Xin đừng giẫm lên cỏ!
Những ngọn cỏ, cành cây còn cần được bảo vệ, vậy tại sao chúng ta lại cho phép ai đó hay chính bản thân làm tổn thương tâm hồn mình?
Theo báo cáo của Unicef năm 2018, cứ 10 người thì sẽ có 1 người cần được chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Nhưng thực tế tại phần lớn các quốc gia, báo cáo này cũng chỉ ra: chưa đến 2% ngân sách ý tế của đất nước dành cho cải thiện sức khoẻ tinh thần cho người dân.
Không phải ai cũng có một tuổi thơ hạnh phúc, bình yên. Nó cũng có thể là những tháng ngày đau khổ để khi nhớ về, chỉ một cảm xúc được gọi tên: đau buồn.
Chị đã từng trải qua những năm tháng ấy trong nước mắt và đòn roi. Một mình chị vừa chăm em, vừa gánh nước vừa bị ba đánh. Chị không thể quên những đêm cả nhà bị rượt đuổi, phải chạy sang nhà hàng xóm xin trú mưa nhờ.
Rồi chị lấy chồng, sinh con. Sau 40 năm cuộc sống chị giờ đây đã khá hơn. Vì tuổi thơ cơ cực, chị hay bị đau lưng, đau dạ dày và bị hẹp van tim. Cứ vài tháng chị lại vào Sài Gòn để khám và điều trị. Nhưng có một vết thương chị lại không bao giờ chịu chữa: đó là nỗi đau tinh thần. Mỗi khi nhắc về thời gian ấy chị đều khóc, đêm chị vẫn gặp ác mộng khi mơ về những tháng ngày cực khổ ấy.
Chị bỏ tiền, bỏ công sức và thời gian để chữa cho cơ thể mình, nhưng tinh thần chị cũng đang héo úa, đau rát vì vết thương năm xưa. Chị bỏ mặc nó. Chẳng ai dạy chị những tổn thương tinh thần cũng cần được chữa lành.
Chẳng phải nó cũng là một vết thương cần được quan tâm và lắng nghe sao? Tại sao chúng ta có thể tìm gặp bác sĩ, bệnh viện đễ chẩn đoán, chữa trị cho những cơn đau thể chất, nhưng lại dễ dàng bỏ qua những tổn thương trong chính tâm hồn mình?
Nếu bạn xem nhẹ, né tránh hay phớt lờ nó, sẽ tới một lúc vết thương ấy sẽ len lỏi, gặm nhấm khắp tâm hồn, làm cho bạn mệt mỏi, chán chường và không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Vết thương ấy cũng sẽ lan tới khắp cơ thể, gây nên các cơn đau đầu, đau dạ dày vì lo nghĩ, hay cơn đau tim vì bạn phải sống trong lo sợ, hồi hộp.
Khi đại dịch Covid ngày càng bùng phát, chúng ta càng nên chăm sóc, tưới tẳm cho tâm hồn và thể chất của mình.
Chỉ khi bạn thật sự khoẻ từ bên trong mới có thể giúp đỡ, lan toả yêu thương tới những người xung quanh.