Chúng ta thường có xu hướng tập trung vào việc phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý thời gian, leadership ..v.v nhưng lại thường bỏ qua một kỹ năng vô cùng quan trọng không chỉ cần thiết trong công việc mà còn cả trong cuộc sống thường ngày đó là xử lý stress. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn 4 cách để xử lý căng thẳng trong công việc được đưa ra bởi Thạc sĩ Nicole J. LeBlanc, theo học tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Harvard và Tiến sĩ Luana Marques,giám đốc và người sáng lập Community Psychiatry PRIDE tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là Phó Giáo sư Tâm lý học tại Trường Y Harvard.
Tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi bằng cách học các kỹ năng quản lý nỗi sợ hãi và lo lắng trong công việc. Một số kỹ năng được dạy trong liệu pháp hành vi nhận thức có thể hữu ích, bao gồm:

Chủ động thư giãn (Relaxation strategies)

Thư giãn giúp chống lại các tác động sinh lý của phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Ví dụ, thư giãn cơ bắp giúp giảm căng cơ, yếu tố liên quan đến lo lắng. Để thực hành kỹ năng này, hãy ngồi thoải mái và nhắm mắt. Bắt đầu từ chân của bạn đổ ngược lên, làm căng cơ có ý thức và thư giãn từng khối cơ một. Giữ căng trong 10 giây; thả ra trong 20 giây. Mỗi lần thả  cơ, hãy tự nhắc với bản thân "hãy thư giãn". Kỹ năng này và nhiều chiến lược thư giãn khác có thể giúp giảm các triệu chứng lo lắng.

Giải quyết vấn đề (Problem-solving)

Giải quyết vấn đề là một chiến lược xử lý chủ động bao gồm việc dạy mọi người thực hiện các bước cụ thể khi tiếp cận rào cản hoặc thách thức. Các bước này bao gồm xác định vấn đề, brainstorming các giải pháp tiềm năng, xếp hạng các giải pháp, xây dựng kế hoạch hành động và thử nghiệm giải pháp đã chọn.

Chánh niệm (Mindfulness)

Chánh niệm là khả năng chú ý đến thời điểm hiện tại với sự tò mò, cởi mở và chấp nhận. Căng thẳng có thể trở nên trầm trọng hơn khi chúng ta dành thời gian ngẫm nghĩ về quá khứ, lo lắng về tương lai hoặc tự phê bình bản thân. Chánh niệm giúp rèn luyện não bộ để phá bỏ những thói quen có hại này. Bạn có thể trau dồi kỹ năng chánh niệm thông qua thực hành chính thức (như thiền có hướng dẫn) và các bài tập không chính thức (như đi bộ trong chánh niệm) hoặc thử các ứng dụng hoặc lớp học chánh niệm. Các liệu pháp dựa trên chánh niệm có hiệu quả để giảm các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Đánh giá lại những suy nghĩ tiêu cực (Reappraising negative thoughts)

Căng thẳng mãn tính và lo lắng có thể khiến mọi người phát triển một bộ lọc tinh thần, trong đó họ tự động giải thích các tình huống thông qua lăng kính tiêu cực. Một người có thể đưa ra kết luận tiêu cực với ít hoặc không có bằng chứng (“sếp của tôi nghĩ rằng tôi không đủ năng lực”) và nghi ngờ khả năng đối phó với các tác nhân gây căng thẳng của họ (“Tôi sẽ rất thất vọng nếu tôi không được thăng chức”). Để đánh giá lại những suy nghĩ tiêu cực, hãy coi chúng như giả thuyết thay vì sự thật và xem xét các khả năng khác. Thường xuyên thực hành kỹ năng này có thể giúp mọi người giảm bớt cảm xúc tiêu cực trước các tác nhân gây căng thẳng.
Hậu Tết âm, mọi người thường có tâm lý uể oải, chưa sẵn sàng quay trở lại công việc. Hãy tham khảo bài viết trên để chuẩn bị cho mình một năm mới tràn đầy năng lượng tích cực và chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề căng thẳng môi trường công sở nhé.
Người viết và phiên dịch: Hương Ly
・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・・
Kết nối với Viet Fellows Around Globe qua các kênh sau nhé:
► Youtube: https://bit.ly/3mJfw4C
Để lại lời nhắn, phản hồi hay bất kì câu hỏi cho bọn mình tại [email protected]
#VietFellowsAroundGlobe #ngườiViệttrêntoàncầu #pháttriểnbảnthân