Em à! Xin đừng tung hô tôi, Vì tôi là con người, tôi có mặt trái, tôi không hoàn hảo. Xin đừng thần tượng tôi Vì tôi kiêu ngạo, nhưng tôi ao ước được người khác sửa dạy hơn. Xin đừng tôn vinh tôi Vì em sẽ lạc lối. Xin đừng... (Thơ con cóc).
Về việc đám đông tôn vinh: có thể xét đến những ví dụ gần đây:
Vụ cô M.T dạy vật lý.
Vụ thần tượng J* làm bạn gái mang thai rồi chối.
Đến vụ người hùng đỡ cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12, tên M.
Hoặc người bán rau tên Minh, sạp rau Minh Râu.
Và những cây viết trên Spiderum đang đánh nhau chan chát.
Thần tượng người khác làm hại họ nhiều hơn. Có lẽ, đám đông thần tượng và tôn vinh một ai đó, vì họ khao khát hướng tới một phiên bản hoàn hảo hơn họ chăng? Nhưng việc này dễ vướng vào "Hiệu ứng hào quang": Một người giỏi giang về một khía cạnh nào đó làm ta hiểu nhầm họ cũng tuyệt vời ở tất cả các khía cạnh đó.
Chúng ta thấy cô M.T xinh đẹp, duyên dáng dạy vật lý, chúng ta cũng tự động cho rằng cô đúng là một nhà giáo thật sự, chúng ta tự ảo tưởng và gắn mác "Cô giáo" cho họ, và khi họ không đáp ứng được, chúng ta quay ra chửi bới và quên lãng. Có lẽ, chính chúng ta mới làm hại cuộc đời cô M.T bằng cách tôn vinh cô.
Cũng giống như vậy, chúng ta tôn vinh anh M. vì đỡ được cháu bé rơi từ tầng 12, và tôn vinh anh như một anh hùng "Vì có tác động một cách trực tiếp vào kết quả là cứu được cháu bé". Nhưng khi một số người chỉ ra anh đỡ hụt, và cháu bé sống nhờ may mắn, làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt. Điều này, cuối cùng làm chính người "Anh hùng" mà chúng ta tự tôn lên, phải đau khổ lên mạng đính chính lại "Tôi thật sự đã đỡ hụt cháu". Đối với cá nhân, đó là một sự xấu hổ vì dường như mình quá tham vọng. Đối với cộng đồng, đó là một sự thất vọng vì người "Anh hùng", thật ra không như mình nghĩ.
Hoặc như vụ thần tượng J* gần đây nhất: Một nhóm Fandom cuồng nộ ủng hộ thần tượng bất chấp. Ẩn đằng sau này là nỗi sợ. Fandom họ sợ việc thần tượng của họ hóa ra chỉ là một thằng cha có chút tài năng (Và nhiều tật xấu), thế nên thà họ cố gắng vớt vát cho thần tượng, còn hơn là tự chôn vùi niềm tin mù quáng của họ.
Cũng giống như những cây bút của Spiderum luôn có một nhóm nhỏ những độc giả thần tượng quá khích (Mà những người còn lại gọi bằng cái tên có phần mỉa mai: "Con nhang"). Việc thần tượng này, hóa ra lại làm hại những cây viết đó, trong việc tìm ra Sự thật. Vì sao vậy? "Đồng với ta, cho ta là phải. Không đồng với ta, cho ta là trái". Những ý kiến trái chiều luôn có chỗ đứng của nó trong việc bảo vệ, hoặc công kích ý kiến chủ lưu, làm nó không trở nên giáo điều và phiến diện. Trớ trêu thay, việc mù quáng công kích vào những ý kiến trái chiều đó làm những "Con nhang" cảm thấy "Mình đang bảo vệ thần tượng, mình có thể được yêu thương", nhưng lại làm những cây viết xa rời Sự thật. Không có phê phán thì không có tiến hóa về nhận thức.
Vậy phải làm thế nào bây giờ? Là "Hủy mình", tức là hủy cái bản ngã của mình, vì muốn tốt cho người khác, cũng là tốt cho mình.
"Có lờ để bắt cá, Đặng cá, hãy quên lờ. Có dò để bắt thỏ, Đặng thỏ, hãy quên dò. Có lời để tỏ ý, Đặng ý, hãy quên lời. Ta làm sao tìm đặng kẻ biết quên lời, để cùng nhau đàm luận". (Trang tử) "Một ngày kia, Phật chỉ trăng, bảo các đệ tử: “Kia là mặt trăng: cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy. Nhưng, nên nhớ: ngón tay ta không phải là trăng. Những lời ta giảng về Đạo cũng vậy: các con cứ nghe theo lời ta giảng mà tìm Đạo. Nhưng, nên nhớ: lời giảng của ta không phải là Đạo.” (Thuật xử thế của người xưa - Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Có lẽ, sạp rau Minh Râu đã lờ mờ nhận thức được điều này.
Minh Râu
Minh Râu
"Nhưng cô cũng đừng nghĩ tui là người tốt. Tui có vấp ngã, sai lầm và cũng có những lý do cá nhân cho những việc mình làm". "Nhưng làm rồi mới thấy thật hạnh phúc, hóa ra làm cho người khác vui mà cũng có thể khiến mình vui như vầy. Nên không biết là tui giúp người ta hay người ta giúp tui nữa". "Hãy viết về tui như một kẻ giang hồ, chứ đừng ca ngợi tui những gì tui không có. Nhưng tui phiền lòng lắm vì hầu như bài báo nào họ cũng ca ngợi tui hết lời. Tui nghĩ nó chỉ đúng 50-60% sự thật thôi. Nên nếu cô viết về tui thì phải tả tui thật đúng nhé". (Báo Dân trí).
"Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh".
"Bởi vì không tranh nên thiên hạ không sao tranh được". Minh Râu trả lời phỏng vấn như vậy, không phải giả tạo, mà thật sự họ cảm thấy như vậy. Ta giả sử nếu anh M. có thể trả lời dũng cảm với truyền thông ngay từ đầu: "Thật ra tôi chỉ là một người thường qua đường, tôi đỡ hụt, nhưng may mắn là cháu bé còn sống", như vậy có phải vẹn cả đôi đường không? Đó là nguyên tắc khôn ngoan.
Những người "Hiểu mình", nhìn được chính xác những điểm yếu của bản thân , né tránh sự tôn vinh của đám đông, sẽ luôn có một cuộc sống lạc quan hạnh phúc, và tiến gần đến Sự thật.
Xin đừng tôn vinh, nếu ta muốn tốt cho họ, và cả cho ta nữa.
Ta cứ giữ trong lòng, và cầu nguyện để họ luôn giữ được tính khách quan trong cuộc sống, mà không bị tác động bởi đám đông.