O2O - Cuộc chiến đa nền tảng
Các thương hiệu giờ đây phải "chiến" nhau trên nhiều mặt trận hơn
Tại Việt Nam, có rất nhiều khách hàng tìm kiếm sản phẩm nhưng lại không đặt hàng online trên website. Thay vào đó, họ đến tận cửa hàng để xem và sẽ thanh toán tại đây nếu thấy “ưng ý” với sản phẩm đó hoặc sản phẩm thay thế khác. Bởi vậy, doanh số cửa hàng luôn cao hơn dù quảng cáo online mới là yếu tố thúc đẩy khách hàng ghé đến. Và đây chính là nguyên nhân xu hướng Marketing O2O xuất hiện.
O2O (Online to Offline) Marketing là gì?
Đây là mô hình tiếp thị từ Online đến Offline với cách thức thu hút khách hàng, tạo ra nhận thức về sản phẩm trên các kênh trực tuyến như: email, website, Facebook, Zalo và các trang thương mại điện tử,... để lôi kéo những khách hàng tiềm năng đến với cửa hàng thực tế của thương hiệu và mua sản phẩm.
Là mô hình marketing được ứng dụng nhiều trong những năm gần đây, có thể thấy rằng O2O mang lại giá trị cho khách hàng bằng sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và tận hưởng những lợi ích từ việc giảm giá, tích điểm hoặc khuyến mãi tại cửa hàng sau khi trải nghiệm tìm hiểu sản phẩm trên kênh online. Bởi vậy, khả năng đem lại lợi nhuận khi sử dụng hình thức tiếp thị này khá lớn do khả năng khách mua sản phẩm tại cửa hàng cực kì cao, tăng cơ hội bán thêm (Upsell) hoặc bán chéo (Cross Sell) các sản phẩm khác.
Lợi ích chính mà O2O Marketing đem lại cho doanh nghiệp
Kiểm soát ngân sách quảng cáo: Biết chính xác kênh nào mang lại hiệu quả cao nhất, bạn có thể kiểm soát và tối ưu ngân sách cho từng kênh;
Hiểu rõ hơn hành vi khách hàng: Không còn trạng thái "đã đặt hàng"/"đã huỷ đơn" trên báo cáo mà là sự chi tiết: Khách hàng đến từ đâu?; Truy cập bao nhiêu trang?; Ngày nào - Giờ nào?; Tại sao đặt hàng, tại sao huỷ đơn?; Đến cửa hàng lúc mấy giờ, mua những sản phẩm gì?;...
Thu thập dữ liệu khách hàng: Ghi nhận hành vi khách hàng từ lúc họ xem quảng cáo, truy cập website của bạn, hành động trên website... Từ đó truy xuất nguồn truy cập và hiểu hơn về mong muốn của khách hàng.
Xu hướng O2O biểu hiện tại Việt Nam
Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng mô hình O2O. Đầu tiên là thói quen sử dụng internet để tìm kiếm thông tin về các sản phẩm và dịch vụ trước khi quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt đã được duy trì từ rất lâu trở lại đây. Thêm vào đó, do có tâm lý e ngại về chất lượng hàng hóa nên người tiêu dùng sẽ luôn muốn trực tiếp chạm và trải nghiệm sản phẩm. Bởi vậy, khi việc mua sắm được thực hiện bằng cách tìm kiếm thông tin trên internet sau đó đến các cửa hàng để mua sản phẩm hoặc cho phép khách hàng đổi trả sản phẩm đã mua trực tuyến tại các cửa hàng thực tế nếu sản phẩm không đạt chất lượng hoặc xuất hiện lỗi do nhà sản xuất hay do quá trình vận chuyển thì khách hàng sẽ không còn lo ngại về chất lượng sản phẩm nữa và cũng có trải nghiệm mua sắm tốt hơn với doanh nghiệp.
Tiếp theo, thương mại điện tử tại Việt Nam đang rất phát triển. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cũng đã đẩy nhanh khả năng tăng tốc của thương mại điện tử, khi mà một bộ phận người tiêu dùng hạn chế mua sắm trực tiếp và chuyển sang mua sắm trực tuyến để tuân thủ giãn cách xã hội, đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, mô hình O2O vẫn sẽ được áp dụng thuận lợi trong tương lai bởi các trang thương mại điện tử cũng có thể trở thành một kênh quảng bá, tạo điều kiện cho khách hàng có dịp so sánh, tham khảo các đánh giá nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí hơn trước khi đến cửa hàng chọn mua sản phẩm.
Ngoài ra, người tiêu dùng Việt yêu thích công nghệ, tìm hiểu sản phẩm qua mạng nhưng vẫn có phần ưu ái phương thức mua trực tiếp, nhất là với những sản phẩm có giá trị cao như đồ công nghệ, xe máy, ôtô, bất động sản. Thậm chí, với mỹ phẩm và thời trang, dù là mặt hàng kinh doanh online rất sôi động nhưng với nhiều người tiêu dùng kỹ tính và quan trọng trải nghiệm hoàn hảo của chất liệu, kiểu dáng, tông màu thực,… thì việc xem mẫu trực tuyến và thử mẫu trực tiếp là không hiếm.
Vậy, nhìn chung sử dụng mô hình O2O trong marketing là một hướng đi chắc chắn khó bỏ qua trong ngành F&B, làm đẹp, chăm sóc cá nhân hay thậm chí là ngành du lịch trải nghiệm,... Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, bài toán cụ thể cần giải với từng trường hợp, nhằm áp dụng thành công O2O sẽ không hề đơn giản. Và một trong những yếu tố quyết định thành bại có thể sẽ chính là “công nghệ” - một phương tiện có thể giúp doanh nghiệp quản lý nhiều kênh bán hàng cùng lúc (không chỉ tại cửa hàng mà còn trên môi trường trực tuyến). Nếu trước khi triển khai mô hình marketing O2O doanh nghiệp có thể tìm ra đáp án cho câu hỏi: “Làm thế nào để khiến quá trình kinh doanh trực tuyến hiệu quả hơn nhờ tận dụng được những công nghệ tiên tiến trên thị trường?” thì chặng đường ấy chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Kết luận
Đại dịch Covid-19 trở thành chất xúc tác giúp thương mại điện tử lên ngôi nhưng có một sự thật rằng, kênh bán hàng trực tiếp vẫn sẽ luôn là trụ cột của hầu hết doanh nghiệp, cũng như là phương thức mua sắm phổ biến nhất của người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là xu hướng marketing O2O sẽ luôn phát triển và tiếp tục cho thấy nhiều tiềm năng trong hoạt động bán hàng đa kênh. Vậy, doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng tiếp cận với mô hình này chưa?
Đôi nét về Việt Tương Tác
Việt Tương Tác là một creative agency chuyên tư vấn và triển khai các giải pháp công nghệ tương tác. Chúng tôi tự tin với khả năng tư vấn giải pháp công nghệ và kinh nghiệm lâu năm trong ngành sẽ giúp các thương hiệu xây dựng và sáng tạo nên các chiến dịch truyền thông hiện đại, độc đáo và hiệu quả.
Xem thêm nhiều thông tin về công nghệ tại:
Facebook: Việt Tương Tác
LinkedIn: Việt Tương Tác
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất