Bài viết được trích dẫn toàn bộ nội dung từ blog: fierybread.com.
Tìm hiểu để biết thêm về mụn để phòng và chữa cũng là một phương án hay nhỉ?
Chuyên đề Mụn (phần 1)
May 10

Chào các bạn.
Đây là bài viết thứ 3 của mình về vấn đề mụn, nhưng có lẽ nói về mụn một cách khoa học và tổng quan nhất là bài này.
Lí  do mà tiêu đề  bài viết mình chỉ để một chữ “mụn” duy nhất thôi, bởi vì  trong bài này mình sẽ đề cập đến tất cả các vấn đề cần thiết về mụn,  bao gồm các loại mụn khác nhau, cụ thể mình sẽ chia ra như sau, các bạn  chú ý để theo dõi từng phần cho đầy đủ nhé.
  • Phần 1: Mụn là gì? – Phân loại các loại mụn? – Nguyên nhân gây mụn? – Phương pháp cơ bản điều trị cho từng loại mụn. 
  • Phần 2: Sơ đồ các khu vực mụn trên da mặt – Phương pháp điều trị cho từng khu vực 
  • Phần 3: Sơ đồ các khu vực mụn trên body (cơ thể) – Phương pháp điều trị cho từng khu vực
  • Phần 4: Liệt kê danh sách và giải thích về các thành phần hoá học trị mụn cũng như các liệu pháp khác
Mình có một lời khuyên đặc biệt dành cho các bạn là không nên bỏ qua bất cứ phần nào vì tất cả những phần đều liên quan đến nhau và mụn rất là phức tạp,  không hề đơn giản một chút nào. Hầu hết các bác sĩ da liễu mình biết  đều cho rằng, chữa da mụn là khó và khiến họ có “cảm hứng” nhất, vì vấn  đề mụn mỗi người mỗi khác nên khiến trải nghiệm công việc của họ trở nên  đa dạng hơn.
Về chuyên đề mụn, ban đầu mình định sẽ gộp tất cả lại thành 1 bài luôn,  nhưng nếu gộp lại mà viết ngắn quá thì không đủ ý, viết dài quá thì lại đọc rất mệt và gây ra khó hiểu. Nên mình hy vọng đã chia ra như thế này rồi thì các bạn cố gắng đọc thật kĩ giúp mình.
Chúng ta bắt đầu chuyên đề mụn của Phần 1 nhé.
I/ MỤN LÀ GÌ?
Mụn là một loại bệnh ảnh hưởng đến tuyến dầu của da. Khi những lỗ chân lông kết nối với tuyến dầu dưới da, những tuyến này tạo ra chất dầu được gọi là bã nhờn. Và lỗ chân lông kết nối với các tuyến này bằng một ống được gọi là nang, bên trong nang, dầu sẽ chuyển các tế bào da chết đến bề mặt của da. Khi nang của một tuyến bị bít lại thì mụn sẽ được hình thành.
Nói một cách đơn giản hơn, cơ bản mụn được hình thành khi lỗ chân lông trên da bị tắc nghẽn cùng với các tế bào da chết hoặc dầu sẽ tạo thành mụn, nơi cư trú của các vi khuẩn P.acnes.
Hầu  hết mụn sẽ mọc ở mặt, cổ, lưng, ngực và vai. Mụn không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ. Mụn xuất hiện dưới nhiều hình thức và tất nhiên là sẽ không được báo trước. Tuy nhiên, khi hiểu hơn về từng loại mụn, bạn sẽ có thể có được phương pháp để điều trị chúng.
Chú ý: Thật sự mình thấy da mụn rất là phức tạp, có thể nguyên nhân này gây mụn cho bạn này nhưng chính nguyên nhân đó lại không gây ra mụn cho bạn khác,  vì vậy bạn phải hiểu làn da của bạn. Dưới đây là những cách giúp chúng ta hiểu rõ hơn để tìm ra nguyên nhân điều trị.
II/ CÁC LOẠI MỤN TRÊN DA
Mụn sẽ có rất nhiều loại, nhưng theo mình phổ biến nhất là các loại sau:
A/ Mụn ẩn
Thường thì mụn ẩn sẽ không quá lớn, mọc thành từng cụm và có màu trùng với màu da, chỉ khi chiếu ánh đèn người lên da, makeup hoặc là chạm vào da mặt thì mới thấy rõ, nhưng mụn ẩn gây khó chịu vì nó sẽ làm cho bề mặt da bị sần sùi, có kết cấu thô. Mụn ẩn là do lỗ chân lông bị tắc, vấn đề này không viêm, không gây đau, nhưng nếu mọc ở cổ thì đôi lúc có thể làm đau bạn. Thường thì mụn ẩn sẽ xuất hiện nhiều nhất ở vùng xung quanh cằm, dưới má nhưng cũng có thể ở bất cứ nơi đâu. Mụn ẩn thì có thể dễ được nặn ra, nhưng dễ lặp đi lặp lại, xuất hiện trở lại, rất là dai dẳng.  Thậm chí kể cả khi bạn đang sử dụng retinoids cũng sẽ mụn ẩn trên da.  Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình và thông tin mình tìm hiểu được,  tẩy tế bào chết là cách tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa mụn ẩn. Da của các bạn cũng cần được đảm bảo có đủ độ ẩm, các bạn nên chú ý đến từng  sản phẩm, tránh các sản phẩm có thành phần làm khô da mất nước.
Các bạn có thể vào đây để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về mụn ẩn.
B/ Mụn đầu đen
Vấn đề về mụn đầu đen đã được mình viết một lần rồi, các bạn có thể vào đây để tìm hiểu lại nhé.
Chú ý: Mụn đầu đen thường bị nhầm lẫn thành tuyến bã nhờn hoặc sợi bã nhờn. Cả 2 có thể nhìn giống nhau, nhưng tuyến bã nhờn thì đc hình thành do di truyền, giống như kích thước của lỗ chân lông. Khi bạn nặn mụn đầu đen,  phần bã nhờn này có màu sẫm hơn, thường bên trong là màu vàng hoặc trắng
C/ Mụn đầu trắng
Mụn  đầu trắng nói đơn giản là mụn có đầu màu trắng, có loại nhỏ sẽ không gây ảnh hưởng nhiều, nhưng cũng có loại đỏ, sưng. Đây cũng là loại mụn mà người ta hay nhắc đến nhất khi nói về mụn. Nó cũng là loại mụn mà nhiều người bị và muốn điều trị cũng như phòng ngừa nhất. Mụn đầu trắng thường bắt đầu bằng một nốt nhỏ màu đỏ và phần đầu trắng sẽ xuất hiện sau 3-4 ngày. Mụn đầu trắng có thể có ở mọi nơi trên mặt, hoặc lưng. Nó  rất khó chịu vì khó biết được lý do chính xác tại sao mụn lại hình  thành, chính vì điều này khiến mụn đầu trắng khó trị dứt điểm, phải mất rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn khi thử, trải qua những quá trình hoặc sản phẩm trị liệu khác nhau để tìm được phương pháp và loại sản phẩm mà bạn hợp nhất. Nhưng cũng may mắn là một khi bạn tìm đc phương pháp hay sản phẩm hiệu quả cho riêng bạn, thì mụn đầu trắng thường là dễ trị.
D/ Mụn nang
Mụn  nang là loại mụn có lẽ là đáng sợ nhất, nó gây cảm giác đau nhức, khó  chịu, như những “khối u”, thường mụn nang sẽ lớn và để lại tổn thương  trên da của bạn. Loại mụn này bắt đầu sâu bên trong lớp da và thường chỉ  ra một vấn đề nội bộ, cho dù đó là kích thích tố, dị ứng, hay nhạy cảm  với thực phẩm. Những nốt mụn này mất rất nhiều thời gian để lành và  những loại thuốc bôi thường không có tác dụng. Cách duy nhất đảm bảo mụn  này được huỷ diệt chính là để yên chúng, tuyệt đối không được nặn, nếu  nặn bạn sẽ chỉ làm mụn sưng to, sâu hơn và mất nhiều thời gian hơn để  lành. Đặc biệt nếu vết mụn bị vỡ mạnh trong quá trình nặng thì có nguy  cơ sẽ để lạo sẹo hoặc một vết đỏ khó lành.
E/ Mụn dormant
Các  mụn dormant thì không được xếp vào loại mụn của riêng. Mà đây là những  mụn đã từng bị sưng, nhưng vì lí do nào đó bất kì được xẹp đi nhưng vẫn  còn có nhân mụn còn lại. Nhân mụn này không đau khi bạn đụng vào, nhưng  vẫn còn lại trong da. Đôi khi những loại mụn này khó thấy, nhưng sờ thì  bạn có thể cảm thấy được. Có thể bạn bị nhầm lẫn với mụn ẩn, vì mụn này  thường giống như mụn ẩn, rất khó lấy ra và ở lại trong da của bạn một  khoảng thời gian khá dài.
III/ NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY MỤN
Tìm  được nguyên nhân gây ra mụn chính là một trong những điều tốt nhất giúp  bạn trị mụn thành công. Thường thì khi một bạn nào hỏi mình tư vấn da  bị mụn, mình hay hỏi ngược lại bạn ấy rất nhiều vấn đề, căn bản cũng là  vì mình muốn biết được thật sự nguyên nhân khiến da bạn ấy bị mụn để đầu  tiên là ngăn ngừa không cho mụn mọc thêm, thứ 2 mới bắt đầu đến việc  chữa trị.
Dưới đây là những ngyên nhân cơ bản sẽ khiến da bạn bị mụn:
A/ Do di truyền
Gene  đóng một vai trò lớn trong cấu tạo da của bạn. Bạn có thể hỏi ba mẹ bạn  về da lúc trẻ của họ như thế nào, họ đã bao giờ gặp tình trạng mụn hay  chưa? Hoặc bạn có thể xem xét về da của anh, chị em bạn.
Mình  may mắn có được một gene tốt, cả ba mẹ và mẹ da đều không có tiền sử bị  mụn, nhất là ba mình có làn da rất đẹp, nhưng sai lầm lớn của mình là  cách đây 6 năm đã dùng kem trộn, khiến da bị tổn thương nặng nề. Nhưng  cũng “nhờ” từ đó mà mới dẫn mình đến học bác sĩ da liễu như ngày hôm  nay.
B/ Do hormones
Ví  dụ rõ ràng nhất của mụn nội tiết là mụn xuất hiện trong quá trình dậy  thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh. Mụn do nội tiết tố gây  ra thường không xuất hiện trên toàn bộ khuôn mặt mà khu vực xung quanh  cằm và hàm dòng là có nhiều nhất.
Phụ nữ thường bị mụn này nhiều hơn nam giới, vì phụ nữ chúng ta cứ đến chu kì hằng tháng là sẽ hay xuất hiện mụn. Tuy nhiên, đàn ông cũng có thể gặp mụn nội tiết tố. Spikes trong testosterone có khả năng là nguyên nhân khi đàn ông ăn quá nhiều đậu nành.
Thường những nốt mụn sâu, hoặc mụn nang hầu hết là do nội tiết tố gây ra.
C/ Vi khuẩn
Rất  nhiều người nghĩ rằng, khi họ giết các vi khuẩn P.acnes thì sẽ giết  được mụn. Tuy nhiên, vi khuẩn P.acnes là tồn tại trên da của tất cả  chúng ta, cho dù đó là trên da bình thường hay là trên nốt mụn.
P.acnes  hoạt động bằng cách “ăn” bã nhờn, với làn da bị mụn thường thì bã nhờn  bị sản xuất dư thừa hoặc bị tắc và kẹt bên trong nang lông, điều này tạo  mặt bằng màu mỡ cho vi khuẩn P.acnes tăng trưởng.
Chúng  ta có thể giết chết vi khuẩn P. acnes, nhưng vi khuẩn sẽ quay lại và có  thể “làm tổ” trên da sau đó, thế nên điều mà chúng ta có thể tốt nhất  nên làm là huỷ diệt “tổ” của chúng, lúc đó thì chúng sẽ bị diệt và không có nguy cơ tăng trưởng, sinh sôi.
D/ Do mỹ phẩm và dưỡng da
Đây có lẽ là nguyên nhân khá phổ biến đối với chúng ta, bạn thấy da bị mụn khi sử dụng một sản phẩm lạ hoặc mới bất kì. Nó có thể là sản phẩm makeup, kem chống nắng, dưỡng da…
Khi sử dụng các sản phẩm với các thành phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông, mùi hương khó chịu hoặc thậm chí kích ứng với kem đánh răng. Nhưng cũng có thể làn da của bạn có mối liên quan đến vấn đề làm sạch, chẳng hạn như bạn không tẩy trang hay làm sạch đủ và đúng cách, không làm sạch điện thoại di động, không thay đổi drap giường, vỏ gối thường xuyên hoặc sử dụng cụ makeup bẩn.
E/ Dị ứng thực phẩm và nhạy cảm thực phẩm
Cơ  địa mỗi người khác nhau nên dẫn đến việc dị ứng thực phẩm cũng khác  nhau và rất đa dạng. Bạn có thể dị ứng với tôm, sữa, gluten, biotin,  thịt bò… khi ăn những thực phẩm mà bạn bị dị ứng vào thì cơ thể bạn sẽ  phản ứng và làm da có mụn.
Bản  thân mình thì chưa thấy mình chắc chắn dị ứng với một loại thực phẩm  nào, có lúc ăn tôm vào bị, có lúc ăn cá ngừ lại bị ngứa khó chịu, lúc  khác thì hoàn toàn ổn khi ăn 2 loại đó. Nên mình vẫn ăn bình thường, còn  trước các dịp đặc biệt thì mới kiêng.
F/ Không tẩy tế bào chết
Khi da không được tẩy tế bào chết thì sẽ khiến cho lỗ chân lông có nguy cơ bị tắc nghẽn cao hơn, dẫn đến gây mụn cho da.
G/ Có vấn đề về sức khoẻ
Các vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn cũng có thể gây ra mụn. Chúng bao gồm các bệnh về candida, các vấn đề về tuyến giáp, PCOS, tiểu đường, mất cân bằng tiêu hóa và các vấn đề trao đổi chất.
H/ Stress, thiếu ngủ
Stress có thể tàn phá làn da và làm trầm trọng thêm các triệu chứng mụn. Nhưng stress lại không phải là nguyên nhân trực tiếp để gây nổi mụn, mình có  thể chắc chắn một điều rằng không phải khi nào bạn cảm thấy căng thẳng  thì ngay lập tức có thêm mụn mới. Cũng như vậy, nếu bạn đang trong tình  trạng hoàn toàn ổn thì cũng không thể đảm bảo có được làn da mịn màng.
Giấc ngủ cũng rất quan trọng, không chỉ cho làn da, mà cho cả cơ thể chúng  ta. Tương tự như vấn đề stress, giấc ngủ có thể không trực tiếp gây ra  mụn, nhưng thiếu ngủ có thể đóng góp một phần vào quá trình phát triển  thêm mụn cho da.
I/ Các tuyến bã nhờn bị kích hoạt quá nhiều
Vấn  đề này thường xảy ra ở tuổi dậy thì, khi nội tiết tố thay đổi dẫn đến  dầu trên da được sản xuất nhiều hơn và tạo ra môi trường màu mỡ cho vi  khuẩn P. acnes.
K/ Chế độ ăn uống
Theo  như mình biết hầu hết các bác sĩ da liễu phương Tây không nghĩ rằng có  một mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và mụn trứng cá thì ngược lại hầu  hết các bác sĩ da liễu châu Á lại nghĩ rằng có sự liên kết này.
Tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm như: đường, rượu, cà phê,… có thể làm trầm trọng thêm mụn.
Sữa cũng có chứa hormone tăng nguy cơ gây mụn cho da.
L/ Cơ thể chứa độc tố
Độc tố có thể tích tụ trong cơ thể của bạn và được “thải độc” thông qua da, dễ đến mụn được hình thành.
M/ Những nguyên nhân khác
Theo  như mình biết, những tổn thương mụn có thể bị nhầm lẫn với bệnh Rosacea  hoặc các loại khác nhau của viêm da, hay bệnh keratosis pilaris.
IV/ PHƯƠNG PHÁP CƠ BẢN ĐIỀU TRỊ CHO TỪNG LOẠI MỤN
A/ Điều trị do di truyền
Mình  cho một người bạn, điều trị mụn mãi không hết, cứ hết rồi xong lại tiếp  tục có lại, mãi sau này ngồi nói chuyện với mình, mình hỏi về vấn đề di  truyền thì bạn ấy mới nhớ ra và bảo mẹ bạn ấy lúc trẻ cũng từng có mụn  mà còn nặng hơn bạn ấy bây giờ nữa. Và sau khi đã rõ nguyên nhân chính  để điều trị thì bây giờ da của bạn ấy tốt lên rất là nhiều.
Về  cách chữa trị cơ bản của vấn đề do di truyền thì bạn không được quá bi  quan, bạn không thể thay đổi gene để da đẹp hơn, nhưng duy trì thói quen  chăm sóc da tốt thì chắc chắn vấn đề mụn sẽ được giảm. Đừng chỉ chăm  sóc khi da đang có mụn mà bạn phải duy trì một cách thường xuyên.
B/ Điều trị do hormones
Bạn  cần làm một quyển nhật ký ghi lại thời gian nổi mụn và xem xét thời  gian mụn nổi có gần giống nhau của mỗi tháng hay không. Và quan sát chu  kì kinh nguyệt (nếu bạn là nữ) sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách làm việc của  làn da bạn. Nếu mụn thường xuyên mọc vào một thời điểm nhất định mỗi  tháng và khi đến chu kì thì có thể là da của bạn bị mụn liên quan đến  vấn đề hormone.
Trong  trường hợp này thì bạn có thể bôi thuốc để làm giảm mụn nội tiết, hoặc bổ sung các loại thuốc chứa hormones vào cơ thể ví dụ như thuốc tránh  thai, spironolactone, hoặc là các lựa chọn thay thế khác (nhưng chú ý  khi bổ sung thuốc thì phải cần hỏi ý kiến bác sĩ, không được sử dụng tuỳ  tiện).
Có một số trường hợp được nghiên cứu và chứng minh dầu cá, omega-3, trà bạc hà cũng giúp điều chỉnh nội tiết tố.
Nói  chung mỗi người có một cơ địa và làn da khác nhau nên từng phương pháp cũng sẽ phản ứng đối với mỗi bạn là khác, bạn không nên chán nản khi mới thử 1 phương pháp đã thấy không hiệu quả, tất cả cần sự cố gắng ở bản  thân bạn.
C/ Điều trị do vi khuẩn
Các  bạn có thể thấy, thường khi bạn đến bác sĩ, bạn sẽ được kê đơn là thuốc  kháng sinh, thuốc kháng sinh chính là giải pháp về diệt vi khuẩn. Nên  bạn sẽ thấy rằng khi uống thuốc thì da sẽ ổn và ngưng thì da sẽ có mụn  trở lại. Mình thì cũng rất ghét phải uống thuốc kháng sinh, vì thuốc  kháng sinh sẽ tiêu diệt tất cả các vi khuẩn trong hệ thống, bất kể đó là  vi khuẩn tốt hay xấu.
Cho nên thuốc kháng sinh có thể làm việc lúc ban đầu, nhưng về lâu dài thì đó không phải là giải pháp cho làn da mịn màng.
Cách  tốt nhất là chúng ta nên giữ cho làn da khoẻ, chăm sóc da một cách cẩn  thận, đối với một số bạn bị mụn thì có thể diệt vi khuẩn trên bề mặt  bằng benzoyl peroxide và tee tree oil chấm vào nốt mụn.
D/ Điều trị khi bị vấn đề liên quan đến mỹ phẩm
Khi  bị mụn vì mỹ phẩm thường thì khi bạn ngưng dùng sản phẩm thì các nốt  mụn sẽ được giảm dần nhưng có thể mất một vài tuần để da trở lại như ban  đầu.
Các  bạn có thể xử lý việc da bị mụn vì nguyên nhân mỹ phẩm bằng cách thực  hiện vệ sinh da đúng cách: làm sạch da, tẩy trang trước khi đi ngủ, vỏ  gối và drap giường phải sạch.
Không nên sử dụng nhiều lúc tất cả các sản phẩm khi da đang bị dị ứng.
Không  nên dùng tất cả các sản phẩm mới cùng một lúc, như vậy bạn sẽ không  phát hiện ra sản phẩm nào là nguyên nhân gây dị ứng mà phải test lại từ  từ từng sản phẩm để biết được nguyên nhân chính xác. Và chú ý nên test  sản phẩm trước lên 1 vùng nhỏ của da trước khi apply cả mặt.
Đọc  vào danh sách thành phần chứa bên trong sản phẩm để xem những thành  phần nào có khả năng gây kích ứng cho da hoặc khiến lỗ chân lông bị tắc  nghẽn. Có nhiều sản phẩm được gắng mác “an toàn cho da nhạy cảm” hay  “không gây mụn” nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể gây phản ứng  lên da của bạn, vì tất cả mọi thứ phụ thuộc vào cách da bạn phản ứng,  chứ không phải do hãng mỹ phẩm hay người bán lừa dối bạn, rồi lo sợ đối  với tất cả các loại mỹ phẩm chỉ vì nghĩ một điều rằng “da mình bị dị ứng  với cả mỹ phẩm cho da nhạy cảm nên da vô cùng nhạy cảm” đó là quan điểm  không đúng nhé.
E/ Điều trị do thực phẩm
Bạn  nên theo dõi da của bạn khi ăn một thực phẩm nào đó và có phản ứng như  thế nào. Cách tốt nhất và khoa học nhất là bạn có thể đi xét nghiệm dị  ứng để biết được cơ thể bạn dị ứng với những gì và ngăn ngừa chúng.
Cách điều trị trong trường hợp này là tuyệt đối không gãi và sờ tay lên mặt, đến gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc.
F/ Vấn đề về tế bào chết
Tẩy da chết cơ học hoặc hóa học (AHA, BHA, retinoids) sẽ giúp da bạn tốt hơn trong trường hợp này.
Các bạn chú ý không nên tẩy tế bào chết quá 2 lần/tuần sẽ khiến da trở nên yếu và nhạy cảm hơn.
G/ Vấn đề về sức khoẻ
Cách  duy nhất để biết chắc chắn bạn có phải bị mụn do sức khoẻ hay không thì  cần có một kiểm tra y tế. Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn nếu bạn đang  gặp các triệu chứng sức khỏe liên quan khác.
H/ Stress, thiếu ngủ
Ngủ đủ và ít căng thẳng chính là điều kiện lý tưởng để có được làn da mịn màng, đó chính là nền tảng để khiến da tốt hơn.
Bạn nên cố gắng giữ một lịch trình ngủ bình thường để giúp đồng hồ sinh học không bị sai lệch.
I/ Các tuyến bã nhờn hoạt động quá nhiều
Đối với làn da rất nhờn, nhiều dầu thì benzoyl peroxide hoặc lưu huỳnh có thể giúp được bạn.
Phương  pháp cuối cùng chính là Accutane có thể giúp loại bỏ sản xuất dầu,  nhưng đây là loại thuốc nghiêm trọng, không đơn giản nên cần có sự chỉ  định của bác sĩ và xét nghiệm cẩn thận trước khi sử dụng (thường sẽ là  xét nghiệm máu và men gan)
K/ Những nguyên nhân khác
Bác sĩ da liễu sẽ có thể cung cấp cho bạn một chẩn đoán chính xác.Tuy  nhiên, mình nghĩ tốt nhất là bạn cần ít nhất 2 ý kiến của 2 bác sĩ khác  nhau bởi vì có nhiều dấu hiệu khá giống nhau nên có thể dễ dàng bị nhầm  lẫn.
V/ TỔNG KẾT
Các  bạn hãy hiểu một điều rằng mụn không phải hoàn toàn là lỗi của bạn. Khi  bạn có mụn, không phải là da bạn bị bẩn hay bạn tẩy trang, rửa mặt  không đủ sạch. Thực tế là ai cũng có thể bị mụn, từ các em ở tuổi thanh  thiếu niên, người lớn trẻ tuổi, uớc tính khoảng 80 phần trăm tất cả  những người ở độ tuổi từ 11 đến 30 bị bùng phát mụn tại thời điểm nào  đó, một số người ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi vẫn bị mụn.
Mụn  rất khó để điều trị vì để tìm ra nguyên nhân khiến bạn bị mụn sẽ vô  cùng khó khăn. Để điều trị mụn, bạn cũng phải rất kiên nhẫn, sẽ đi từ  cảm xúc này đến cảm xúc khác, phải trải qua những lần thử nghiệm và điều  trị. Vì vậy đôi lúc việc thử nghiệm nhiều sản phẩm hay phương pháp mà  không có kết quả sẽ làm bạn rất nản.
Tuy  nhiên, mụn chỉ là khó điều trị, chứ không phải là không điều trị được,  nên các bạn phải lạc quan. Mình từng bị mụn vì kem trộn trong vòng gần 2  năm mà da vẫn có thể chữa được hoàn toàn như bây giờ, nên các bạn không  được hết hy vọng nhé.
Những phần tiếp theo mình sẽ tiếp tục đưa ra những vấn đề cụ thể hơn để các bạn có được giải pháp hữu hiệu nhất cho da của riêng mỗi người.
Hy vọng bài viết này sẽ có ích đối với các bạn.
Đừng quên Like và Share nếu các bạn thích nhé.
Thông tin tham khảo: Panacea