Chiều lấy điện thoại ra đánh cờ vua online. Mặc cho bao bộn bề công việc, bao lo toan ùn ứ trong đầu. Ván đầu, thua. Thua do quá háo thắng, xua quân ra trận bỏ vua một mình. Ván thứ hai, thắng. Thắng vì đối thủ mắc quá nhiều sai lầm cốt tử. Ván thứ ba, thua. Lại thua trong kịch bản cũ. Ván thứ tư, hòa. Sau hai lần đánh tấn công bị dính hồi mã thương, nhụt chí, không dám mạo hiểm, chỉ đánh cầm chừng mà bỏ qua bao nhiêu thời cơ lúc chung cuộc mới để ý đến.
Tôi tự hỏi, đánh nữa không? Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mắt mờ, tay mỏi. Tôi bảo mình, hay là thôi. Nhưng tôi không thôi được. Tôi không muốn bỏ ra một buổi chiều để về tay không. Mà với kết quả thế này không phải là về tay không. Đây là về tay gãy. Một thắng, một hoà, hai thua, điểm ELO cờ vua tôi khổ công săn được hôm trước giờ đã vuột khỏi tay. Tôi cần ít nhất một trận thắng để lấy lại số điểm như lúc mình ra đi, vậy mới về được.
Tôi tiếp tục. Trận này đối thủ của tôi chơi chắc chắn, không mắc sai lầm, nhưng tôi đã chơi hay đột xuất, thí xe, thí mã để dồn ép anh ta vào thế cùng đường. Chỉ cách chiến thắng một chút nữa, tôi vui mừng trong bụng, đánh thật nhanh. Ai ngờ, nước tiếp theo tôi để mất hậu. Chân tay bải hoải, tôi nhìn đối thủ lật ngược tình thế, dồn ép lại mình. Tôi gắng gượng phản công thêm vài đòn. Quân của tôi dường như cũng sức cùng lực kiệt, rơi rụng dần khỏi chiến địa như cái cách chủ nhân của chúng chỉ huy. Tôi thua. Giờ cần tới hai trận thắng.
Đồng hồ điểm giờ đi tắm, 5 giờ chiều. Mặt trời sắp lặn phía bên kia rặng tre sau nhà, vài vạt nắng lung lay trong gió. Gà quạt cánh gáy om vườn trên ngõ dưới, chuẩn bị kéo về chuồng. Những nhà xung quanh bắt đầu khua khoắng. Có người gọi người đi lặt rau, có người xả nước, dội nước ở một phía khác. Khói xanh lên chập chập từ ống khói một ngôi nhà nuôi heo kỳ cựu trong thôn. Nhịp sống hoàng hôn như bừng dậy từ giấc ngày bận rộn nơi đồng ruộng hay xí nghiệp. Và tôi như lọt thỏm bên ngoài nhịp sống ấy, thoáng chạnh lòng nhìn bàn cờ ngổn ngang của mình.
Pic: Piotr Makowski
Pic: Piotr Makowski
Ván thứ sáu bắt đầu. Tôi gặp một người chơi từ Ấn Độ. Anh ta (hình đại diện một người đầy râu) cầm quân đen, đi sau. Tôi mở màn với khai cuộc Ruy Lopez, bài tủ của mình. Anh chàng Ấn Độ dùng bài phòng thủ Berlin để đối phó. Lần này quyết tấn công phủ đầu để chiếm lợi thế, tôi đẩy hàng tốt lên cao từ sớm. Mã kiểm soát trung tâm, tượng kiểm soát đường chéo lớn, thế trận cho tôi là quá tốt, nhưng vấn đề của tôi là sau khi dàn quân thì không biết làm gì. Tôi lần lượt để anh chàng Ấn Độ đổi hết quân nhẹ và đưa vào trung cuộc, hậu và song xe đấu hậu và song xe. Vì hàng tốt của tôi đã lên quá cao, sơ hở cũng lộ ra phía sau. Anh chàng Ấn Độ luồn hậu vào bắt mất các tốt yếu của tôi, trong khi tôi đặt quân bảo vệ ở quá xa. Tôi cố gắng quay về trấn giữ hàng tốt, còn được con nào hay con nấy. Về phần đối thủ, sau khi đã hơn tôi 3 tốt, tiếp tục chiến thuật đổi quân. Anh ta thấy hậu tôi ở đâu là dí hậu anh ta vào đòi đổi ở đó, nếu tôi chịu đổi, xe anh ta sẽ xuống được phần đất tôi và yểm trợ các tốt thông tiến lên. Tôi cố tránh né đổi hậu, chờ thời cơ bắt lại tốt anh ta. Nhưng thời cơ đến với tôi lại lớn hơn thế. Đó là thời cơ bắt hậu.
Anh chàng Ấn Độ quá vội vàng đổi quân nên đã đi hậu nhầm vào cột mở có xe tôi đứng. Tôi đã không bỏ lỡ thời cơ của mình, đổi xe lấy hậu. Bây giờ thế trận là song xe đấu một hậu một xe. Dĩ nhiên bên còn hậu, là tôi, có thể thắng dễ trận chiến khi những nước còn lại không mắc sai lầm. Song, tôi chưa kịp nghĩ cách tối ưu lợi thế thì trên khung chat của trận đấu có tin nhắn.
“Tôi đã đi nhầm. Đó là một sai lầm. Chúng ta có thể hòa trận này được không?”
Tôi vừa di hậu lên tấn công tốt của anh ta, vừa bật google dịch để viết trả lời. Tôi muốn nói anh ta hãy tiếp tục chơi tới cùng, nhưng tin nhắn thứ hai của anh ta hiện lên.
“Nếu bạn thắng trận đấu này, nó sẽ không mang lại vinh dự cho bạn khi thắng một người đã đi nhầm nước.”
Mắt tôi long lên khi đọc những dòng đó, bao nhiêu bực tức cũng trỗi dậy. Tôi ăn vào tốt của anh ta, để trả lời. Bên kia, anh ta vẫn xin hòa, gần như không quan tâm trận đấu nữa, chỉ đi xe qua lại.
“Trận đấu nào không có sai lầm? Sao khi bạn ăn mất tốt của tôi vì tôi sai lầm thì bạn không đề nghị hòa? Tôi không bao giờ cầu xin ai cho mình cái gì, tôi chỉ tiếp tục chiến đấu cho tới cuối cùng. Nhưng bây giờ bạn đang cầu xin tôi từ bỏ trận đấu vì bạn đi nhầm nước? Đến Magnus Carlsen, vua cờ, cũng biết cách tận dụng sai lầm của đối thủ để chiến thắng, thì tại sao tôi không nên làm như vậy?”
Tôi viết tin nhắn và gửi. Đồng hồ vẫn chạy. Trời tối dần bên ngoài cửa sổ. Còn 3 phút để tôi đánh tiếp lượt của mình, trong khi 5 phút là thời gian đối thủ của tôi còn. Tôi nhìn chằm chằm vào khung chat, nghiến răng, chờ đợi, và không nghĩ được gì về những nước đi kế tiếp. Người tôi bức bối một nỗi khó chịu. Nóng và nóng. Đầu óc như trong một cơn sốt. Đằng sau bàn cờ kia là một người đã thua liên tiếp 10 trận cờ. Là một kẻ dẻo miệng và giỏi mị dân để đạt được mục đích của mình. Là một ông già vừa mới học chơi cờ từ sáng hôm nay. Là một đứa nhỏ chưa trải qua nhiều trận thua và nhiều loại đối thủ. Là một cô gái giả đàn ông để ôm mộng làm vua cờ ở xứ trọng nam khinh nữ. Là một thiên tài chơi cờ đã kinh qua hàng chục ngàn trận đấu mà không mắc một sai lầm nào. Tất cả những tưởng tượng đó xuất hiện độc lập rồi trộn lẫn vào nhau, rồi lại tách ra liên tục, trong tâm trí tôi.
“Magnus Carlsen sẽ không xem đây là một chiến thắng. Nếu tôi có thể hòa trận này, tôi sẽ cảm nhận được tình người từ bạn.” Đối thủ của tôi viết.
Tôi quay về thực tại, tiếng tích tắc của đồng hồ kêu đều đều bên tai. Nắng đã hoàn toàn tắt, bên ngoài chỉ còn một ánh sáng nhờ nhờ của chạng vạng, lúc mặt trời đang nằm trên đường chân trời. Tôi buông tay khỏi quân hậu.
“Nếu bạn cần chiến thắng đến như vậy, tôi sẽ tặng nó cho bạn. Nhưng sau này bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của chiến thắng.”
Tôi nhắn tin vào khung chat và nhấn nút đầu hàng. 8 điểm ELO của tôi chuyển sang cho đối thủ người Ấn Độ.
Tôi gục mặt xuống sàn nhà, run lên, tức giận, bẽ bàng, hổ thẹn. Tôi thấy mình mới là người cần chiến thắng tới mức bất chấp. Tôi mới là người đã cầu xin. Tôi mới là người đã đánh cờ với tôi. Tôi mới là những nhân vật trong trí tưởng tượng của mình. Hình ảnh cuộc đời tôi chiếu ra trước mắt.
Cậu bé 10 tuổi ngày nào đi dự lớp học, vì không xin thêm bánh hạt điều được phát miễn phí trong lớp nên đã được khen. Nhìn kìa, mấy đứa trẻ khác thì ăn chưa hết, giấu vào cặp rồi xin tiếp, nhưng nó thì không. Nhìn kìa, nó chỉ ăn vài miếng, để dành nguyên bịch để đem về cho cả nhà ăn. Nhìn kìa, đồ có ngon có quý tới đâu nó cũng không màng, không tham lam. Những lời nói, những nụ cười, những cái vuốt đầu vô tình làm nó sống như bịch bánh hạt điều.
Nó 12 tuổi, họ hàng bày nó xin laptop khi gặp những người từ thiện tới nhà. “Nhà mày nghèo, mày tật bệnh mà ham học, thấy hoàn cảnh khó khăn vậy ai không giúp!”. Nó không xin. Thích laptop nhưng nó thích mình là bịch bánh hạt điều hơn.
Nó 15 tuổi, họ hàng lại bày nó xin cái xe lăn. “Chẳng lẽ mày không thích có xe để đi ra ngoài chơi. Cái gì thì khó chứ xe lăn có bao nhiêu đồng mà không dám xin!”. Nó vẫn không xin. Nó cũng thích ra ngoài đi chơi, nhưng là một bịch bánh hạt điều thì tốt hơn.
Nó 18 tuổi, muốn mua cái gì, nó để dành tiền lì xì mà mua. Nếu nó mua rồi mà người ta cho tiền nó để xem như mua tặng nó, nó sẽ trằn trọc bức bối cả ngày, quyết tâm làm mọi cách trả nợ.
Nó 21 tuổi, chưa một lần tỏ tình với người mình yêu và xin cho một cơ hội sau bao nhiêu năm chờ đợi, vì nó sợ mình không còn là một bịch bánh hạt điều nữa. Dẫu vậy nó vẫn âm thầm hy vọng.
Nó 22 tuổi, đi tìm lý tưởng, tìm ước mơ, tìm lẽ sống trong học hành, công việc, ngày, đêm. Tìm không thấy nhưng không biết xin ai để tìm thấy được. Dù có muốn từ bỏ là một bịch bánh hạt điều, nó cũng không thể. Chật vật, mệt mỏi, nó tiếp tục nhìn về phía trước và kiên trì bước. Một ngày kia, đánh một ván cờ, nó nhìn lại cả một chặng đường phía sau lưng, oà lên như đứa trẻ. Bịch bánh hạt điều năm xưa, nó đã không xin thêm, cũng không ăn hết, không giữ riêng cho mình. Vì nó mê lớp học mà quên mất bịch bánh đấy thôi.