Bài viết nói về một lần mình rảnh rỗi ngồi chiêm nghiệm về cuộc sống và chợt tìm ra được định nghĩa của khái niệm Yêu thương vô điều kiện (Unconditional love) mà mình tự hỏi bấy lâu. Đây có thể xem là định nghĩa phù hợp nhất so với trải nghiệm sống của mình đến thời điểm hiện tại. 



Quá trình nghiệm ra định nghĩa của Yêu thương vô điều kiện (YTVĐK) của mình không phải chỉ đơn giản là ngồi nghĩ nghĩ rồi "eureka!". Mà đó là một quá trình đúc kết từ rất nhiều nguồn khác nhau mà mình phân thành hai loại chất liệu chính: Bản thân và Thế giới bên ngoài. Bản thân là từ việc tự trải tự nghiệm của bản thân để có sự hiểu nhất định, niềm tin và tư duy về YTVĐK. Thế giới bên ngoài bao gồm những kiến thức tư liệu được đọc, được chia sẻ, những trải nghiệm cá nhân của người ngoài từ nhỏ tuổi đến những người trưởng thành. Và đâu đó nó cũng ảnh hưởng phần nào đến phần Bản thân nên hướng mình chia sẻ là tập trung nhiều hơn về những chất liệu ở Thế giới bên ngoài đi qua màng lọc phản biện, phân tích, tổng hợp của Bản thân để ra kết luận cuối cùng.

Mình làm việc tại một công ty thuộc lĩnh vực GD & ĐT, và mình nằm trong đội ngũ coach của công ty mà mọi người thường gọi với tên gần gũi là CF (Coach Family). Giá trị Yêu thương là một trong 6 giá trị cốt lõi mà đội ngũ chọn. Mình đã tìm hiểu nhiều tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực, mình chưa thấy có tổ chức nào lựa chọn giá trị Yêu thương làm giá trị cốt lõi. Chắc có thể đi làm thì cần gì yêu thương? hoặc có thể yêu thương là một khái niệm trừu tượng, mỗi người một cách hiểu nên khó giữ một ý thống nhất? Dù sao đi nữa, CF là nơi duy nhất mình thấy lựa chọn giá trị Yêu thương và chắc cũng vì vậy mà mình thấy không nơi nào đặc biệt như nơi này.
YDC Coach Academy

Ở trong một tổ chức có giá trị Yêu thương thì chắc chắn bạn phải tiếp cận đến một khái niệm là Yêu thương vô điều kiện. Vậy YTVĐK là gì? Nếu phân tích từng chữ thì bạn cũng dễ dàng có được định nghĩa căn bản. Yêu thương (Love) + Vô điều kiện (Unconditional). Mình có thể diễn giải là, YTVĐK là việc mình có mong muốn cho đi không mong đợi nhận về bất cứ điều gì. Đối với mình định nghĩa này đúng nhưng nó chưa đủ. Vì sẽ có những câu hỏi như: "Lỡ người kia không thể hiện sự yêu thương lại, và biến mối quan hệ trở nên một chiều?", "Đây có phải là yêu thương mù quáng không?", "Làm vậy thì mình có yêu thương bản thân không?". Những câu hỏi đó dễ dàng đến và khiến chúng ta nghĩ YTVĐK chỉ là câu chuyện cổ tích, khó mà tồn tại ở thời đại mà người ta chỉ quan tâm cái lợi bản thân, rằng đó là sự yêu thương không khôn ngoan, khờ khạo, rằng mình phí phạm cuộc đời ngắn ngủi khi cho đi mà không cần nhận về.

Cá nhân mình, những câu hỏi đó vừa là những câu hỏi phản biện nhưng cũng đồng thời là những câu hỏi ngụy biện bao bọc cho cái tôi cá nhân của từng người, cho bản chất tham lam tính toán so đo nằm sâu thẳm bên trong con người, và cũng bao bọc cho nỗ sợ thiệt thòi, sợ mất mát, sợ trả giá xuất phát từ bản chất đó. Vũ trụ này có luật nhân-quả, và tất cả những gì chúng ta lựa chọn cho cuộc đời của chúng ta đâu đó một cách tâm linh... chính là đang phục vụ cho bản thân mình. Ngay cả việc từ thiện, thì sâu xa những lựa chọn đó vẫn là đang phục vụ cho bản thân. Vậy nên, khi lựa chọn YTVĐK, dù là không mong đợi nhận về, nhưng chúng ta gieo nhân thì chúng ta phải hái quả, chắc chắn bạn sẽ nhận được một điều gì đó xứng đáng cho những gì bạn cho đi dù muốn hay không. Và đó chính là cách yêu thương bản thân tuyệt vời nhất, là sự ích kỷ dễ thương nhất. Suy cho cùng, không ai thiệt thòi cả, vấn đề chúng ta có thiển cận hay không khi đưa ra một lựa chọn. Nghĩ đến đây, mình thấy con người đúng là một sinh vật tội nghiệp khi được sinh ra với một bộ não phát triển. Ước gì chúng ta có thể yêu thương nhau một cách bản năng thì có lẽ chúng ta sẽ không đau khổ trong sự tính toán. Nhưng khi Thượng đế đã ban cho chúng ta bộ não, thì ngài muốn chúng ta dùng chúng với những lý tưởng sống cao cấp hơn, ngay cả yêu thương cũng vậy, chứ không phải dừng ở việc nuôi dưỡng sự tham lam bên trong. Mình có tham gia một buổi chia sẻ về đề tài Sống của anh Vũ Đức Trí Thể, ở đó anh Thể có chia sẻ rằng "Đừng để những mong muốn của bạn làm mục đích sống, mà hãy để nó là hệ quả." Nếu bạn muốn nhận nhiều, thì đừng sống với mục đích đó, mà hãy để nó là hệ quả. Khi bạn cho đi sự tận tâm, cống hiến cho công việc, hệ quả là bạn sẽ được thăng chức và giàu có, chứ đừng để sự thăng chức và giàu có làm mục đích sống.  Khi bạn cho đi yêu thương, hệ quả là bạn sẽ nhận về yêu thương, có thể không phải từ người bạn đang theo đuổi, mà có thể từ một người khác lý tưởng hơn. Ngoài ra, yêu thương là công việc của trái tim của cảm nhận, nên mình thấy thật lạ nếu con người sử dụng lý trí để đặt câu hỏi. Tóm lại câu trả lời cho tất cả câu hỏi trên là "Đừng lo, cuộc đời có luật nhân-quả, và bạn có một bộ não siêu việt để hiểu con tim mình, nhớ dùng đến nhá!"
YTVĐK: Yêu thương không có lý trí

Vậy, hiểu được YTVĐK là vậy rồi, nhưng sao làm khó quá. Tặng người khác món quà mà không được nghe lời cảm ơn thấy khó chịu ghê. Đi làm chăm chỉ mà không được sếp khen thấy tủi thân ghê. Muốn yêu thương mà không biết phải làm sao. Muốn yêu thương mà sợ đau, sợ những cảm xúc khó chịu. Vân vân và vân vân. Có lẽ, có câu hỏi chúng ta nên tự hỏi chính mình là "Ờ, nhiều thứ khó chịu như vậy đó, vậy mình có lựa chọn yêu thương tiếp không?". Mình từng nghe hai câu nói rất đơn giản nhưng rất chạm từ hai người chị, một là "Yêu thương là dũng cảm", và "Yêu thương là phải đau". Một lần nữa chúng ta nói về sự trả giá, chúng ta luôn muốn có được những điều tuyệt vời nhất nhưng không muốn trả giá. Cho đi yêu thương ở đây là không chỉ là cho cái bánh hay ly trà sữa, mà là sẵn sàng cho đi những giây phút vui vẻ để đón nhận những nỗi đau của yêu thương. Khi bạn trong đợi người kia không làm đau mình, là bạn đang đòi hỏi rồi đấy, và đó không còn là YTVĐK nữa. Và tất nhiên nếu nỗ đau kéo dài và ảnh hưởng đến việc yêu thương bản thân của bạn, thì tốt nhất bạn nên trò chuyện với người kia để có cách giải quyết tốt hơn.



Mình chia sẻ một bài thơ đã là nguồn cảm hứng giúp mình hiểu ra được thế nào là YTVĐK.
Dear Human
Dear Human: You’ve got it all wrong.
You didn’t come here to master unconditional love.
That is where you came from and where you’ll return.
You came here to learn personal love.
Universal love. Messy love. Sweaty love.
Crazy love. Broken love. Whole love.
Infused with divinity. Lived through the grace of stumbling.
Demonstrated through the beauty of… messing up. Often.
You didn’t come here to be perfect. You already are.
You came here to be gorgeously human. Flawed and fabulous.
And then to rise again into remembering.
But unconditional love? Stop telling that story.
Love, in truth, doesn’t need ANY other adjectives.
It doesn’t require modifiers.
It doesn’t require the condition of perfection.
It only asks that you show up. And do your best.
That you stay present and feel fully.
That you shine and fly and laugh and cry
and hurt and heal and fall and get back up and play and work and live and die as YOU.
It’s enough. It’s Plenty.
- Courtney Walsh

Tác giả có những tư duy rất thú vị về YTVĐK. Mình sẽ phân thích bài thơ thành ba phần:
Phần đầu: Từ đầu đến Demonstrated through the beauty of… messing up. Often.
Phần đầu tác giả thẳng thắn nêu quan điểm của mình rằng mục đích chúng ta đến với thế giới này không phải để thuần thục việc YTVĐK. Mà thật chất YTVĐK là nơi chúng ta đi và cũng sẽ là nơi chúng ta quay về, và chúng ta đến đây để... yêu thương bản thân. Tình cờ nó giống với cái mình tin ở phía trên, tất cả những gì chúng ta lựa chọn một cách sâu sắc điều phục vụ cho bản thân mình. Và để yêu thương bản thân, chúng ta phải tập yêu thương những thứ khác, phải trải qua những thử thách khó khăn của việc yêu thương. Ở câu cuối có đoạn the beauty of messing up, như thể ý tác giả muốn nói đừng xem những hy sinh này là bị cực, mà hãy tận hưởng nó.
Phần giữa: Từ You didn’t come here to be perfect. You already are. đến It doesn’t require the condition of perfection.
Phần tiếp theo muốn nói rằng bạn không cần phải là "Thánh" để YTVĐK và bản chất của yêu thương là vô điều kiện rồi nên chẳng cần vế "vô điều kiện" phía sau. Chúng ta hay lo lắng là bản thân mình chưa đủ kinh nghiệm, đủ điều kiện để cho đi một ai đó hết mình. Nhưng bản chất yêu thương không cần điều kiện hoàn hảo (Condition of perfection), vấn đề là bạn muốn yêu thương hay không thôi. Từ đó dẫn đến đoạn cuối giải đáp nếu yêu thương không cần hoàn hảo thì nó cần gì?
Phần cuối: Từ It only asks that you show up. And do your best. đến It’s enough. It’s Plenty.
Câu trả lời là yêu thương chỉ đòi hỏi sự hiện diện của bạn và làm tốt nhất những gì bạn có. Là việc bạn sống với hiện tại và đong đầy. Là việc bạn trải nghiệm hết vị của yêu thương, ngọt đắng, đau đớn, hạnh phúc, vấp ngã và đứng dậy một cách tận hưởng, sống và chết với chính con người thật của bạn. Đối với tác giả, như vậy là đủ rồi.

Nói chung, làm thế nào để YTVĐK, là ngay tại thời điểm đó, bạn có thể làm gì cho người kia? Vậy thì hãy làm đi, làm với sự ngây thơ, làm với trái tim tinh khiết, đừng toan tính, đừng suy nghĩ nhiều. Chúng ta có thể nhận ra bản chất YTVĐK không có gì quá cao siêu. Chính tư duy được-mất của con người đã làm bóp méo đi ý nghĩa của khái niệm này, khiến nó trở nên to lớn và khó khăn. Kết lại bài viết, mình sẽ tóm gọn định nghĩa của YTVĐK theo quan điểm cá nhân bằng một câu súc tích nhất:
Yêu thương vô điều kiện là sự tin tưởng, thấu hiểu con tim của chính mình để đưa ra lựa chọn có ích cho người khác ngay tại thời điểm mình đang hiện hữu.

Bao Nguyen.H