Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần - Ca dao

Vài con số về tình hình lương thực thế giới

Từ ngày 16-20 tháng 10 năm 2023, hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về lương thực đã được diễn ra ở thành phố Rome.
Với tư cách một thính giả truyền hình bình thường, tôi chỉ biết đến nội dung của hội nghị thông qua vài cụm tin ngắn mang tính thời sự và "giật gân". Mở đầu bài phát biểu tại hội nghị Rome 2023, tổng thư ký LHQ António Guterres đã đưa ra những con số thống kê hết sức giật mình.
Hiện nay hơn 780 triệu người trên toàn thế giới đang đối diện với tình trạng thiếu lương thực cùng cực hàng ngày. Trong khi đó 30% lượng lương thực của thế giới đang bị lãng phí.
Với hiểu biết cơ bản về nhân khẩu học thế giới, những con số được tổng thư ký LHQ đưa ra đã chỉ ra một thực tế rõ ràng rằng nạn đói cục bộ trên thế giới là một khủng hoảng giả tạo của chuỗi phân bố lương thực.
Với những dữ liệu tôi tìm được, công thêm với hiểu biết cá nhân của bản thân, tôi đi đến một kết luận rằng, tình hình nghịch lý trên chưa thực sự có được một sự cải thiện căn bản nào trong gần hai mươi năm qua. Phần lương thực bị lãng phí vẫn luôn nằm quanh mức 1/3 số lượng được sản xuất, còn số người bị cái đói tra tấn tinh thần cũng như thể xác có lẽ vẫn chỉ nằm ở những người "muôn năm cũ."
Tôi sẽ không "tiêu cực hóa" trường luận lý của mình bằng cách bổ sung thêm các dữ liệu, dự báo về nhân khẩu học, biến đổi môi trường (cụ thể ở đây là sự suy giảm nước ngọt sạch và diện tích đất canh tác). Tôi tin rằng với sự tò mò vừa lóe lên trong đầu cùng với vài thao tác tra cứu căn bản, rất nhiều người trong các bạn sẽ thấy một bức tranh ảm đạm hơn.

Bát sạch - chuyện lịch sử

"Хлеб - святой"

Tôi đã được nghe một người Nga trung niên nói rằng: "Хлеб - святой", dịch ra tiếng Việt là: "Bánh mỳ là vật linh thiêng". Tại đất nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới là Nga, người ta thực sự quan niệm như vậy.
Khẩu phần bánh mỳ tại thành phố Leningrad huyền thoại
Khẩu phần bánh mỳ tại thành phố Leningrad huyền thoại
Tôi thử lý giải cho vấn đề này bằng những hiểu biết của mình về thế chiến thứ hai. Nói về lương thực và thế chiến thứ hai, không thể không nói đến khẩu phần bánh mỳ pha xenlulozo huyền thoại tại thành phố mang tên lãnh tụ Lenin - Leningrad (hay Saint - Peterburg ngày nay).
Trong hoàn cảnh kệt quệ về nguồn cung, mỗi ngày 1 một người tại thành phố Leningrad chỉ được cấp 125 gram bánh mỳ. Những phi công chiến đấu được ưu ái hơn với khẩu phần 500 gram/ngày.
Giả định rằng với mỗi một gram tinh bột được oxy hóa hoàn toàn, cơ thể con người thu được 4 Kcal năng lượng, như vậy với khẩu phần 125 gram bánh mỳ sẽ cung cấp 500 Kcal/ngày. Con số này là quá ít khi so sánh với nhu cầu 1800 - 2200 Kcal mỗi ngày của một người trưởng thành.
Với mức hao hụt calories giả định là 1500 Kcal một ngày, và dự trữ calories cơ bản của một người trưởng thành khỏe mạnh là 30.000 Kcal, tính toán cơ bản sẽ cho ta thấy rằng một người với khẩu phần 125 gram bánh mỳ một ngày mức calories của cơ thể sẽ về 0 sau 20 ngày. Tất nhiên là trong thực tế lịch sử, con số 125 gram không xuất hiện ngay lập tức mà là một quá trình nối dài từ con số 800 đến 600, 200... Thế nhưng càng phải nhớ rằng cuộc vây hãm thành phố Leningrad đã diễn ra trong liên tục gần 900 ngày, và một sự thật rằng trong 125 gram bánh mỳ kia có chứa rất nhiều gỗ mùn cưa!
"Trong những ngày tháng đó, bà của tôi đã phải ăn con mèo của mình!"
Nếu bạn hiểu biết về văn hóa nuôi mèo tại Nga, bạn biết rằng để được sống, con người ta đã phải đưa ra một quyết định khó khăn đến mức nào.
Với một vài luận điểm như vậy, tôi đã thấy được câu chuyện lịch sử sâu sa đằng sau câu nói :"Bánh mỳ là vật linh thiêng".

Tôi là một người con Thái Bình

Tôi là một người con sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình, vì vậy tôi có thể có nhiều tự tin khi nói về chuyện lúa gạo.
Nhiều cuốn sách lịch sử đã công nhận rằng Thái Bình là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất bởi nạn đói năm 1945. Số liệu nghiên cứu trong cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử của GS Văn Tạo thống kê: "Riêng tỉnh Thái Bình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban lịch sử tỉnh điều tra, con số tương đối sát thực tế là cả tỉnh chết đói mất 280.000 người" (tức khoảng 25% dân số toàn tỉnh khi đó). Tôi cũng có cho mình những dẫn chứng sinh động hơn từ các tiết học lịch sử tại "trường làng".
Năm 1945 có rất nhiều chuột chạy ngoài đường. Mới đầu, chuột còn có cái ăn, chạy rất nhanh. Nhưng rồi cũng như người, chuột bị đói, chạy chậm. Lúc đó có thể bắt chuột bằng tay không và ăn sống.
Có những làng hơn mấy trăm đầu đinh chết đói hết cả. Có một dòng họ hơn ba chục người cuối cùng chỉ còn một ông cụ còn sống sau nạn đói
Như bao nhiêu câu chuyện lịch sử khác, nếu các bạn muốn đào sâu vào chi tiết, một sự chính xác cụ thể và "sinh động", các bạn sẽ biết tới nhiều câu chuyện gai da sởn ốc tương tự như câu chuyện "bãi nôn của người nhà giàu". Tuy nhiên tôi không có ý định viết những câu chuyện chi tiết, và đau thương đó trong bài viết này.
Ở quê tôi - một làng quê truyền thống tại Thái Bình vào ngày rằm, ngày lễ, hay ngày giỗ, luôn có một hay nhiều mâm cúng giỗ được gọi là "cúng chúng sinh". Sau khi lễ cúng đã xong, người lớn sẽ đem một bát đầy gạo tẻ trắng rắc bốn góc vườn và khấn. Lời khấn có nhiều dị bản, nhưng nói chung đều là mời chúng sinh - cô hồn, dạ quỷ, ma đói,... lang thang khắp xứ không chốn hương hỏa đến nhận lễ của người sống. Nếu trong vườn nhà không có con gà, con vịt, con ngỗng, con chim câu,... hiển nhiên việc này chính là lãng phí thực phẩm. Thế nhưng, nếu nhìn lại vào lịch sử, tôi sẽ giữ cho mình sự im lặng.

Quên mất cảm giác đói

Đúng là Việt Nam đã là một trong những xuất khẩu gạo lớn nhất của thế giới, nhưng hỡi các bạn yêu quý của tôi, điều đó mới diễn ra chưa được một thế hệ. Lúc người lớn trong nhà bắt đầu "ôn nghèo kể khổ", nhiều lời các bạn có thể không cảm nhận được. Nhưng có lẽ các bạn sẽ hiểu được cái nghèo, cái khổ, và tất nhiên là cái đói đã ám ảnh họ như thế nào.
Dù hai mươi năm trước, cái đói không phải là một vấn đề hàng ngày với lớp người như tôi, tôi vẫn nhớ cảm giác mong ước có cho mình 500 đồng để mua một gói mỳ tôm trẻ em sau tiết học buổi chiều. Tôi vẫn nhớ những ngày dài mất điện năm sông Đà cạn nước phải nấu cơm bằng bếp ga, bếp củi giữa ngày hè nóng nực, tối muộn mới có cơm ăn. Dù không có ấn tượng sâu sắc như thế hệ đi trước, ít nhất tôi rõ cảm giác đói cồn cào đến đau ruột là gì.
Quan điểm sau đây là một nhận định hoàn toàn cá nhân, tôi cho rằng thế hệ trẻ em hiện đại Việt Nam là một thế hệ không biết cảm giác đói. Các bà mẹ hiện đại luôn lo con họ bị đói đến mức trong cặp của nhiều đứa trẻ đồ ăn nhiều hơn cả sách vở. Kinh tế phát triển, dịch vụ ăn uống nở rộ khiến cho cảm giác đói "không kịp chín" dù là với một đứa trẻ. Một hàng bân xiển, một quán bún đậu, xe bán "tà tưa"... bạn đã bao giờ nghĩ thử xem trong bán kính "15 phút" bạn có thể tìm thấy bao nhiêu hàng quán như vậy?

Bát sạch - một nét văn minh

Lại là một chút phiếm đàm lịch sử

Năm 1918, chính quyền Xô Viết gặp phải một cuộc khủng hoảng lương thực. Tại một cuộc họp của UBND, Churuva lúc đó đang là Ủy viên nhân dân phụ trách vấn đề lương thực, bất ngờ bị ngất xỉu. Người ta phải khẩn cấp điều bác sĩ đến khám. Khám xong, bác sĩ kết luận, Churuva bị ngất xỉu do đói! "Kỳ quặc" thay, là quan chức cao nhất phụ trách vấn đề lương thực của chính quyền Xô Viết, Churuva nắm trong tay quyền điều động hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng lại không giữ cho riêng mình số thực phẩm đủ để no bụng.
Chúng ta cũng đã có những lớp lãnh đạo "Bolsevik" như vậy, với chuyện cái xe đạp hai mươi mấy năm của chủ tịch nước, hay câu chuyện về các vị bộ trưởng phải cầm thúng đi vay gạo ăn mỗi ngày.
Với Bác, sự giải dị trong bữa cơm không chỉ nằm ở những thứ được bày lên mâm, lên đĩa mà là còn cách người ta thụ hưởng những sản vật đó. Sau bữa ăn, các anh chị nhà bếp luôn thấy bát cơm của Bác sạch bóng, không dính một hạt cơm thừa. Là một trong những lãnh đạo làm gương sáng trong chính sách "hũ gạo cứu đói", là một người đã chu du bốn bể năm châu thấu hiểu đau thương của các xứ thuộc địa, Bác hiểu hơn ai hết rằng mỗi hạt gạo trắng thơm không chỉ là mồ hôi mà còn là máu đang đổ của đồng bào.
Tôi có thể đang làm cao khi đưa ra "những ví dụ kinh điển" về "đạo đức cách mạng" hay là bất cứ cái thuật ngữ chính trị nào khác mà các "nhà phản biện xã hội" thích mỉa mai. Thế nhưng một ý thức hệ phản bội lại đạo đức, văn minh căn bản của nhân loại thì đó là loại ý thức hệ gì? Người theo Đạo chưa chắc đã hiền lành. Người bên lương bao người phải xuống địa ngục mà Chúa tạo ra? Chữ "người" là chữ đầu tiên trong cụm từ "người làm cách mạng". Không là người thì đừng bàn tới vế sau. Là người, thì không thể thiếu đi đạo đức.

Bát sạch là tôn trọng người nấu.

Nếu bạn thích mè nheo về việc bị bắt rửa bát, hãy thử cầm dao vào bếp tự nấu cho mình. Ngoại trừ mì tôm hai trứng, bạn sẽ thấy ngay cả việc luộc rau cũng không hề đơn giản. Nói đúng hơn, nấu ăn là một công việc vô cùng nặng nhọc, đòi hỏi trách nhiệm rất cao mà đôi khi còn đòi hỏi cả một chút tinh thần nghệ thuật.
Mỗi người mỗi ngày đều có 24 giờ, tại sao có một ai đó PHẢI bỏ ra hàng giờ đồng hồ để nấu ăn cho bạn? Lý giải cho vấn đề này chỉ có một trong hai lý do: hoặc là vì tiền, hoặc là vì tình thương.
Với điều tốt lành người khác đem tới, hay là sự trao đổi công sức làm việc của bản thân, thái độ đúng mực luôn luôn là sự tôn trọng. Đó là một câu hỏi về đạo đức không cần phải tranh cãi.

Bát sạch là tôn trọng người rửa bát

Dù không vất vả bằng nấu nướng, dọn dẹp rửa bát cũng không phải là một công việc dễ chịu và nhẹ nhàng nhất là vào tiết trời mùa đông lạnh của miền Bắc.
Chỉ cần đổ chút canh tráng qua bát và uống, bạn có thể khiến công việc đó nhẹ nhàng đi hơn một chút.

Bát sạch là giữ gìn hệ thống thoát nước chung

Năm 2017, 130 tấn chất béo đã làm tắc hệ thống thoát nước của thành phố London nước Anh. Để xử lý được khối chất rắn khổng lồ này, người ta đã phải dùng cuốc, xẻng, và nhiều loại thiết bị khai hầm mỏ chuyên dụng khác. Sự kiện này đã cho thấy một thực tế rằng rất rất ít người thực sự quan tâm đến thứ họ đổ xuống ống thoát nước trong gian bếp nhà mình. Dù Việt Nam là một nước có khí hậu ấm hơn Anh quốc, nhưng tôi cũng không hề ngạc nhiên nếu một ngày nào đó tại thành phố đông đúc và chặt trội như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, đường ống nước thải bị khủng hoảng trầm trọng chỉ vì những thứ còn thừa lại trong bát đĩa.

Lời kết

Quả thực có đôi lúc, những thứ đặt trên bàn ăn quá khủng khiếp để nuốt trôi, nhưng lỗi lầm đó không thuộc về bạn. Về mặt về mặt vi mô hay vĩ mô, về mặt lý hay mặt tình, về mặt lễ hay mặt đức, một chiếc bát/ đĩa sạch chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc bạn là một con người văn minh.
Vì vậy: HÃY ĐỂ BÁT SẠCH.