Các tổ chức ngầm khét tiếng trên thế giới là vô biên. Mỗi quốc gia đều có một tổ chức như vậy. Nhật Bản cũng thế. Tuy nhiên, Yakuza khác biệt hoàn toàn so với các tổ chức tội phạm trên thế giới. Chẳng ở đâu mà bạn có thể tìm được một toà nhà được treo gia huy và bảng hiệu đề rõ tên của tổ chức Yakuza ngay giữa trung tâm thành phố ngoài Nhật Bản. 
Vậy Yakuza có nguồn gốc từ đâu? Các gia đình Yakuza có kết cấu phức tạp như thế nào? Họ có được xã hội công nhận hay không? Và có thực sự họ là những kẻ gác cửa để “khiến cho tội ác không vượt quá giới hạn của nó”?
Nguồn gốc của Yakuza
Cho tới nay, không ai biết tới nguồn gốc thực sự của các tổ chức Yakuza. Tuy nhiên, trong xã hội nhật bản thời phong kiến đã bắt đầu có những tổ chức mang đặc tính của các Yakuza hiện đại. Những tổ chức này theo ghi chép trong cuốn “Yakuza: The Explosive Account of Japan’s Criminal Underworld” đã xuất hiện từ khoảng giữa thời đại Edo, từ năm 1603-1868.
Bakuto, những con bạc. Họ có thứ bậc thấp nhất trong những kẻ thấp kém, đơn giản bởi cờ bạc là hành vi phạm pháp. Rất nhiều các sòng bạc được mở ra trong các ngôi đền hoặc các ngôi chùa bị bỏ hoàng ở rìa ngoại ô thành phố. Hầu hết những kẻ vận hành sòng bài đều cho vay nặng lãi và có một tổ chức bảo kê thu nợ riêng. Xã hội có cái nhìn rất khinh bỉ đối với các sòng bạc và với các Bakuto, điều này vẫn tiếp diễn cho tới tận ngày nay đối với các Yakuza. Kể cả cái tên “Yakuza” cũng là được bắt nguồn từ các Bakuto. Trò cờ bạc phổ biến nhất trong thời kỳ đó là Oicho-Kabu, khá giống với trò Baccarat của phương Tây nhưng được chơi bằng bộ bài truyền thống Hanafuda của Nhật. Bài có số điểm thấp nhất mà một người chơi đạt được trong Oicho-Kabu là 8-9-3. Phiên âm sang tiếng Nhật là “Ya-ku-za”. Các Bakuto sử dụng luôn từ này để ám chỉ những kẻ lưu manh thấp kém nhất trong xã hội. Ngày nay, các tổ chức Yakuza thường tự gọi mình với nhiều cái tên, trong đó có cả “Gokudo - cực đạo”, hay là “ninkyo dantai - nhóm hào hiệp”. Trong khi đó, theo như yêu cầu của phía cảnh sát và truyền thông thì họ được gọi là “Boryokudan - xã hội đen”. 
Những đặc tính của Yakuza hiện đại không chỉ xuất hiện ở các Bakuto, bên cạnh đó là các Tekiya, từ dùng để mô tả những kẻ buôn hàng cấm, hàng ăn cắp hoặc hàng nhái. Những người này được xã hội thời đó đặt ở tầng lớp thấp kém, chỉ nhỉnh hơn các Bakuto. Khi bị cô lập khỏi xã hội, những người đó bắt đầu thành lập những tổ chức của họ nhằm phân bổ rõ ràng địa bàn và bảo vệ hoạt động giao thương của từng nhóm. Ở trong các lễ hội của đạo Shinto, các Tekiya thường mở các gian hàng buôn bán tại đây, một vài thành viên còn được thuê về để làm bảo kê. Các thành viên sẽ được trả công bằng các gian hàng dưới sự bảo vệ của các tổ chức này. 
Các Tekiya có cấu trúc tương đối bài bản và rõ ràng, trong đó dễ dàng nhận thấy nhất là mối quan hệ giữa “Oyabun” - ông trùm, và các “Kobun” - các thành viên thứ bậc thấp. Các thứ bậc này liên hệ giống như một “gia đình” trong văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Oyabun như hình mẫu của một người cha, mang lại quyền lợi, sự bảo hộ cho những đứa con của mình. Và nhiệm vụ của các Kobun là phải thực hiện mọi yêu cầu của người cha, trong đó ưu tiên tuyệt đối là sự trung thành, lợi ích của Oyabun phải là tối thượng đối với các Kobun. Khi một Kobun làm nghi lễ để trở thành một thành viên trong gia đình dưới sự chấp thuận của Oyabun, “kể cả khi vợ con ngươi chết đói, kể cả phải đánh đổi tính mạng, bổn phận của ngươi giờ phải hướng tới gia đình, và phải hưởng tới Oyabun”. 
Các luật lệ cần được tuân thủ chặt chẽ
Bên cạnh Bakuto và Tekiya, vẫn còn một vài loại tổ chức khác mang đặc tính hình thành nên các tổ chức Yakuza hiện đại. Theo thời gian, các Yakuza bắt đầu có những luật lệ mà tất cả các thành viên đều phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. 
- Không đổ lỗi cho người dân vô tội - Không thịt vợ của bạn - Không ăn trộm của tổ chức - Không chơi thuốc - Tôn trọng người có thứ hạng cao hơn mình - Hy sinh mạng sống vì lợi ích của tổ chức - Không nói cho bất cứ ai về tổ chức - Không sát hại dân thường
Không giống như các băng đảng tội phạm của phương Tây, nơi mà các thành viên đâm sau lưng để lật đổ ông trùm như cơm bữa, thì điều này là tối kỵ đối với các Tekiya, và nay là Yakuza. Để leo rank trong tổ chức là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng nếu bạn chơi hack, lật đổ Oyabun thì phải có sự hậu thuẫn của các gia đình đối địch, với cái giá phải mang lên bàn cược là mạng sống của bản thân. Một khi đã phạm phải một trong những luật cấm kỵ của tổ chức, hình phạt kèm theo là điều tất yếu. Tùy vào độ nghiêm trọng của người phạm luật và hệ quả mà hình thức xử phạt cũng sẽ khác nhau. Nặng nề nhất là trả giá bằng cái chết. Nhẹ nhàng hơn là sẽ bị khai trừ ra khỏi gia đình, và tổ chức cũng sẽ thông báo công khai việc khai trừ này tới các gia đình khác để người bị khai trừ sẽ không thể tham gia vào bất cứ một tổ chức Yakuza nào khác nữa. 
Vẫn còn một hình phạt khác, rất phổ biến và đặc trưng của các thành viên Yakuza, là nghi thức Yubitsume, cắt bỏ một phần đốt ngón tay để bày tỏ sự hối lỗi tới Oyabun. Đôi khi, các lãnh đạo của tổ chức có thể thực hiện nghi lễ này để thứ lỗi cho một thành viên phạm luật, tránh khỏi hình phạt cao nhất là cái chết cho họ. Nguồn gốc của nghi thức Yubitsume cũng tồn tại từ thời phong kiến. Một người để sử dụng tốt được thanh kiếm Nhật truyền thống phải vận dụng độ nắm khá chắc của 3 ngón tay, nếu loại bỏ một đốt trên 1 ngón tay bất kỳ sẽ làm giảm khả năng sử dụng hiệu quả thanh kiếm, giảm khả năng tự bảo vệ bản thân, khiến cho Kobun phạm lỗi phải dựa vào sự bảo hộ của Oyabun nhiều hơn. Ngày nay, thiếu đi một đốt ngón tay cũng là một dấu hiệu nhận biết Yakuza với xã hội và cảnh sát. Bởi vậy mà các đốt ngón tay giả bắt đầu được sử dụng để che giấu danh tính một cách hiệu quả hơn mỗi khi một thành viên cần phải ra ngoài. 
Một nghi lễ khác vẫn còn được duy trì và trở thành thương hiệu cho các Yakuza là ở những hình xăm kín cơ thể. Trong thời phong kiến, những người có hình xăm là những kẻ phạm tội, bị triều đình xăm lên thân thể để xã hội nhận diện họ đã từng là một kẻ phạm pháp. Khi xưa, công nghệ chưa phát triển như ngày nay, để xăm kín mình là vô cùng đau đớn, thậm chí phải tốn tới hơn 100 giờ mới có thể hoàn thành. Những thành viên sẽ trải qua quá trình này để thể hiện dũng khí của bản thân. Tới nay, việc xăm mình đã thuận tiện hơn rất nhiều, bớt đau đớn hơn, nhưng vẫn có người sử dụng lối xăm cũ, và họ sẽ nhận được sự tôn trọng nhiều hơn hẳn so với những thành viên sử dụng công nghệ mới. Các hình xăm thì muôn hình muôn vẻ, có thể là các loài động vật có thật, các thần thú, các nhân vật truyền thuyết,... Nhưng nó vẫn phải đạt được mục tiêu là thể hiện được con người, mục tiêu và ý chí mà họ muốn hướng tới một cách trực tiếp cho người khác thấy.
Có thể lấy ví dụ như hình xăm của nhân vật chính Kazuma Kiryu trong loạt game “Yakuza”. Anh mang trên mình hình xăm của một con rồng thăng thiên, một trong tứ thần thú của văn hóa Trung Quốc, thể hiện trí tuệ, sự bảo hộ tới những kẻ yếu thế, và sức mạnh để đạt được những điều anh muốn. Còn một nhân vật khác, Akira Nishikiyama, anh mang trên mình hình xăm của một con cá chép đang vượt vũ môn để hóa rồng, đại diện cho khát vọng chinh phục mọi mục tiêu và thử thách trong cuộc sống. 
Các CEO kinh doanh trá hình?
Yakuza có thể được coi là các tổ chức kinh doanh bán hợp pháp, đứng giữa lằn ranh của chính nghĩa và tội phạm. 
Các Yakuza tới nay vẫn nhận được những phản ứng vô cùng trái ngược từ phía xã hội. Có người coi họ là những tội phạm cần phải bị thanh lọc, nhưng có người lại cho rằng họ là những kẻ gác cửa, không cho phép các hành vi phạm pháp vượt quá giới hạn của nó. Và rõ ràng họ có lý do để tin tưởng vào nhận định ấy. 
Năm 1995, thảm họa động đất tại Kobe diễn ra. Gia đình Yamaguchi-gumi bỏ ra một khoản lớn để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, trong đó bao gồm cả việc sử dụng rất nhiều xe tải phân phát thức ăn, nước uống, mở cửa các văn phòng trụ sở của họ để cưu mang người dân, và dùng máy bay trực thăng để giải cứu người bị mắc kẹt. Điều tương tự cũng xảy ra với vụ thảm họa kép động đất và sóng thần Tohoku năm 2011. Họ hành động còn nhanh hơn cả các chính sách của nhà nước, bởi vậy mà các phương tiện truyền thông và người dân đều rất tôn vinh các hành động đóng góp của họ với xã hội. Kênh CNN phát ngôn vào bản tin tháng 3/2011 rằng “dù họ là những kẻ hoạt động thông qua tống tiền và các biện pháp bạo lực, nhưng họ vẫn dang tay che chở cho người dân vô tội lúc họ cần nhất”. 
Nhưng mặt khác, các hoạt động của Yakuza vẫn ảnh hưởng tới những người vô tội không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Khoảng vào những năm 1980, 2 gia đình Yakuza lớn nhất là Yamaguchi-gumi và Dojin-kai có mâu thuẫn với nhau. Các trận chiến của 2 gia đình này khiến người dân bị thương, khiến cảnh sát buộc phải bước vào. 2 Oyabun lớn nhất cũng đã phải trực tiếp mở họp báo công khai xin lỗi và đình chiến trước truyền thông và công chúng. Đây cũng không phải lần duy nhất mà các ông trùm Yakuza mở họp báo để xin lỗi công chúng về các hành vi gây tổn hại tới người dân. 
Dù vậy, ưu tiên hàng đầu của tất cả các tổ chức Yakuza là tiền, là lợi nhuận, và họ không ngần ngại để thực hiện điều đó cho dù đó là hành vi phạm pháp. Rất nhiều các gia đình Yakuza và các băng đảng liên quan có tham gia vào các vụ buôn lậu thuốc cấm, đặc biệt là methamphetamine. Trong khi vài gia đình lớn như Yamaguchi-gumi đứng ngoài, công khai loại trừ bất cứ thành viên nào có liên quan tới hành vi buôn lậu ma túy, thì những gia đình như Dojin-kai lại liên hệ nặng nề tới nó. Một vài gia đình khác lại tập trung vào các hành vi vận chuyển trái phép và buôn người. Các tổ chức này thường có nguồn từ các quốc gia châu Á, chủ yếu là Philippines, hứa hẹn với các cô gái trẻ về công việc ổn định và thu nhập cao, rồi sau đó lừa họ trở thành gái mại dâm và vũ công thoát y. 
Tuy vậy, hoạt động chủ yếu nhất của các Yakuza là ở thu mua, thao túng cổ phần và bất động sản. Và hoạt động của họ trải dài cả ở quy mô nhỏ và quy mô lớn. Ở quy mô nhỏ, họ tống tiền, bảo kê và thu tiền bảo kê của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn của họ. Bên cạnh đó là kinh doanh hộp đêm, các cơ sở sản xuất phim người lớn, cung cấp dịch vụ mại dâm,…. Nhưng những hoạt động này không do Yakuza trực tiếp hoạt động. Các cơ sở này được quản lý bởi những người không tham gia vào các tổ chức Yakuza, và họ trả phí tương đối lớn cho các tổ chức để nhận được sự hậu thuẫn và bảo vệ cho các công việc kinh doanh phạm pháp của họ. 
Còn ở quy mô lớn hơn, họ gây áp lực tới các nhà đầu tư khác để chiếm quyền đầu tư cổ phần vào các công ty kinh doanh hợp pháp. Như trường hợp vào năm 1989, Susumu Ishii, Oyabun của gia đình Inagawa-kai đã mua 255 triệu đô cổ phần của công ty tàu điện Tokyo Kyuko. Cho tới tháng 3/2008, đã có hơn 50 công ty được ghi nhận là có sự dính dáng tới các tổ chức Yakuza bởi Ủy ban giám sát giao thương Nhật Bản. 
Các hoạt động của Yakuza không chỉ nằm gọn trong Nhật Bản mà đã lan ra tầm quốc tế. Không ít lần các Yakuza đã bắt tay với các tổ chức tội phạm của Hàn và Trung để thực hiện các phi vụ của họ. Nhất là khoảng thời kỳ những năm 1960, cảnh sát Mỹ phát hiện ra rất nhiều hoạt động của tội phạm Nhật Bản tại Hawaii. Thậm chí lan sang cả các thành phố lớn của Hoa Kỳ như Los Angeles, Seattle, Las Vegas, Arizona, Virginia, Chicago và New York. Họ không thể nắm rõ được cách thức hoạt động và cách ngăn chặn các tổ chức này, nên họ đã liên hệ để tìm thông tin và sự giúp đỡ từ phía cảnh sát quốc gia Nhật Bản. Nhưng phía Nhật Bản chẳng cung cấp gì cho phía Mỹ cả. Đơn giản vì quyền lực của Yakuza đã cắm sâu vào trong bộ máy chính quyền và thao túng nó từ bên trong. Việc này đã diễn ra từ tận thời phong kiến, khi mối quan hệ của Yakuza với các quan chức thuộc nhóm “uyoku dantai”, tạm dịch là nhóm chính trị cánh hữu cực đoan là cực kỳ gắn bó. 
Thời kỳ thanh lọc Yakuza và con đường hoàn lương đầy gian khó
Nhận thấy tình hình nguy cấp bởi sức ảnh hưởng của Yakuza ngày càng lớn, tháng 10/2011, chính quyền Nhật Bản tổ chức thanh lọc Yakuza triệt để, kể cả các quan chức có dính líu bên trong bộ máy nhà nước. Hình sự hóa việc trả tiền bảo kê cho bằng đảng, buộc các ngân hàng, công ty bất động sản phải xem xét toàn bộ hợp đồng, loại bỏ ngay lập tức nếu khách hàng là thành viên trong các băng đảng Yakuza. Có thể nói, chính quyền Nhật Bản ra mọi điều luật cực đoan nhất để bài trừ Yakuza ra khỏi xã hội, hoặc là khiến họ phải đi tù, hoặc là phải hoàn lương, và rõ ràng là nó hiệu quả. Từ khi thắt chặt, tỷ lệ thành viên của các băng đảng Yakuza đã giảm 10% mỗi năm. 
Tuy vậy, con đường hoàn lương của các cựu Yakuza vẫn vô cùng gian khổ. Họ hầu như không thể tìm được việc làm, không được làm tài khoản ngân hàng, không thể thuê nhà,... Theo thống kê của tờ Kobe Shimbun năm 2018, cảnh sát Nhật đã đưa gần 5.000 thành viên Yakuza hoàn lương, nhưng chỉ 2.6% số này là tìm được việc làm. Nhiều cựu thành viên Yakuza từ chỗ là một kẻ tội phạm vẫn còn rạch ròi được ranh giới của bản thân, không cướp bóc ăn trộm, không lừa đảo, không buôn ma túy, nay lại trở thành những tên tội phạm khét tiếng không ngại làm bất cứ điều gì. 
Tháng 1/2019, đài truyền hình Tokai đưa tin một thành viên cựu Yakuza bị bắt, chỉ vì che giấu thân phận và làm việc tại một bưu điện địa phương. Sau sự việc này, một cựu thủ lĩnh Yakuza vùng Tokai lên tiếng trên kênh NHK, “chúng tôi bị cảnh sát và xã hội chặn hết đường làm ăn lương thiện, các thành viên còn phải hái trộm nông sản của nông dân để bán kiếm tiền bỏ bụng qua ngày”. 
Vậy theo các bạn, Yakuza có đang phải nhận hình phạt thích đáng cho những gì họ đã làm?