Khi nhắc đến các thành tựu về thể loại kịch ở phương Tây nói riêng và trên thế giới nói chung, William Shakespeare là một đỉnh cao khó lòng thay thế được và tác phẩm "Vua Lear" là một trong số các thành tựu đó. Bài viết này không có tham vọng phân tích những vấn đề mang tầm vóc lớn, vĩ mô về tác phẩm "Vua Lear" mà chỉ dừng lại ở việc tập trung phân tích xung đột kịch được tác giả xây dựng trong tác phẩm này.
Kịch là một dạng thức kể chuyện trong văn học. Điều này có nghĩa là kịch có một điểm tương đồng với thể loại tự sự ở chỗ nó có cốt truyện (chuỗi sự kiện đã được sắp xếp một cách nghệ thuật). Tuy nhiên, cốt truyện của kịch có một đặc trưng giúp khu biệt với cốt truyện trong tự sự đó là nhà soạn kịch phải tập trung xây dựng được xung đột kịch. Xét về bản chất, xung đột kịch chính là mâu thuẫn giữa các giá trị, tư tưởng đối lập với nhau trong trạng thái cao trào, buộc các giá trị hay tư tưởng đó phải va chạm, đấu tranh với nhau chứ không dừng lại ở mức độ tiếp xúc với nhau. Khi được đưa vào văn bản kịch, các giá trị hay tư tưởng này được thể hiện một cách gián tiếp thông qua các nhân vật hay những dòng suy nghĩ trong chính một nhân vật. Cho nên xung đột kịch cũng chính là sự đấu tranh, va chạm của các nhân vật với nhau hay các luồng suy nghĩ, quan điểm trong chính một nhân vật. Như vậy, xung đột kịch sẽ được hiểu theo hai ý nghĩa và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Để tiếp nhận một văn bản kịch, việc đầu tiên chúng ta phải đạt được là nhận biết và phân tích xung đột kịch của văn bản đó. Bởi lẽ nó chính là xương sống của thể loại kịch trong sự phân biệt với hai thể loại truyền thống khác của văn học: tự sự và trữ tình. Trong văn bản "Vua Lear", chúng ta nhận thấy có nhiều xung đột kịch khác nhau: giữa vua Lear và Cordelia, giữa Lear và Goneril- Regan, giữa Edmund - Gloucester, giữa Kent và Oswald... Xung đột giữa các nhân vật chồng chéo lên nhau. Tuy nhiên, trong số các xung đột trên, chúng ta vẫn có thể nhận ra đâu là những xung đột chính của vở kịch: giữa Lear với Goneril, Regan và giữa Lear và Cordelia.
Trước hết, xung đột giữa vua Lear và Cordelia được mở đầu với sự kiện vua Lear không muốn tiếp tục đứng đầu đất nước nữa nên muốn chia hết tất cả đất đai, quyền lợi của mình cho ba cô con gái của mình. Nhưng để nhận được những thứ ấy, ba cô con gái phải tỏ lòng yêu kính người cha của mình thông qua lời nói. Hai người con gái đầu cụ thể Goneril và Regan thì buông những lời mật ngọt, hết lòng ca ngợi người cha của mình, làm cho Lear rất hài lòng. Tuy nhiên Cordelia, người con gái út và cũng chính là người được Lear yêu thương nhất lại không nói những lời xưng tụng như hai người chị mà chỉ nói thật với lòng mình: "Trái tim con, con không sao nâng nó lên đầu lưỡi được. Con yêu cha đúng theo đạo nghĩa kẻ làm con" (trang 503). Điều này khiến cho Lear tức giận vì cô đã làm thất ý của mình và cảnh cáo với cô: "Con nên lựa lại lời mà nói, kẻo nữa con sẽ phải thiệt thòi nhiều!". Mặc cho những hậu quả có thể xảy ra, Cordelia vẫn giữ vững lời khẳng định về tình cảm dành cho người cha của mình. Xung đột đã đạt trạng thái cao trào khi vua Lear đưa ra quyết định không chia quyền lực, đất đai cho Cordelia nữa và thậm chí còn cắt đứt mối quan hệ cha - con với Cordelia. Đây rõ ràng là một quyết định sai trái đến từ sự tức giận của Lear chỉ vì con gái út của mình "không có ánh mắt tha thiết khẩn cầu, không có được thứ miệng đong đưa" (trang 507) như Goneril và Regan chứ không phải do một tội lỗi bất kính, nhơ nhuốc hay vô đạo nào cả. Lúc này để tăng thêm phần kịch tính, William Shakespeare đã để cho nhân vật khác ngăn cản lại hành động của vua Lear nhưng sự ngăn cản ấy cũng vô ích. Bá tước Kent sớm đã nhận thấy "uy quyền chúa thượng đến cúi mình trước giọng lưỡi nịnh thần" nên quyết liệt can gián nhưng không thành và thậm chí còn bị nhà vua mà mình hết lòng phụng sự trục xuất ra khỏi đất nước: "Ta chỉ hạn cho ngươi trong năm ngày lo liệu xong hành trang tư lí, ngày thứ sáu thì thân hình ô uế của ngươi phải bước khỏi giang sơn của ta" (trang 506). Như vậy, xung đột giữa vua Lear và Cordelia đã được giải quyết với kết cục Lear đã khước từ người con gái út của mình. Còn Cordelia từ một cô công chúa được đức vua thương yêu nhất trở nên mất hết tất cả chỉ vì không thể nói lên những lời nịnh hót, xưng tụng nhà vua.
Xung đột thứ hai diễn ra giữa vua Lear và hai người con gái lớn - Goneril và Regan. Sau khi được nhận bao nhiêu ân điển từ cha mình, hai người đã dần lộ bản chất thật của mình: không thương gì vua Lear cả. Lúc này, vua Lear đến ở lâu đài của Goneril và công tước Albany (chồng của Goneril) cùng với một trăm tùy tướng. Xung đột bắt đầu xảy ra với việc Goneril bảo làm người ở của mình "càng phải tỏ ra vẻ rẻ rúng, lạnh nhạt hơn nữa" với cha mình. Tiếp đó Goneril lợi dụng việc Lear nổi giận đánh Oswald (người hầu của Goneril) vì hắn tỏ vẻ khinh miệt nhà vua để chỉ trích tính tình của Lear, đòi phải cắt giảm những tùy tướng của Lear từ một trăm xuống còn năm mươi với lí do "họ bừa bãi, trác táng, lăng loàn quá lắm, khiến triều đình này nhiễm thói hư hỏng ấy bị coi như một quán trọ ồn ào" (trang 523). Trước sự ruồng bỏ của người con gái cả, người đã từng nói yếu thương mình biết bao nhiêu, vua Lear không thể nào kìm nén được sự tức giận nên quyết từ Goneril để chuyển đến ở với Regan. Tuy nhiên Regan cũng giống như Goneril vậy, chẳng kính trọng hay yêu thương gì người cha của mình cả. Sau khi đưa thư lần lượt của vua Lear và Goneril, trước lâu đài của bá tước Gloucester, Kent (lúc này giả dạng để trở thành tùy tùng của vua Lear và không bị Lear phát hiện ra) và Oswald có xích mích, cụ thể là Kent tiến lên đánh Oswald vì hắn dám xúc phạm đến nhà vu trước đây. Công tước Cornwall và Regan đưa ra hình phạt là cùm Kent lại và điều này tất nhiên làm tổn hại đến danh dự của Lear một cách rất nghiêm trọng. Bởi lẽ lí do thứ nhất là, theo lời Gloucester, hình phạt bị cùm của Kent chính là "thứ hình phạt dành cho bọn cùng đinh hạ tiện nhất và đề trị những tội trộm cắp tầm thường nhất" (trang 537). Đó là chưa kể Kent lúc này chính là sứ giả đại diện cho nhà vua. Regan và chồng của mình phạt Kent như vậy chẳng khác gì đang xúc phạm đến danh dự của nhà vua cả. Xung đột giữa ba người đã đạt đến mức không thể có cách nào để hòa giải nữa. Kết quả là Lear đã quyết định khước từ hai người con gái, bỏ đi ngay trong đêm mưa bão khủng khiếp. Một người cha đáng trách vì không nhận ra sớm hơn bản tính giả dối của hai người con gái lớn mà tin tưởng hoàn toàn vào những lời xưng tụng ấy. Nhưng Lear cũng là một người cha đáng thương vì ngay lúc này ông đã bị người thân của mình ruồng bỏ và hơn hết, chính Lear cũng nhận ra mình đã thật sự sai với Cordelia - người con gái thật lòng thương cha chứ không vì mục đích vị kỉ nào cả.
Ở trên, hai xung đột kịch chính: giữa Lear và Cordelia, giữa Lear và Goneril - Regan chi mới được phân tích trên bình diện cụ thể, tức có nghĩa là trong nội hàm của văn bản kịch. Vì vậy, từ đây, chúng ta hãy cùng nhau phân tích xung đột kịch này ở cấp độ khái quát: xung đột giữa các giá trị hoặc tư tưởng. Đầu tiên chúng ta thấy có sự đối lập hoàn toàn giữa các nhân vật: Cordelia với Goneril và Regan. Ngay từ đầu, Cordelia luôn nói thật lòng mình, không nói những lời hoa mĩ nhưng sáo rỗng để nịnh nọt vua Lear bất chấp những hậu quả sẽ xảy ra, ngay cả khi đó là lúc nàng bị đặt dưới áp lực của nhà vua. Tấm lòng của nàng dành cho vua cha luôn trong sáng, chân thành. Dù bị ruồng bỏ một cách phũ phàng, trước khi rời đi cùng vua Pháp, Cordelia vẫn lo lắng cho cha, xin hai chị hãy đối xử tốt cho cha vì nàng "biết lòng hai chị lắm, và nết của hai chị" (trang 509), ước mong "vẫn được lòng thương của Người [vua Lear]" (trang 509). Thậm chí khi vua Lear trở nên loạn trí, nàng vẫn bao dung chăm sóc cho cha và tha thứ cho những gì cha đã từng làm với mình. Cuộc khởi binh của quân Pháp ở nước Anh do Cordelia khởi sự có mục đích vì người cha của mình: "Chỉ vì trả nghĩa cha mà con khởi sự. Chỉ vì con thương cha mà nước Pháp động lòng thương trăm nghìn hàng lệ của con. Chẳng có tham vọng nào dấy động cuộc dụng binh này, mà chỉ có tình nghĩa cùng cha, tấm tình tha thiết đối với cha già, và quyền vị của người cần phải bảo vệ" (trang 578). Nếu Cordelia thương cha mình thật lòng bao nhiêu thì Goneril và Regan lại giả dối và cay độc với vua Lear bấy nhiêu. Vua Lear đã đem hết tất cả quyền lợi, đất đai của mình cho Goneril và Regan, nhưng đổi lại họ đối xử với Lear một cách cay nghiệt: cắt giảm một trăm tùy tướng của vua Lear, chỉ trích tính tình của cha, không cho Gloucester giúp cho vị vua mà mình thật lòng phụng sự trong một trời mưa bão thật khủng khiếp. Đỉnh điểm cho bản tính xấu xa của họ chính là hai người còn định mưu hại nhà vua. Gloucester đã nói với Kent rằng: "Tôi vừa được tin chúng nó âm mưu định sát hại người đấy...Để chậm nửa tiếng nữa thôi, là tính mệnh người, tính mệnh bác, với tất cả những ai đứng lên bảo vệ người sẽ không sao cứu nổi" (trang 563). Như vậy chúng ta nhận thấy Cordelia là hiện thân của "sự thật" và Goneril - Regan là hiện thân "giả dối". Từ đây xung đột giữa vua Lear và Cordelia là xung đột của con người khước từ "sự thật". Sự trả giá cho hành động này chính là xung đột giữa vua Lear với Goneril - Regan: một người đặt niềm tin của mình vào sự giả dối để rồi bị sự "giả dối" làm cho điên dại, đau đớn. Hai xung đột này xâu chuỗi lại với nhau để cùng hướng tới một biểu hiện trong tư tưởng của vở kịch "Vua Lear" là hành trình tìm lấy sự thật và thoát khỏi sự giả dối của con người. Biểu hiện này càng được tô đậm khi nó xảy ra với những nhân vật có mối quan hệ thân tộc với nhau, cụ thể là cha với các con của mình - những người đáng lẽ ra phải hết lòng yêu thương, tin tưởng lẫn nhau. Cha thì quyết từ bỏ đứa con gái chỉ vì đứa con ấy không thể hiện tình thương dành cho cha qua những lời mĩ miều. Những người con thì sẵn sàng buông ra những lời nói xu nịnh đầy giả dối để dành lấy cái lợi từ người cha và tất nhiên, khi cha không còn quyền lực, chỉ còn là "cái bóng của vua Lear" thì họ sẵn sàng căm ghét, ruồng rẫy mọi điều.
Một tác phẩm có tầm vóc như "Vua Lear" chắc chắn không chỉ thể hiện hai xung đột trên. Tuy vậy, theo quan điểm cá nhân của người viết, chúng có lẽ hai xung đột trọng tâm, đóng vị trí như "thân cây" để các xung đột khác được tỏa ra từ đó. Từ việc phân tích hai xung đột chính, chúng ta nhận thấy vở kịch "Vua Lear" không chỉ xoay quanh tình cảm cha con mà xa hơn, nó còn đề cập đến sự đối chọi giữa "sự thật" và "giả dối". Con người phải đấu tranh, chịu nhiều đau khổ, thậm chí trở nên điên dại để cuối cùng nhận ra đâu là "sự thật" và "sự giả dối".