Đẹp quá trời đất ơi.
Nếu Trần Khải Ca định làm một bộ phim về trinh thám, thì ông thất bại hoàn toàn. Nếu định làm về một bộ phim ý niệm, thì có lẽ ông thành công, ở một vài điểm nào đó.
Yêu Miêu Truyện cũng giống như Đại Đường mà nó khắc họa. Một Đại Đường quá đỗi phù hoa mà yếu ớt, một Đại Đường đã đánh mất hoàn toàn khí thế vạn quốc chi quốc kim qua thiết mã của mình.
Một Đại Đường bất lực không thể bảo vệ đóa hoa của đế vương. Một Đại Đường vẫn thản nhiên ca múa khi mà hai vị hoàng đế, ba vị chỉ huy sứ Kim Ngô Vệ chết bất đắc kỳ tử giữa thành Trường An.
Đó không phải là Đại Đường của Thiên Khả Hãn nữa, đó chỉ còn là một nơi tràn đầy thi nhân - như lời nói của một vị khách Nhật Bản.
Cũng như bộ phim chỉ là một mớ huyễn hoặc hỗn độn. Rất yếu về cách kể chuyện cũng như đầy rẫy tình tiết vô lý nên cho dù hiệu ứng thị giác có mỹ mãn tới cỡ nào vẫn không kéo nổi. Đẹp thì đẹp thật nhưng xong phim rồi dư vị cũng bay mất hết.
Nếu có một đoạn nào đó để nhớ lại trong Yêu Miêu truyện thì chắc chỉ có đoạn ở trạm dịch Mã Ngôi, nơi tình yêu của Dương Ngọc Hoàn nằm lại, nơi xé tan Trường Hận ca của Bạch Cư Dị.
Nếu Trần Khải Ca đẩy sâu vào chi tiết này, đẩy sâu vào cái thói quen đổ thừa hàng ngàn năm của mấy ông hoàng đế Trung Hoa: giang sơn thì phải có mỹ nhân nhưng nếu giang sơn mà mất thì nhất định là tại mỹ nhân. Thì Yêu Miêu truyện đã ở đẳng cấp khác, tiếc thay ông chỉ lo yêu.
Toàn thể các nhân vật của Yêu Miêu truyện quả thật rất yếu ớt khi đứng trên đôi chân mình. Mặc dù ai cũng đẹp, áo cũng đẹp, múa cũng đẹp mà nhạc cũng hay.
Từ hai vị thi nhân Lý Bạch cho tới Bạch Cư Dị, từ hai đời hoàng đế đến Cao Lực Sĩ. Các bạn người Nhật thì thay bằng người Đột Quyết, người Tây Tạng người Tiên Ti hay người Giao Chỉ cũng được hết, không có gì ảnh hưởng đến câu truyện. Nhưng thôi mượn kịch bản của Nhật thì cho người Nhật vào để há mồm nhìn Đại Đường ca vũ cũng được.
Ngay cả câu chuyện về luân hồi - sinh tử - đánh đổi - tình yêu của vị thiền sư Nhật Bản nó cũng nhàn nhạt.
Có mỗi bài ost là hay.