Một cảm giác trống rỗng đến lạ thường, thật ra cũng chả lạ thường đến thế, vì cứ cách vài ngày thì cảm giác đó lại kéo đến, thật là nực cười khi bảo trống rỗng, không có gì là một cảm giác trống rỗng. Có nghĩa đây không phải là trống rỗng mà là một cảm giác không biết gọi tên, chỉ biết nó mang lại một sự hoài nghi về thế giới và hoài nghi về chính mình. Câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, tôi là ai? sống để làm gì? cứ hiện lên sâu trong bức màn đen tối của một khối óc vô vị, tiếng gào thét, mong cầu một lời hồi đáp từ một thế lực siêu nhiên nào đó, nhưng hẳn tôi không phải kẻ được chọn, chúa mãi không hồi đáp, và đức tin cho thần linh ngày càng phai nhạt. Nhưng nếu không tin vào năng lực siêu nhiên thì tôi lại không biết đặt niềm tin của mình vào đâu, vì tôi không tin chính mình, cái trí hỗn loạn trong một thể xác trần tục. Không phải đức tin là thứ thật mơ hồ hay sao, có cái máy nào kiểm tra xem đức tin của tôi có đủ để được thần linh ban phước, hay có cái máy nào kiểm tra xem thử tôi đã góp đủ phước để có cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau. Nhưng dù sao thì, trong lúc hỗn loạn nhất một lời an ủi của tôn giáo bất kỳ, đã làm tôi vơi nhẹ đi sự khó chịu và chấp nhận cuộc sống hiện tại. 
img_0
Ảnh bởi
Breno Machado
trên
Unsplash
Tại sao tôi phải sống khi cuối cùng tôi cũng sẽ phải chết? Đó là một sự thật không thể chối cãi cho đến thời điểm này “ai rồi cũng sẽ phải chết”. Sống rồi để chết ư, thật vô nghĩa, nhưng dù biết những thứ tôi có được rồi sẽ biến mất, nhưng lại không thể ngừng tranh đấu. Chỉ cần dừng lại, một nỗi sợ hãi không biết từ đâu lại ập đến, giống như nó có sẵn ở đó, luôn luôn ở đó, và tôi đang cố gắng để xua đuổi nó. Dù có làm gì chăng nữa, sự lặp lại luôn tiếp diễn mỗi ngày, nhàm chán, vô nghĩa và mơ hồ. Vừa mong muốn tương lai, cũng vừa chán ghét tương lai. Vì có thể dự đoán được ngày mai, và cũng không dự đoán được.  Nếu ngày mai tôi chết, tôi sẽ làm gì? Tôi không biết, vì ở hiện tại tôi không nghĩ ngày mai mình sẽ chết, dù nó có thể xảy ra. Hiện giờ những gì tôi nghĩ chỉ là những dự đoán cho những hành động nếu ngày mai tôi chết, và với niềm tin ngày mai tôi chưa chết. 
Cảm giác sợ hãi, khốn khổ luôn ở đó, dù cho ý nghĩa cuộc sống chợt hé lên, thì nó cũng nhanh chóng bị dập tắt trước cái chết định sẵn, không một ý nghĩa sống nào có thể vượt qua cái chết, nó trở nên vô nghĩa. Lúc đó, tôi mới thật sự nhận ra, sống thật khó khăn, vì sự thật là chúng ta đang sống nhưng lại đi tìm ý nghĩa của sự sống, trong khi chúng ta, không một ai đang sống trải nghiệm sự chết thật sự, nhưng lại biết nó có tồn tại. Tôi hoài nghi mọi thứ dù là vật chất hay tâm trí, ngay cả sự tồn tại của chính mình. Nhưng tôi phải dừng lại cuộc đấu tranh tâm trí và giả bộ quên nó đi, nếu không tôi sẽ bùng nổ, hoặc là chết hoặc có lời giải đáp, nhưng vế đầu tiên dường như sẽ dễ xảy ra hơn, và tôi cũng sợ chết khi còn tỉnh táo. Vì tôi không biết chết là như thế nào và sau khi chết sẽ ra sao, tôi chưa từng được trải nghiệm, dù đã đọc rất nhiều về nó đi nữa. 
img_1
Ảnh bởi
Jill Heyer
trên
Unsplash
Nhưng có vẻ sẽ thú vị hơn, nếu tôi đặt ngược lại câu hỏi, “tại sao tôi phải cần mục đích sống?”, “tại sao tôi phải làm chủ cuộc sống?”. Dù chả có câu trả lời, nhưng dường như cơn sóng dữ bỗng trở nên hiền hòa hơn, mặc kệ có lẽ sẽ thoải mái hơn là truy lùng dấu vết cho đến tận gốc rễ. Chấp nhận sự hoài nghi và sống tiếp, dù không biết sống để làm gì. Camus nói cuộc sống là phi lý; Nietzsche bảo thượng đế đã chết và con người phải tự tạo ý nghĩa cho riêng mình; Thiên Chúa giáo bảo hãy tin vào Thượng đế và phó thác cho người; trong khi đó Phật giáo lại bảo hãy để mọi thứ như chính nó đang là, cuộc sống là vô thường, chỉ có hiện tại là thật sự tồn tai; Lão tử lại bảo sống vô vi và thuận theo tự nhiên,...vv..mm. Mọi giải pháp dường như cũng chỉ làm thỏa cái tò mò tạm thời cho câu trả lời ý nghĩa cuộc sống, vì dường như họ cũng chả chắc chắn rằng mình đã đúng, nhưng họ tin vào nó, có lẽ cần một niềm tin, hay thế giới này đang được xây dựng bằng một mớ niềm tin, dễ bị hoài nghi và đánh mất. Không biết, khi niềm tin không còn nữa, thế giới này có sụp đổ hay không. Có lẽ mọi triết gia hay tôn giáo đều không trả lời được cho câu hỏi ý nghĩa cuộc sống, và điều họ làm là chấp nhận cuộc sống là như vậy, và sống theo cách mà mình muốn, mà không biết liệu điều đó có đúng hay không, có ý nghĩa hay không. Nhưng chắc là họ tin nó đúng. 
Tôi hoài nghi mọi giải pháp mà họ đưa ra, nhưng cũng ngầm thừa nhận rằng mình nên kiếm một triết lý nào đó để lấp vào hố đen của tâm trí chính mình. Tôi không có giải pháp cho chính mình và những gì tôi nghĩ cũng chả có gì mới mẻ, vì đã là con người thì ai cũng sẽ tìm cho mình một ý nghĩa sống (cá nhân), ai cũng băn khoăn và tò mò về chính nội tâm của mình hay cả thế giới. 
img_2
Ảnh bởi
SHAYAN Rostami
trên
Unsplash
Nhưng thế giới vô nghĩa của tôi cũng bắt đầu bị hoài nghi, “tại sao thế giới lại vô nghĩa?”, “vô nghĩa là gì?” và “bằng chứng nào nói cuộc sống vô nghĩa, trong khi nó vẫn đang tồn tại?”, có phải sự vô nghĩa cũng đang mang một ý nghĩa là vô nghĩa chăng. Vậy tồn tại sự vô nghĩa cũng là một ý nghĩa. Phật giáo nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, vậy không sắc, không không cũng là sắc chăng. Nghĩa là tôi có cảm thấy thế giới có nghĩa qua sự vô nghĩa, chứ nếu tôi thật sự cảm thấy vô nghĩa thì đã không có cái nghĩa nào trong thế giới, nghĩa là tôi đã không suy nghĩ tranh luận và đi tìm một ý nghĩa khác. Mỗi tư duy, đều bị trói buộc bỏi một tư duy khác, mở một cái lồng này ra thì vẫn thấy một cái lồng to hơn bao bọc lấy mình. Vậy có phải biến mất, hay giải thoát như phật giáo, hay thành một với Thượng đế,... là yếu tố cuối cùng, nhưng như vậy để làm gì chứ? Tồn tại để rồi biến mất ư. Câu trả lời là không biết, và sự không biết này là một sự biết, biết mình không biết.