Hay chỉ là vấn đề của riêng tôi
Tình yêu cũng giống như tôn giáo vậy; chúng ta ca ngợi nó, chúng ta tôn thờ nó, ngưỡng mộ những chuyện tình đẹp, nhất mực tin tưởng sự hiện diện của nó nhưng lại chẳng chắc nó có thật hay không. Nhất là trong thời đại bị chi phối bởi chủ nghĩa nhanh, nhanh nữa, nhanh mãi, chúng ta mong muốn một tình yêu nhanh gọn, như thể nó đã được xử lý và đóng gói sẵn qua nhà máy vậy, chúng ta áp đi nhanh, áp dụng vô vàn công thức tán tỉnh một cách vội vàng nhưng lại bỏ qua mất bản chất lý do tại sao mình lại yêu.
Thế tình yêu là gì?  Bản chất ấy.
Nếu xét theo góc độ văn học thì “Trời cao biển rộng còn đo được, chỉ có tương tư chẳng bến bờ”.
Nếu xét theo góc độ game thủ, tình yêu giống như trò chơi vậy, phải luyện skill, lựa chọn phương hướng tốt nhất để vượt ải, đánh boss thế mới cảm nhận được kích thích của việc chinh phục.
Nếu xét theo góc độ đánh cờ thì phải biết bỏ nhỏ ăn lớn, tấn công điểm quan trọng; muốn tốc chiến tốc thắng thì sát phạt quả quyết, muốn ăn từ từ cùng nhau lên cơ cảm nhận sự thú vị thì dục cầm cố túng.
Nếu xét theo góc độ lịch sử thì phải nắm rõ quá trình hình thành và phát triển thì mới có thể hiểu rõ và rút ra bài học cho tương lai.
Nhưng tình yêu lại cũng giống như trồng cây vậy, muốn cây phát triển thì phải cung cấp đất, nước, dinh dưỡng thích hợp; mỗi thời kỳ, mỗi loại cây thì cần cách chăm sóc và phân bón khác nhau nhưng cây trên đời có đủ loại không thể ép cây táo lại nở ra hoa lê đươc, có những cây chăm sóc mãi cũng chẳng thể nảy mầm, có những cây chỉ vứt xó cũng đơm hoa kết quả, có những cây rực rỡ mỹ lệ nhưng bên trong lại đã mục ruỗng mãi mãi chẳng thể có quả.
Cũng có thể coi tình yêu như đầu tư, phải khai thác được tiềm năng của hạng mục, phải đánh giá được cái nào hợp với mục tiêu và sở trường của mình,đánh giá xem vốn, năng lực của mình ở đâu, phát triển hạng mục ra sao để được thành quả lớn nhất.
Nếu xét theo góc độ tâm lý học thì tình yêu là một quá trình thỏa mãn nhau về mặt thể xác và tinh thần, tìm cho mình hình bóng của người khác giới yêu thương, chăm sóc đầu đời; thỏa mãn các nhu cầu tổn thương, mất mát, tìm lại được cảm giác yêu thương như hồi còn bé cũng như thể hiện giá trị của mình.
Còn nếu theo góc độ sinh học và đấu tranh tự nhiên thì tình yêu là quá trình được vận hành bởi hormone và các chất hóa học của não nhằm mục đích duy trì nòi giống, với con đực là càng tình nhiều bạn tình càng tốt con với con cái là có thể che chở cho mình và con cái có thể phát triển khỏe mạnh.
Cũng có thể nhìn dưới góc độ quân sự, phải vận dụng linh hoạt 36 kế binh pháp Tôn Tử, phải biết địch biết ta thì mới trăm trận trăm thắng. “Tôi đề nghị bạn đi lên chiến trường, không chết thì là sống, nhưng trong tình yêu, bạn chết không được mà sống cũng chẳng xong” – Hitler.
Có vô vàn tình yêu như thế nhưng liệu chúng ta có tìm thấy được tình yêu thuộc về mình? Và liệu chúng ta có thật sự yêu hay không?
Chúng ta ngưỡng mộ những chuyện tình đẹp, luôn bàn tán về việc làm sao họ có thể yêu nhau được như thế, làm sao họ lại có hạnh phúc trọn vẹn thế. Chúng ta cũng muốn có một buổi hẹn hò cuối tuần, muốn có người cảm thông, sẻ chia khi gặp chuyện buồn, trò chuyện xuyên đêm suốt sáng, nhắn chúc buổi sáng và ngủ ngon hàng ngày. Chúng ta lên mạng tìm kiếm “Những cách để tìm thấy tình yêu đích thực”, “n cách để cưa đổ người ấy”. Chúng ta học đủ các chiêu trò tâm lý học tình yêu, Alpha, Beta, làm sao để tỏ ra quyến rũ hấp dẫn nhất, chúng ta lập ra đủ kế hoạch lẫn lốp dự phòng 1,2,3,4..tìm đủ mọi cách để được ở chiếu trên, thao túng kết quả theo ý mình. Chúng ta tự tin khi nắm bắt đủ mưu mẹo thì chỉ cần áp dụng công thức là có thể giải mọi đối tượng một cách dễ dàng. Chúng ta đặt nhau lên bàn cân, chất đủ thứ yêu cầu, tiền bạc, địa vị, nhan sắc, ngoại hình, tài năng, tính cách,... lên một đầu và đặt mình ở đầu cân còn lại, chúng ta chấm điểm từng người, xếp hạng đánh giá, lam sao để mình không bị thiệt như một vị giám khảo khó tính. Chúng ta đặt ra vô vàn những thử thách, những nguyên tắc mà chỉ có mình hiểu cho trò chơi tình ái, thử xem ai lý trí hơn, ai ít cảm xúc nhất, ai làm ngơ tin nhắn nhiều hơn và bắt người ta đoán tâm ý nửa đùa nửa thật của mình,thử nghiệm cảm xúc và tâm ý của thí sinh. Chúng ta muốn những buổi hẹn hò nhưng lại ko phải hẹn hò thật sự, chúng ta muốn một tình yêu part-time đến khi cần và lượn khi bận. Chúng ta muốn một tình yêu được yêu hết cái đẹp cái xấu của người ta nhưng lại giấu đi những thứ xấu xa của mình chỉ thể hiện ra là một tuyệt tác không tỳ vết, chúng ta muốn một tình yêu lãng mạn nhưng lại sợ những câu tán tỉnh sến súa. Chúng ta muốn yêu hết mình nhưng lại không chấp nhận tổn thương.
Nhưng khi chúng ta chấm được một thí sinh vào vòng trong chúng ta lại thấy tình yêu không đẹp như kỳ vọng, chúng ta vẫn thích cảm giác có đôi nhưng lại thấy nhàm chán, phiền phức, hoài niệm sự tự do. Chúng ta tự hỏi sao cảm giác lại thay đổi? Chúng ta đắn đo nên buông bỏ hay tiếp tục? Chúng ta lại lao vào cuộc đấu trí để duy trì mối quan hệ phức tạp này, lặp đi lặp lại những hành động theo phản xạ, những kế hoạch được lập sẵn, hẹn hò những nơi mọi người thường đến, chơi những nơi mà mọi cặp tình nhân đều chơi để giết thời gian, trong khi cố gắng nghĩ ra một ý tưởng nào đó mới mẻ cho cuộc hẹn. Và chúng ta tự hào khi nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người xung quanh, hãnh diện chia sẻ công thức yêu đương cho người khác. Và rồi khi con robot chúng ta đã cạn kiệt năng lượng tình yêu, chúng ta chán, chúng ta chạy vì ngoài kia vẫn còn nhiều lựa chọn khác mà, sẽ có người nạp đầy lại năng lượng lại cho chúng ta thôi. Chúng ta làm đủ mọi cách nhưng lại quên mất ban đầu chúng ta yêu vì điều gì?
Và rồi người kia lại lên mạng tìm kiếm “n cách để duy trì tình yêu”, “Tại sao người đó lại không yêu mình nữa” và lại áp dụng đủ chiêu trò tâm lý dù không hiểu gì. Thế rốt cuộc chúng ta yêu là vì nhau hay chỉ vì các chiêu trò của nhau, chỉ vì bị thao túng tâm lý?
Khi chúng ta đều đã suy kiệt vì vòng lặp tuần hoàn vô hạn, chúng ta lại tự hỏi tình yêu trong mộng của chúng ta ở đâu rồi? Những tình yêu đẹp như trong truyện cổ tích ấy. Tại sao số chúng ta lại khổ thế chứ, sao chúng ta lại mãi chẳng thể gặp được cơ chứ. Chúng ta lại miệt mài tìm kiếm nhưng ko tin mình có thể gặp được. Tình yêu là chân thật hay chỉ là ảo ảnh? Ta yêu người hay yêu mình?
Chúng ta cảm thấy có lẽ ngay từ đầu tình yêu đã là một quá trình ích kỷ của một giống loài mãi mãi không bao giờ thấy đủ. Chúng ta cần một nơi để chở che, chúng ta cần một bến đỗ để ủi an tâm hồn, cần một người “cho mình” để bổ khuyết những thứ mình còn thiếu, để bù đắp những cảm xúc chúng ta chưa từng nhận được, chúng ta yêu cầu đối phương như một cái kho chứa ưu điểm ko có đáy chỉ để chúng ta có thể thoải mái xả hơi ngồi cạnh họ mà không phải quan tâm đến họ. Nhưng lương tâm chết tiệt của chúng ta lại cắn rứt, chúng ta cũng phải suy nghĩ cho người ta chứ nhỉ? Phải ra dáng một người yêu tốt chứ nhưng không được cố gắng quá nhiều, mà chỉ cần làm tròn vai, cùng nhau thực hiện hoàn hảo những công thức đã được vạch sẵn. Chúng ta tôn thờ một tình yêu cho đi mà không cần nhận lại rồi tự hào cho sự bao dung của mình. Nhưng khi gặp thật thì cái cây tham lam lại át mất đóa hoa bao dung nhỏ nhoi mất rồi.
Chúng ta tự huyễn hoặc mình tình yêu là mối quan hệ win-win, đôi bên cùng có lợi, chúng ta dùng những câu từ đầy thi vị để diễn tả nó để tiếp tục lừa mình dối người. Chúng ta tự bào chữa rằng phải yêu mình rồi mới yêu người, phải mang gánh nặng tồn vong của nhân loại rồi ràng buộc nhau bằng trách nhiệm, nghĩa vụ. Thế nếu chúng ta đủ yêu bản thân thì thì cần gì tình yêu từ người khác nữa chăng?
Nhưng chúng ta là một giống loài tham lam và ích kỷ. Chúng ta vẫn phải bất lực thỏa hiệp, đắm chìm trong ảo ảnh mang tên tình yêu không dám nhìn vào diện mạo thật của nó nếu không muốn mình đau lòng, không muốn mã gen của mình tuyệt diệt trong dòng chảy tiến hóa của loài người. Có lẽ chúng ta nên làm những kẻ ngốc mù mờ nhưng hạnh phúc còn hơn làm một nhà sư thấu tỏ nhưng bất hạnh. Ta không vào địa ngục thì ai đi yêu thay ta?