Ý niệm đầu tiên của sự ngoại tình
Jean Baudrillard đã từng nói: nếu em nói "em yêu anh", thì em đã rơi vào tình yêu với ngôn ngữ, mà trong đó đã bao hàm sự chia tách...
Jean Baudrillard đã từng nói: nếu em nói "em yêu anh", thì em đã rơi vào tình yêu với ngôn ngữ, mà trong đó đã bao hàm sự chia tách và phản bội rồi.
Triết gia thì thích trình bày lằng nhằng, đọc lần đầu có thể chẳng hiểu gì nhưng dịch theo tiếng Kinh thì đây chính xác là câu thần chú điều khiển đầu óc gia truyền mà chị em hay dùng để nói với người thương của mình: “Nếu em già và xấu, không còn xinh đẹp như bây giờ, liệu anh có còn yêu em nữa không?”
Hỏi nghĩa là tự trả lời, và câu trả lời ở đây dĩ nhiên là không rồi! Vì khi chị em già nua, xấu thói, bẩn tính rồi thì có còn là chị em bây giờ nữa đâu mà đòi hỏi tình yêu của bây giờ? Nhưng vấn đề hỏi không quan trọng, quan trọng là hạt nhân đầu tiên, ý niệm đầu tiên (inception) liên quan đến sự phản bội đã được nhen nhóm trong câu hỏi và dần dần, theo thời gian vun đắp, bản thân ý niệm này sẽ trở thành một lời tiên tri tự đúng. Chính chị em tạo ra những khoảng cách, những vết nứt trong mối quan hệ khiến mối quan hệ sụp đổ.
Sao không ai hỏi rằng: làm thế nào để cuộc tình mình đậm sâu và yêu nhau dài lâu?
Chả ai hỏi vậy cả, mọi người muốn hướng đến một sự hủy diệt và thay mới nó như một phong cách thời trang, như một món đồ hoặc như một lớp vỏ: trong một xã hội ngập tràn hàng hóa, người yêu hay thậm chí là tình yêu cũng chỉ được xem như một món hàng với những giá trị cùng quyền lực vô hình kiến tạo nên thế giới cá nhân mà thôi. Để thế giới đấy tồn tại, hàng hóa phải liên tục thay đổi, liên tục luân chuyển. Bạn không dùng đi dùng lại 1 cái túi, đeo đi đeo lại 1 cái kính, mặc đi mặc lại 1 cái váy thì tại sao lại yêu đi yêu lại 1 người?
Ngoại tình, như một phương thức cứu rỗi cho sự tẻ nhạt của “tình yêu hàng hóa”, tự dưng trở thành một nhu cầu, nói không quá nếu khẳng định là một dạng nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở. Tôi ngoại tình vì sự mới mẻ trong tình cảm này khiến tôi cảm thấy mình đang được sống.
Mọi sự đổ vỡ bắt đầu từ những thứ rất nhỏ, nó có thể chỉ từ lời bài hát “Anh có yêu em không?” mà bạn nghe khi rảnh mỗi ngày, từ suy nghĩ “Anh ấy có nhớ mình không?” khi bạn đang chơi face, từ mong muốn “sở hữu tình yêu vô điều kiện và bất diệt” như phim, ảnh quảng cáo. Mong muốn tất cả những điều đấy đều không sai, câu hỏi là công cụ, một công cụ chỉ đúng hoặc sai khi dựa trên ý chí người sử dụng. Bạn muốn có một tình yêu bất diệt kể cả khi già nua, xấu xí? Vậy hãy trở thành một người đáng yêu trước khi nói những điều vô lý và xa xôi hơn nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất