Yo Le chia sẻ về bản thân trên trang Facebook Page cá nhân: “Mình là Yo Le, một con nhỏ sống chỉ để đi, nghe và kể chuyện đời. (và mãi mãi tuổi 16 ^^)”. Còn trên Spiderum chị viết rằng “Mình chẳng là ai cả/ Mình chỉ là mình thôi”. Có một điều xuyên suốt những bài viết của Yo Le: chị chia sẻ rất nhiều về những trải nghiệm cuộc đời mình, những bài học, những người bạn mà chị có cơ hội gặp mặt. Nhưng để hiểu được những cảm xúc thật sự đằng sau những chia sẻ đó, hiểu được “mình chỉ là mình thôi” là như thế nào, hay hiểu câu chuyện của một cô gái mãi mãi tuổi 16 đã và đang ra sao, bạn cần nhìn vào hành trình tạo nên con người chị như hiện tại - hành trình chữa lành.
Để miêu tả Yo Le, thật khó để dùng một từ ngữ chính xác. Nếu đọc các bài viết của chị trên Spiderum, hẳn nhiều người cũng liên tưởng tới hình ảnh một cô gái tóc ngắn vui tính, hay cười. Yo Le viết thơ, truyện ngắn, tùy bút, chị không chỉ đơn thuần chia sẻ về những trải nghiệm của mình mà biến những trải nghiệm đó thành những điều nhỏ bé đáng yêu. Như bài thơ “Tì là ti la ti la tí” với những vần thơ:
“Tì là ti la ti la tí
Tì là tí tí la ti ti..."
Em lên mây em cười hi hi
Hay như bài thơ “Khi vui buồn gõ cửa”:
Buồn, Vui - không cần biết,
Đều là bạn của mình.
Gặp mặt thì hoan nghênh,
Đến giờ thì "bai nhé!"
Nhưng ít ai biết rằng, Yo Le còn có 1 account khác trên Spiderum nơi chị chia sẻ những trải nghiệm buồn bã và tiêu cực. Nói về điều này, chị cho biết “Lúc trước mình như đa nhân cách vậy. Sẽ có một cái tôi đáng yêu để thể hiện cho mọi người thấy nhưng vẫn còn một cái tôi khác nữa, đau đớn và bất lực.” 
Cái tôi đau đớn ấy, chị chọn cách giấu kín, có lẽ không chỉ trong các bài viết trên Spiderum mà còn với chính bản thân mình. Tự nhận lúc trước mình là một người thích sự kiểm soát đến ám ảnh, chị cố gắng kiểm soát tất cả những thứ liên quan đến mình, từ hình ảnh bản thân trong mắt người khác cho tới người yêu hay công việc. Thế rồi, cũng chính thói quen này lại ảnh hưởng đến cách chị đối diện với những vấn đề của chính mình, và khiến Yo Le rơi vào vòng xoáy bế tắc. 

Mãi tới tận sau này, chị mới nhận ra rằng trạng thái cảm xúc của bản thân là thứ không thể kiểm soát; vì vậy, từ chối chia sẻ những cảm xúc thật sự của mình giống như từ chối nhìn vào nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để có thể tìm ra cách giải quyết.
Có lẽ cũng vì vậy mà lúc trước, vào những lúc cảm thấy tuyệt vọng, chị không tìm thấy một nơi để về, một nơi để chị có thể chia sẻ những nỗi niềm của bản thân. Yo Le chỉ có thể ngủ được và tìm thấy thanh bình trong thoáng chốc khi ngả lưng dưới bóng cây trong khuôn viên một ngôi chùa. 

“Mình mệt mỏi đến mức không làm gì được. Dù chỉ cần tìm một chỗ để ngủ thôi nhưng lúc đấy mình cảm thấy không thể”

Cho đến năm ngoái, một biến cố lớn xảy ra với Yo Le càng khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Chị trầm cảm, tiêu cực và không ít lần nghĩ đến cái chết. Nói về giai đoạn này, Yo Le cũng từng chia sẻ trong bài viết "Nhà chữa lành và những lần muốn chết":

“Lúc đó mình đầy vấn đề, nếu không thay đổi thì mình sẽ chết. Nhưng mình lại không thể chết được vì tin vào luật luân hồi. Vậy là không còn con đường nào khác ngoài việc thay đổi.”

Sau khi quyết định phải thay đổi, Yo Le nằm mơ về một ngôi nhà, nơi mọi người được thoải mái làm những việc họ thích và không nhất thiết phải nói về những vấn đề bản thân vẫn phải đương đầu. Đó là nơi ai cũng có thể đến, dừng chân và được phép là chính mình. 

Từ đó, chị bắt đầu nảy sinh ý tưởng xây dựng một ngôi nhà chữa lành, không chỉ để chữa lành cho chính mình mà còn cho những người khác. Ý tưởng này sẽ giải quyết nỗi đau chính Yo Le từng phải đối mặt trong quá khứ: nếu đang gặp phải vấn đề, và không có nơi nào để đi thì “Nhà chữa lành” sẽ luôn chào đón bạn. 

Sau khi nhận thức được vấn đề và mong muốn thay đổi, Yo Le quyết định đi thiền ở các thiền viện tại Myanmar, với mong muốn gặp được một người hay tìm thấy được một con đường chỉ dẫn mình thoát ra khỏi những đau khổ hiện tại. Quá trình tu tập này giúp chị dần nhận ra những mô thức và thói quen khiến bản thân lâm vào một tình cảnh nhất định hay gặp phải một kiểu người nhất định. 

Yo Le chia sẻ thông qua thiền, chị nhìn thấy được “cái tôi” bên trong - hay những suy nghĩ, cảm xúc - của chính mình. Thiền giúp chị đạt được trạng thái bình tâm, để tách mình ra khỏi “cái tôi” ấy và quan sát cách mọi thứ diễn ra, hay cách cảm xúc xuất hiện rồi biến mất. 

“Khi nhìn được toàn cảnh “cái tôi” như vậy, mình không đồng hóa bản thân với những cảm xúc, suy nghĩ khó chịu, sân si mà mình thường gặp phải, mà ngược lại có thể tạo nên “cái tôi” mà bản thân mong muốn.”

Yo Le chia sẻ thêm rằng cũng nhờ sự bình tâm này mà chị nhìn thấy được bức tranh lớn hơn, từ đó nhận ra hai điều quan trọng: một là cái khuôn mẫu khiến bản thân gặp vấn đề, và hai là cách giải quyết vấn đề ấy. Hay nói cách khác, chính sự bình tâm này đã giúp Yole xả ly những dính mắc của chính mình, điều khiến chị bất lực không lối thoát trong suốt một thời gian dài.

Trong quá trình đi thiền viện khi ở Myanmar, Yo Le đã gặp thầy Sayadaw Ashin Ottamathar, hay còn gọi là thầy Ott - người thầy có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những suy nghĩ và dự định của chị. Thầy là người mở làng Thabarwa ở Myanmar, bắt nguồn từ trường thiền Thabarwa. Không đi theo hướng mở các trường thiền thông thường, Thabarwa là vừa là nơi thiền tập vừa là nơi tập trung hỗ trợ người già, người vô gia cư. Với tình hình chính trị bất ổn ở Myanmar, làng Thabarwa cũng chào đón cả những người tị nạn không còn nơi nào để đi. Ở làng, mọi người không mất tiền ăn uống, lại được cấp nhà, cấp đất để sinh sống và được giáo dục miễn phí. Kinh phí cho hoạt động của ngôi làng chủ yếu đến từ việc cúng dường và nguồn kinh phí này đảm bảo một cuộc sống cơ bản cho người dân nơi đây. 

Khoảng thời gian tìm hiểu và làm tình nguyện ở làng Thabarwa, đồng thời được học hỏi, tiếp xúc với thầy Ott đã ảnh hưởng lớn đến cách Yo Le định hình hình thức hoạt động của “Nhà chữa lành”. Chị chia sẻ:

“Điều ảnh hưởng lớn nhất mình học được từ thầy là để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Để những người đến với mình được làm việc thuận theo ý muốn của họ.” 

Mặc dù vậy, bất chấp việc những ảnh hưởng của thầy Ott có ý nghĩa sâu sắc và làm thay đổi nhiều khía cạnh tiêu cực của cuộc đời chị, Yo Le cho biết mình vẫn luôn nhận thức được bản thân đôi lúc có xu hướng quá tin tưởng vào những điều chỉ dạy của thầy, dẫn đến dính mắc. Nhận thức này giúp chị giữ được sự tỉnh táo trên hành trình tìm kiếm một con đường tốt hơn, con đường có thể giúp bản thân nhận ra ý nghĩa thật sự của việc “sống”.

“Mình tin rằng khi đặt quá nhiều niềm tin vào một điều gì, thì điều ấy cũng sẽ đem đến những suy nghĩ cực đoan. Trong một cuốn sách tập hợp các đoạn hỏi đáp của thiền sinh với thầy Ott, có người đã hỏi thầy: Tại sao có những người lại theo trường phái chọn xa rời thế tục, ngồi thiền trong hang động. Thầy đã trả lời rằng “họ dính mắc với cái hang động đó”. Điều đó cũng đúng với tất cả mọi việc trên đời, khi đặt quá nhiều niềm tin vào một điều thì mình cũng đang dính mắc trong một cái “hang động” vô hình nào đó.” 
Hành trình xây dựng Nhà chữa lành cũng là hành trình chữa lành của chính bản thân Yo Le, sau khi chị quyết định phải thay đổi.

“Từ lúc mình nghĩ đến việc thay đổi thì cánh cửa đã mở ra rồi, việc của mình chỉ là gõ cửa thôi.”

Nhà chữa lành với Yo Le cũng là một cánh cửa như vậy. Chính vì thế, những người không cảm thấy bản thân thật sự muốn chữa lành, muốn tìm ra một con đường mới sẽ không tìm đến nơi đây, để “gõ cửa” như chị đã từng. Yo Le nhận ra điều này khi quan sát việc những người lúc trước hay than vãn với chị giờ không còn nói chuyện nhiều như trước nữa, nhất là sau khi chị nhận ra vấn đề của bản thân và bắt đầu hành trình chữa lành. Hình như họ không thực sự muốn đối diện và vượt qua vấn đề nội tại, điều họ muốn có lẽ chỉ là trải nghiệm chúng và nhận được sự đồng cảm mà thôi.


Yo Le cho biết đó là lý do Nhà chữa lành luôn chào đón những người đã từng vượt qua hoặc chí ít là biết được mình đang gặp vấn đề. Chị tin rằng khi nói chuyện với nhau, các bạn tới Nhà có thể học hỏi được rất nhiều từ cách họ chấp nhận, đương đầu và vượt qua các vấn đề của bản thân. 

“Hơn hết, vì cũng từng trải qua đau đớn nên chúng mình hiểu được những nỗi niềm và cảm giác đau đớn của những bạn đến với Nhà chữa lành. Chúng mình ít nhất cũng cho được các bạn sự động viên tinh thần.”

Yo Le cũng tin rằng trong lòng mọi người vốn đã có giải pháp, Nhà chữa lành chỉ là nơi giúp tất cả vững lòng hơn trong quá trình tự vượt qua vấn đề của chính mình mà thôi. Chị chia sẻ:

“Nhà chữa lành chỉ là một câu lạc bộ, không có bác sĩ tâm lý, mọi người ở đây cũng không khẳng định mình có thể chữa bệnh cho ai cả. Nhưng khi đến đây, bạn nhận được sự thấu hiểu, cảm thông, và được chấp nhận khi là chính con người mình.”
Trong quá trình xây dựng Nhà chữa lành, Yo Le nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người. Mọi người cho chị mọi thứ, từ cái bàn, cái ghế cho tới cây cối, đồ chơi (phần lớn các đồ đạc hiện tại trong nhà đều không phải là của chị). Yo Le đi xin lại các đồ thừa, đồ cũ từ cả những người chị quen và không quen, nhiều tới mức có những người khi nhìn thấy chị liền lập tức nghĩ ngay tới hình ảnh một... “nhỏ xin đồ”. Chẳng thế mà có lần gặp một người quen, điều đầu tiên cô nói với chị là … “Để cô xem nhà có gì không để cho con nhé.” 

Đến nay, mọi người vẫn hay đem đồ đến tặng cho Nhà chữa lành. Vì số lượng đồ nhiều nên Yo Le cùng các bạn của mình làm hẳn một hộp riêng để đựng đồ của mọi người. Khi đến nhà, mọi người có thể lấy đi món đồ mình thích và để vào một món đồ khác dành tặng cho những người đến sau. 

Lúc đầu Yo Le chỉ nghĩ sẽ tự mình xây dựng các hoạt động ở Nhà chữa lành, thông qua việc chia sẻ những điều vốn là sở trường của chị như làm thơ, viết truyện, thu âm radio,...  Nhưng trên hành trình của mình, chị tình cờ có thêm được những người bạn đồng hành không ngờ tới:

“Có chị Sen làm massage trị liệu ở ngay gần đây này, có cả những bạn cộng tác viên biết đến Nhà sau buổi offline Spiderum nữa. Tất cả nội dung của Nhà đều theo mọi người. Nếu có việc gì mà mỗi người có thể làm để chữa lành cho chính họ thì cũng có thể sẽ chữa lành cho những người khác.”

Yo Le cũng học theo thầy Ott và để Nhà chữa lành hoạt động thuận theo tự nhiên, không ép buộc bất cứ ai. Cụ thể, mọi người có thể đến thoải mái và nếu thấy Nhà có vấn đề gì thì tự tìm cách giải quyết theo mong muốn và khả năng của mình. Yo Le muốn mọi người làm những gì bản thân muốn làm, còn Nhà chữa lành thì... không có deadline hay quy định gì cả.


Quá trình xây dựng nhà chữa lành cũng là quá trình Yo Le học cách buông sự kiểm soát của bản thân. Làm ngôi nhà này với không đồng trong tay, sử dụng nguồn lực đến từ cộng đồng nên chị không thể kiểm soát định hướng hay tiến độ mà chỉ có thể thuận theo cộng đồng và để mọi người làm điều phù hợp với họ. Ví dụ như gần đến giờ sự kiện mà người chịu trách nhiệm vì nhiều lý do không thể làm nữa thì Yo Le sẽ không tức giận hay ép buộc họ, thay vào đó chị tự mình tổ chức hoạt động khác cho khách. Hay khi khách báo trước sẽ đến nhưng sát giờ lại không đến được nữa thì chị cũng vui vẻ đón nhận với tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng. 

“Khi mình không đặt ra chỉ tiêu, kỳ vọng thì sẽ không cảm thấy có vấn đề khi mọi chuyện không theo ý mình. Mình thường hình dung về những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra và tự hỏi bản thân: “Giả sử điều đó xảy ra thì mình có chấp nhận được không?”. Nếu câu trả lời là “có” thì cứ tiếp tục làm thôi”.

Ví dụ như khi bắt đầu xây dựng Nhà chữa lành, Yo Le từng đặt câu hỏi cho chính mình: “Nếu một tuần đầu tiên không có khách thì sao? Một tháng đầu tiên cũng vậy thì mình có làm không?”. Nhờ đặt ra những câu hỏi như vậy mà Yo Le nhận ra quyết tâm theo đuổi ý tưởng này của bản thân ngay cả khi nó không tạo ra lợi nhuận. Hiểu rõ quyết tâm này, chị quyết định sẽ sử dụng chính ngôi nhà của bố mẹ mình để giảm bớt áp lực cho chính bản thân và cả những người tham gia cùng, giúp tất cả có thể thoải mái làm những điều mình mong muốn.

Khi buông bỏ sự kiểm soát và kỳ vọng của bản thân, Yo Le cũng học được cách khơi gợi tiềm năng ở mỗi người. Ví dụ như có một vài bạn ban đầu đến với Nhà chữa lành với mong muốn giúp đỡ nhưng lại hoàn toàn không biết phải làm gì. Theo thời gian, sau khi được trải nghiệm, thử sức, các bạn dần nhận ra điều mình muốn làm và làm rất tốt. Yo Le tin rằng khi có mặt ở đây, bản thân mỗi người đã có động lực hành động và thay đổi. Và đối với những người đã có động lực từ bên trong như vậy, sẽ tốt hơn nếu không kiểm soát, không đánh giá mà để họ tự quan sát, làm việc, thay đổi và tiến bộ. Đối với chị, đó cũng chính là hành trình giúp mỗi cá nhân tự chữa lành và giúp đỡ người khác trong quá trình chữa lành của họ - hay chính là lý do cho sự tồn tại của Nhà chữa lành vậy. Yo Le nhấn mạnh:

“Mình tin khi đến với Nhà chữa lành,
bạn đã có mong muốn thay đổi.
Bạn chỉ cần gõ cửa,
chúng mình sẽ ở đây và đón bạn.”

Thực hiện: Hoàng Phương
Thiết kế: Isa Quan