Xu hướng Digital Supply Chain Transformation – Cơ hội nào cho bạn?
Bài viết gốc: Xu hướng Digital Supply Chain Transformation — Cơ hội nào cho bạn? Trong khoảng thời gian những năm gần đây, Digital...
Trong khoảng thời gian những năm gần đây, Digital Transformation (chuyển đổi số) đang dần trở thành xu hướng và được áp dụng vào rất nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt đối với Supply Chain - một ngành nghề vốn rất nhạy cảm trước những biến động về công nghệ, Digital transformation đã tạo ra một bước đột phá lớn không chỉ với những công ty, doanh nghiệp trong ngành mà còn là những cơ hội, thách thức cho những bạn trẻ đam mê Supply Chain Management.
Vậy chúng ta cần chuẩn bị hành trang như thế nào để đón đầu xu hướng và bứt phá trong hành trình sự nghiệp?
------------
Khái niệm Digital Supply Chain Transformation
Theo McKinsey, Digital Supply Chain Transformation (chuyển đổi số chuỗi cung ứng) là việc thiết lập tầm nhìn về cách các ứng dụng kỹ thuật số có thể cải thiện mức độ dịch vụ, chi phí, tính linh hoạt và tồn kho cũng như các thay đổi về quy trình và việc sử dụng các công nghệ để vận hành các hoạt động tối ưu nhất.
Tình hình của Digital Supply Chain Transformation
Digital Transformation đã được áp dụng vào Supply Chain từ năm 2010 tại các nước phát triển. Ngày nay, chuyển đổi số vẫn đang không ngừng tăng trưởng tại những nước phát triển và bắt đầu nở rộ tại những nước đang phát triển. Các chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - US) chỉ ra rằng việc áp dụng chuyển đổi số vào chuỗi cung ứng giúp giảm đến 50% chi phí quy trình và tăng doanh thu lên 20%. Chính vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp đang bước vào một cuộc đua khốc liệt trong thời kỳ chuyển đổi số với dự đoán chi phí dành cho các công nghệ chuyển đổi sẽ vượt mốc 2 nghìn tỷ vào năm 2021.
Bên cạnh đó, với tình hình diễn biến khôn lường của đại dịch Covid trong 2 năm trở lại đây đã tạo ra một thử thách vô cùng lớn đối với ngành Supply Chain. Tuy nhiên, kết quả một cuộc khảo sát của Ernst & Young LLP (EY US) cho thấy sự thay đổi của các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ trong các chuỗi cung ứng để trở nên linh hoạt hơn trong việc hợp tác và kết nối với khách hàng cũng như nhà cung cấp và các bên liên quan khác. Để làm được điều đó, họ phải tăng cường đầu tư vào các công nghệ chuỗi cung ứng như AI và tự động hóa quy trình bằng robot,... Hay nói cách khác, đại dịch Covid đã gián tiếp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành logistics trong những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics… Trong các doanh nghiệp logistics có quy mô vừa và nhỏ có đến 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.(Nguồn: tapchitaichinh.vn)
Dù tình hình dịch bệnh không diễn biến quá phức tạp so với nhiều nước trên thế giới nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các quy định về cách ly, giãn cách xã hội mà có những thời điểm, toàn bộ hoạt động chuỗi cung ứng ở Việt Nam gần như bị tê liệt. Trước áp lực của dịch Covid-19, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất cũng như chuỗi cung ứng sản phẩm.
Nắm bắt cơ hội, đối đầu thách thức
Thách thức
Trước những sự biến đổi không ngừng của thời đại Digital transformation, các bạn sinh viên sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?
- Tiêu chuẩn tuyển ứng viên ngày càng được nâng cao: Với sự phát triển của Digital Supply Chain, thị trường tuyển dụng thay đổi với tốc độ chóng mặt, số lượng công việc yêu cầu trình độ thấp ngày càng giảm. Thay vào đó, công ty, doanh nghiệp tìm kiếm những ứng viên với kiến thức chuyên môn về Supply Chain vững, hiểu biết về Digital Transformation, nắm chắc bộ skillset cần thiết cùng với một thái độ đúng mực. Nếu thiếu một trong những yếu tố này, bạn khó có thể gây ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng.
- Công việc có tỉ lệ đào thải rất cao: Ngay cả khi bạn đã trở thành một nhân viên làm trong ngành này, bạn cũng phải chịu sức ép và sự cạnh tranh khắc nghiệt. Một sai sót hoặc chậm trễ trong công việc có thể tiêu tốn vài trăm ngàn hay thậm chí là hàng triệu đô la của công ty bạn.
- Nguồn tài liệu về ngành không đa dạng: Là một xu hướng mới nổi trong những năm gần đây, Digital Supply Chain có rất ít nguồn thông tin và tài liệu tham khảo. Điều này gây ra một cản trở rất lớn với các bạn muốn tìm hiểu và đi đường dài với ngành nghề này do chuỗi cung ứng cần rất nhiều các kiến thức chuyên môn và yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực khá chuyên biệt. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một vài nguồn thông tin chính thống về Digital Supply Chain tại: McKinsey, EY, Supply Chain Digital để có thể trang bị cho mình những thông tin mới nhất về lĩnh vực này.
Cơ hội
Được coi là một ngành khó nhằn và có rất nhiều thách thức, nhưng Digital Supply Chain cũng mang lại cho các bạn sinh viên cơ hội bứt phá rất lớn.
- Nhu cầu nhân sự lớn: Supply Chain vốn là ngành thiếu nhân lực trầm trọng, nhất là khi tiến hành chuyển đổi số, nhu cầu đối với phân khúc nhân sự chất lượng cao ngày càng lớn. Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam dự báo trong 3 năm tới các doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ cần thêm 18.000 lao động mới và các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cũng cần trên cả triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.
- Sự đầu tư trong tìm kiếm và đào tạo nhân sự: Các doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng và bắt đầu chú trọng vào việc phát triển nhân sự trong ngành này. Theo khảo sát của EY vào năm 2020, các công ty cho rằng vấn đề nhân sự là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết thứ 2 sau vấn đề ngân sách. Họ sẵn sàng đầu tư ngân sách để thu hút và đào tạo nhân tài phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng của công ty.
- Cơ hội nghề nghiệp rộng mở: Nhân sự làm trong Digital Supply Chain có thể trải nghiệm nhiều vị trí công việc khác nhau từ các công ty startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ đến những tập đoàn đa quốc gia với nhiều vị trí nghề nghiệp. Trên thực tế, từ sản xuất đến vận tải, quản lý chuỗi cung ứng liên quan mật thiết đến rất nhiều lĩnh vực kinh doanh. Bạn có thể tham khảo những vị trí nghề nghiệp nổi bật trong ngành tại đây.
Chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng bứt phá
Để có thể đón đầu những xu hướng, cơ hội đến từ chuyển đổi số chuỗi cung ứng, bạn sẽ phải chuẩn bị một hành trang đầy đủ để có thể trở thành một ứng viên tiềm năng trong mắt những nhà tuyển dụng.
- Nắm vững kỹ năng và kiến thức cần thiết về ngày Supply Chain truyền thống: Để có thể bắt kịp với những thay đổi của thị trường, việc thông thạo những kỹ năng và kiến thức cơ bản vô cùng quan trọng. Chúng sẽ là tiền đề, nền tảng vững chắc giúp bạn dễ dàng phát triển và nắm bắt được những xu hướng mới. Một cuộc khảo sát từ cộng đồng Indago đã chỉ ra những yếu tố cần thiết để thành công trong lĩnh vực này.
- Cân bằng giữa các kỹ năng về công nghệ và kỹ năng mềm: Nhắc đến Digital Supply Chain, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những yếu tố về kỹ thuật số, cách để làm chủ được những công nghệ mới mà không hiểu rằng một người ứng viên tiềm năng cần phải biết kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố trên. Một lời khuyên dành cho những người vừa bắt đầu sự nghiệp là hãy củng cố và xây dựng các mối quan hệ. Dành thời gian để gặp gỡ và lắng nghe những người đi trước có thể lãng phí một khoảng thời gian khá dài nhưng với những mạng lưới quan hệ sẵn có, bạn có thể dễ dàng tìm được định hướng phù hợp với mục tiêu mà bản thân đang theo đuổi. Các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng cho rằng việc tạo ra một chuỗi cung ứng được kích hoạt kỹ thuật số là ưu tiên số 1 của họ, thì việc cân bằng các kỹ năng giữa các cá nhân và kỹ năng công nghệ để không bị bỏ xa, là ưu tiên số 3.
- Thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, không quá phụ thuộc những kinh nghiệm làm việc: Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng có công việc tương đối đặc thù, tuổi nghề sẽ không quyết định nhiều đến năng lực của một cá nhân. Do sự phát triển không ngừng của Digital Supply Chain, bạn phải giữ cho bản thân một tư duy cầu tiến, luôn chủ động, sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới để bắt kịp với thời đại chuyển đổi số.
-------------
Chúng mình hy vọng bạn sẽ có được một cái nhìn tổng quan về Digital Supply Chain Transformation cũng như tìm ra những hướng đi phù hợp cho sự nghiệp của mình. Hãy đón đọc những bài viết mới nhất trên trang wp.hrc.com.vn/ki-nang/ để có thể nắm bắt những xu hướng cũng như góc nhìn mới về ngành nghề nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất