Trưa nay, chị bán bánh kẹo ở chợ tôi đã kể vui lại lời của cậu con trai mới học cấp 1 của mình trong lúc dọn dẹp để chuyển đến một chợ khác bán vào buổi chiều. Chị vừa kể vừa cười, nhưng tôi thật sự không rõ phía sau nụ cười ấy chất chứa những nỗi niềm gì, vì tôi thấy mắt chị buồn lắm.
Đó là cuộc sống của những người buôn bán ở chợ, đi lúc mọi người chưa dậy và về lúc nhà nhà đã ăn uống xong xuôi, nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi bắt đầu ra chợ phụ mẹ khi học lớp 4, bây giờ đã ra trường hai năm. Thời gian tuy không quá dài, nhưng cũng đủ để tôi phần nào hiểu được cuộc sống của những tiểu thương buôn bán ở chợ ra sao.
Người ta hay dùng từ chợ búa khi muốn ám chỉ đến những người tục tĩu, thô tục, chao chát, không nhã nhặn, không hay ho. Đôi lúc tôi thấy cũng đúng thật, họ cãi nhau dữ lắm, thối nhầm tiền cũng cãi, mượn cái ghế cũng cãi, trả giá không mua càng cãi tợn. Họ cãi nhau bằng thứ ngôn ngữ tôi chưa nghe bao giờ, tôi hỏi mẹ, mẹ cấm không cho tôi nhắc đến những từ ấy nữa, sau này lớn hơn chút thì mới hiểu được thứ ngôn ngữ đó, đúng là không nên nhắc đến thật. Mà có nói chuyện bình thường thì tôi cũng tưởng họ cãi nhau, xưa còn hay giật mình, nay thì quen lắm rồi. Thỉnh thoảng tôi cũng nói chuyện “chợ búa” lại, cho vui! Trưa nào mọi người cũng xúm lại nói chuyện. Có hôm nói chuyện showbiz, tối qua bà Hằng lai trim nói cái gì, con Oanh không lo đẻ, không biết có lại đẻ thuê không. Có hôm bàn về điện ảnh, Trấn Thành ra phim mới, nghe nói kiếm được mấy trăm tỉ, tiền để đâu cho hết. Có hôm bàn luôn cả chuyện chính trị, ông bai đen lên được đó, nhìn ổng có vẻ nhẹ nhàng hơn ông trum, mà ông trum đẹp trai hơn, nhìn mập mạp, trắng trẻo. Và ti tỉ chuyện trên trời dưới đất.
Còn gì nữa không? Còn nhiều chứ. Còn có hình ảnh cô bán nước ép đắn đo có nên mua bình sữa rửa mặt 300k không, dịch này bỏ tiền ra mua sót ví quá, nhưng cái mặt bị nổi đầy mụn do bịt khẩu trang hoài thì phải làm sao?. Cô nước ép khác thì mãi không trả tiền hàng, người ta tới lấy lại hết, chiều nay không biết bán gì đây. Cô bán chè vừa múc chè vừa ngủ gật, mỗi ngày cô ngủ được 3 tiếng, không ngủ gật sao được. Có hôm bán mãi không hết đồ, tới trưa mọi người lại lần lượt đứng lên đi mời những thứ còn lại trên bàn, ế quá, có hồi bị trả xuống tận 1/3 giá. Tôi có cảm giác cái nghèo giăng ra sẵn những cái bẫy khiến cho họ luôn sợ hãi mình sẽ lạc lại về ngay chỗ ấy. Họ làm mãi, cần cù mãi, lo lắng mãi...
Không phải tự dưng mà mẹ tôi luôn muốn hai anh em tôi học hành đàng hoàng, đừng làm nghề như mẹ. Mặc dù số tiền mẹ kiếm được hằng tháng không phải nhỏ. Mẹ bảo, hồi đó nghèo quá, khổ quá mới làm, chứ không ai muốn làm cực khổ như vầy hết. Mỗi người đến với cái “nghề” này đều có những câu chuyện riêng, có người từ bỏ công việc kế toán để về bán bún, làm kế toán nhàn thật đấy, mặc đẹp thật đấy, thoải mái thật đấy, nhưng lương thì không đủ nuôi 2 mặt con với mẹ già. Có người không biết chữ, tìm mãi không được việc, vậy là nấu 1 nồi cháo vịt, bán được 1,2 tháng chuyển sang bán mỳ, rồi sang bán trứng, không biết đổi bao nhiêu bận, nhưng bây giờ cũng ổn định với quầy thịt heo.
Cuộc sống đó, công việc đó. không ít người vẫn "khi dễ" là nhàm chán, tầm thường… Nhưng mấy ai nhận ra, để sống một cuộc đời như vậy thật không dễ dàng chút nào. Trong lòng phải có bao nhiêu dũng khí, bao nhiêu nỗ lực mới có thể?