Thứ nên làm và thứ sẽ làm.

Giữa hai việc này có một khoảng cách, tuy nhỏ nhưng lại định nghĩa nên đời người. Nó là sức khỏe, nó là hạnh phúc, nó là thành công. Hay nói cách khác thì, hình ảnh tốt đẹp nhất của bản thân có thể đạt được nếu nhận ra rồi làm theo giấc mơ và tham vọng. Vấn đề là "nếu", nếu chúng ta cứ làm những gì tốt nhất cho bản thân.
Thế thì tại sao chúng ta lại không những gì mà chính bản thân cũng biết là nên làm?
"Nỗ lực để thành công."
"Học, học nữa, học mãi"
Những lời khuyên này có ích không? Có. Thực sự thì có, rất nhiều khi cố gắng là thứ duy nhất chúng ta cần làm để xử lí một điều gì dó trong cuộc sống này. Thế cơ mà cũng bao nhiêu lần ngay sau đó lại lởn vởn trong đầu những câu nói quen thuộc.
"Mày thất bại thật sự, cứ nhìn quanh mà xem. Nhiều khi tao thấy buồn thay cái cây đang phải sản xuất oxy cho dạng linh trưởng tiến hóa nửa mùa như mày. Mày chỉ bằng nửa mọi người, mày là thằng mọi."
Không đến nỗi vậy đâu nhỉ.
Một sản phẩm tiêu cực như vậy thì hiển nhiên cũng từ một phương pháp chả tốt tới đâu. Nhân nào thì quả đấy thôi. Xem nào, chắc là sự tủi nhục và ý chí tự cường nhỉ. Phố biến, thông dụng, và kém hiệu quả.
Thứ nên làm, thường không phải dễ dàng. Thứ sẽ làm, đáng tiếc hay lại chả yêu cầu bao nhiêu công sức. Quyết định nhiều khi chả xảy ra lâu vậy đâu, tiềm thức hoạt động rất công suất đó, chỉ là không hẳn là nó sẽ lựa chọn chính xác cho bạn đâu. Dù sao thông thường, cái có lợi tức thời sẽ chiến thắng thứ vì lâu dài.
Tiêu tiền hay tiết kiệm.
Học hay lười.
Phát triển hay ổn định.
Khi mọi chuyện đến mức khó có thể cứu vãn, tới mức độ bản năng cho ta biết nếu không hoạt động bây giờ thì chết chắc, tức là đợi nước đến chân mới nhảy thì trong cái cuộc kéo co này lí trí mới gọi là có chút lợi thế. Nhưng thực ra cái giây phút này cũng chỉ nhờ cái lười cho phép, vì nó biết rằng thả cho hoạt động thì sau này mới có thể lười nhiều hơn, không kéo co thắng nó đâu, chỉ là nó tạm lùi ra chỗ khác và sẽ quay lại bất cứ lúc nào thôi. Vậy thì nên làm gì? Không, phải làm gì để thoát khỏi cái vòng lặp vô tận này?

Hiểu nhầm về ý chí

Ý chí, một trong những cái đầu tiên được nhắc tới về cái chủ đề này. Đại khái chính là vượt lên trên cám dỗ nhất thời và tập trung vào thứ thực sự nên làm mà đã được đề ra trước đó. Nghe dễ, làm khó. Hiển nhiên, nếu không thì mọi chuyện đã chả có gì để nói, ai cũng năng suất chả ai lại trì hoãn bao giờ. Một dụng cụ thật có ích nhỉ, cơ mà mình không ở đây để lải nhải về lợi ích của ma thuật này, thế nó lại sáo ngữ quá.
Bạn biết chiếc ứng dụng Forest chứ? Để tóm tắt tác dụng của nó nhé: Khóa điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định. Nghe thật khó hiểu nhỉ, thế thì để làm gì cơ chứ. Đơn giản, là để sử dụng cái khoảng thời gian điện thoại bị khóa ấy để làm đó có ích cho đời hơn, học chả hạn, hay ít ra đấy là mục đích nhà phát hành hướng tới, hiển nhiên là còn một vài lợi ích đi kèm khác nữa nhưng chung chung là vậy.
Thế ... cứ đừng dùng điện thoại là được mà.
Đứa bạn khi mình khoe nó cái ứng dụng.
Một suy nghĩ thông thường khi nghe thấy nhũng giới thiệu trên, và đây là hoàn toàn chính xác. Dùng ý chí của bản thân và vượt qua cơn thèm muốn là được, sao phải rắc rối như vậy?
Bởi vì, nó có sự khác biệt giữa Chống cự và Cấm đoán.
Khi nghĩ về vấn đề này, mình đã đi tìm những bài viết liên quan. Trong đấy có một nghiên cứu làm mình thấy khá thú vị, Kẹo dẻo Standford, đương nhiên vì ý nghĩa của nó đem lại chứ không phải tại nó thực hiện trên nỗi khổ của trẻ con và mình thì không ưa bọn nhóc tì, đấy chỉ đơn giản là trùng hợp.
Tóm lược, đây là một bản đơn giản hóa của việc hành động vì bây giờ, hay cho tương lai. Mỗi đứa trẻ sẽ được cho vào một cái phòng, nhiệm vụ của chúng rất đơn giản, đừng động vào mấy viên kẹo, nếu thành công thì sẽ được thưởng gấp đôi. Việc nghe đơn giản với người lớn, nhưng có số lượng tương đối các bé không thể vượt qua. Nhưng dù có ăn hay không, có một kết luận chung được đưa ra, là mấy nhóc ấy thực sự đã phải chống cự cám dỗ từ đồ ngọt, thứ chúng rất thích.
Đổi đi một chút, một người nghiện rượu sẽ làm gì khi thấy mẫu thử miễn phí, một người với hi vọng giảm cân sẽ làm gì nếu thấy trời mưa ngoài kia? Không rõ nữa, nhưng chắc chắn rất nhiều suy nghĩ sẽ đản sinh. Vậy, dù cuối cùng hành động của có là gì, là nhấm nháp một chút cho biết, hay buộc dây giày vào đi tới phòng tập. Dù gì đi nữa, đã có những đấu tranh đã nảy sinh trong quá trình quyết định, và đã gọi là đấu tránh, thì phải có hậu quả.

Bởi vì ý chí lực là có hạn

Ý chí lực là một công cụ tuyệt vời của não bộ. Cũng vì thế nên nó sẽ có một giới hạn nhất định vì con người là có giới hạn.
Ego Depletion: Is the active self a Limited resources (1998) (Đây chỉ là một ví dụ, tùy vào phương pháp nghiên cứu mà kết quả sẽ rất khác nhau)
Tl;dr.
Nếu đã phải dùng lí trí để kiềm chế bản thân quá nhiều thì rất có khả năng sẽ bỏ cuộc nhanh hơn trong việc kế tiếp xảy đến. Hay dễ hiểu hơn, Ý chí lực như một cơ bắp, dùng nhiều thì sẽ mỏi, phân bổ sử dụng sao cho hợp lí cũng là một điều đáng suy ngẫm.
Nói dài vậy có hơi lạc đề, nhưng có một sự thật phổ quát rằng cám dỗ chính là chướng ngại vật cần vượt qua. Dù ít, dù nhiều, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới sự tập trung. Đơn cử như, cưỡng lại đồ ngọt trong khi làm việc chả hạn. Nghe nhỏ nhặt và dễ thực hiện nhỉ. Nhưng nếu là sau một ngày mệt mỏi thì sao? Không tính tới những người yêu nghề thì, mỗi ngày đều có hàng loạt những thứ mà ta phải 'cưỡng lại'.
"Lướt mạng xã hội chút chắc không sao đâu."
"Mười phút nữa nghỉ trưa rồi, nghỉ sớm tí chết ai."
...
"Một miếng thôi thì béo thế nào được, thưởng cho bản thân chút."
Từng việc kể ra thì chả đáng, nhưng cộng lại trong cả ngày thì kiến cắn chết voi, rồi thì cũng tha hóa bản thân và bước vào con đường tội lỗi thôi <(").
Ai cũng có một mục đích nào đó muốn đạt được, chính vì thế cần phải tự chủ bản thân sẽ làm những gì. Nhưng tin được không? Nếu tính thành công trên góc nhìn rằng có đạt được cái đích ban đầu đề ra hay không. Thì những người cho rằng có thể kiểm soát bản thân, không thực sự thành công bằng những người làm việc gắn liền với kế hoạch, tùy bạn tin hay không, nhưng làm theo kế hoạch chính là từ bỏ bớt quyền kiểm soát bản thân.
Đấy cũng là khi mình nhận ra sự khác biệt của bản thân và chúng bạn thành công của mình. Ấy chính là thay vì ngồi đọc làm thế nào để tập trung hơn khi làm việc và chống lại cám dỗ thì bọn nó xóa xừ mấy cái ứng dụng rồi. Đặc biệt là trong đợt dịch này, khi mà mình làm việc tại nhà trên cái máy tính, khi mà lúc nào thì động tác Alt + Tab nhỏ nhảy qua Steam cũng có thể thực hiện, thì mình luôn phải cưỡng lại điều đó, khác hẳn với chiếc máy tại công ty.
Hai mươi phút thôi, một ván là dừng.
Mình, ngày nào cũng thế.
Một chuyện rất nhỏ, nhưng hiển hiện, luôn ở đó, luôn quấy rối sự tập trung của mình và giảm thiểu đáng kể năng suất làm việc, kể cả khi mình không chơi gì đi nữa. Một cái thông báo nhỏ của Messenger còn khiến mình muốn bỏ mọi thứ và kiểm tra ngay nữa là, chỉ cần nó sáng thông báo ở đấy thôi là đủ khó chịu rồi.

Tự nhận thức

Có lẽ một trong những thứ được nhắc tới đầu tiên là chống lại ham muốn. Nhưng không hẳn đấy là điều nên làm, vì rằng còn một phương pháp khác nên được nhắc tới, ấy chính là tự nhận thức. Mình đã từng thử bỏ đói bản thân, và tin mình đi, nó khác với những gì bạn nghĩ.
Ghrelin là một trong những thứ khiến bạn thấy đói, nhưng liệu có thực sự đói hay không lại một chuyện khác, cái đó, mình gọi là đói giả. Thật khó hiểu là dù ăn đêm muộn tới đâu thì cứ tầm 8:00 sáng thì bụng sẽ vẫn sẽ cứ cào. Vì thực tế, đó không hẳn là đói do thiếu ăn, cơn đói đó là một tín hiệu nhắc nhở giờ ăn đến rồi, vì thường luôn nạp năng lượng mỗi sáng vào đúng mốc giờ đó. Nếu bạn chưa từng thử nhịn đói thì, có lẽ bạn sẽ nghĩ chuyện này sẽ ngày càng tệ, cơn đói sẽ một dần tăng đến mức không chịu nổi. Cơ mà, nếu thử bỏ đói bản thân thì chắc tầm nửa tiếng sau là lại thấy như chưa có chuyện gì xảy ra ngay thôi. Đấy chỉ là sự nhắc nhở của thói quen, còn cơ thể có thực sự cần hay không là chuyện khác, đặc biệt với những bữa phụ, những cơn réo ấy chỉ đơn giản là tín hiệu nhắc nhở mà thôi.
Cái ý chính của mình là, rất nhiều thói quen nghĩ là không thể bỏ được và luôn cố gắng chống lại hằng ngày đều có thể thay đổi, thay đổi từ việc nhận thức rằng chúng tồn tại.
Thay vì cứ tự ti bản thân hiện tại và tự sỉ nhục bản thân rằng nếu không làm được vậy thì thật yếu đuối, sao không thử tặng chính mình những lời hay ý đẹp.
Hãy tự nhủ những gì mà bạn sẽ dùng để khuyên người khác, khi họ rơi vào hoàn cảnh tương tự, sự tiêu cực là thứ cuối cùng bạn muốn thêm vào khi cục diện đang bế tắc.

Có những thứ cần phải được thay đổi

Cue, Craving, Response, Reward.
James Clear, Atomic Habit.
Dấu hiệu, ham muốn, hành động, và tưởng thưởng. Đây chính là chu trình của một 'thói quen', và nếu như một trong bốn thứ này không được thực hiện, một thói quen sẽ bị lãng quên, bất kể tốt hay xấu. Chính vậy, nếu muốn thay đổi hãy phá vỡ chu trình trên.
Có phần mệt mỏi sau giờ làm, đấy là dấu hiệu. Muốn ăn vặt ngay lập tức để nạp năng lượng, ấy chính là ham muốn. Ngay lập tức mua gà rán hay ăn mì tôm để lấp đầy cái bụng, ấy là hành động. Hương vị và sự no bụng chính là tưởng thưởng.
Nói sao được nhỉ, nhờ việc làm trực tuyến nên tình trạng mệt mỏi quá độ ấy đã giảm đi rất nhiều, gần như ngay lập tức mình tưởng như bỏ được thói quen này. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm thời và sẽ quay lại nếu đi làm trở lại. Thậm chí nó vẫn hiện diện vì vẫn sẽ có những hôm mệt mỏi cực độ dù có là ở nhà đi chăng nữa. Dấu hiệu, và ham muốn vẫn tới. Vậy nên mình đã thử thay đổi hành động, nghe có vẻ hơi lạ, nhưng khi mệt mỏi mình đã thử ... chạy bộ. Bởi vì mình làm văn phòng, và một chút không khí trong lành thực sự giải tỏa tốt hơn mình nghĩ. Mình cũng đã thử thay đổi phần thưởng, cụ thể hơn mình vẫn sẽ ăn, nhưng chọn những thứ kém hấp dẫn với mình hơn như hoa quả ... Tác dụng không tốt cho lắm vì giờ thì mình thích luôn cả hoa quả rồi. Cơ mà thế vẫn là có tiến bộ mà phải không?

Quá nhiều lựa chọn chính là căn nguyên

Nhắc lại chút mấy đứa trẻ Kẹo dẻo nhỉ. Người thành công luôn có lối đi riêng, những đứa trẻ thành công nhận thưởng cũng vậy. Đương nhiên sẽ có những đứa bé thực sự chống lại cám dỗ. Nhưng càng nhiều chính là ... kệ. Chúng che mắt bản thân lại, chúng đi loanh quanh trong phòng, chúng đi đọc nhãn quảng cáo trên bao bì sản phẩm. Mọi thứ, chúng làm mọi thứ, miễn sao là chúng không thấy Kẹo. Mắt không thấy thì tâm không đau. Mấy đứa nhóc không chống lại cám dỗ của kẹo dẻo, chúng chỉ đơn giản không nhìn thấy nó, thật đơn giản phải không?
Luôn có quá nhiều lựa chọn có thể làm, đặc biệt là xã hội hiện đại này, nếu không làm việc thì có thể lướt mạng xã hội, dù không phải mạng xã hội thì cũng là Netflix hay gì đó tương tự. Mỗi việc làm đều sẽ đem lại một phần thưởng nhất định với một cái mức giá nào đó, và không phải lúc nào não bộ cũng đủ tỉnh táo để mở một phiên đánh giá CBA, phân thích chi phí - lợi ích, nhất là khi giá trị của các việc làm này thường không rõ ràng. Việc thiếu quyết đoán đem lại rất nhiều thứ xấu, đơn cử như là sự lo âu đính kèm.
Và đây chính là lúc Forest hữu dụng, khóa lại cái điện thoại của bạn, khiến khó khăn trong việc truy cập Mạng, chỉ đơn giản vậy thôi đã loại bỏ bớt cho bạn một sự lựa chọn. Đương nhiên là vẫn sẽ muốn dùng điện thoại, nhưng sự phiền toái phải mở khóa này sẽ nhanh chóng đẩy lùi ham muốn đó đi xa, chọn hành động hoàn thiện thứ đang dang dở sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Thời sinh viên nhờ có nó mình đã từng có một thói quen khá hữu ích đấy.
Học bài rất chán nản, nên mình muốn lướt mạng ấy là dấu hiệu và ham muốn. Thế nhưng hành động lướt mạng thì không thành, nên mình buộc phải quay lại học bài, mặc dù phần thưởng thì đến hơi chậm, nhưng điểm cao cuối kì là vẫn có. Vậy nên đơn giản thôi, nếu muốn tập trung hơn vào việc nên làm, hãy loại bỏ các việc sẽ làm, hoặc làm cho chúng khó thực hiện hơn.
Đừng dùng nhiều ý chí . Hãy dùng vừa đủ ý chí để giam cái lựa chọn lại, và sau đấy bạn sẽ không phải lo về nó nữa.
............
Ngồi viết linh tinh thế thôi chứ trong lúc viết mình toàn ngồi làm linh tinh, viết ngắn chút vầy cũng mất một buổi tối do vừa làm vừa chểnh mảng, viết được nhưng không làm được. Thế nhưng mà, đây coi như là bước đầu của mình đi.
..............
Nãy giờ mình rảnh dữ lắm cứ ngồi tìm Hán Việt của mấy chữ tiếng Anh hoài.
*Standford: Sử Đan Phật.
*Forest: Chuyên chú Sâm Lâm.