người khác như thế nào. Hành vi này thực sự bị kiểm soát bởi một phức cảm và không nằm dưới sự kiểm soát của bản ngã.
Nó cũng có xu hướng dao động khá tùy tiện. Có những sự bất ổn đột ngột không thể dự đoán hay giải thích được. Thỉnh thoảng một người trở nên quá trầm tư và quan tâm tới người khác, và thỉnh thoảng lại thô bạo, bàng quan, hoặc thậm chí ngược đãi họ.
Chừng nào người ta còn chưa nhận diện/ý thức được những phức cảm của mình, thì chừng đó người ta còn có thể bị chúng chi phối.
Phức cảm được hình thành như thế nào?
Jung mô tả phức cảm như là được tạo dựng từ những hình ảnh liên tưởng và những kí ức bị đóng băng của những thời điểm sang chấn được chôn vùi, dồn nén trong vô thức và khó được phục hồi (do sự né tránh) bởi bản ngã. Chúng là những kí ức và cảm xúc bị dồn nén, bện quyện bởi trải nghiệm quá mạnh trong cuộc sống.
Thông thường, người ta thấy các phức cảm là có tính “cá nhân”. Và đúng là nhiều phức cảm đượcsinh ra trong tiểu sử đặc biệt riêng của một người và hoàn toàn thuộc về cá nhân đó, đôi khi ta nhìn nhận như phức cảm cấu thành đặc điểm tính cách riêng của người đó khi bàn tán về họ. Ngoài ra có những phức cảm có tính tập thể do yếu tố thời đại, những sự kiện lịch sử tác động mạnh mẽ kéo dài lên các nhóm người hay sự giáo dục và sự dẫn dắt của thời đại.
Phức cảm là một đối tượng nội tâm, và tại hạt nhân của nó là một hình ảnh.“Đây là hình ảnh của một tình huống tâm thần nhất định chất đầy yếu tố cảm xúc và hơn thế nữa, không tương thích với thái độ ý thức thông thường”. - Jung, Toàn Tập, Tập 8, đoạn 201.
Khái niệm “hình ảnh” này là thuật ngữ đối với Jung cũng như tâm lý học phân tích dùng để mô tả các đối thượng thuộc tâm thần mà được cho là “vật tự thân” – nhận thức của bản ngã ở trạng thái ý thức thông thường là không thể thấu biết được. (Chỉ bằng cách ý thức của chúng ta được trải nghiệm vô thức bằng cách nào đó mà sau này ta sẽ tìm hiểu, mới có thể cảm nhận được và sau khi cảm nhận thì rất khó tả bằng ngôn ngữ ở chiều kích này của chúng ta).
Những giấc mơ được tạo dựng và thể hiện từ những hình ảnh vô thức này. Vì vậy giải mộng giups có thể biết mình đang thực sự cảm thấy như thế nào, mình đang thật sự muốn gì.
Cấu tạo Phức Cảm.
Trước sang chấn, phần cổ mẫu tồn tại như một hình ảnh và một lực thúc đẩy nhưng không có những phẩm chất gây ra lo âu hay quấy rối như phức cảm. Sang chấn tạo ra một hình ảnh kí ức đầy cảm xúc gắn với một hình ảnh cổ mẫu và chúng cùng nhau đông kết thành một cấu trúc ít nhiều bền vững.
Phức cảm bao gồm hai phần: một “hình ảnh” - dấu vết tâm thần đóng băng bởi chấn động và một phần bẩm sinh (cổ mẫu) gắn bó chặt chẽ với nó.
Cái hạt nhân kép này của phức cảm phát triển bởi việc tập hợp những liên tưởng xung quanh nó, và điều này có thể diễn ra trong suốt cả một đời người. Chẳng hạn, nếu một người đàn ông làm cho một người phụ nữ hồi tưởng lại sự lạm dụng, khắc nghiệt của người cha mình bởi tiếng nói, bởi cách mà anh ta đối xử với cô, v.v. Chắc chắn anh ta sẽ làm kích hoạt phức cảm người cha của cô gái. Nếu cô gái tương tác với chàng trai trong một giai đoạn, các nội dung mới sẽ được thêm vào phức cảm đó. Nếu anh ta lạm dụng cô gái, phức cảm người cha tiêu cực sẽ mạnh thêm và có nhiều năng lượng hơn, và cô gái sẽ trở nên phản ứng nhiều hơn trong những tình huống mà phức cảm người cha được kích hoạt. Dần dần, cô có thể tránh những người đàn ông như vậy hoàn toàn, hoặc ngược lại, cô sẽ thấy mình bị thu hút một cách phi lí tới họ. Trong cả hai trường hợp, cuộc sống của cô gái trở nên ngày càng bị hạn chế bởi phức cảm này. Các phức cảm càng mạnh hơn, chúng càng chi phối, hạn chế phạm vi tự do lựa chọn của bản ngã.
Những phức cảm kiến tạo những bản năng của con người.
Konrad Lorenz, một nhà tập tính học động vật nổi tiếng, nghiên cứu những đáp ứng phản xạ bẩm sinh ở một số loài vật phản ứng lại những kích thích đặc hiệu. Ví dụ, các con gà chưa bao giờ gặp phải những con diều hâu vẫn biết chạy tìm nơi ẩn nấp khi một con diều hâu bay qua đầu và bóng nó xuất hiện trên mặt đất. Sử dụng những thiết bị mắc trên dây cao đu đưa và tạo ra những cái bóng tương tự bóng diều hâu, các nhà tập tính học đã chỉ ra rằng những con gà không được tập luyện trước, khi nhìn thấy bóng vẫn chạy tìm nơi trú ẩn. Sự đáp ứng phòng vệ với một con vật săn mồi đã có sẵn trong con gà và hình ảnh của con vật săn mồi là mang tính bẩm sinh và được nhận biết mà không cần phải học.
Việc phân tích có nhiệm vụ phát hiện các phức cảm và đưa chúng ra trước sự suy nghĩ có ý thức của bản ngã. Sự can thiệp này có thể biến đổi chúng đôi chút.
Ngoài ra cách phức cảm thể hiện ra với thế giới đôi khi là cơ chế tự vệ tâm lí, khi mà bản ngã quá căng thẳng hay sợ hãi, thất vọng và tổn thương. Phức cảm được hình thành để sinh mạng đó có thể tiếp tục sinh tồn. Trước nghịch cảnh như vậy, có thể hình thành hoặc bổ sung năng lượng cho phức cảm có hoạt động tiêu cực lẫn tích cực, không phải lúc nào cũng dẫn tới triệu chứng của rối loạn nhân cách khi sang chấn được kích thích hay lặp lại.
Ngoài ra cách phức cảm thể hiện ra với thế giới đôi khi là cơ chế tự vệ tâm lí, khi mà bản ngã quá căng thẳng hay sợ hãi, thất vọng và tổn thương. Phức cảm được hình thành để sinh mạng đó có thể tiếp tục sinh tồn. Trước nghịch cảnh như vậy, có thể hình thành hoặc bổ sung năng lượng cho phức cảm có hoạt động tiêu cực lẫn tích cực, không phải lúc nào cũng dẫn tới triệu chứng của rối loạn nhân cách khi sang chấn được kích thích hay lặp lại.
...
Chi Hoàng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất