Điều mình thích khi đọc cuốn du ký này là mình nhìn thấy bản thân mình trong đó. Cách đây một năm, mình và đứa bạn tự lái xe máy qua Kampot - một tỉnh nhỏ ở Campuchia chơi. Campuchia đã không được giàu có rồi, mà tỉnh này còn là tỉnh nghèo ở đây nữa, nên mọi thứ còn kém phát triển nhiều lắm. Đây như một làng dân tộc bên mình, may mắn có thiên nhiên đẹp nên tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài nhưng vẫn chưa thể phát triển nổi. Rác ê hề khắp nơi, đường sá lỗ chỗ đất đá, bụi bay mờ cả mắt,... Đã trải qua Kampot, nên mình hiểu cảm giác Juli từ Đức sang Việt Nam. Kể ra thì mức độ chênh lệch còn dã man hơn. Mình nghĩ nếu các bạn đi đến những vùng kém phát triển hơn thì cũng không thể không thoát khỏi cảm giác "đau đáu" này. 
Đối với Juli, cô quan sát, đối chiếu với những điều tại đất nước cô đang sống, và bằng nhận xét chủ quan của mình, cô khiến mình không thể không cười thích thú. Những điều Juli thấy, có thể đúng với thực tế, có thể không (với thời gian chục ngày qua một đất nước thì đôi khi sự việc bắt gặp được chỉ là sự kiện chứ chưa hẳn bản chất) - mình thì không quan trọng chuyện này lắm, nhưng mình thấy thích cách nói chuyện của Juli hơn. Tưởng tượng nếu đang hẹn hò cô gái này, mình sẽ gật gù: "Thú vị đấy!". Một chút chủ quan? Có. Một chút khó chịu? Chắc chắn. Một chút cao ngạo? Có vẻ vậy. Một chút lãng mạn? Yeah. Và còn thẳng thừng, thông minh, vui tính nữa chứ. Cái cá tính "Đức" thể hiện quá rõ qua cô gái này. Chẳng vậy mà mình đã hơi nhột khi cô nhắc đến câu: "Không đi thì nằm, không nằm thì đứng" khi nói về thói quen lười vận động của người Việt Nam, rồi sau đó gật gù với câu "Sống để chờ ngày chết" khi cô miêu tả cuộc sống của những con vịt hạnh phúc tại đất nước này. Đoạn nhắc về những đứa trẻ Việt Nam, Juli thấy ở đây trẻ con cười thật nhiều, khác với vẻ mặt bí xị của những em bé mà chẳng khác trên quảng cáo bao cao su thuần túy bên trời Tây là mấy. 
Juli đi từ Hà Nội đến Hội An, rồi Sài Gòn, mỗi nơi cô dừng lại, chiêm nghiệm, và mình nhận thấy sự đề phòng, lạ lẫm của cô dần trở nên nhu hòa hơn. Đọc tới trang hai trăm mấy, cô không viết nữa, vì cô nói, cô bắt đầu cảm thấy thân thuộc nơi này rồi, cũng không còn thấy lạ lẫm để viết nữa. Trước khi mua sách, mình nghe nhiều nhận xét về tính tiêu cực trong nội dung bài viết - thẳng thắn quá chăng? Cực đoan quá chăng? Nhưng đọc xong thì mình không thấy vậy. Có chăng chỉ là cá tính quá thẳng thắn và thông minh của một cô gái học cao (đọc bảo là cô là Tiến sỹ Luật Quốc tế), sự cực đoan của một dân Đức chính gốc, và vài suy diễn của kẻ lâu lâu đi ra khỏi cuộc sống ổn định hàng ngày mà thôi. 
Và đây là lý do mình đọc cuốn này đến hai lần (có thể có lần ba, lần bốn lắm chứ? ): Chân thành, và đầy "human".