Tác phẩm văn học nổi bật nhất của Voltaire rõ ràng là Candide. Nhưng Zadig, trên hết và trước hết, là một tiền đề tuyệt vời cũng như một tuyên ngôn về những ý tưởng và hoài nghi triết học của Voltaire.
Khi nói đến Candide, mình đã đề cập bối cảnh đương thời của thế kỉ 18 và trận động đất Lisbon. Còn để bàn về Zadig, chúng ta nhất thiết phải nói về bản thân Voltaire trong giai đoạn 1733 đến 1744. Hãy an tâm là, cuộc đời của Voltaire cũng thú vị hệt như, nếu không nói còn hơn, văn nghiệp của ông.
Vào năm 1733, Voltaire xuất bản tác phẩm “Những lá thư về Anh Quốc” mà không có sự đồng ý của Hoàng gia Pháp. Hành động này được coi là phản nghịch, và ông phải về trú ẩn tại vùng Champagne. Tại đây, ông gặp Émilie du Châtelet, người phụ nữ tiên phong trong việc dịch những tác phẩm của Newton. Đáng ngạc nhiên hơn, đây là chuyện của ba người, vì Emilie lúc đó đã có chồng, Marquis. ĐÁNG NGẠC NHIÊN HƠN NỮA, là chồng của bà không có ý kiến gì cả, có lẽ một phần vì cuộc hôn nhân của họ là hôn nhân bị dàn xếp, phần khác vì tình cảm của Volature với Emilie mang nặng tính tri thức, khi hai người dành ra hàng ngày để nghiên cứu khoa học cùng nhau.
Vào khoảng thời gian này, Voltaire và Emilie tiếp nhận những tác phẩm của Newton và đối thủ của ông là Leibniz. Bản thân Voltaire là người luôn trung thành với trường phái Newton, nhưng Emilie lại có những tò mò nhất định về quan điểm triết học/khoa học của Leibniz.
Đương nhiên, chúng ta sẽ chẳng cần nhắc đến những chi tiết nhỏ nhặt thế, nếu nó không liên quan đến tác phẩm. Được xuất bản năm 1747, Zadig có lẽ đã được thai nghén trong khoảng thời gian Voltaire nghiên cứu cùng Emilie, và có những ảnh hưởng nhất định từ bà, mà gián tiếp là từ Leibniz.
Nên nhớ, trước một Voltaire thâm sâu và chua chát ở Candide, được sáng tác khi ông đã ngoài lục tuần, thì vào những ngày tháng ở cùng Emilie, Voltaire là một người thanh niên (~33 tuổi) đầy “lạc quan”, tò mò và nhiệt huyết. Và đó chính là không khí toát lên từ cái liếc nhìn ban đầu của Zadig vậy.

1. Tóm tắt truyện. (Có thể bỏ qua và đọc phần QUAN TRỌNG)

Zadig được phóng tác theo một truyền thuyết Ba Tư, đặt trong bối cảnh đất nước Babylon. Zadig được chia làm 18 chương và một phần phụ chú, mỗi chương kể về một hành trình và bài học khác nhau của người thanh niên tài trí, trung thực cùng tên.
Về cơ bản, mỗi chương của Zadig được kể như một câu chuyện ngụ ngôn. Đầu tiên, Zadig sắp cưới thì bị một tên nhà giàu đầy ganh tị trong thành phố chặn lại, định cướp người yêu của anh. Sau khi đánh đuổi được đám nhà giàu, Zadig bị thương và bị đồn chột mắt. Cô người yêu lâu ngày kia, nghe tin Zadig bị chột mắt thì lập tức bỏ anh theo tên nhà giàu. Sau đó, Zadig lại chọn được một cô gái khác, xinh đẹp chẳng kém phần, nhưng lúc nào cũng nói đạo lý về tình nghĩa vợ chồng các thứ. Zadig bèn giả chết, nhờ bạn thân (Cador) đến an ủi, trò chuyện cùng người goá mới. Chỉ sau một đêm, cô này đã nảy sinh dã tâm đào mộ cắt mũi chồng để “chữa bệnh” cho người bạn kia. Zadig tỉnh dậy, thở dài rồi bỏ đi.
Chán nản, hết tin vào tình yêu, Zadig lại bị vướng vào những rắc rối khi đoán đúng giống ngựa và giống chó của hai vật cưng đang mất tích của nhà vua và hoàng hậu. Suýt bị xử tử, nhưng Zadig lại giúp nhà vua và hoàng hâu jtifm lại được ngựa và chó do tài suy luận khéo léo của mình. Nhờ thế mà anh cũng được nhà vua tin tưởng, đề bạt làm quan. Trong thời gian này, anh và hoàng hậu có nảy sinh tình ý với nhau nhưng vẫn hết sức trung thành với nhà vua.
Chuyện của anh và hoàng hậu (Astarté) đến tai Kẻ Ganh Tị, người đã dàn xếp để nhà vua nổi nóng, đòi giết cả hai người. Zadig phải lánh nạn đến Ai Cập và trên đường đi anh đã giết một người Ai Cập để giúp đỡ một cô gái nhìn rất giộng Astarte. Cô gái chẳng cảm ơn anh thì chớ, lại vu tội cho anh rồi chạy mất. Vì g.iết người nên Zadig cùng người hầu thân cận phải trở thành nô lệ ở Ai Cập. Khâm phục tài trí của anh, chủ nô Setoc dần dần coi anh là bạn, rồi cố vấn trong những chuyến thương hành. Zadig còn giải phóng một người phụ nữ Ai Cập, và nữ giới Ả Rập nói chung, khỏi cái hoạ phải tự thiêu sau khi chồng chết. Người phụ nữ này sau đó cưới Setoc và dùng tài trí của mình để cứu anh khỏi cái hoạ treo cổ khi làm đảo lộn hủ tục truyền thống kia của Ai Cập.
Sau đó, Zadig được trả tự do và trở về nhà. Trên đường về, anh bị bắt bởi một toán cướp. Thủ lĩnh toán cướp là một kẻ tham vọng nhưng thẳng thắn tên Arbogad. Arbogad nói rằng Babylon đang trong cơn binh biến, vị vua cũ đã hoá điên mà chết, còn người hoàng hậu thì không hiểu đi đâu.
Đau khổ, Zadig rời khỏi lâu đài của tên cướp và tìm đường trở về Babylon. Trên đường đi, anh gặp Ngư Dân, người trước đây là thợ làm phomai cho cả Zadig lẫn hoàng hậu, đang rơi vào cảnh bần hàn do vợ chạy theo vị vua mới của Babylon. Zadig đưa Ngư Dân một số tiền rồi hai người chia hai nẻo mà cùng đến Babylon.
Bất ngờ thay, anh lại gặp Asterte, giờ đang là thê thiếp của một tên điền chủ béo có tiếng trong vùng. Tên này bắt các thê thiếp của mình đi bắt con mãng xà Basilisk để ăn chữa bệnh. Zadig lại dùng tài trí của mình, thuyết phục tên điền chủ tập luyện thay vì ăn uống để đổi lấy tự do của Asterte. Sau khi Asterte tự do, cô trở về Babylon và được tái phong nữ hoàng. Người dân Babylon đã tạo ra một cuộc thi để tìm ra vị vua xứng đáng nhất, cả về thể lực lẫn trí tuệ. Zadig trở về, giấu mặt và chiến thắng cuộc thi thể lực. Nhưng khi anh đang say ngủ, một tên nhà giàu phì nộn đã ăn cắp giáp và mũ để giả danh anh, đến kinh đô thi trí tuệ.
ĐOẠN QUAN TRỌNG: Quá chán nản, Zadig lại vừa trách thân vừa trách trời đã đẩy anh vào cảnh cùng quẫn. Trên đường về kinh đô, Zadig gặp một người ẩn cư đang đọc Cuốn Sách Số Phận, một cuốn sách đầy những ngôn ngữ mà Zadig không thể hiểu nổi. Người Ẩn Cư bắt Zadig thề sẽ đi cùng ông cho tới khi đến kinh đô, và Zadig vui vẻ nghe theo vì sự tò mò. Tuy nhiên, Người Ẩn Cư lại làm nhữg chuyện hết sức trái luân thường đạo lý. Ông ăn cắp cái cốc ở nhà một người giàu có tốt bụng để cho một kẻ giàu có nhưng keo kiệt. Ông và Zadig gặp một nhà triết học và óc những cuộc nói chuyện đầy sôi nổi. Thế mà, trước khi rời đi, ông lại tặng vị triết gia một món quà bằng cách… đốt sạch căn nhà của triết gia. Zadig gào lên phản đối nhưng vẫn buộc phải nghe theo Người Ẩn Cư. Đến một căn nhà thứ tư với người dì hồn hậu và người cháu trai hồn nhiên, Người Ẩn Cư chẳng chút khó khăn mà đẩy người cháu trai còn nhỏ đó xuống sông, dìm chế,t nó. Zadig lúc này vò đầu bứt tóc, nhưng Người Ẩn Cư thì hiện nguyên hình là một thiên sứ, được Chúa Trời (ở đây được gọi là Orosmade) phái xuống để “thay đổi con người” Zadig, vì anh là một người ngay thẳng và xứng đáng. Người Ẩn Cư bảo rằng, phải ăn cắp của kẻ giàu tốt bụng vì hắn chỉ tốt bụng để khoe mẽ phù phiếm, và tặng lại cho kẻ giàu kiệt sỉ vì hắn sẽ nhận được một bài học. Về phần triết gia, Thiên Sứ nói, dưới căn nhà cháy rụi đó là một kho vàng, còn cậu nhóc mà thiên thần mới dìm c.hết, lớn lên sẽ gi.ết cô nó, dù có được giáo dục cỡ nào. Đó chính là luận điểm quan trọng nhất của Cuốn Sách Số Phận, hay tiêu đề của câu chuyện vậy.
Sau đó, Zadig trở về Babylon, chiến thắng cuộc thi trí tuệ, trở thành vị vua công chính, thưởng thiện phạt ác và sống một cuộc đời hạnh phúc. Câu chuyện kết thúc.
Xuyên suốt cả Zadig, như đã đề cập, là những câu chuyện nho nhỏ, có thiên hướng ngụ ngôn và dân gian. Nhưng, trong một phần tư cuối cùng của truyện, ta có thể thấy được cái nhìn của Voltaire tới rất nhiều quan điểm, đặc biệt là Định Mệnh hay Ý Chí Tự Do.
Nhưng món chính hãy để dành bữa cuối, chúng ta, trước hết, hãy tán dương những ảnh hưởng khác không hề nhỏ tới Zadig và từ Zadig. Đầu tiên sẽ là ảnh hưởng của Zadig tới dòng truyện trinh thám. Thứ hai là những ảnh hưởng văn hoá lên Zadig và cuối cùng là một chút ý tưởng về luật học/vấn đề đạo đức:

2. Những ảnh hưởng tới và từ Zadig:

  • a. Ảnh hưởng tới dòng truyện trinh thám:
Edgar Allan Poe hay được gọi là cha đẻ của dòng truyện trinh thám, nhưng chính Poe lại tự nhận mình bị ảnh hưởng bởi Zadig, mà quan trọng nhất chắc chắn là khúc phán đoán suy luận của Zadig về con chó và con ngựa của hoàng hậu và vua chỉ qua dấu chân.
Khi được hỏi có thấy con chó của Hoàng hậu đâu không, Zadig thản nhiên đáp: “Chó cái đúng không? Nó vừa mới đẻ, chân trái thì bị tật và tai khá dài nữa?”. Còn khi được hỏi về con ngựa, thì Zadig khen: “Không con ngựa nào có thể phi nước đại nhẹ nhàng hơn thế, còn lông đuôi nó dài hơn 100cm, dây cương bằng vàng còn móng bắng bạc, nặng khoảng 11 đồng xu bạc”.
Đương nhiên, như đã biết, vì những lời nói quá sức chuẩn xác này mà Zadig bị bắt. Nhưng, tại sao Zadig lại đoán được như vậy? Zadig, khi bị trình ra trước toà án, nói rằng, anh đoán được con chó vì có dấu chân của chúng trên cát, nhỏ nhưng cách xa nhau (do đó mới đẻ), và có một dấu nặng hơn các dấu còn lại (một chân bị tật). Còn con ngựa thì anh đoán nhờ có những vết chân ngựa rất đều (phi nước đại), có vết đập ở những cành cây, dài khoảng 100cm (do đó lông đuôi dài 100cm), lại có vết cương lẫn móng trên các phiến đá… Nhờ vào tài suy luận này mà Zadig thoát được.
Zadig không chỉ thể hiện tài suy luận ở đoạn đó. Anh còn dùng nó để ép con nợ của Setoc phải nhận tội khi lừa hắn nói ra nơi hắn vay tiền Setoc. Anh nói trước toà án, là có viên đá rất nhỏ biết nói giữa sa mạc đã chứng kiến cảnh Setoc cho vay tiền, nên hãy bưng nó tới toà án là được. Con nợ reo lên, viên đá ấy to đùng mà, sao bưng nổi! Zadig cười, bảo chính vì con nợ biết viên đá đó hình thù thế nào, nên chắc chắn hắn đã ở đó để vay tiền.
Xuyên suốt câu chuyện, cho đến khúc cuối vẫn là những suy luận cực kì tài tình (dù có đôi phần dân “gian”) của Zadig. Chẳng vậy mà Poe khâm phục tác phẩm này, gọi nó là “câu chuyện về suy luận logic”, và nhiều người khác xưng tụng đây là những đoạn văn suy luận đầu tiên khởi nguồn cho dòng truyện trinh thám (Carlo, 1992).
Rồi đoạn phán đoán động vật qua vết chân của nó còn được nhà khoa học cùng thời là T. H. Huxley lấy làm ví dụ khi nói “mọi hành động của chúng ta đều dựa trên một hành động trước đó (Huxley, 1880) (Chú ý rằng, đây là một phỏng đoán khoa học, không hẳn về giả định Cause-Effect trong triết học). Vì không rành khoa học, nên chúng ta hãy dừng ở đây thôi.
  • b. Ảnh hưởng từ văn hoá.
Voltaire là gương mặt tiêu biểu của Khai Sáng. Và Khai Sáng là gì nếu không phải là con người tìm kiếm và dung nạp những kiến thức mới? Zadig hoàn toàn thể hiện được điều này:
Bản thân cái những cái tên trong Zadig thôi cũng là một sản phẩm văn hoá: Zadig được lấy nghĩa từ cụm từ seddik tiếng Ả Rập, có nghĩa là “Người Ngay Thẳng”. Almoma, tên người phụ nữ Zadig đã cứu ở Ai Cập mà sau này trở thành vợ của Setoc, lại có nghĩa là “Goá Phụ”, “almonoh” trong tiếng Hebrew. Còn tên người vợ đầu tiên của Zadig, Azora, lại láy nghĩa hatsoroh, vẫn trong ngôn ngữ Do Thái, có nghĩa là “kẻ dễ bị lay động”, rất chính xác khi Azora chì chiết người goá phụ rồi lại dễ dàng bị bạn của chồng lay động mà muốn cắt mũi chồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, hãy nhìn xem! Lại tiếp về chuyện Zadig giả chết rồi dụ vợ cắt mũi, chẳng phải giống hệt chuyện thử lòng vợ của Trang Tử đó sao? Nên nhớ, trong thời đại này, những cuốn sách của Khổng Tử và các bậc hiền triết phương Đông đã được dịch ở phương Tây, mà chính Voltaire cũng có đề cập và đề cao trong một vài tác phẩm của mình. Có thể từ đây mà suy luận rằng, không ít thì nhiều, đoạn trên có ảnh hưởng nhất định từ chuyện Trang Tử thử vợ.
Rồi nữa, ngay cả khi chúng ta đã thôi nói về việc Zadig có cấu trúc giống truyện ngụ ngôn thế nào, thì cần biết rằng, như đã đề cập, ảnh hưởng lớn nhất của Zadig tới từ truyện dân gian “Ba Hoàng Tử của Seredip” từ Ba Tư.
Và câu chuyện về một người thông minh, tài trí đang sống trong danh vọng, rồi bị đẩy đến vùng đất Ai Cập làm nô lệ, xong lại được giải thoát vẫn nhờ tài trí của mình, và trên đường về lại có sự hướng dẫn từ Chúa…. Chẳng phải có màu sắc rất kinh thánh, mà cụ thể ở đây là kinh cựu ước cùng chuyến hành trình của Moses trong Exodus? Đó là còn chưa kể chi tiết “đặc Thiên Chúa” về việc Zadig đã bị xử tử (vắng mặt) tại Ai Cập rồi sau đó được “phục sinh”… Đặc biệt hơn, ở đoạn nhận được chỉ dẫn của Chúa, Voltaire đã lấy nguyên hình tượng “Người Mặc Áo Xanh” trong kinh Quran, đoạn 18 sách Al-Kahf (Larcher, 2009).
Những tưởng chẳng đặc biệt, nhưng, nên nhớ, Voltaire là người luôn bài xích cả Thiên Chúa Giáo lẫn Hồi Giáo. Với sự kết hợp từ nhiều nền văn hoá và ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, Zadig có thể nói là sự kết tinh vốn kiến thức văn hoá của Voltaire, lẫn, quan trọng hơn, quan điểm của Voltaire về thần thánh.
Lại nói lại đời Voltaire. Trước khi nghĩ Voltaire là một kẻ bài tôn giáo (qua Candide chẳng hạn), chúng ta nhất thiết cần hiểu Voltaire luôn là một người theo chủ nghĩa Khoan Dung. Trong Một Khái Luận về Khoan Dung (A Treatise on Toleration), ông cho rằng, mọi tôn giáo nên hoà hợp, khoan dung với nhau. Trong Zadig, khi đi cùng Setoc tới Balzora, một vùng đất giao thương khắp nơi trên thế giới, nhân vật chính của chúng đã tự nói tiếng lòng của ông. Khi nghe cuộc thảo luận sắp sửa thành đổ máu từ người Ai Cập, người Viking, người Cathay, người Ả Rập, người Hy Lạp… về mỗi vị thần của họ và vị thần nào đúng đắn hơn, Zadig đã khuyên can: “Chẳng phải trước hết chúng ta đều thờ người đã tạo ra những vị thần, thờ vị Chúa tối cao, người đã tạo ra cả biển cả lẫn cây cá lẫn bò mộng, thậm chí cả Hỗn mang… đó sao?” Vì vậy, có gì phải tranh cãi đấu đá khi thực chất chúng ta đều là con chiên ngoan đạo của một Chúa duy nhất?
Mặc dù đến 1763 thì Một Khái Luận về Khoan Dung mới ra đời, nhưng góc nhìn của Voltaire về tôn giáo đã được khẳng định trước đó gần hai thập kỉ rồi.
  • c. (Lược giải) ảnh hưởng luật học.
Khi Zadig thành cố vấn của vua Babylon, anh đã đưa một câu nói thành quan điểm phán xử của mình: “that ’tis much more Prudence to acquit two Persons, tho’ actually guilty, than to pass Sentence of Condemnation in one that is virtuous and innocent”. Nghĩa là, thà cứu một người có tội còn hơn xử oan một người vô tội.
Quan điểm này đã trở thành tiêu biểu trong luật học, được sự đồng thuận của cả John Stuart Mill (tác giả cuốn “Bàn về Tự Do) dù đương nhiên là từ nhiều góc nhìn lẫn nghiên cứu khác nhau chứ không chỉ của riêng Voltaire. Quan điểm này cho đến giờ vẫn được coi trọng và lấy làm tôn chỉ trong luật pháp hiện hành.
Qua mấy ý vừa rồi, có thể nói, tầm nhìn của Voltaire là rất xa khi lồng ghép được những góc nhìn của mình vào một câu chuyện có vẻ ngoài đầy ngụ ngôn như thế.
Nhưng, tên của cuốn sách là Zadig, hay SỐ PHẬN, chứ chẳng phải bất kì góc nhìn nào khác. Nên, hãy cùng đi ăn món chính, và nhìn vào sợi chỉ mong manh của Số phận nào!

3. Số Phận hay phút hoài nghi của Voltaire.

Tại phần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ba yếu tố trong tác phẩm: Nhan đề, ngôn ngữ và cách sử dụng từ và cuối cùng, quan trọng nhất, là đoạn kết khi Zadig gặp thiên thần.
  • a. Tiêu đề
Trước tiên, hãy bàn đến một vấn đề mà mình đã trót bỏ qua ở bài viết về Candide: Tiêu đề truyện. Với Candide, đó là Candide Lạc Quan. Còn với Zadig, đó là Zadig HAY Số Phận. Từ “HAY” ở đây không chỉ có nghĩa tiêu đề sẽ chỉ là cái này hoặc cái kia, mà còn có thể trao đổi được cho nhau. Ví dụ, Candide có nghĩa “Sự ngây thơ” (Bản dịch tiếng Việt là Chàng Thơ Ngây), và quả đúng như vậy, xuyên suốt câu chuyện là góc nhìn hết sức ngây thơ, tối giản hoá Chủ nghĩa Lạc Quan. NHƯNG, chính vì sự ngây thơ đó, mà bản thân Candide cũng chính là Lạc Quan. Candide chính là hiện thân rõ ràng nhất của một sự lạc quan đầy trong sáng, thơ ngây.
Áp vào đây, Zadig, “Sự ngay thẳng”. Nếu nghĩa của Zadig và Số Phận cũng tương tự Candide và Lạc Quan, vậy có thể nói rằng, Zadig cũng chính là hiện thân của Số Phận.
Tại sao lại như vậy? Hãy cùng tìm hiểu một số yếu tố từ ngữ và tương phản xuyên suốt cả câu chuyện cho tới khi Zadig gặp Người Ẩn Cư.
Xuyên suốt cả câu chuyện là những lần “Tái Ông mất ngựa”, khiến Zadig liên tục tự hỏi câu hỏi về Số phận. Thế nào là sướng, thế nào là khổ? Tại sao vừa được làm quan, vừa được vua tín nhiệm, mở mắt ra đã trở thành nô lệ, rồi bị xử tử vắng mặt?
Rõ ràng là, trước câu hỏi Số Phận đó, Zadig một mực cung kính và trung thành với Chúa, ở đây mang tên Orosmade. Tiêu biểu nhưng vẫn vô cùng tinh tế khi xử lý yếu tố này, Voltaire đã để tất cả những từ Số Mệnh, Số Phận (Destiny, Fortune…) có viết hoa đầu câu. Có nghĩa là, bản thân Zadig không tự quyết định được số phận của mình.
Tức là, Zadig là nạn nhân của số phận. Nhưng, Zadig có phải là bản thân số phận, như đã nói ở ý a) không? Để tìm hiểu điều này, chúng ta dứt khoát cần biết quan điểm khoa học của Voltaire về Ý Chí Tự Do (Free Will).
Trong tiểu luận cùng tên, mặc dù không đề cập đến Free Will dưới phương diện thần học, tức là có Chúa hay không có Chúa, Voltaire tin rằng con người không hẳn là có một Ý Chí Tự Do. Ông giải thích, con người luôn luôn bị thúc đẩy bởi các hành động đi trước đó, tức là ý chí con người mang nặng tính nhân quả. Để mà nói Voltaire đúng hay sai thì Hume, và sau này là Kant, đã liên tục lập luận về quan hệ nhân quả này. Tuy nhiên, đây là quan điểm của Voltaire lúc đó, và ta hãy sử dụng nó để phân tích Zadig.
Quả đúng như vậy, khi đưa chiếc chìa khoá tiểu luận Free Will vào ổ khoá Zadig, cánh cửa tư tưởng đã mở rộng. Bằng chứng là, khi được Zadig khuyên giải, Ngư Dân đã gọi Zadig là thiên thần, là số mệnh của mình, được gửi xuống để trở thành vị cứu tinh cho mình. Lời nói của Ngư Dân lại một lần nữa được khẳng định bởi Người Ẩn Cư, lúc này đã trở thành thiên thần. Thiên Thần phán: Ngươi chính là số mệnh được Chúa phái đến để thay đổi cuộc đời Ngư Dân, kẻ luôn tự nghĩ mình là khổ nhất kia!
Vậy, có thể chứng minh được rằng, không những là nạn nhân của Số Phận, mà chính bản thân Zadig cũng chính là Số Phận của kẻ khác. Hoàn toàn đúng với quan điểm của Voltaire về Ý Chí Tự Do. Và đó chẳng phải chỉ là quan điểm một chiều: Trong chương gặp Ngư Dân, câu cuối cùng khi hai người chia tay thật sự đắt giá, về cả mặt văn chương và triết học:
They took their Leave; the Fisherman blessing his propitious Stars, and Zadig cursing, every Step he went, the Hour he was born.
Về giá trị nghệ thuật mà nói, thì đây là hai vế hoàn toàn đối nghịch. Kẻ vừa cho rằng mình là người khổ hạnh nhất trần gian, giờ lại may mắn, vui vẻ cầu nguyện dưới những vì sao (không gian). Còn người đang nghi hoặc, vẫn giàu có nhưng giờ lại bị dội một gáo nước lạnh toàn tin dữ, lại vừa đi vừa nguyền rủa bản thân, mỗi bước dài như mỗi giờ mắc kẹt trong khoảng thời gian tâm lý của chính mình.
Về mặt triết học mà nói, thì có thể thấy, đây chính là tác động qua lại rõ ràng nhất giữa Ý Chí của hai người, Zadig và Ngư Dân. Vậy, điểm nhìn của Voltaire về Free Will một lần nữa được tái hiện.
Nhưng chúngta vẫn chưa nói đến đoạn quan trọng nhất, và lý do tại sao mình lại đặt tiêu đề là “Phút nghi ngờ của Voltaire”. Và chúng ta đã đến đó rồi đây.
  • c. Đoạn gặp Thiên Thần và phút nghi ngờ của Voltaire.
Cuốn sách Số Phận chính là tiêu điểm của cả câu chuyện, dù chỉ xuất hiện trong một chương. Đó là cuốn sách có những ngôn từ khó hiểu mà người phàm trần không đọc nổi. Nhờ cuốn sách đó, mà Thiên Thần đã ra tay thưởng thiện, phạt ác, dạy cho Zadig những bài học để Zadig có thể thay đổi bản thân, vì anh là một người chính trực.
Nghe thì có vẻ rất tuyệt vời, nhưng… có thật vậy không? Đúng là Zadig cuối cùng đã trở thành vua, đã có hạnh phúc mà mình mong muốn. Nhưng… Đó chẳng phải là kết quả tất yếu của một cuốn truyện ngụ ngôn sao?
Và… Zadig chẳng thay đổi một chút nào sau khi gặp gỡ Thiên Thần, thậm chí cũng chẳng bao giờ nhắc lại. Rõ ràng hơn mà nói, nếu bỏ hoàn toàn Chương 17 về cuộc gặp gỡ này, thì cốt truyện HOÀN TOÀN KHÔNG THAY ĐỔI! Zadig vẫn đang trên đường đến kinh đô, và vẫn sẽ luôn là một người ngay thẳng chính trực như anh vẫn vậy.
Vậy nó có ý nghĩa gì? Một chương truyện chủ chốt, thậm chí được đưa vào nhan đề, nhưng lại hoàn toàn không có giá trị gì trong việc xây dựng cốt truyện?
Trước khi trả lời, thì ta hãy quay về với thời điểm sáng tác Zadig.
Như đã đề cập, Voltaire lúc này đang nghiên cứu khoa học cùng Emilie, và hai người đã bàn luận về cái nhìn thần học của Leibniz. Mình đoan chắc rằng, không ít thì nhiều, lý tưởng của Leibniz có ảnh hưởng nhất định tới sáng tác này của Voltaire.
Vì sao? Khi nói chuyện với Thiên Thần, Zadig đã hỏi, liệu một thế giới mà cái xấu không tồn tại có thể xảy ra không? Thiên thần trả lời, đó hẳn phải là một thế giới khác trong vô vàn thế giới mà Chúa tạo ra, và đó không phải là thế giới của các ngươi. Đây chẳng phải là ám chỉ thế giới Lạc Quan chủ nghĩa của Leibniz đó sao? Và câu trả lời kia chẳng phải là sự nghi ngờ của Voltaire rằng cái ác sẽ luôn tồn tại trên đời, một điều được nhắc đi nhắc lại trong Candide?
Cái nhìn thần học của Voltaire ở đoạn này có phần dễ chịu hơn rất nhiều so với Candide, bởi có vẻ ông vẫn cho rằng có một vị Chúa Trời quyết định các hành động của Con Người, mà ta không thể nào thay đổi bản chất được. Đó là lý do Thiên Thần giế.t đứa trẻ cháu trai của người chủ nhà thứ tư. Vì khi Zadig gặng hỏi, liệu nếu dạy nó điều hay lẽ phải, thì nó còn hại cô nó không, thì Thiên Thần trả lời rằng, nếu nó được học điều hay lẽ phải, thì thằng nhóc sẽ gi.ết cả nhà nó rồi tự sát. Tức là mọi việc còn tệ hơn.
Vẫn lý lẽ đó đã khiến Thiên Thần đốt nhà của Triết Gia, vì Thiên Thần bảo Zadig rằng dưới đó có vàng. Vẫn lý lẽ đó mà Thiên Thần dạy cho hai chủ nhà trọ đầu tiên hai bài học… Mọi chuyện có vẻ rất êm xuôi, và Zadig chỉ càng thêm quy phục Thiên Thần sau những câu trả lời đó.
Nhưng có thật vậy không? Chúng ta gấp quyển sách lại, và thở phào vì cái kết có hậu. Nhưng chúng ta chẳng nhận ra một điều, mà chỉ khi đọc lại mới rùng mình, lạnh gáy: THIÊN THẦN CHƯA BAO GIỜ CHỨNG MINH NHỮNG GÌ MÌNH NÓI. Đến việc ở dưới đất nhà triết gia có kho vàng, Thiên Thần cũng đã vội lôi Zadig lên đường, chẳng chịu ở lại. Và đương nhiên là càng không với việc dìm cháu trai của chủ nhà thứ tư.
Tức là, chúng ta có một câu chuyện về cuốn sách số mệnh, nhưng lại chẳng có minh chứng rằng những gì được viết trong cuốn sách đó là chính xác. Chúng ta mông lung, mơ hồ giữa Định Mệnh được sắp đặt sẵn và những gì con người có thể làm được. Chúng ta được ném cho một nhân vật chính, dù gặp Thiên Thần nhưng chẳng hề thay đổi. Liệu, Thiên Thần đó có hiểu được cuốn sách Số Phận không? Thậm chí, liệu đấy có phải một Thiên Thần không? Phải chăng, chính lúc đó, Voltaire cũng đã mông lung, mơ hồ như chúng ta?
Nếu Voltaire cũng đã tự lung lay về triết lý “All is Good” của Leibniz, thì chẳng ngạc nhiên gì khi từ sự nghi hoặc đó, ông sáng tác ra Candide, tác phẩm đả kích liên tục sự tin tưởng vô lý vào Số Phận. Chẳng cứ gì mà ông thốt lên, “Số mệnh của kẻ phàm trần chỉ như chăng trên sợi chỉ đó thôi sao?”

Upon such slender threads as these do the fates of mortals hang.

___________
Reference:
Carlo, G. (1992). Clues, myths, and the historical method. Translated by Tedeschi, John; Tedeschi, Anne C. (Johns Hopkins pbk. ed.). Baltimore, Md.: Johns Hopkins University Press. p. 116. ISBN 978-0-8018-4388-4.
Huxley, T. On the Method of Zadig. 1880. Popular Science Monthly. Vol. 17. August 1880. ISSN 0161-7370.
Meyerson, H. (1939). Note on the Etymology of Names in Voltaire's Zadig. Modern Language Notes, 54(8), 597-598. doi:10.2307/2911247
Larcher, P. (2009). Voltaire, Zadig et le Coran. Université de Provence et IREMAM. Retrieved from https://gerflint.fr/Base/Mondearabe6/larcher.pdf
Voltaire. 1763. A Treatise on Toleration. Retrieved from https://www.earlymoderntexts.com/assets/pdfs/voltaire1763.pdf