Lời người dịch:
Tôi đọc chuyên mục Modern love trên New York Times đã mấy năm nay. Trong những câu chuyện có thật của độc giả gửi đến với tỷ lệ được chọn 52 bài/ hơn 7000 bài hàng năm, không phải bài nào cũng xuất sắc nhưng lâu lâu tôi đều nhớ ra vào tìm xem bài mới. Có những câu chuyện có chủ điểm không liên quan đến bản thân nhưng cảm động cay cay sống mũi. Có những câu chuyện gần với tình cảnh của mình đến mức đọc đi đọc lại nhiều lần, lần nào cũng rưng rưng đặt tay lên lồng ngực. Đây là câu chuyện có thể phân loại vào cả hai nhóm trên, có lẽ là câu chuyện đầu tiên và duy nhất trong chuyên mục mà tôi chịu dành thời gian công sức để dịch, chỉ vì mong được chia sẻ được bài viết này đến nhiều người hơn. Lời văn trong nguyên bản tiếng Anh giản dị, chân thành; cảm xúc đẹp nao lòng, bi nhưng không lụy. Theo nhiều độc giả (trong đó có người dịch) thì có lẽ là bài viết hay nhất trong lịch sử 11 năm của chuyên mục đã hớp hồn hàng triệu người đọc trên khắp thế giới này.
Link gốc “One Bouquet of Fleeting Beauty, Please” cho bạn nào muốn đọc bản tiếng Anh.
.
.
Ngày đầu tiên đi làm ở cửa hàng hoa, tôi mang dép xăng-đan. Ngày thứ 2 tôi chuyển qua giày Oxfords vì thấy phải đi giày kín mũi. Ngày thứ 3, ngộ ra rằng không cần phải cầu kỳ trong giày dép, tôi mang ngay đôi Converse cao cổ màu đỏ mua riêng cho việc đi làm.
Mũi giày và đế giày trắng bóng phản ánh hoàn hảo tình trạng lính mới là tôi – mất bao lâu tôi mới gói được một bó hoa, hay phải khổ sở thế nào mới quấn được giấy quanh những bông hoa đơn lẻ sao cho đẹp mắt hoặc ít ra cũng coi được. “Cũng giống như quấn tã cho trẻ con nhỉ,” ai đó đã động viên tôi như thế, nhưng tôi cũng chưa phải quấn tã cho ai bao giờ.
Ước mơ được làm việc ở cửa hàng hoa khởi nguồn từ mảnh vườn lúc nào cũng ngập tràn hoa nở của bà tôi. Nơi đó tôi tha hồ nghịch bó hoa từ bất kỳ bông hoa nào tôi có thể ngắt được. Nhưng kinh nghiệm đó cũng chẳng giúp tôi đối mặt với số lượng xô nước phải kỳ cọ hay bùn đất cáu thành vết cứng đầu dưới đầu móng tay. Nhưng quan trọng nhất là tôi chẳng được chuẩn bị gì trong việc tiếp xúc với khách hàng, từ người đàn ông tặng 3 bông hoa cho 3 người lạ vào các thứ 3 hàng tuần, đến anh khách gửi hoa tặng chủ nhà tổ chức tiệc Lễ Tạ ơn sau khi giấu trộm dao ăn trong túi. Những câu chuyện của khách cứ len lỏi vào câu chuyện đời tôi và bám theo tôi ngay cả sau khi tôi khóa cửa hàng để về nhà.
Tôi luôn thích đọc những lời nhắn đi kèm mỗi bó hoa. Phần lớn là những câu quen thuộc, “Anh yêu em” hay “Chóng bình phục nhé”. Có nhiều “Chúc mừng sinh nhật” (Happy Birthday), “Mừng kỷ niệm đám cưới” (Happy Anniversary) và “Nghĩ đến em” (Thinking of You) đến mức lời chúc đọc qua điện thoại được viết tắt thành H.B., H.A., T.O.Y. Nhưng cũng có những lời chúc đặc sắc hơn, như “Tạm biệt bộ ngực cũ và gửi lời chào đến Megan phiên bản mới”, hay “Bố Johnny thân mến: Cảm ơn những con tinh trùng khỏe mạnh của anh.”
photo by Brian Rea.

Có lần tôi nhận đặt hoa qua điện thoại cho 12 bông hồng vàng và thiếp với lời nhắn “Xin lỗi, Anh là một thằng ngốc”.
“Thế thôi ạ?” Tôi hỏi.“‘Xin lỗi, Anh là một thằng ngốc?”
“‘Từ Chú vịt của em,’” anh khách thêm vào.
“‘Chú vịt’ là con vịt ý ạ?”
“Ừ, đúng là con vịt đấy đấy.”
Tôi thường cười nhạo những lời nhắn quá mùi mẫn, sáo rỗng hay tẻ nhạt, và tôi thấy thất vọng mỗi khi khách hàng hỏi tôi thiếp gửi lời chia buồn thì nên viết gì. Nhưng tôi cũng hiểu rằng tìm được lời thích hợp cũng là một công việc khó khăn và đôi khi những lời tìm được lại giống như câu chữ mọi người vẫn hay dùng.
Khoảng 6 tháng sau khi bắt đầu công việc, tôi bắt gặp một lời nhắn quá thành thật và thẳng thắn “Thiệp và hoa thì chẳng có ý nghĩa gì khi ai đó qua đời nhưng chúng tôi nghĩ đến bạn và muốn bạn biết.”
Tôi nghĩ rất nhiều đến dòng nhắn đó. Năm tôi 18 tuổi, bạn trai lúc đó quen được 2 năm của tôi đã treo cổ tự tử từ thanh xà ngang trong ga-ra. Đó là cậu trai đầu tiên tôi hôn, là người đầu tiên tôi yêu, người cuối cùng tôi nói chuyện vào hàng tối và người đầu tiên tôi trò chuyện mỗi sáng, cho đến một ngày nắng đẹp tháng 11 khi tôi bị mẹ cậu đánh thức qua điện thoại.
Mọi người gửi thiếp. Tôi chẳng nhớ họ viết gì, nhưng cử chỉ quan tâm mới là điều quan trọng. Hình như mọi người viết, “Xin gửi lời chia buồn,” hay “Chúng tôi rất buồn trước mất mát của gia đình.” Với tôi thì tất cả chỉ gói gọn lại trong một từ: mất. Sau khi cậu qua đời, tôi nghĩ đến cái chết đó như một điều xảy đến với mình, một hành động có chủ đích nhằm vào tôi vì một điều tôi đã hoặc không làm, và phải mất nhiều năm tôi mới thoát được lối suy nghĩ như vậy. Tính đến thời điểm làm việc tại cửa hàng hoa, tôi đã trút bỏ được phần nào tính hoài nghi và sự cay đắng của mình. Tôi không còn mặc những chiếc áo sơ mi cũ của cậu ấy lúc ngủ và từ bỏ việc tìm câu trả lời cho những câu hỏi không có câu trả lời, phần lớn là các biến thể khác nhau của câu hỏi không bao giờ ngớt trong đầu tôi, “Mình đã có thể làm gì?” Luôn có một câu trả lời, nhưng cùng lúc cũng chẳng có câu trả lời nào, và tôi đã học được cách chấp nhận điều này.
Tôi chuyển nhà, tốt nghiệp đại học và đã yêu một người khác. Tôi dễ dàng chấp nhận nỗi đau và hạnh phúc của mọi người hơn, hai trạng thái vẫn thường làm tôi khó chịu ngang nhau: nỗi đau thì quá quen thuộc và hạnh phúc thì quá xa vời. Tôi quan tâm hơn đến câu chuyện của những người khác và tôi càng đối diện với cả nét đẹp và sự xấu xí của cuộc đời, tôi càng cảm thấy lòng mình mềm lại. Tôi đã bán những bó hoa cho những cô gái chàng trai độc thân, những người cha mù màu đi mua hoa cùng những cô con gái lanh lợi, cho những người mới lên chức cha mẹ, ông bà, cậu dì, đến những cặp trai gái đôi mươi mới đính ước và những cặp vợ chồng kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Tôi đã tặng hoa cho những người đàn ông vô gia cư và họ đã tặng lại hoa cho những cô bé xinh xắn khác.
Mọi người mua hoa khi họ đang yêu, khi gặp khó khăn, khi say rượu, khi tuyệt vọng, hứng khởi và đôi khi chẳng vì lý do nào cả. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới có dịp biết những câu chuyện đằng sau các bó hoa kết thúc như thế nào. Tôi đã giúp một thanh niên mua hoa tặng cô gái anh đang hẹn hò, và anh kể sẽ sớm cầu hôn cô trong chuyến đi du lịch nước ngoài sắp tới của hai người. Tôi nhớ được người khách này vì anh muốn tìm loại hoa thơm nhất – hoàng anh, ly, huệ.
Tôi dành 15 phút cùng anh khách đi quanh cửa hàng, ngửi từng bông hoa. Đó là lần đầu tiên tôi buồn ngửi một bông hoa, dù tôi đã làm việc hàng tiếng đồng hồ. Sáu tháng sau, anh khách quay lại. Tôi lại chỉ giúp anh những bông hoa thơm nhất, và nhìn anh áp mũi vào những bó hoa và nghe anh kể về vợ mình giờ đang mang bầu.
Ban đầu tôi cũng ngạc nhiên trước sự tự nhiên và mức độ thường xuyên tôi được khách hàng chia sẻ về cuộc đời họ, nhưng sau đó mọi chuyện trở thành lệ thường. “Hoa này là nhân dịp gì ạ?” tôi hỏi vì đấy là một phần công việc. “Kỷ niệm ngày cưới.” “Sinh nhật.” “Chẳng vì lý do gì cả”. Nhưng đôi khi tôi được chia sẻ cả những chuyện như, “Thế này có vẻ như chia sẻ hơi nhiều, nhưng tôi đang hẹn hò với vợ cũ.” Và chỉ đơn giản thế thôi là tôi đã được tham gia vào câu chuyện hẹn hò với vợ/chồng cũ thì như thế nào.
Tôi ghi chép lại những lần nói chuyện này, chụp nhanh những tấm thiệp, và kể những câu chuyện tôi thích nhất cho đồng nghiệp, gia đình và bạn bè, nhưng có quá nhiều chuyện đã bị bỏ qua. Tôi đánh mất những mẩu giấy Post-it hoặc không nhớ được những mẩu ghi chép vắn tắt của mình là về chuyện gì. Các chi tiết cứ trôi mất, và đôi khi tôi cảm thấy tôi càng cố níu giữ chúng thì các câu chuyện lại càng trở nên nhạt nhòa đi. Tôi thường phát điên vì điều này. Thật xấu hổ, khi được nghe nhiều câu chuyện như vậy mà lại để chúng trôi đi như nước trôi khỏi bàn tay dù mình đã khum tay lại. Nhưng tôi nhận ra rằng điều quan trọng là sẽ luôn có nhiều câu chuyện khác, và điều này giúp tôi quen với việc đánh mất những câu chuyện cũ.
Vì sao chúng ta tặng hoa cho nhau? Để thay thế cho những điều vô hình? Những cảm xúc ta không thể nắm giữ trong tay và trao tặng thành quà cho những người thân yêu? Và tại sao vật đại diện mà chúng ta chọn – chục bông hồng đỏ, một cành ly trắng ngát hương, một bó tulip — lại phù du chóng tàn như vậy? Níu giữ chúng quá lâu thì ta chỉ còn lại những cánh hoa, phấn hoa rơi lả tả và bình nước đã bốc mùi.
Sau cái chết của cậu bạn trai, tôi cố tìm môt sự kết thúc. Tôi viết những lá thư và đem đốt đi. Tôi tìm đến một rồi hai bác sỹ trị liệu tâm lý. Tôi tập yoga và thiền. Tôi chuyển đến Colorado, rồi Oregon. Tôi đi nhiều nơi và đều mang cậu theo. Tôi đã nứu giữ bóng hình cậu quá lâu.
Có một tấm hình của cậu tôi chụp trước khi đi học đại học vài ngày, hai tháng trước khi cậu mất. Đó là mùa hè của những bữa tối khoai tây chiên và guacamole chúng tôi đã cùng ăn trên sàn phòng khách. Cậu đứng trong bếp mặc áo phông trắng và quần bò, tay cầm đúng nửa quả bơ. Mặt cậu đang quay đi, không hướng về phía máy ảnh, nhưng tôi vẫn thích nghĩ là cậu đang cười. Tôi vẫn nhớ bài hát chúng tôi đã nghe hôm đó, tiếng ếch kêu qua tấm cửa lưới, tôi đi chân trần trên sàn gỗ. Những khoảnh khắc quý giá càng trở nên đáng quý hơn bởi sự thật là chúng đã đến và qua đi.
Giờ đây tôi nhận biết tháng bằng loài hoa vào mùa trong tháng: hoa hướng dương vào tháng 7, thược dược tháng 8, tầm xuân và phong tháng 10, cây thông tháng 12, dạ lan hương tháng 3, mẫu đơn tháng 5. Một trong những loài hoa tôi yêu nhất là mộc lan tím, khi nụ ra hoa và hoa nở bung thành những thảm màu trên cỏ, tất cả chỉ diễn ra trong vài tuần trong khi hoa anh đào nở và rụng như tuyết. Sự vô thường có thể đẹp sững sờ đến như vậy.


Thu Tran Dịch.