Ngày 20/5/2021
17:00
"Về nhanh đi con, đầu hẻm phong tỏa, vào không ra được nữa"
Mình vẫn đang ở văn phòng, đang ngồi chiếc ghế xe đạp của công ty và chuẩn bị tham gia một sự kiện nội bộ thì nhận tin nhắn của mẹ mình. Gọi lại cho mẹ, mình hỏi tình hình sao vậy. Ra là có ông gần nhà bị nghi nhiễm Covid, cha mình do là bạn chơi thân thiết nên được khai báo "chắc là có tiếp xúc gần, do hai đứa nó là bạn thân mà". Dân phòng đến hỏi thăm, xác nhận cha mình có nguy cơ cao là F1, dù tầm một tuần nay đôi bạn này dỗi nhau nên cũng không gặp mặt gì nhiều. Nhưng mà thôi, bạn vào mình cũng vào, mình đi cách ly luôn cho yên tâm. Nghe đến đấy mình hiểu rằng mình có thể là F2.
Mình xin phép về ngay, và tự hiểu rằng không nên tham gia vào buổi sự kiện nội bộ ở trên. Một anh trong Đội Phản ứng (là đội chuyên nhận thông tin về ca nhiễm như thế này để công ty có biện pháp ứng phó) làm việc khá nhanh nhạy, liên tục cập nhật tình hình của mình và báo gấp cho các bên liên quan.
Trên 9km từ công ty về nhà, mình cứ miên man suy nghĩ, không biết phụ huynh của mình sẽ phản ứng như thế nào với việc cách ly nữa. Mẹ mình là người hay lo lắng quá độ, qua giọng của mẹ trên điện thoại thì mình cũng hiểu là đang hoang mang, lo lắng dữ lắm rồi. Cha mình thì là một người đầy cảm xúc, lúc nào cha cũng phải ở bên mẹ mới cảm thấy an tâm, không biết nếu có phải đi cách ly thì có chịu được không. Mình nghĩ mãi. Rồi mình tưởng tượng ra những việc mình phải làm ngay khi đến nhà: trấn an mẹ mình, thuyết phục cha mình đi cách ly trong tinh thần thoải mái.
Cảm giác khi biết mình có nguy cơ lây nhiễm cho người khác đối với mình có chút buồn cười. Khi hiểu rằng mình không nên tiếp xúc với ai cả, tự dưng thấy trong lòng mình cuộn trào lên "tinh thần trách nhiệm". Cũng khó tả, nhưng thật sự là lạ.
Quả thật là đến lúc về, tất cả các hẻm ra vào nhà của người bị nghi nhiễm đã chặn kín. Công an, dân phòng đứng bao quanh, ngăn lại tất cả nỗ lực đi vào hẻm. Thấp thoáng sẽ thấy vài chiếc máy ảnh chuyên nghiệp của cánh nhà báo, cộng thêm tư thế tác nghiệp mà mình phải gọi là quá sức cố gắng. Ở khắp nơi là cảnh người đứng chắp tay sau lưng, người cầm điện thoại quay phim, người hét vào điện thoại như làm giao liên giữa chiến trường.

18:00
"Cha con là F1, phải đi cách ly tập trung đó"
Khi mình về đến nhà, có vẻ thông tin đã được giải thích rõ ràng hơn với phụ huynh của mình. Họ hiểu rằng bước tiếp theo họ phải làm gì và tại sao lại dẫn đến sự việc như vậy. Mình nhìn kĩ hơn vào  họ, cả nhà tự dưng có một khoảng lặng dài.
Mình nhìn cha mình, mình sợ ông không chấp nhận đi cách ly. Cả đời này cha luôn ở bên mẹ, tính tình thô mịch cục cằn nhờ có mẹ mềm mỏng mà thành ra không thiếu nhau được. Mẹ mình cũng vậy, cũng lo trong 21 ngày sau, thuốc thang đủ thứ làm sao không có bàn tay mẹ. 3 tuần coi vậy, mà dài phết đó.
Thế rồi cha mình cũng mở lời: Thì mình đi thôi chứ sao giờ.
Cha đứng dậy. Chống nạnh. Thở mạnh hai phát.
Mẹ im lặng.
Mình thì bất ngờ.

19:00
Hai chú dân phòng đến tận nhà mình để vận động đi lấy dịch tễ. Chắc hai chú cũng bất ngờ lắm, xóm mình không cần vận động, họ còn tự khuyến khích nhau đi lấy dịch tễ cho yên tâm. Thật ra đây cũng không phải lần đầu gia đình mình cách ly. Phải ít nhất là 2 lần cấp xóm, 4 lần cấp hộ gia đình, cứ mình đi đâu là về cách ly ngay sau đó.
Đến cảnh này thì thật ra rất buồn cười. Mọi người gõ cửa nhà nhau, rồi thay phiên nhau đi lấy dịch tễ, rồi lại cười "bị chọt chọt dô mũi muốn hắt xì quá chời". Hết nhóm này đến hết nhóm khác, từ đầu trên đến cuối ngõ, tiếng nói rôm rả khắp nơi, chẳng phải nháo nhác như mình đã tưởng.
Lấy dịch tễ
Mình về, thấy cha ngồi với mẹ. Điện thoại cứ rung liên hồi, khắp nơi gọi đến hỏi thăm, có thể thấy thông tin đi nhanh đến độ nào. Họ ngồi tỉ mẩn lựa chọn vài bộ quần áo, chuẩn bị cho 21 ngày sắp đến. Mẹ mình cũng hỏi cha những câu bình thường, kiểu như có người sắp đi du lịch nghỉ dưỡng, mang theo một ít đồ cần thiết, còn lại thì đều là dư thừa.
- Mang bàn chải nhỉ?
- Ừa mang.
- Mang thêm cái ly uống thuốc nhỉ?
- Ừa mang.
- Lấy thêm cái muỗng cà phê khuấy thuốc.
- Ừa lấy.
- Lấy thêm khẩu trang ha?
- Trong đấy dư mà.
- Vào đấy chơi gì nhỉ?
Cha mình dừng lại. Ừ, giải trí bằng gì nhỉ? Cha mình tìm qua tìm lại, cuối cùng mang theo một cái máy chơi Tetris. Cái máy này lúc mình còn nhỏ, ông mua cho mình, nhưng người ghiền chơi hơn cả là ông. Thời gian qua rồi, gần đây, mình đi tìm khắp nơi mới mang về được một cái máy Tetris. Cha hôm đấy vẻ mặt vui vẻ hớn hở như gặp lại một người bạn xưa, lòng mình cảm thấy an ủi.
Mẹ vừa gấp quần áo, vừa liên tục trả lời điện thoại của họ hàng. Mình cũng phải liên lạc cho công ty để nói gấp tình hình, đoán chắc ai từng tiếp xúc với mình gần đây đều sẽ được yêu cầu làm việc tại nhà ngay.
Mình cứ muốn ngắm nhìn giây phút này một chút. Nhìn cách cha mẹ mình phản ứng trong tình huống như thế này, thật sự bất ngờ vì không nghĩ họ có thể chấp nhận nhẹ nhàng như thế. Hay là do trước giờ mình quá lo toan cho cha mẹ mình rồi? Nghe ngược đời nhỉ, nhưng nghĩ lại thì thấy hợp lý. Mẹ mình cũng hay lo lắng quá độ về mình, bởi mẹ sợ rời xa mẹ thì mình sống không nổi cuộc sống của người trưởng thành, còn mình thì lại lo, cha mẹ bước vào thế giới số ở bên ngoài song cửa mái nhà thì phải chống chọi với "sự không quen thuộc". Khoảnh khắc đó lòng mình như ngưng đọng. Hóa ra từ bấy lâu nay, hai thế hệ đều có những nỗi sợ thầm kín cho nhau, khi cả hai phải bước vào thế giới của bên còn lại.
Cha mình cầm chiếc điện thoại Nokia 9 số, bấm bấm gì đó, đôi mắt nheo lại, có lẽ mắt đã có tật khúc xạ. Mẹ mình lại hốt hoảng. Cha mình chưa biết sử dụng điện thoại thông minh. Cả năm qua mình cứ nhắc mẹ hướng dẫn ông thử, mà mẹ cứ chần chừ mãi vì nghĩ rằng hai vợ chồng có chiếc máy của mẹ là đủ. Giờ thì khác. Dân phòng đã bắt đầu hối thúc người đi ra xe. Mình bảo thôi, ngày mai mình sẽ gửi một chiếc điện thoại vào để cha có thể video call cho hai mẹ con.
Đúng là Covid thúc đẩy xã hội phải số hóa. Lần đầu cha sử dụng điện thoại lại không phải do mình hướng dẫn.
Cha mình xách chiếc balo, đi ra khỏi nhà, bảo mẹ cứ ở nhà đi, đừng có đi theo.
Mẹ mình ậm ừ, rồi quay lại trả lời những cuộc điện thoại.

21:00
Bà nội mình đi từng bước vào hỏi thăm nhà. Nghe con trai phải đi cách ly, bà cũng không khỏi lo lắng. Kiểu lo lắng của người già, mình nhìn vừa buồn cười, vừa thấy thương thương. Bà kể chuyện ở xóm trên, ngay chỗ bị phong tỏa kín nhất, mọi người xôm xao ầm ĩ, tưởng như chả rút kinh nghiệm được gì từ lần bị phong tỏa trước.
Bà kể cách người ta đồn đoán sự tình câu chuyện, cách người ta rao tin, cách người ta đồn ầm lên rằng "ông đó dương tính luôn rồi đó" - trong khi vẫn còn là nghi nhiễm. Bà nheo nheo mắt, hít một hơi, rồi kể thêm những câu chuyện quá khứ được người ta sẵn dịp mang lên lại. Có chuyện vui, có chuyện thù ghét, như để tô đậm thêm sự liên quan giữa các nhân vật trong chuyện. Bà nội thở dài, bà cũng có nỗi sợ riêng của bà, nỗi sợ mang đậm tính thời đại. Bà sợ người ta đàm tiếu về gia đình mình.
Nói thế thôi, ở giữa một rừng thông tin như vậy vẫn có những điều khiến người ta ấm lòng. Bà nội dặn dò, nhà mình cần gì thì cứ nói, gia đình sẽ mua giúp tiếp tế cho. Ở giữa chỗ phong tỏa, mọi người bắt đầu hỏi nhau ngày mai ăn gì, cần bổ sung thêm thứ gì. Giống như bao nhiêu buổi tối trằn trọc khác, mình cũng không biết sáng mai ăn gì.
"Báo chí nhanh thật đó, mới đây đã thấy ổng trên báo rồi nè" - mẹ mình giơ điện thoại cho nội xem. Nội lại nheo nheo mắt, chạm ngón tay vào màn hình ngay chỗ con trai mình.

23:00
Mẹ bảo vừa gọi cho cha. Cha được cách ly ở một bệnh viện gần đó, mỗi ngày ở một phòng riêng biệt, không ai tiếp xúc ai cả. Mỗi người đóng một khoản tiền cho 21 ngày cách ly, âu cũng hợp lý. Đêm nay cha ngủ một mình rồi. Mình cười chọc mẹ, đoán xem bao nhiêu ngày thì cha sẽ bắt đầu nhớ mẹ con mình, lại xúc động các thứ.
Mẹ gật gù, rồi mẹ thở dài.
Mẹ nói với mình, tất cả đồng nghiệp công nhân với cha đều cũng phải cách ly, coi như 21 ngày tiếp theo sẽ không đi làm. Cha cũng không biết chính sách của công ty như thế nào, có hỗ trợ không, có trừ lương không, chưa ai thông báo. Mọi người chỉ biết cả một nhóm công nhân sẽ không đi làm, rất nhiều quán ăn gia đình sẽ không được mở, vài tiệm tạp hóa tạm thời không nhận hàng. Ở ngoài kia, sẽ có một nhóm công nhân khác phải làm gấp đôi công việc, và sẽ có nhiều con đường ở quận này sẽ được quét dọn chậm hơn một chút.
Trời đổ mưa. Ừ thì cũng đúng, bữa giờ trời Sài Gòn nóng quá.
Mình nhìn mưa đổ rào rào giữa đêm, lòng an ủi đôi chút. Nếu đêm nay cha đi làm, chắc chắn sẽ dính mưa, còn không đi làm, không biết có bị trừ lương không. Công ty cha có chính sách nhân sự kiểu cũ, có nghĩa rằng nếu còn bao nhiêu ngày phép thì sẽ chuyển thành tiền, nên cha mình nhiều năm nay luôn dè xẻng ngày nghỉ phép. 
Mong hoa chò năm nay rơi ít lại. Mong người đi đường không xả rác, vì sẽ có một nhóm người công nhân sẽ vất vả dọn chúng, vào những đêm mưa mùa tháng Năm.
Mình choàng chăn, đeo tai nghe. Ngủ thì không được, nhưng cũng không muốn nghe thêm tiếng điện thoại của mẹ réo liên hồi cả đêm.
Thái An.